- Trao đổi về việc tăng giá điện, nhiều ý kiến cho rằng không nên tăng giá điện trong lúc nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn và nếu tăng từ 8-9,8% vẫn là quá cao. Ngoài ra, trong tuần, các vấn đề như vụ việc người Việt ở Nga bị sát hại; công nhận chức danh PGS, GS; thưởng Tết giáo viên... cũng nhận được nhiều góp ý và trao đổi của bạn đọc.
Giá điện đã được đề xuất tăng nhiều lần nhưng đều chưa được thực hiện. Ảnh: VNN.
Thông tin về việc sẽ tăng giá điện trong quý 1/2009 khiến nhiều người dân lo lắng. Rất nhiều ý kiến cho rằng không nên tăng giá điện trong thời buổi lạm phát vì sẽ kéo theo giá rất nhiều mặt hàng khác tăng theo, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.
Tăng giá điện là đi ngược lại mục tiêu kích cầu
Bạn Nguyễn Minh Trí, Thủ Đức, TP.HCM, E-mail: tri_nguyenminhtri@... viết: "Trong tình hình kinh tế hiện nay, mục tiêu là kích cầu. Chính phủ đã tung ra những khoản tiền để giúp kích cầu cho nền kinh tế. Nhưng việc tăng giá điện có tác dụng ngược lại chính sách trên. Việc tăng giá điện như thế có thể làm cho cầu đầu tư giảm sút trầm trọng".
"Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến nhận định của 2 chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Ngô Trí Long. Trong khi Nhà nước đang kiềm chế lạm phát và chi những gói kích cầu cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà EVN lại đòi tăng giá điện thì không hợp lý lắm. Vì mặt hàng này rất nhạy cảm, liên quan đến tất cả các doanh nghiệp ngành nghề nên tôi đề nghị nên xem lại và sớm tháo bỏ tính độc quyền của ngành điện", ý kiến của bạn Hoàng Triều Dương, E-mail: caugiaylt@...
Bạn Triệu Sang, Châu Thành, Sóc Trăng, E-mail: sangtrieu1954@... than: "Đang lúc tình hình kinh tế khó khăn thế này mà tăng giá điện là rất khổ cho người dân, nhất là những người nông dân như chúng tôi. Xin đề nghị hoãn lại, khi kinh tế ổn định hãy tăng giá".
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, không nên tăng giá điện là ý kiến của bạn Nguyễn Nguyên, Hà Nội, E-mail: nguyen127604@...: "Không nên so sánh giá điện với khu vực, hãy nhìn thực tại vào nền kinh tế của chúng ta, lương công nhân và thu nhập của chúng ta có bằng họ không? Hãy vì nền kinh tế, vì đời sống nhân dân nước nhà, ngành điện nên chia sẻ với cộng đồng lúc khó khăn này. Lộ trình tăng giá hãy để lúc thời cơ thuận lợi, hãy chờ qua cơn giảm phát. Mong ngành điện cân nhắc kỹ, Chính phủ cân nhắc kỹ".
Nếu tăng giá điện phải đảm bảo chất lượng điện
"Nếu đẩy giá điện tăng lên theo cơ chế thị trường, tôi nghĩ lúc đó Điện lực VN sẽ phải đảm bảo sự ổn định về điện cung cấp cho người tiêu dùng", ý kiến của bạn Trần Ngọc Tuấn, Thái Nguyên, E-mail: quyhtoof@...: "Bất kỳ một sự cắt điện không báo trước hay không đáp ứng được nhu cầu dùng điện của dân như trong hợp đồng giữa Điện lực VN và dân đều là sự vi phạm hợp đồng. Vì vậy, nếu đẩy giá điện theo cơ chế thị trường thì Điện lực VN cũng nên chuẩn bị tốt lượng điện cần thiết, tránh tình trạng xảy ra như mọi năm.
Bạn Chinh Dang, Lý Thái Tổ, E-mail: snowdarling17@... cho rằng cần thanh tra việc sử dụng vốn của ngành điện: "Theo tôi, cần phải thanh tra ngành điện về việc sử dụng vốn để tái đầu tư. Ngành điện luôn luôn kêu lỗ và yêu cầu Chính phủ tăng giá điện.
Nếu đẩy giá điện theo cơ chế thị trường thì Điện lực VN cũng nên chuẩn bị tốt lượng điện cần thiết. Ảnh: VNN
Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ của ngành điện lại kém, vào những thời gian cao điểm như mùa hè, dân và doanh nghiệp vẫn phải chịu thiếu điện, bị cắt điện luân phiên gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây khó khăn cho đời sống. Điều này thể hiện việc tái đầu tư của ngành điện rất kém và cũng thể hiện sự độc quyền, thiếu tính cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Nếu coi người sử dụng điện là khách hàng và phải chịu mua điện theo giá cả thị trường thì họ được quyền yêu cầu người bán cung cấp dịch vụ tốt nhất, được quyền lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Tuy nhiên, việc này là không thể có, vì chúng ta chỉ có một đơn vị duy nhất cung cấp điện cho cả nước và khách hàng không bao giờ có cơ hội lựa chọn!
Thiết nghĩ, điện năng, xăng dầu là năng lượng thiết yếu cho sản xuất, kinh doanh, việc tăng giá đầu vào sẽ làm tăng giá sản phẩm đầu ra và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên thành lập hội đồng quốc gia để xem xét, khảo sát, điều tra kỹ lưỡng trước khi tăng hay giảm giá những mặt hàng thiết yếu, tránh những cơn sốc tài chính cho doanh nghiệp và người dân, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay, khi mà mọi nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan có liên quan đều tập trung vào chống nguy cơ giảm phát".
"Tăng giá điện thì cũng là việc cần thiết nhưng trong tình hình kinh tế được dự báo là khó khăn trong năm nay thì liệu đã phù hợp chưa? Đó là một vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân có mức sống còn thấp nhưng lại chính là những tầng lớp rất "nhạy cảm" với những biến động của thị trường bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường ngày của họ.
Lấy một ví dụ đơn giản là nông dân: Đầu năm 2008, giá cả rất cao, mọi chi phí cho sản xuất nông nghiệp đều tăng vọt nhưng đến mùa thu hoạch cuối năm thì giá nông sản lại giảm tới 1/3 đến một nửa, đời sống cực kì khó khăn. Với một lượng vốn ít ỏi đầu tư cho sản xuất, liệu nông dân có thể chịu đựng được đến mức nào hay sẽ "phá sản hàng loạt"?
Chưa biết tình hình năm nay thế nào nhưng nếu nghe đến việc tăng giá bất cứ cái gì chắc hẳn họ sẽ không khỏi giật mình. Nguyên nhân đơn giản bởi ngay việc trả một lượng tiền điện sinh hoạt hàng tháng cũng đã cần phải tính toán bởi nó chiếm một khoản thu nhập nhất định của họ. Đấy là chưa kể hàng loạt các mặt hàng khác sẽ tăng giá và đời sống của họ sẽ càng vất vả, khó khăn hơn.
Một ví dụ nữa đó là các sinh viên ở trọ, hiện nay tại Hà Nội, sinh viên ở trọ đã phải trả tiền điện với mức giá 2.500đ/1 số điện. Nếu tăng giá điện, các chủ nhà trọ sẽ còn thu của sinh viên với mức giá như thế nào. Hơn nữa, cùng với tăng giá điện, các mặt hàng tiêu dùng cũng sẽ theo đó tăng lên càng làm cho đời sống vốn đắt đỏ nơi thị thành trở nên khó khăn hơn đặc biệt đối với một bộ phận không nhỏ sinh viên từ nông thôn. Còn không ít ví dụ khác nhưng đó là 2 ví dụ dễ thấy nhất", trao đổi của bạn Phong, Cầu Giấy, Hà Nội, E-mail: giangphong47@...
Sự việc 2 công dân Việt Nam bị sát hại tại Nga trong mấy ngày gần đây đã thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều ý kiến gửi về toà soạn để chia sẻ cũng như kêu gọi sự quan tâm giúp đỡ của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho những người Việt tại Nga.
Bạn bè đặt hoa viếng Bình. Ảnh: mekongnet.ru
Cần đảm bảo an toàn cho các công dân Việt Nam sống tại Nga
Bạn Trần Văn Lâm, E-mail: tranlam_84_bn@... chia sẻ: "Tôi nghe tin này mà buồn vô cùng, thấy lo ngại cho công dân Việt Nam đang sống tại Nga. Từ trường hợp Tăng Quốc Bình bị thiệt mạng tới nay, phía Nga chưa thể hiện những biện pháp nhằm bảo đảm an ninh cho công dân Việt Nam. Số công dân hiện đang còn ở Nga mới đáng lo ngại!".
"Lại thêm một người Việt Nam nữa lại bị sát hại tại Nga. Đau lòng quá, liệu những người VN đang ở Nga có thể an tâm được không?", bạn Võ Hùng, Saint Peteburg, E-mail: vohung.qh@... lo lắng.
Bạn Hiền, Puskin, Moscow, E-mail: homnay_vamaimai_4444@... bày tỏ sự lo ngại: "Đến bây giờ, sau khi nghe tin về cái chết mới của người công nhân này thì tất cả chúng tôi thực sự hoang mang. Không biết tiếp sau đó còn có thêm bao nhiêu công dân Việt Nam bị sát hại nữa. Chúng tôi cũng chỉ biết bảo nhau phải bình tĩnh và tìm mọi biện pháp để tự bảo vệ mình.
Nhiều bạn bè học cùng tôi ở đây giờ chỉ muốn về Việt Nam. Tôi vẫn luôn tự trấn an bản thân. Tất nhiên sự việc không chỉ đơn giản dừng ở đó, tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng chúng ta hãy luôn bình tĩnh xem xét sự việc, đừng quá lo sợ. Hãy tìm cho mình những biện pháp tự bảo vệ hữu hiệu nhất. Tương lai của đất nước đang trông chờ vào chúng ta rất nhiều. Và chắc chắn nơi quê hương yêu dấu, những người thân yêu cũng đang mong đợi chúng ta".
Nếu không có gì thay đổi, kỳ thi tuyển sinh năm 2009 sẽ là kỳ thi cuối cùng. Chủ trương mới này nhận được một số ý kiến góp ý.
Bộ Giáo dục nên trưng cầu ý kiến của dân về một kỳ thi Quốc gia
Bạn Nguyen Thi Minh Loc, Huế, E-mail: sentrang_h@... có ý kiến "Em thấy nếu như không còn kỳ thi ĐH-CĐ thì sẽ không còn có ý nghĩa nữa, vì từ trước đến giờ, ông cha ta đều thi theo hình thức như vậy: là có "tú tài", có "cử nhân" như xưa và nay. Và em thấy thế thì cũng thật bất công cho những thí sinh tự do.
Thí sinh dự thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền năm 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Những năm trước, những người "khát" học còn có cơ hội rất nhiều để thi lại, nhưng giờ đây chuyện đó đâu còn có thể xảy ra nữa. Em mong muốn rằng các thầy, cô hãy cho những người còn muốn đi học, còn muốn nâng cao kiến thức của mình có cơ hội được học, được đến trường và được có cơ hội khoác lên người tấm áo ĐH".
"Một chủ trương đúng là một chủ trương hợp lòng dân. Bộ Giáo dục nên trưng cầu ý kiến dân. Bộ cứ ra văn bản gửi về các trường PTTH là biết được kết quả. Phụ huynh chúng tôi rất muốn Bộ làm việc này.
Ba năm qua, cứ vào dịp năm học mới, tôi thấy Bộ Giáo dục đưa ra nhiều chủ trương rất hay: chống tiêu cực trong thi cử, hai không, ba không, nâng cao đạo đức giáo viên... nhưng có rất nhiều giáo viên ở các tỉnh đã đi mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giả ở các trung tâm nhưng có thấy bị đã xử lý đâu. Thật là nực cười khi những người giáo viên như vậy mà còn được đứng trên bục giảng dạy học sinh", ý kiến của bạn đọc ở địa chỉ E-mail: nhannganphong2361992@...
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề sau:
Người dân ở Lào Cai chống chọi ra sao với cái rét?
Đọc bài Băng giá ở Sa Pa, ai cũng xót thương trước những hình ảnh lũ quét xảy ra ở Bản Tùng Chỉn do hoàn nguyên bão số 4 gây ra. Với suy nghĩ mình có thể giúp gì cho bà con mình ở nơi thiên tai như vậy, ngày 07/01/2009, chúng tôi đến Bản Tùng Chỉn để trao quà: có áo, khăn, mũ, găng tay bằng len và giầy ba ta, tất cả là đồ mới cộng với quà tết và tiền mặt cho tất cả bà con trong thôn, tuy không nhiều nhưng cũng góp phần làm ấm lòng bà con ngày rét gần Tết.
Nhưng có một điều mà chúng tôi rất băn khoăn: không hiểu giá rét ở Lào Cai như vậy thì bà con sống thế nào? Nhà của bà con vẫn tuềnh toàng, vách quanh nhà của cả thôn chỉ là những tấm nứa như phên đậy gạch của các lò gạch, gió lùa tứ phía, hôm đó trời không rét lắm mà chúng tôi còn không đốt nổi nén hương cho người đã khuất...
Đọc những bài nói về giá rét ở Lào Cai mà chúng tôi thấy xót cho bà con, không biết đêm họ ngủ làm sao? Trâu còn chết thì người già và trẻ con sẽ sống thế nào? (Trần Trọng Là, Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội, E-mail: ttrongla@...)
Những cây đào cổ ở Sa Pa đang bị chặt bán dần
Những cây đào cổ hàng chục năm tuổi ở Sa Pa đang bị người dân chặt dần. Cây đào cổ Sa Pa không có nhiều và loài đào cổ là biểu tượng của địa danh du lịch nổi tiếng này. Vậy mà người dân đang chặt đi để bán thu đuợc số tiền không đáng kể so với ngành du lịch thu được. Nhà nước nên tuyên truyền để người dân không chặt đào cổ và người mua cũng không nên mua đào cổ để Sa Pa là điểm du lịch có tính văn hoá cao. (Trần Văn Hạnh, Lãng Yên, Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội, E-mail: Tranhanh7214@...)
Bức xúc trước vụ tráo cây của Công ty Thuận Thảo
Tôi thật bức xúc khi đọc loạt bài viết về Công ty Thuận Thảo hoán đổi cây xanh vào khu resort và sự lơ là của chính quyền ở Tp. Tuy Hòa. Thật không thể hình dung sự bạc nhược, thiếu trách nhiệm của những người có trách nhiệm ở đây. Phải chăng do sự kết nối chặt chẽ giữa Thuận Thảo và chính quyền? (Nguyen Minh, Gò Vấp, E-mail: idischan@...)
Báo VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!