- Quanh việc Thành phố Hà Nội quyết định xây dựng trung tâm thương mại trên nền chợ 19-12 cũ, rất nhiều bạn đọc cho rằng chúng ta không nên xây dựng trung tâm thương mại bởi lẽ đây là một trong những địa danh rất có ý nghĩa về lịch sử, tâm linh. Thành phố nên giải toả chợ, trả lại con đường nguyên bản ban đầu và xây dựng các công trình mang tính lịch sử để tưởng nhớ những người đã hy sinh bảo vệ Thủ đô.
Chợ 19/12 cũ, nay đã được giải phóng mặt bằng, các hộ kinh doanh chuyển ra chợ tạm Phùng Hưng từ tháng 11/2008 (Chụp tháng 12/2008 - Ảnh: H.H). |
Ký ức về con đường 19-12
Không được phá bỏ những gì thuộc về quá khứ và tâm linh. Sau khi đọc bài viết nêu trên, những quá khứ thời niên thiếu lại ùa về đầy ắp trong tôi. Thời đó là những năm cuối thập kỷ 70, người ta chưa có chợ 19-12 mà khu vực đó bọn tôi gọi là "Mồ liệt sỹ". Sáng sớm, chúng tôi tập thể dục và đá bóng giữa đường Lý Thường Kiệt vắng vẻ, sạch bóng không có lấy hạt bụi (thậm chí còn có thể nằm lăn ra giữa đường khi mệt quá). Rồi trèo tường qua cánh cổng sắt vào khu mồ liệt sỹ bắt sâu cước để dọa bọn con gái.
Giữa khu mồ có một cái lư hương (tôi gọi thế vì nó giống hệt cái lư hương bằng đồng của bà tôi) xây bằng gạch, to bằng 2/3 chiếc chiếu, bọn tôi còn trèo lên và ngồi trong cái lư đó khi chơi trốn tìm. Dọc hai bên con đường là hai gò cao chạy dọc như triền đê, nơi đó là mộ tập thể với cỏ may mọc xen dày.
Sát khu mồ là nhà máy điện cơ làm việc suốt ngày đêm với tiếng gõ đều đều của máy đột dập (bây giờ là KS Melia) và toà nhà Tòa án Nhân dân với những hàng sấu cao để bọn trẻ chúng tôi vào trèo nhặt sấu và trêu bác bảo vệ. Góc bên kia đường, đầu phố Thợ Nhuộm là quầy bán báo của một anh bị bại liệt, là nơi mà chúng tôi thường nhặt được những đồng 2 xu anh không may làm rơi xuống gầm ki-ốt bán báo mà không thể nhặt được..., tất cả tạo nên một quần thể với ký ức không thể nào quên.
Thế mà bây giờ lại định biến con đường thành khu siêu thị thương mại? Đừng để những con người ở một nơi nào đó, không hề có quá khứ hình ảnh về một Hà Nội ngày nào có quyền đang tâm phá bỏ những gì mà họ không hiểu và mãi mãi không thể hiểu được. Tôi cực lực phản đối dự án phá bỏ phố 19-12 và xây TT thương mại. Nên bỏ đi khu chợ 19-12 để giữ lại con phố với bia tưởng niệm mới là hành động hợp lòng dân. Dương Ngọc Hùng, Trần Hưng Đạo, email: duongngochung@...
Thực tế, lúc nhỏ tôi từng đứng xem bộ đội cất bốc các liệt sĩ ở một dãy bụi chuối sát đền Hai Bà Trưng và tôi đã từng theo xe tang sau khi làm lễ truy điệu các liệt sĩ gần ô chợ dừa đưa về con đường 19-12 để chôn cất. Vì thế, đoạn đường này rất có ý nghĩa với người Hà Nội và cả nước trong thời kỳ 9 năm toàn quốc kháng chiến.
Tôi kiến nghị hãy xây dựng một quần thể tưởng niệm gồm: 1 tượng đài các anh hùng liệt sĩ và nhân dân đã hy sinh trong 9 năm kháng chiến; 1 khu trồng hoa và cây xanh để giúp người cao tuổi có nơi thư giãn và nghỉ ngơi. Cũng không nên làm thành 1 con đường từ Hai Bà Trưng nối sang Lý Thường Kiệt vì cách đấy hơn 100 m đã có phố Hoả Lò, xuôi xuống 200 m đã có phố Quang Trung. Rất mong thành phố nghiên cứu kỹ trước khi cho xây dựng. Nguyễn Văn Nghĩa, Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội, email: nguyenvannghia49@...
Là một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, đến nay đã gần 70 tuổi, tôi không khỏi suy nghĩ về sự kiện Hà Nội dự định xây siêu thị 19-12. Tuy sự kiện 19-12 diễn ra lúc tôi còn quá nhỏ, nhưng lớn lên và trưởng thành giữa lòng Hà Nội, được cha ông, thày cô giáo dạy về lịch sử dân tộc, lịch sử anh hùng của người dân Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đã in sâu vào tâm trí tôi đến nay.
Tôi thật sự bức xúc khi nghe tin Hà Nội định xoá bỏ con đường 19-12, nơi mà ở đó còn chứa đựng hài cốt của những người con của Hà Nội hy sinh để xây dựng siêu thị. Xin đề nghị các cấp lãnh đạo thành phố hãy suy nghĩ thận trọng hơn, hãy quan tâm đến nguyện vọng của người dân Hà Nội và cả nước muốn lưu giữ tài sản quý giá này trong truyền thống của Thủ đô Hà Nội. Chúng ta nói nhiều đến giáo dục truyền thống cho con cháu, sao nỡ xoá bỏ đi cái di tích quý giá đó! Hoàng Kim, Hà Nội, email: kimngochv@...
Không nên tận dụng khai thác đất trung tâm
Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội cần có quan điểm đúng hơn về việc quản lý, khai thác và sử dụng quỹ đất trung tâm hợp lý. Thành phố Hà Nội đã mở rộng hơn trước rất nhiều, tại sao không xây dựng các trung tâm thương mại ở các khu vực dân cư thủ đô mới. Có lẽ nào họ không biết các khu phố cũ của Hà Nội cần giữ gìn nét đẹp, nét văn hóa riêng vốn có của ngàn năm văn hiến. Trần Hoàng Linh, Hà Nội, email: hanoimeored@...
Sự hình thành chợ tạm 19-12 tại Quận Hoàn Kiếm là điển hình ngẫu hứng của nhà quản lý thời bao cấp, hãy đừng tiếp tục sự ngẫu hứng ấy trong tư duy khi mà Thủ đô Hà Nội đang là nạn nhân của sự ngẫu hứng vô ý thức của một tư duy lạc hậu trong quy hoạch đô thị. Giá trị vô hình của không gian và thời gian không thể đo bằng tiền bạc được. Hãy bình tâm nhìn lại khi một Thủ đô ngổn ngang, xô bồ trong một không gian quy hoạch hổ lốn mà đưa ra những quyết sách đúng. Nguyễn Trọng Hiến, Hà Nội, email: tronghien55@...
Chỉ cần tính đủ theo quy định, mỗi tường bên của công trình 17 tầng này nếu muốn mở cửa sổ phải lùi lại 2m thì mới thấy tỷ lệ của công trình này sẽ là công trình siêu mỏng lớn nhất Hà Nội. Đây là thời kỳ mà chúng ta không cần sự đánh đổi để khỏi tuột mất cơ hội đầu tư như cách thức làm trước đó đối với Melia Hotel liền kề. Đô thị kỉ niệm 1.000 năm tuổi là đô thị có trí nhớ của lịch sử, văn hóa. Hãy dừng tay xây dựng công trình này vì Hà Nội của con cháu mai sau. KTS Nguyễn Phú Đức, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, email: Nguyenphu_duc05@...
Xây đài tưởng niệm cao ít nhất 3m giữa hai khu nhà 7 tầng và 17 tầng thì chỉ là bức tường rào thôi! Tượng đài có chuẩn của tượng đài. Vài năm sau, người ta che mái để làm chỗ trông xe cho khu siêu thị thì tượng đài thành cái gì?! Nguyen Van Noi, Hà Nội, email: noictct@...
Tôi ủng hộ ý kiến của bà Phạm Thị Thành! Xung quanh khu vực chợ 19-12 đã có nhiều chợ và trung tâm thương mại, không cần tồn tại chợ 19-12 nữa làm gì. Thủ đô Hà Nội cần được biết đến nhiều hơn với những khoảng không gian lịch sử và tâm linh. Nên chuyển khu đất đó thành công viên với tượng đài kỷ niệm những người Hà Nội đã hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến. Dù đất Hoàn Kiếm có giá trị cao nhưng giá trị văn hóa và truyền thống do nó tạo ra còn lớn hơn nhiều lần so với giá trị vật chất nếu đó chỉ là một khu mua sắm. Pham Hung Son, Hà Nội, email: p_h_son@...
Hãy trả lại tên cho con đường 19-12
Hoan hô nhà sử học Dương Trung Quốc, hoan hô NSND Phạm Thị Thành và tất cả những người có luơng tri, có tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm với Hà Nội đã mạnh dạn nói những điều tâm huyết, những bức xúc của bao người dân: Hãy xoá bỏ chợ tạm 19-12 và trả lại tên cho đường. Hãy để đường thông hè thoáng cho hàng triệu người dân đi lại được nhờ, giảm bao nhiêu nỗi khó nhọc thời gian công sức của bao người dân Hà Nội cũng như bao người dân mọi miền đất nước khi đi lại về thăm Hà Nội. Huỳnh Văn Thuận, TP.HCM, email: thuanv@...
Nói "phù hợp với nguyện vọng của đại đa số nhân dân Thủ đô" là hoàn toàn không có cơ sở. Nói biến chợ thành trung tâm thương mại là "đánh tráo" khái niệm. Đó là đường phố, bị trưng dụng tạm làm chợ giống như nhiều đoạn đường khác. Con đường đó có từ khi Hà Nội chỉ vài vạn dân, nay đã vài triệu người, vì vậy cần mở ra chứ không thể bịt lại. Trương Thanh Đức, ngõ Thịnh Hào 1, Hàng Bột, Hà Nội, email: truongthanhduc@...
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Dương Trung Quốc và bà Phạm Thị Thành. Con đường 19-12 phải được giữ và nơi đây ta sẽ xây dựng đài tưởng niệm những người đã hy sinh, đã mất, đồng thời còn gây tính uy nghiêm của tòa nhà Tòa án tối cao. Chúng ta không thiếu gì siêu thị, chợ. Chợ nào cũng hiện đại hóa cả rồi: Cửa Nam, Hàng Da... đã được xây đủ nơi mua bán. Đã đến lúc chúng ta phải sống cho tương lai. Nguyễn Trung Dũng, Hà Nội, email: dzung@...
Theo tôi, chúng ta không nên xây dựng trung tâm thương mại trên khu đất chợ tạm 19-12 bởi lẽ đây là một trong những địa danh rất có ý nghĩa về lịch sử và cả mặt tâm linh. Thay vì điều đó, thành phố nên giải toả chợ, trả lại con đường nguyên bản ban đầu và xây dựng các công trình mang tính lịch sử để tưởng nhớ những người đã hy sinh bảo vệ Thủ đô... Tôi nghĩ rằng, xung quanh khu vực chợ 19-12 không thiếu các trung tâm thương mại, một số dự án thành phố đã triển khai như: Chợ Cửa Nam, Trung tâm Thương mại Tràng Tiền, Vincom... Chúng ta nên chọn một địa điểm khác thích hợp để xây dựng. Minh Dũng, Hà Nội, email: namminh@...
Ý kiến của Nhà Sử học Dương Trung Quốc là hợp lý cả về kiến trúc cũng như lịch sử. Hà Nội đã quá ngột ngạt nên làm con đuờng qua chợ 19-12 và dựng bia tưởng niệm không thờ cúng vì con đường đó sẽ nối với Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo là rất đẹp và tạo cảnh quan uy nghi cho toà án. Long, Hà Nội, email: hoang-l@...