- Trong tuần qua, tòa soạn nhận được hàng ngàn thư bạn đọc bày tỏ quan điểm và đồng tình với tuyên bố của Bộ Ngoại giao về vấn đề chủ quyền đất nước. Tuy nhiên, do khuôn khổ có hạn nên chúng tôi không thể đăng tải hết tất cả các ý kiến của bạn đọc. Mong các bạn thông cảm.
Xung quanh bức ảnh triệu đô và nghi án đạo ảnh, toà soạn nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc. Nhiều ý kiến cho rằng không thể nói bức ảnh của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Lam là đạo ảnh vì cũng có nhiều người chụp ảnh Lăng Bác với góc độ như vậy. Các vấn đề liên quan tới chấn hưng giáo dục, y tế, xe buýt... trong tuần cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của độc giả.
Không thể gọi là đạo ảnh
Bạn Nguyễn Mạnh Hùng, Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP. HCM, email: nmhung@... cho rằng không cần có chuyên môn, cũng nhận thấy hai bức ảnh khác nhau về ánh sáng và bố cục: "Trong thực tế, việc chụp một vật thể tĩnh, có thể sẽ có sự trùng lặp. Sự khác biệt quan trọng là thời gian. Ông Minh Lộc không thể cấm ông Trần Lam chụp Lăng Bác giống ông được. Nếu nói như ông Minh Lộc, rất có thể có một ai đó chụp sếu đầu đỏ sẽ bị ông cho là đạo ảnh, vì ông có điều kiện chụp quá nhiều ảnh sếu đầu đỏ".
Ý kiến khác lại cho rằng không hiểu tại sao ông Minh Lộc lại kết tội ông Trần Lam đạo ảnh, bạn Le Quoc Trung, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội, email: amexpieg@...: "Tôi thấy những bức ảnh chụp ở những góc độ và ánh sáng như kiểu hai bức ảnh trên có rất nhiều. Ai đến thăm Lăng Bác cũng chụp một vài ảnh kiểu như vậy, chỉ có điều người ta không công bố. Và bức ảnh của ông Trần Lam được trả giá cao chỉ vì tiền thu được từ việc bán bức ảnh đó được dùng để làm từ thiện cho trẻ em nghèo".
|
Bức ảnh Mặt trời trong lăng sáng tỏa của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lam |
Không thể gọi là đạo ảnh là ý kiến của bạn May May, Quảng Trị: "Hẳn đã có hàng trăm ngàn người đứng ở góc độ đó về đêm để chụp cảnh Lăng Bác. Xem hai bức ảnh trên, tôi thấy ảnh của Trần Lam đẹp hơn nhiều, bố cục tuyệt hơn và ánh sáng cũng vậy. Một tấm ảnh có độ sâu về nghệ thuật. Tôi là người "mù" ảnh, nhưng nếu bức của ông Minh Lộc chỉ dừng lại ở việc vẽ nên một khung cảnh tĩnh lặng về đêm với ánh trăng vằng vặc, khiến người ta liên tưởng đến một "vầng trăng" khác trong Lăng, thì ảnh của Trần Lam cho thấy một hoàng hôn đang xuống, nhưng hào quang của vầng mặt trời vẫn toả rạng. Nhất định đây là hai bức ảnh khác nhau hoàn toàn".
Bạn Hoang Linh, TP.HCM, email: u18vn@... cho rằng các nhà nhiếp ảnh nên tự coi lại mình: "Bởi lẽ với vật bất biến, cụ thể ở đây là khối Lăng và ánh sáng đèn chiếu luôn không thay đổi. Góc chụp về Lăng cũng không bị cấm bởi các qui định về bản quyền. Vậy thì bất kỳ một người nào đó cũng có thể chụp hình Lăng, cho dù với mục đích gì đi chăng nữa miễn là có giá trị nhân văn. Nếu người sau mang hình đi dự thi hoặc trưng bày có chữ ký hay bút tích của người khác mà không được sự đồng ý của người đó thì mới gọi là vi phạm chứ. Vậy ở đây Ông Minh Lộc nói là đạo ảnh của ông thì tôi cho đó là ngộ nhận mà thôi".
Đáng trân trọng một việc làm từ thiện
Bạn đọc Dương Thanh Xuân, Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN tỉnh Phú Yên, email: dthanhxuan@... cho rằng ảnh phong cảnh giống nhau là chuyện thường gặp: "Tôi đã thấy bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc đăng ở đâu đó lâu rồi. Mới đây, thấy bức ảnh của AHLĐ, NSNA Trần Lam được giới thiệu và được mua với giá triệu đô, tôi cũng thấy ngờ ngợ vì góc ảnh khá quen thuộc. Tôi rất mừng cho lao động nghệ thuật của đồng nghiệp được đánh giá cao. Ông Trần Lam có “tham khảo” góc độ của ông Minh Lộc hay không thì như VietNamNet đã nêu, có điều tôi thấy việc giống nhau này là chuyện không có gì phải ầm ĩ.
Ai lên Sa Pa mà không chụp mái nhọn của ngôi nhà thờ cổ. Ai đến Nha Trang mà không chụp ảnh Hòn Chồng, Cầu xóm bóng, ai đến Huế mà không chụp cảnh ngọ môn… Cũng loanh quanh mấy góc độ ấy, ảnh dễ trùng lặp nhau, nếu kiện nhau về việc “đạo ảnh” trong ảnh phong cảnh tôi e là việc dã tràng xe cát…
Tôi nhớ hình như cũng từng thấy một bức ảnh trắng - đen chụp cảnh Lăng Bác giống như thế, với góc độ và ánh sáng như thế của một tác giả khác được công bố, nghĩa là (theo tôi biết) đã có không dưới hai bức ảnh giống nhau như thế này. Các thợ chụp ảnh dịch vụ trong lăng Bác có lẽ cũng có nhiều người từng bấm máy ở góc độ này mà chưa có điều kiện công bố đấy thôi vì đây là nơi công cộng, dễ nhìn thấy, dễ thực hiện. Theo tôi, bức ảnh của ông Trần Lam dù có được giá đến triệu đô đi nữa thì bản thân ông cũng không hưởng lợi từ số tiền này, ông đã làm việc từ thiện, một việc rất đáng trân trọng".
"Tôi không phải là một người làm nghệ thuật, tuy nhiên, theo tôi nghĩ, trong trường hợp này không nên đao to búa lớn như vậy. Vì chủ đề về Bác có rất nhiều tác giả, nghệ sĩ khai thác để sáng tác nghệ thuật, việc trùng lặp ý tưởng cũng là điều dễ hiểu. Bản thân tôi khi thăm Lăng Bác cũng đã từng chụp những bức ảnh có góc độ gần giống như vậy (nhưng ở mức độ nghiệp dư). Ai cũng có thể nhận thấy giá 1 triệu USD không phải là giá trị thực của bức ảnh, mà là giá trị của việc làm từ thiện. Riêng việc Nghệ sĩ Trần Lam trao tặng bức ảnh đó cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo để hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, đã là nghĩa cử cao đẹp đáng được ca ngợi và học tập", ý kiến của bạn Lam, Long Biên, Hà Nội. |
"Tôi nghĩ rằng trong nghệ thuật cũng có rất nhiều ý tưởng trùng hợp nhau, việc Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lam có đạo ảnh hay không sẽ có kết luận chính xác của các chuyên gia về ảnh, nhưng việc ông tặng toàn bộ số tiền bán bức ảnh này cho Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang để Hội tiến hành 500 ca phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo ĐBSCL là một hành động có ý nghĩa tốt đẹp và có ý nghĩa nhân đạo cao thì ông Trần Lâm cũng không nên cáo buộc và làm lớn chuyện quá để làm gì vì người chịu thiệt thòi lại là trẻ em nghèo mà thôi", trao đổi của bạn Bùi, Hà Nội, email: hi_u_talkwithme@...
Bạn Phan Vĩnh Duy, Q.12, TP.HCM, email: hcmbank@... nhận xét: "Thực sự công tâm mà nói thì cả 2 bức ảnh trên không thể có cái giá 1 triệu đô. Còn nói chuyện góc ảnh chụp giống nhau thì cũng là bình thường, cảnh trí, ánh sáng ở Lăng Bác ngày nào cũng vậy. Tôi thấy thực sự buồn khi 2 nhà nhiếp ảnh lại tranh luận về vấn đề này. Sự sáng tác nghệ thuật quá lớn, quá kỳ công chăng? Vấn đề 1 triệu đô là sự hảo tâm của bà Giám đốc Tân Tạo. Hãy nên giành hết những tình cảm tốt đẹp trong đó cho các trẻ em nghèo".
"Nhìn vào ảnh đúng là góc chụp và bố cục giống nhau thật. Điều đó theo tôi không có nghĩa là đạo ảnh", ý kiến của bạn Nguyễn Quảng Bình, Đà Nẵng, email: gienkhan@... "Trong lĩnh vực nghệ thuật, nhiều khi có sự trùng hợp như thế này nhưng cảm xúc và sự biểu cảm trong các bức ảnh hoàn toàn khác nhau tuỳ vào mỗi người. Chính cái này mới là sự khác biệt mà không ai giống ai trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Rõ ràng, bức hình của nhiếp ảnh Trần Lam có sức biểu cảm và không gian khác hẳn, một vầng ngời sáng và bầu trời đẹp đúng với cái tên gọi "mặt trời trong lăng sáng toả". Về nội dung và biểu cảm hoàn toàn khác biệt ảnh của nhiếp ảnh Minh Lộc. Và cái giá 1 triệu đô và 500 ca phẫu thuật tim bẩm sinh xứng đáng với cái tên và sự nổi tiếng của nó".
Hoan nghênh đề xuất của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng
Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề xuất lập quỹ "giữ gìn đạo đức công chức" tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP khoá VII. Ảnh: HC |
Đề xuất dân bầu chủ tịch và lập Quỹ giữ gìn đạo đức công chức của do Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đề xuất nhận được nhiều sự hoan nghênh từ phía bạn đọc. Có ý kiến nhận xét rằng đây là "khoán 10" trong cải cách hành chính và dân chủ hoá trong tổ chức nhân sự. Bạn Vũ Thường, Hà Nội, email: vuthuong69@... viết: "Phải nói đây là một đề xuất rất tích cực, hợp lòng dân. Bởi vì lần đầu tiên, họ sẽ thực sự được làm chủ, thực sự được bầu ra chủ tịch của họ. Nếu chúng ta thực sự lắng nghe, tôi tin rằng không có ai phản đối việc mình được làm chủ vận mệnh của thành phố mình. Nếu làm được theo hướng này, tôi tin chắc rằng Đà Nẵng sẽ là đầu tàu của cả nước trong việc cải cáh, phát triển, tiến bộ và chắc chắn sẽ là một điểm thu hút nhân tài lớn tại Việt Nam".
"Tôi là một quân nhân trong QĐND Việt Nam, thuộc lực lượng BĐBP. Tôi đã từng có thời gian công tác tại Đà Nẵng từ năm 2001 đến 2007. Tôi nhận thấy người dân thành phố Đà Nẵng thực sự có trách nhiệm và rất quan tâm đến những thay đổi về các chính sách liên quan đến cuộc sống của họ cũng như đến sự phát triển chung của thành phố. Họ thực sự tín nhiệm với cá nhân đồng chí Nguyễn Bá Thanh về tư cách, trình độ. Về vấn đề bầu chủ tịch thành phố, tôi hoàn toàn ủng hộ vì cách làm này thực sự mang đến sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân khi thực hiện cải cách hành chính, xây dựng thành phố", ý kiến của bạn đọc ở địa chỉ email: dea37n@...
Bạn Van Nguyen, Trương Vĩnh Ký, TP.HCM, email: nhobanhbeo@... góp ý kiến: "Tôi hoàn toàn ủng hộ sáng kiến này và tôi tin rằng không chỉ đa số nhân dân Đà Nẵng ủng hộ mà còn người dân cả nước. Chúng ta hãy mạnh dạn thử nghiệm mô hình mới này. Nếu kết quả tốt, chúng ta sẽ nhân rộng mô hình. Và dĩ nhiên mô hình mới nào mới áp dụng cũng gặp không ít khó khăn. Tôi tin nếu mô hình được áp dụng rộng rãi, ngày càng có nhiều nhân tài góp sức xây dựng đất nước".
Bạn Trịnh Thanh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, email: trinhthanh38@... băn khoăn về ngân sách lập Quỹ "Giữ gìn đạo đức công chức": "Ý tưởng Đà Nẵng lập quỹ "giữ gìn đạo đức công chức mới nghe thì thấy có tính đột phá nhưng ngẫm nghĩ kỹ thấy cần làm rõ: nguồn tiền lấy từ đâu? Dù lấy từ nguồn nào cũng là của công. Vậy dùng ngân sách công để làm việc này liệu có ổn, dân sẽ vặn rằng, quá trình công tác cán bộ đã ăn lương tại sao khi nghie lại được một khoản tiền lớn như vậy? Nếu TP dùng tiền bán đất, trích ngân sách, trích tiền thu từ thuế đều không ổn vì những khoản tiền đó là tiền của nhân dân (họ đóng thuế và tiền bán đất công...) trong khi họ không được gì nhưng công chức nghỉ lại được khoản tiền đó? Tóm lại, hay thì hay thật nhưng xem ra tính hợp pháp của nguồn tiền "quỹ giữ gìn đạo đức" chưa thật sự thuyết phục".
Phụ huynh mong con em không phải "chạy sô" học thêm
Học sinh "chạy sô" học thêm quá nhiều đã khiến các em không có thời gian nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động xã hội. Nhiều phụ huynh đã rất lo lắng về việc học thêm quá nhiều của con em mình. Bạn Nguyễn Hoài Đức, An Giang, email: nguyenduc113@... trao đổi: "Tôi nghĩ, việc học thêm sẽ không làm cho con em chúng ta phát triển hay tiếp thu được thêm nhiều kiến thức! Nếu gia đình biết cách động viên, hướng dẫn cách học cho các em, tôi nghĩ cách đó sẽ làm cho các em ham học hỏi hơn và dễ dàng tiếp thu hơn. Một điều khác quan trọng hơn nữa là cách giảng dạy của giáo viên. Theo tôi đang biết thì các giáo viên hiện nay, đa số là đi dạy để lấy tiền lương, chứ chưa thật tâm dạy dỗ thế hệ mai sau. Do đó, cách truyền thụ của các giáo viên này không đủ sức hướng các em đến bài học trên lớp, dẫn đến mất kiến thức và các em phải đi học thêm. Do đó, việc đầu tiên để kiềm chế, quản lý được việc học thêm của các em, cần phải xem xét lại phương pháp giảng dạy của giáo viên trong nhà trường. Thật tội nghiệp khi các em tiểu học, trung học cơ sở phải học cả sáng chiều trong ngày, sáu ngày trong tuần!".
"Tôi đã từng học cấp 3 ở trường chuyên Hải Phòng. Thầy dạy toán của tôi có học sinh đi thi quốc tế đoạt giải cao. Lớp tôi cũng có 1 nhóm học ở nhà thầy nên khi dạy ở trên lớp, có những kiến thức thầy nhầm lẫn giữa lớp học thêm ở nhà và ở trường, những bài cơ bản trong sách giáo khoa thầy mới dạy ở lớp học thêm nhưng lại nhầm là đã dạy chúng tôi rồi... Tôi thấy học thêm dù dưới hình thức nào cũng là không bao giờ tốt. Đặc biệt là các hình thức "tự nguyện"", ý kiến của bạn HTH, Hải Phòng, email: HTH@...
Bạn Phu Cuong, Hà Nội, email: phngbac@... cho rằng học thêm hiện nay là vấn nạn: "Các con tôi mất hết tuổi thơ. Thử hỏi tại ai? Tại sao chúng tôi ngày xưa chẳng cần học nhiều và khó như bây giờ mà nhiều người vẫn thành đạt, nổi tiếng thế giới. Bây giờ nghĩ mà xót con và thương cho bọn trẻ".
Phụ huynh mong con em mình không phải "chạy sô" học thêm. Ảnh: CQ |
Bạn Nguyễn Ngọc Dũng, Nam Đồng, Hà Nội, email: dungnn@... phản ánh: "Các chủ trương của Bộ Giáo dục khi chuyển tải xuống một số trường đã bị bóp méo đặc biệt là vấn đề học và dạy thêm. Không riêng PTCS Thành Công mà nhiều trường khác nữa. Con tôi học lớp 7 trường Nguyễn Trường Tộ, cháu đã phải đi học thêm các môn Toán, Văn, Lý, Hoá, Ngoại ngữ, nhiều khi chỉ là những nội dung học trước chương trình, hiệu quả không cao, học sinh phải đi học gần như kín tuần, điều này ngược lại hoàn toàn với phương pháp dạy học của các nước. Học sinh bị học nhồi nhét, không còn tính chủ động, kiến thức về xã hội không phát triển... Tôi nghĩ Bộ Giáo dục cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc dạy thêm dưới mọi hình thức kể cả dưới dạng núp bóng Ban phụ huynh tổ chức và cho rằng việc học thêm là "tự nguyện"".
Thợ giảng hay cái máy giảng là băn khoăn của bạn đọc ở địa chỉ email: khanhckm@...: "Theo tôi, giảng viên chạy sô là điều tất yếu của cuộc sống vì đồng lương thấp. Hơn nữa, việc chạy sô là để đánh giá năng lực của mỗi người, chạy càng nhiều sô thì càng chứng tỏ được khả năng của mình. Tuy nhiên, việc giảng viên bận chạy sô mà làm ảnh hưởng tới việc học cũng như chất lượng của số đông học viên là điều đáng lên án. Vì khi anh đã nhận công việc thì anh phải hoàn thành tốt công việc của mình. Là sinh viên mà mỗi khi đạp xe gần 5km đến trường, được thông báo thầy bận cho lớp nghỉ. Khi giảng viên đang đứng giảng trên lớp thì cứ 5-10phút lại có 1 sinh đi học trễ bước vô lớp hoặc gần hết giờ học có vài sinh viên ôm cặp về trước thì thầy sẽ phản ứng ra sao? Vậy, khi giảng viên đi trễ hoặc cho về sớm thì sinh viên sẽ nghĩ ra sao? Nói cho cùng, giảng viên mà chạy sô nhiều, lịch kín mít mà không dành nhiều thời gian cho nghiên cứu thì được ví như là thợ giảng hay nói cách khác là cái máy giảng vì chẳng có cái gì mới mẻ trong bài giảng cả, chỉ xào đi nấu lại mà thôi".
Bạn N.T.V, Hà Nội, email: h0a_ng0c_lan8x@... đề đạt nguyện vọng: "Giảng viên chạy sô, sinh viên không cần quan tâm. Chỉ mong sao các thầy cô đừng làm ảnh hưởng đến chất lượng tiết học. Mong thầy cô tự lượng sức để nhận sô. Chúng em chạy theo cô thầy khổ lắm!".
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề đời sống, xã hội khác
Nên học cách quản lý xe buýt của các nước bạn: Nguyễn Văn Quyền, Bắc Giang, email: quangquyen28285@...: "Tôi đang sống và làm viêc tại Hàn Quốc, tôi thấy hình thức hoạt động của hệ thống xe buýt công công ở đất nước họ rất hay. Chúng ta nên học theo họ, dùng hệ thống thanh toán tiền tự động mà giá vé của mọi người được trừ tiếp diện ưu tiên như học sinh, sinh viên thì được tính ở mức giá khác do lái xe cài đặt, ai đi cũng phải trả tiền. Ở nước họ, không cần có phụ xe, chỉ có một người lái nên hành khách không bao giờ bị "hành" như ở nước ta".
Xe buýt lộng hành: Nguyễn Tằng, Thị trấn Sóc Sơn, email: nguyenduoctang@...: "Tôi đã đi xe buýt nhiều ngay từ khi mới có loại hình này. Nhưng cho tới nay thì không thể chấp nhận được việc lộng hành của các lái xe buýt. Như tuyến xe buýt 56 chạy từ bến Nam Thăng Long đến Núi Đôi, tuyến xe 15 chạy đến Nỉ-Trung Giã. Các lái xe khi thấy khách đông ở điểm đỗ là tự do bỏ điểm đỗ. Kể cả khi không có khách, họ không thích đỗ cũng bỏ luôn.
Buổi sáng, khi xe 56 chạy đến Sóc Sơn, các lái xe thích dừng lại ăn sáng ở thị trấn là họ đỗ, bỏ mặc hành khách mặc dù chưa đến điểm cuối cùng. Tình trạng xe 56 đỗ để ăn sáng, để khách đi bộ hơn 1 km mới đến điểm đỗ cuối diễn ra đã một năm nay. Buổi trưa, nhiều chuyến xe buýt 15 không chạy đúng giờ mà họ ăn trưa xong rồi cùng nhau nối đuôi nhau chạy một thể, nhiều khi cả một đoàn chạy nối đuôi nhau mà không có khách? Thật là vô lý.
Trong khi Nhà nước muốn có loại hình vận chuyển công cộng này để giảm tải các loại hình công cộng khác, đỡ ùn tắc giao thông thì các lái xe buýt lại lấy việc làm của mình để ăn lương của Nhà nước là chính, còn việc hành khách đi được hay không thì không phải việc của họ? Đã đến lúc Nhà nước cần xem lại việc triển khai hiệu quả của các tuyến xe buýt".
Nên tham khảo cách quản lý thuế của Singapore: Ann - Nguyen, Singapore, email: ngocanh1711@...: "Tôi là người Việt, sống tại Singapore nhiều năm, tôi làm chủ một công ty tại Việt Nam và một công ty tại Singapore. Tôi thấy rằng cách tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp là miễn thuế cho các năm đàu khi học vừa xây dựng và còn nhiều khó khăn. Họ có phát triển được thì mới có khả năng đóng thuế. Tại Singapore, chính phủ luôn tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, miễn thuế các năm đầu, miễn thuế cho S$100.000 doanh thu đầu tiên, S$100.00 doanh thu tiếp theo lại được miễn thuế 50%... Đó là chưa kể đến các mô hình công ty "S$1 to S$1" (Công ty đóng vốn S$1, chính phủ hỗ trợ S$1).
Về thủ tục hành chính: 1 năm, doanh nghiệp chỉ phải khai thuế 1 lần, không yêu cầu công ty phải có kế toán trưởng, chỉ cần có kế toán. Về kế toán, hầu hết các công ty vừa và nhỏ như chúng tôi, chỉ thuê các công ty chuyên cung cấp dịch vụ kế toán làm, 1 năm trả trọn gói khoảng S$300 (họ chính là những người chịu trách nhiệm với ngành thuế) và chúng tôi chẳng phải bận tâm vào những việc khai thuế, toàn tâm toàn ý cho việc kinh doanh sản xuất. Chúng tôi, những người giám đốc có đi đâu cả năm cũng không cần phải báo cáo với ngành thuế.
Tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp dù là nhỏ, chẳng có nguồn thu, chẳng có gì phải khai thuế thì ngay từ tháng đầu tiên thành lập công ty đã phải hoàn thiện các thủ tục khai thuế, nhiều công ty không được hướng dẫn chi tiết của ngành thuế, tự bươn trải, nếu sai là phạt, chậm là bị phạt, giám đốc đi công tác ở đâu cũng phải nhanh chóng chạy về đúng ngày nộp chứng từ khai thuế để ký chứng từ thuế. Như vây, doanh nghiệp lại phải gánh thêm những chi phí phát sinh không đáng phải làm. Còn ngành thuế đã phải gánh thêm khoản trả cho các nhân sự không cần thiết.
Vậy, để cải cách hành chính cho ngành thuế Việt Nam, cách tốt nhất là nên tham khảo cách quản lý thuế của Singapore. Chúng tôi, những doanh nhân Việt Nam tại Singapore sẵn sàng cung cấp mọi thông tin liên quan đến việc đóng thuế hay cách quản lý thuế của Singapore để hỗ trợ thêm cho ngành thuế nước nhà".
Phản đối việc thu phí ở thôn Pò Chẹt: Hoàng Thị Oanh, Cầu Giấy, Hà Nội, email: hoa_nguyet_doanh@...: "Theo tôi thấy, việc thôn Pò Chẹt thu phí mỗi hộ dân mới chuyển về thôn 2 triệu là sai. Sai bởi lẽ nó không hợp lý, và càng không hợp tình. Việc tập thể thôn Pò Chẹt nhất thuận thu lệ phí đối với mỗi hộ dân mới chuyển đến là trái với Hiến pháp và pháp luật của nước ta. Thiết nghĩ, UBND xã phải có xử lý để việc thu phí trái pháp luật này, chấm dứt, lấy lại sự công bằng cho các hộ dân mới đến và thiết lập lại trật tự cũng như việc tôn trọng pháp luật của thôn Pò Chẹt.
Việc không biết thôn Pò Chẹt thu phí với các hộ dân mới chuyển tới của cán bộ Đảng xã phải chăng là biểu biện của nạn xa rời dân chúng đã và đang diễn ra trong đối với 1 số bộ phận Đảng viên. Chỉ vì là người mới chuyển đến thôn mà họ phải bỏ tiền ra để phục vụ hoạt động chung cho cả thôn? Như vậy thì sự bình đẳng ở đâu, khi họ chưa tham gia hoạt động nào mà phải bỏ 1 khoản tiền lớn như vậy vì các hoạt động đó. Không có tiền thì nộp đồ vật, vừa được đăng ký sổ hộ khẩu trong thôn là phải “nôn” 2 triệu thì chắc chắn các hộ dân mới chuyển đến sẽ vô cùng khó khăn".
Báo VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!