- Có lẽ không cần phải bàn cãi nhiều khi nói về tác dụng của bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt cho các đối tượng nghèo, cận nghèo và những trường hợp gặp rủi ro về sức khỏe. Tuy nhiên, chắc chắn có nhiều tranh luận nếu cho rằng dịch vụ BHYT ở nước ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Thay vào đó, nhiều bệnh nhân vẫn than phiền vì bị phân biệt đối xử.
Chen chúc đăng ký khám bệnh bằng BHYT tại Bệnh viện E (Hà Nội). (Ảnh: Bạn đọc Lại Thị Hoa)
Tôi vẫn nhớ rất rõ khi một người bạn sau 3 ngày mổ ruột thừa đã phải nằm phòng dịch vụ với giá 150.000 đồng/ngày (vì không chịu nổi tiếng ồn trong một phòng dành cho bệnh nhân có BHYT hơn một chục giường bệnh, và việc hai người xa lạ, khác bệnh tình, phải nằm ngủ chung một giường đơn), nhưng được cấp thuốc theo BHYT là 250 đồng/lần uống.
Trong khi đó, người mổ ruột thừa cạnh giường lại dùng thuốc với 25.000 đồng/lần uống, mặc dù tình trạng sức khỏe và thời điểm mổ giống nhau. Tất nhiên, giá tiền có thể chưa thể nói lên hết sự khác biệt, nhưng cung cách và thái độ phục vụ thì khác biệt rõ nét.
Có thể nói, hiện nay khi vào bệnh viện khám bệnh sẽ có 2 cổng riêng: một cổng tiếp nhận bệnh nhân có BHYT đông nghẹt, chật ních và luôn trong tình trạng quá tải. Quá tải không chỉ ở khâu xếp hàng, ghi phiếu, mà quá tải đối với cả bác sĩ, những người luôn dành rất ít thời gian cho bệnh nhân BHYT, thậm chí nhiều khi chỉ hỏi thăm bệnh nhân qua loa vài câu mà không hề “chạm” đến bệnh nhân.
Dù muốn dù không hai cổng này đang thể hiện sự phân biệt đối xử giữa những người có và không có BHYT. Điều này hoàn toàn trái với “y đức” là tất cả mỗi bệnh nhân đều phải được đối xử công bằng, bình đẳng.
Theo đúng lương tâm và trách nhiệm, trước mắt bác sĩ không thể có chuyện bệnh nhân giàu hay bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hay không có BHYT. Trước mắt bác sĩ chỉ nên có một yếu tố duy nhất, đó là bệnh nhân, cùng với căn bệnh của họ cần phải được chăm sóc, điều trị.
Ở những nước phát triển (như Anh quốc), bác sĩ ở các bệnh viện công (bệnh viện nhà nước) không cần biết và không được phép biết việc bệnh nhân có hay không có BHYT. Nhiệm vụ của bác sĩ là khám và kê toa một cách khách quan, đúng bệnh và đủ liều. Những thông tin khác sẽ được y tá và các bộ phận khác nắm giữ.
Tại quầy phòng chờ khám bệnh, mọi bệnh nhân – kể cả có và không có BHYT - đều được đối xử bình đẳng như nhau, theo thứ tự cuộc hẹn hoặc theo thời gian đăng ký khi đến trước (nếu có bệnh nhân không đến đúng giờ hẹn). Các y tá, y sĩ kết hợp với các đơn vị bảo hiểm sẽ kiểm tra các thẻ BHYT và người đi khám bệnh, cấp giấy xác nhận về bảo hiểm và hướng dẫn người bệnh vào phòng khám (đây là một địa bàn khép kín).
Tại phòng khám, người bệnh chỉ phải cung cấp với bác sĩ những thông tin có liên quan đến bệnh trạng, tiền sử của bệnh để bác sĩ lưu vào nhật ký bệnh nhân trên máy tính như: tên, tuổi, nghề nghiệp, thời gian phát bệnh và triệu chứng của bệnh, tuyệt đối không đả động gì đến việc bệnh nhân có BHYT.
Sau khi được khám và kê toa, cùng với giấy xác nhận đã được kiểm tra bảo hiểm tại phòng chờ, người bệnh có thể đến các quầy bảo hiểm để “nhận” thuốc. Cùng với thông tin tại phòng chờ, đây là nơi mà bệnh nhân sẽ trình giấy BHYT (nếu có) cùng với các giấy tờ mà tại phòng chờ đã kiểm tra là người có BHYT để thay cho việc tính tiền.
Trong hợp đồng bảo hiểm sẽ ghi rõ những chủng loại thuốc và công cụ y tế trong phạm vi bảo hiểm. Ngoài danh sách đó, người bệnh có thể phải trả thêm một khoản tiền nhất định tùy theo bệnh trạng và loại thuốc. Tuy nhiên, việc này là rất hiếm nếu đó là những căn bệnh thông thường.
Tất nhiên, để áp dụng chế độ này, chúng ta phải thống nhất về mẫu mã các đơn kê thuốc và có cơ chế kiểm tra ngay thẻ ngay từ khi vào phòng chờ khám bệnh để tránh việc câu kết giữa bác sĩ với nhà thuốc nhằm “kê khống” các bệnh nhân.
Chỉ khi nào sự phân biệt không còn nữa thì bệnh nhân mới an tâm cầm trong tay thẻ BHYT và thẻ BHYT ở Việt Nam mới thực sự phát huy tác dụng của mình là góp phần chăm sóc, điều trị bệnh nhân một cách bình đẳng.
-
TS. Phan Trung Hiền, ĐH Cần Thơ