221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1131395
Cần tính toán hợp lý phí và lãi suất dịch vụ ATM
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần (từ 17-23/11/2008):
Cần tính toán hợp lý phí và lãi suất dịch vụ ATM
,

 - Thu phí dịch vụ ATM là vấn đề thu hút được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc trong tuần qua. Rất nhiều ý kiến cho rằng thời điểm này không thích hợp cho việc thu phí dịch vụ vì cơ sở hạ tầng chưa tốt, các máy ATM thì hay bị lỗi. Và mức phí dự kiến của ngân hàng quá cao, nên chăng các ngân hàng xem xét lại mức phí cho phù hợp cũng như lãi suất qua đêm cho các chủ thẻ.  

 

Chưa nên thu phí dịch vụ ATM vào thời điểm này

 

Bạn Minh Thuỳ, Diễn Châu, Nghệ An, email: caominhthuy@... có ý kiến: "Các ngân hàng chưa nên thu phí vào thời điểm này vì chất lượng dịch vụ của các ngân hàng chưa tốt. Nếu thu thì cũng phải xem xét theo từng đối tượng mà thu, nếu như sinh viên đi học mà thu 1.000đ/lần rút e không phù hợp cho lắm". 

 

Thiếu máy, dịch vụ kém, nhiều trục trặc... ngân hàng thu phí liệu đã thuyết phục? (Ảnh: VNN)

"Bản thân là một nhân viên ngân hàng, tôi cũng hiểu những điều bên phía NH và hiệp hội thẻ đưa ra trong việc thu phí này, đó là những lý do chính đáng. Tuy nhiên, đây không phải là một thời điểm thích hợp để thu phí. Người dân chúng ta chỉ vừa mới quen với việc sử dụng thẻ và chủ yếu là để rút tiền mặt khi cần sử dụng, đó là dịch vụ chủ yếu mà họ sử dụng. Ngoài ra chỉ có thêm khoản thanh toán tiền điện, nước, điện thoại.

 

Thế nhưng, đâu phải lúc nào muốn rút cũng có, lúc nào máy ATM cũng có những hàng dài chờ đợi, số lượng máy quá ít so với nhu cầu, nếu may mắn tìm được máy nào còn trống thì đó là tại vì "tạm thời ngưng hoạt động", hết tiền, hết giấy... rồi thì vô số lỗi kỹ thuật (trừ tài khoản mà tiền không ra...). Người dân chúng tôi sử dụng thẻ ATM coi như bỏ tiền trong ví, mà bỏ tiền trong ví bây giờ rút ra phải mất phí thì đúng là vô lí thật. Nếu thế thì có lẽ họ sẽ ùn ùn kéo đến ngân hàng nơi họ mở tài khoàn rút tiền để không bị trừ phí, chờ một chút cũng chả sao.

 

Tôi thấy việc thu phí có hơi bất cập ở thời điểm này, có thể nào đợi cho chất lượng dịch vụ được nâng cao, người dân quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt thì hãy thu phí. Đây là công nghiệp dịch vụ mà, nếu thu phí thì người sử dụng phải đạt được chất lượng người ta mong muốn", trao đổi của bạn Phạm Lê Thương, Hoàng Diệu 2, Thủ Đức, TP.HCM, email: finalsaiya@... 
 

Không đồng tình với phương án thu phí ATM như đang dự kiến hiện nay là ý kiến của bạn Nguyễn Thanh Bình, Hà Nội, email: binhbeo@...: "Việc quy định thanh toán lương qua tài khoản đã tạo lợi nhuận rất lớn cho các ngân hàng khi được sử dụng đồng vốn từ nguồn quỹ lương của các tổ chức, ngoài ra còn các khoản chi phí chuyển tiền. Chúng tôi khi đi lĩnh lương cũng nhiều lúc không thuận tiện, tức là dịch vụ của các ngân hàng thực ra không hoàn hảo. Vậy tại sao lại thu phí của chúng tôi? Tôi đồng ý với ý kiến của một độc giả khi nêu quy định của Bộ luật Lao động. Chúng ta hãy sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Không nên hành xử theo những quy định nhất thời vì mục tiêu lợi nhuận của các ngân hàng. Trong khi thực tế họ đã được hưởng lợi nhuận khi cung cấp dịch vụ ATM".

 

"Tôi phản đối với việc thu phí rút tiền từ thẻ ATM. Chúng tôi thấy việc trả lương qua tài khoản có quá nhiều bất lợi nhất là người thu nhập thấp như tôi. Mức lương 1,2 triệu đồng, muốn đi rút lương phải lóc cóc vài cây số ngoài việc tốn đến nửa lít xăng để đi rút tiền, nay lại phải mất vài ngàn lệ phí cho mỗi lần rút, như thế lương của cán bộ chẳng còn là bao, nhất là trong thời buổi tăng giá", bạn Thu Nguyen, Hà Nam, email: thichthichat79@... trao đổi.
 

Bạn đọc ở địa chỉ email: ramuftu@... nêu quan điểm về chủ trương khuyến khích người dân dùng thẻ thay cho tiền mặt: "Chưa bàn đến các vấn đề về kỹ thuật, về cơ sở hạ tầng mà trước hết là chính sách của Nhà nước, của các ngân hàng, đó là khuyến khích người dân gia tăng các dịch vụ về thẻ, giảm giao dịch tiền mặt để có thể dễ dàng hơn trong việc quản lý các nguồn tiền tệ. Vậy đã khuyến khích sao lại còn tạo rào cản trong khi chỉ một số ít các ngân hàng là liên thông với nhau và về máy móc còn hay gặp trục trặc.

 

Tôi nghĩ, các ngân hàng nên hướng tới người tiêu dùng nhiều hơn nữa, phí ATM có thể sẽ là một khoản thu hữu dụng. Bây giờ các ngân hàng nhất loạt thu phí thì những người đã trót dùng ATM vẫn tiếp tục dùng vì nói gì thì nói, 1.000đ/1 lần giao dịch cũng không phải là cái giá không chấp nhận được. Nhưng cái chính ở đây là thái độ của các ngân hàng. Họ đang khuyến khích người tiêu dùng hay đang dụ dỗ rồi ép buộc người tiêu dùng? Mặc dù 1.000đ chẳng đáng là bao nhưng nó phản ánh dịch vụ của nhà cung cấp".
 

Các ngân hàng nên tính toán lại phí dịch vụ và lãi suất

 

Lãi suất của các tài khoản ATM là vấn đề cũng được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Bạn Trịnh Hoàng Giang, Hà Nội, email: dienbienphuvietnam@... có ý kiến: "Tôi hoàn toàn tán thành vấn đề ngân hàng thu phí rút tiền ở thẻ ATM nhưng trên quan điểm lập trường tự nguyện gửi tiền vào thẻ của người lao động và đặc biệt, tiền chưa rút thì phải tính lãi suất qua đêm. Nếu tròn 1 tháng mới rút thì tính lãi theo tháng không kỳ hạn. Đã thu lệ phí mà các cây ATM lỗi, hết tiền... thì phải bị phạt và bồi thường hậu quả nếu có".

"Là một công dân, tôi thấy việc thu phí ATM là rất vô lý. Chúng ta không thể bắt chước các quốc gia khác trong khi điều kiện kinh tế của đất nước họ khác ta. Chúng ta đang trong giai đoạn khuyến khích việc sử dụng thẻ mà lại áp đặt giá thu phí từ 1.000đ đến 5.000đ là cực kì vô lý. Số tiền có trong thẻ nếu người sử dụng không rút ra thì ngân hàng đã có khoản tiền nhàn rỗi đó để quay vốn, vậy mà bây giờ lại đòi hỏi thêm lợi ích của người tiêu dùng trong khi chất lượng phục vụ thì chẳng giống ai", ý kiến của bạn Nguyễn Như Mai, Ninh Thuận, email: maiyeu242@...
 

(Ảnh minh họa: vietbao.vn)
Một nguyên tắc bất di bất dịch trong cơ chế thị trường là đồng thuận. Ngân hàng muốn thu phí bao nhiêu cũng được, song phải công bố việc này trước khi áp dụng và phải đảm bảo cho người dân quyền sử dụng hay từ chối sử dụng 1 dịch vụ nào đó. Trao đổi của bạn Sỹ Văn, Mai Dịch, email: tvsy@...: "Không thể có chuyện vừa đồng thời bắt người ta sử dụng 1 dịch vụ, rồi sau đó lại tự quy định người ta phải trả thêm lệ phí. Quá phi lý.

 

Tôi đã bị buộc phải nhận lương qua ATM rồi, nên ngân hàng muốn quy định thu phí bao nhiêu tôi cũng chẳng có quyền lựa chọn nào khác. Tôi dám nói chắc rằng, nếu bây giờ chúng ta đồng ý mỗi lần rút tiền thu phí 1.000đ, sau này chắc chắn là ngân hàng lại có vô khối lý do để thu mức phí cao hơn. Nếu thu tiền phí sử dụng thẻ ATM, người ta có tiền là sẽ rút ở mức tối đa cho mỗi lần rút (thay vì chỉ rút ở mức mình cần như trước đây), như thế tiền nằm ở ngân hàng sẽ ít đi rất nhiều, ngân hàng sẽ thiệt hại hơn nhiều. Chẳng nhẽ ngân hàng không hiểu điều này ư?". 
 

Việc thu phí là phù hợp nhưng dự kiến mức 1.000đ/lần giao dịch là quá cao. Bạn Nguyễn Hoài Nam, Hà Tĩnh, email: khatvong7604@... nêu ý kiến: "Hầu như người được trả lương qua thẻ điều có thu nhập ở mức trung bình và thấp nên khó có thể chấp nhận điều này (trừ trường hợp bắt buộc). Ví dụ, một viên chức mỗi tháng lương chỉ từ 1,6 triệu đồng - 2 triệu đồng, nếu họ thực hiện rút 1 lần thì chỉ mất 1.000đ, nhưng để tiết kiệm và hạn chế mang tiền mặt bên người cũng như tiến tới thanh toán không bằng tiền mặt, họ phải thực hiện rút tiền nhiều lần trong tháng, như vậy, họ sẽ phải mất một lượng phí không nhỏ so với đồng lương ít ỏi. Vì thế, từ việc được hưởng dịch vụ thanh toán rút tiền hiện đại, người sử dụng cảm thấy đó là bắt buộc.

 

Từ nguyên nhân này, người sử dụng thẻ sẽ tiến hành rút lương, tiền có trong tài khoản 1 lần để tiết kiệm phí và như vậy, các ngân hàng mất đi một lượng vốn tương đối lớn. Hơn nữa, mỗi tài khoản đều phải có một số dư bắt buộc ít nhất là 50.000đ, con số này nhân với hàng triệu tài khoản cũng không nhỏ chút nào, đây là lượng vốn lớn vô thời hạn của khách hàng để duy trì số tài khoản nên ngân hàng có thể vô tư kinh doanh số vốn này.

 

Số tiền lãi thu được từ khoản tiền này có thể dùng để bảo dưỡng, sửa chữa máy ATM, nên việc thu phí như thế là quá cao. Đề nghị các ngân hàng xem xét cách thu phí ATM, có thể giảm xuống cho mỗi lần giao dịch hoặc căn cứ số tiền giao dịch, hoặc thu theo tháng... để thực hiện được mục tiêu người sử dụng ATM thấy hài lòng, tiến tới xa hơn là thanh toán tự động, hạn chế thói quen dùng tiền mặt". 
 

Dịch vụ ATM vẫn còn nhiều bất tiện


Nhiều bạn đọc là cán bộ, CNVC bày tỏ bức xúc về việc thu phí dịch vụ ATM và những bất tiện khi sử dụng dịch vụ này. Bạn Hà Thị Cẩm Phương, Trưng Nhị, PhanThiết, email: camphuong33@... viết: "Bản thân tôi cũng là CNVC được trả lương qua thẻ ATM nhưng đôi khi cũng thấy khó chịu vì rằng, tiền lương không nhiều mà tự nhiên lại mất 50.000đ dịch vụ thẻ. Nếu tính thời điểm đó là mua được 10kg gạo. Đó là chưa tính tiền phí quản lí thẻ mỗi tháng 2.000đ. Nói hơi xấu hổ một chút, vì ít tiền nên mỗi lần rút có khi tôi chỉ rút 200 nghìn đủ mua những thứ cần. Vậy nếu 10 lần như thế thì bản thân tôi cũng hơi xót xa vì tự dưng mất tiền vào những việc vô lý. Vậy nên chăng thu phí ở mức lương nào để bảo đảm các vấn đề chung của xã hội?".
 

Bạn Hoàng Linh Chi, Hà Giang, email: LinhChi_thuy2005@... phản ánh: "Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc nhưng từ khi rút tiền qua thẻ tôi thấy gặp rất nhiều bất tiện, với mức lương công chức nhà nước của tôi và rất nhiều bạn như hiện nay là 1.334.000đ. Một lần rút thu 1.000đ là quá cao. Tôi muốn trả lương như ngày xưa, không mất thời gian đi rút tiền và nhiều tốn kém khác".

"Hiện nay, theo tôi được biết, các ngân hàng liên kết với nhau đã tính cước phí khi rút tiền hay truy vấn tài khoản. Tôi đang sử dụng thẻ của Ngân hàng Công thương VN, khi tôi rút tiền bên NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam, một NH liên kết với NH Công thương VN, thì bị tính phí 3.300đ cho một lần rút. Tại sao khi các ngân hàng liên kết với nhau để giảm thiểu tình trạng thiếu máy lại thu phí quá cao đối với người sử dụng như vậy", phản ánh của bạn Phan Xuân Thoại, Nguyễn Kiệm, Gò Vấp, email: xuanthoai.tchq@... 

Mũ bảo hiểm có dán tem CR. Ảnh: M.L
Những thông tin liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm cũng khiến nhiều bạn đọc quan tâm. Bạn Phạm Hữu, Hoàng Diệu, Nha Trang, email: lgkh@... cho rằng công tác quản lý mũ bảo hiểm thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập: "Không hiểu quản lý tiêu chuẩn chiếc mũ bảo hiểm để đi xe máy phức tạp như thế nào, nhưng quả thật, việc quản lý chiếc mũ này như thời gian qua cho thấy trình độ quản lý của cơ quan quản lý. Có lẽ, trên thế giới, chiếc mũ bảo hiểm đã có từ lâu và người ta không thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật để sản xuất và quản lý. Đối với nước ta, nơi mà người dân sử dụng xe gắn máy vào loại số 1 thế giới thì mũ bảo hiểm càng có vị trí đặc biệt. Chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã có từ lâu, thế mà đến nay các cơ quan QLNN vẫn còn "loạng choạng" về tiêu chuẩn lẫn chiếc tem kiểm định chất lượng. Hậu quả người dân lãnh đủ: người sử dụng thì mua phải mũ chất lượng kém, người sản xuất thì bị tổn thất lớn do tiêu chuẩn và chiếc tem thay đổi".

Về việc cấm lưu hành mũ bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn chất lượng, bạn Đặng Văn Tới, Gia Lâm, Hà Nội, email: ocsion_18@... cho rằng Bộ GTVT nên phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để cấm sản xuất và tiêu thụ những loại mũ không đủ chất lượng theo tiêu chuẩn quy định: "Cấm người đội mũ thì thực ra người tiêu dùng thấy bán mũ bảo hiểm phù hợp với túi tiền thì mua, họ biết làm sao được chiếc mũ nào là đủ tiêu chuẩn? Hai nữa, nếu không đủ tiêu chuẩn thì sao cơ quan chức năng lại để cho người ta bày bán sau đó lại đi bắt lỗi người tiêu dùng. Điều này là vô lý, nên chăng cần xem lại".

"Thực ra, mũ bảo hiểm thời trang hay không cũng không quan trọng, quan trọng là chất lượng của nó đạt quy chuẩn. Cái mà bên thi hành luật nên chú trọng đó là công tác thực thi kiểm tra MBH của những người tham gia giao thông với phương tiện là xe mô tô. Trên đường ta thấy nhiều loại MBH đẹp phù hợp với từng người, vậy tại sao các doanh nghiệp không nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm tiện ích, thời trang. Cuộc sống bây giờ cái đẹp được chú trọng và chiếc MBH cũng không nằm ngoài. Tôi đề nghị cái mà chúng ta quan tâm là chất lượng MBH và những điều luật ban hành bắt buộc người dân tuân theo", ý kiến của bạn Trần Quang Thanh, Thanh Xuân, Hà Nội, email: thanh6486@...

Tiêu chuẩn Nhà giáo ưu tú?

 

Trao đổi về việc vắng bóng giáo viên trong danh sách những người nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, bạn NguyênCHLB Đức có ý kiến: "Danh hiệu người giáo viên nhân dân là rất cao quý. Đó là phần thưởng cho những nhà giáo có tài và đức. Học sinh va phụ huynh cũng có quyền bình chọn thì mới công bằng. Có biết bao nhiêu những con người đã âm thầm tận tụy với học sinh, nhưng các bậc lãnh đạo đã cố tình hay vô tình làm ngơ. Để danh hiệu đó được đặt đúng chỗ thì cần có kế hoạch trồng người. Có như vậy, đất nước mới sản sinh ra được những thế hệ có tài và đức".

"Tôi cũng từng có 10 năm làm thầy giáo. Đứng trên bục giảng trường đại học, tôi hiểu rõ thực trạng này, có nhiều vấn đề "khó hiểu". Tôi cũng không hiểu trường tôi sao lại thế, nhà giáo ưu tú cũng toàn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, những người trực tiếp đứng lớp thì không bao giờ được đề cập tới", chia sẻ của bạn Tran Van Ngan, Vancouver, Canada, email: tvngan1970@...

Bạn Tạ Văn Long, Nghệ An, email: Longvt7@... góp ý: "Tôi chỉ hiểu sơ sơ "tiêu chuẩn bình chọn NGƯT..." của Ban Khen thưởng thi đua TƯ. Song khi đọc lên từ "Nhà giáo ưu tú" thì ít ra người đó cũng phải là giáo viên, phải giảng dạy. Mấy hôm nay, truyền hình đưa tin rất nhiều về những nỗ lực của các GV vùng cao, vùng xa phấn đấu để đưa cái chữ tới các em học sinh. Vậy sao các GV này không được bầu danh hiệu Nhà giáo ưu tú?".
 

Trong tuần, toà soạn cũng nhận được rất nhiều bài vở và ý kiến đóng góp của bạn đọc nhân dịp 20/11, những vấn đề xung quanh việc thiếu nhân tài trong ngành dự báo khí tượng thuỷ văn cũng được bạn đọc nhiệt tình góp ý. Một số chủ đề như đánh thuế bia hơi, toà nhà Keangnam... cũng nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được những phản ánh của bạn đọc về các vấn đề đời sống, xã hội khác.


Tin nhắn rùa, tin nhắn lặp, không gửi được tin nhắn: Le Minh Chanh, Đồng Tháp, email: chanhlove@...: "Hiện tôi đang sử dụng dịch vụ trả trước của Mobifone. Mấy ngày nay, tôi không thể gửi được tin nhắn từ điện thoại. Lúc trước nhắn tin thì rất chậm, khoảng 2,3 phút mới gửi được tin, có lúc phải mất hàng giờ. Bạn tôi gửi tin cho tôi cũng vậy, có lúc gửi 1 tin ra 2 tin. Tôi không thể gửi được 1 tin nhắn nào mặc dù còn tiền. Tôi gọi 18001090 nhờ hỗ trợ nhưng nhân viên ở đây lại hướng dẫn tôi gọi tới 051118001091 do số điện thoại của tôi do trung tâm 3 quản lý nhưng máy báo mạng bận. Tôi nhắn tin nội mạng từ www.mobifone.com.vn ở phần tin miễn phí có kèm quảng cáo nhưng gửi xong rồi kiểm tra lại mới biết có tính cước. Tôi không biết phải làm thế nào, rõ ràng là khách hàng như tôi đã bị thiệt hại".


Không hài lòng với các tin nhắn khuyến mại: Đào Minh Phúc, Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định, email: maiphuc73@...: "Đành rằng trong xã hội hiện nay, cách thức nhắn tin qua dịch vụ điện thoại là một cách làm rất phổ biến và tiện ích, nhưng đến bây giờ, các tổng đài lại biến nó thành một sự khó chịu. Nhiều khi nửa đêm lại phải ngồi dậy xem tin nhắn của ai, hoá ra toàn tin nhắn của các tổng đài, hết khuyến mại đến dịch vụ tìm bạn, hết xổ số rồi đến xem bói, xem số điện thoại của bạn có hợp với bạn không... mà nếu nhắn lại thì cũng không biết là bị trừ đi bao nhiêu tiền. Các chương trình trên tivi thì nhan nhản các số của các tổng đài, chương trình nào "hot" thì nhiều đầu số, những chuyện phòng the cũng được mời gọi công khai, các MC thì kêu gọi mọi người nhắn tin để tìm ra người chiến thắng... Nếu trong các chương trình đó, MC kêu gọi nhắn tin ủng hộ đồng bào lũ lụt, học sinh nghèo vượt khó... thì điều đó vô cùng quý giá".

Nông dân, nông nghiệp và doanh nghiệp phải đoàn kết: Lê Lợi, Quảng Nam, email: leloi@...: "Xin hãy quan tâm đến ngành nông nghiệp, có những điều mà người nông dân chịu đựng được nhưng cũng có những điều mà họ không đủ sức chịu đựng, đó là tình cảm và trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Họ đã không từ mọi gian nan, cực khổ, tích cực trong lao động sản xuất nhưng con cái của họ quá khó khăn trong sinh hoạt và học tập. Trồng lúa, lúa rẻ, nuôi lợn lỗ vốn bởi thức ăn gia súc quá cao. Mọi chi tiêu lại quá lớn so với thu nhập mà họ đã không hề tiếc sức lao động bỏ ra. Quan tâm đến doanh nghiệp thì cũng phải có lúc quan tâm đến nông dân, nông nghiệp! Có đất, có ruộng mà biếng làm, biếng suy nghĩ, không chịu động não đầu tư con người và cách làm cho nông dân mà chỉ chọn cách đơn giản và dễ làm nhất là bán đất, bán lao động thì sớm muộn gì cũng tái nghèo...".

 

Báo VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác! 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,