221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1127991
Tạm đình chỉ hoạt động của Vedan thuộc thẩm quyền của ai?
1
Article
null
Tạm đình chỉ hoạt động của Vedan thuộc thẩm quyền của ai?
,

 - Tiếp tục trao đổi xung quanh những vi phạm về môi trường mà một ví dụ điển hình là vụ Vedan, TS. Luật Cù Huy Hà Vũ cho rằng tạm đình chỉ hoạt động của Vedan thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Thanh Sơn


UBND tỉnh Đồng Nai đã đúng khi cho rằng “tạm đình chỉ hoạt động” là hình thức phạt bổ sung. Điều gây lầm lẫn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chắc hẳn là vì các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong cùng Khoản 26 Điều 10 Nghị định 81/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Chính phủ.

 

Nhưng thực ra, bản thân quy định “Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết” cũng đã cho thấy “tạm thời đình chỉ hoạt động” không phải biện pháp khắc phục hậu quả vì nếu hai khái niệm này đồng nhất, tức có thể thay thế cho nhau thì trong quy định trên liệu ta có thể viết “Biện pháp khắc phục hậu quả cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết”?!

 

Vả lại, biện pháp khắc phục hậu quả đã được định nghĩa rất rõ tại Điểm g Khoản 3 Điều 33 và 34 Nghị định 81/2006/NĐ-CP, đó là “thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường do hành vi vi phạm gây ra”. Còn “một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần” không những là quy định mà còn là một nguyên tắc pháp luật! Nói cách khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt Vedan thì chỉ bộ này mới có quyền phạt bổ sung mà ở đây là “tạm thời đình chỉ hoạt động” cho đến khi doanh nghiệp này thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết.


UBND tỉnh Đồng Nai không ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của VEDAN là đúng? Điều này cũng có nghĩa UBND tỉnh Đồng Nai không cố tình đùn đẩy trách nhiệm tạm đóng cửa Vedan sang Bộ Tài nguyên và Môi trường như nhiều người nghĩ mà vấn đề ở chỗ bộ này đã thụ lý vụ việc trước, đã xử phạt thì phải xử lý tiếp.

 

Theo Nghị định 81/2006/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả hai đều có thẩm quyền xử phạt đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhưng không có chuyện cả hai xử phạt cùng một lúc hoặc người trước, người sau vì như trên đã nói, một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần, mà là người nào thụ lý vụ việc trước thì xử phạt.

 

Thực vậy, Điều 42 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính quy định: “Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện”. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Một cũng khẳng định với tôi là tỉnh không né tránh xử lý Vedan nhưng đã làm thì phải làm cho đúng pháp luật! Tuy nhiên, điều đáng phàn nàn là lẽ ra UBND tỉnh Đồng Nai phải là nơi phát hiện và xử lý Vedan trước tiên, thậm chí từ lâu là đằng khác. Chính vì vậy, cần phải biểu dương UBND tỉnh Thái Bình do đã đình chỉ hoạt động của 9 doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh này, UBND tỉnh Phú Thọ do đã đình chỉ hoạt động xả thải gây ô nhiễm đối với Miwon...


Cũng cần nói thêm rằng, trong trường hợp phải đình chỉ vĩnh viễn hoạt động, tức rút giấy phép đầu tư của Vedan thì cả Chủ tịch tỉnh Đồng Nai lẫn Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đều không có quyền vì không còn trong phạm trù xử phạt hành chính nữa và quyền này thuộc Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là người đã cấp giấy phép đầu tư cho Vedan vào năm 1991.


ĐB Lê Thị Nga: "Đề nghị QH giám sát tối cao về vi phạm môi trường". Ảnh: Trí Dũng

Về việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói rằng, theo Điều 49 của Luật Bảo vệ Môi trường thì thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động của Vedan là thuộc Thủ tướng và Thủ tướng có thể uỷ quyền cho UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện việc đó thì nói thế là sai.

 

Không chỉ vì không có dòng nào trong Luật Bảo vệ môi trường chứ đừng nói Điều 49 quy định Thủ tướng làm cái việc tạm thời đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp như một hình thức phạt hành chính bổ sung mà trước hết, vì Thủ tướng dứt khoát không phải là cấp xử phạt vi phạm hành chính. Ngay cấp Bộ trưởng cũng không làm việc này.

 

Chính vì thế, cả Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính lẫn Nghị định 81/2006/NĐ-CP đều không đề cập Thủ tướng hay cấp bộ trưởng như là chủ thể của xử phạt hành chính. Vả lại, công việc của Thủ tướng là điều hành vĩ mô chứ không trực tiếp xử lý các vấn đề vi mô như sai phạm của doanh nghiệp được. Mặc dầu vậy, Thủ tướng luôn có quyền chỉ đạo, đôn đốc cấp dưới thực hiện đúng chức năng, quyền hạn của mình mà trong trường hợp này là chỉ thị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Vedan.


Nói cách khác, đưa Thủ tướng “vào cuộc” trong vụ Vedan không những không tăng uy tín cho Thủ tướng mà ngược lại, chứng tỏ bộ máy dưới quyền Thủ tướng trì trệ, hễ gặp khó là đùn lên cấp trên giải quyết cho tiện...


Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nói rằng, với trường hợp Vedan thì phải tính, vì khi họ vào Việt Nam hoạt động, chúng ta chưa có Luật Bảo vệ môi trường..., tôi cho rằng một khi đã có Luật Bảo vệ môi trường thì mọi tổ chức, cá nhân nói chung và doanh nghiệp nói riêng đều phải tuân thủ, không phân biệt doanh nghiệp có vốn trong hay ngoài nước. Còn nói vậy, thì tính sao đây với hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam tồn tại hàng chục năm trước khi có luật này?!

Có nhiều ý kiến, kể cả của Đại biểu Quốc hội cho rằng, tới đây, Quốc hội cần sửa Bộ Luật hình sự theo hướng xử lý hình sự cả pháp nhân vì nếu chỉ xử lý hình sự cá nhân như hiện nay thì chưa chắc đã xử lý được tội phạm ví như trường hợp Vedan thì Tổng giám đốc đã bỏ về Đài Loan rồi. Nói như trên là không thực tế vì không thể cải tạo không giam giữ hoặc bỏ tù pháp nhân.

 

Ngược lại, tạm đình chỉ hoạt động có khác nào áp dụng án tù có thời hạn và rút giấy phép hoạt động có khác nào áp dụng “tử hình” đối với pháp nhân! Tuy nhiên, Quốc hội có thể sửa Bộ Luật hình sự phần liên quan đến các tội phạm về môi trường theo hướng tội phạm không chỉ là cá nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường mà gồm cả cá nhân tổ chức gây ô nhiễm môi trường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân trực tiếp hay tổ chức gây ô nhiễm môi trường gây hậu quả nghiêm trọng mà không cần điều kiện cá nhân đó đã bị xử phạt hành chính như quy định hiện nay.

 

Ví dụ, có thể sửa Khoản 1 Điều 183. Tội gây ô nhiễm nguồn nước như sau: “Người nào trực tiếp hoặc tổ chức thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt...”.


Còn để xử lý tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài thì phải có hiệp định dẫn độ hoặc hiệp định bổ trợ tư pháp với nước ngoài. Ngay người trong nước phạm tội mà trốn ra nước ngoài thì cũng không thể truy bắt nếu không có các hiệp định này. Tuy nhiên, trước đó phải khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can cái đã.

 

Trong khi chờ đợi các nhà lập pháp bổ sung hoặc sửa đổi Điều 183 Bộ Luật hình sự như tôi vừa gợi ý thì các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể căn cứ Điều 104 Bộ Luật hình sự - Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác có tổ chức để khởi tố vụ án “gây tổn hại sức khỏe cho người khác”, khởi tố bị can đối với các cá nhân lãnh đạo Vedan một khi có đủ bằng chứng về việc sức khỏe của cư dân trong vùng bị tổn hại bởi việc Vedan xả nước thải không qua xử lý ra môi trường.


Bất luận thế nào, tôi luôn ủng hộ quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên là làm đến cùng vụ Vedan như một cảnh báo nghiêm khắc cho bất cứ ai, bất cứ doanh nghiệp nào hòng trục lợi trên môi trường sống của người khác. 

  • TS. Luật Cù Huy Hà Vũ
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,