221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1126731
Điều mong muốn khi nghe chất vấn và trả lời chất vấn
1
Article
null
Điều mong muốn khi nghe chất vấn và trả lời chất vấn
,

 - Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, xin mạnh dạn đề đạt với các đại biểu về quyền chất vấn và hiệu lực, hiệu quả của hoạt động chất vấn  tại các kỳ họp. Hy vọng rằng, những vấn đề đặt ra sẽ phần nào góp phần nhỏ bé nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này. 

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng chất vấn tại hội trường. (Ảnh TTXVN)

Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp trong những năm qua đã có nhiều đổi mới theo hướng dân chủ, thẳng thắn và công khai. Tuy vậy, vì nhiều lý do mà người ta cho là tế nhị, đã có không ít những cuộc chất vấn khiến cử tri theo dõi cảm thấy chưa vừa lòng, không thỏa mãn. Không vừa lòng  vì vấn đề được đặt ra chưa được giải trình một cách triệt để, rõ ràng. Chưa thỏa mãn  cả vì người chất vấn chưa thực sự quyết tâm, nỗ lực, dũng cảm để tìm ra sự thực trong khi bản thân hoàn toàn có đủ cả “tình” và “lý” thực hiện điều đó.

 

 

Chất vấn cần phải đạt được cái đích là tìm ra ngọn ngành những vấn đề mà cử tri quan tâm kiến nghị, chỉ ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng chỗ nào đúng, chỗ nào chưa đúng, vì sao chưa đúng và trách nhiệm thuộc về ai…

 

Muốn tìm ra được ngọn ngành ấy, người hỏi không chỉ đơn giản là trình bày lại câu hỏi chất vấn đã được đăng ký trước mà hơn thế phải có sự đầu tư nhất định cho việc nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu các quy định hiện hành của Nhà nước và của địa phương liên quan đến nội dung chất vấn. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cần dành thời gian lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhiều chiều từ cử tri, có sự xem xét thực tế một cách cụ thể và chắc chắn từ trước khi thực hiện quyền chất vấn.

 

Trong quá trình chất vấn phải nhận thấy và chỉ rõ chỗ nào còn chung chung, đại khái, “mờ mờ”, đồng thời có những phản hồi xác thực, tái chất vấn bằng lý luận và thực tiễn với những dẫn chứng chân thực, đúng đắn có sức thuyết phục cao. Chỉ có như vậy, mỗi thông tin phản hồi với người trả lời chất vấn mới thực sự có giá trị, đòi hỏi người trả lời không thể né tránh trách nhiệm và cũng làm hài lòng cử tri, đặc biệt là những người có quyền và lợi ích liên quan đến nội dung chất vấn. Như vậy là chất vấn đến cùng.

 

Chất vấn đến cùng là để tìm ra chân lý sự việc. Chất vấn đến cùng vì thế không thể thiếu cái mà ai đó gọi là “dũng cảm chính trị” trong bản lĩnh của người đại biểu. Nói lên những thực tế, không thể không “đụng chạm” và sự “đụng chạm” ấy lại rất có thể ảnh hưởng đến  mình.

 

Trên thực tế, nhiều đại biểu, ngoài vai trò là một đại biểu dân cử với những quyền được Nhà nước bảo đảm thực hiện còn có thể là thủ trưởng một cơ quan trong hệ thống chính trị. Việc chất vấn lại thủ trưởng của mình bằng hết quyền chất vấn là một việc làm không ai dám nói dễ. Trong những hoàn cảnh ấy, để làm tốt vai trò đại biểu có lẽ mỗi đại biểu phải tự luyện cho mình  phép “phân thân”. Luôn phải ghi nhớ rằng, trên nghị trường, quyền đại biểu là tối thượng.

 

Bên cạnh trách nhiệm đại biểu, chất vấn đến cùng cũng là một “thách thức” không nhỏ đối với người trả lời chất vấn. Nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng về nội dung, căn cứ pháp lý và thông tin phản ánh toàn diện về thực tế sự việc, rất có thể người trả lời chất vấn sẽ bị “mất mặt” trước những câu hỏi khó, hóc búa mà đúng, không thể chối cãi vào đâu được.

 

Chất vấn đến cùng không cho phép tồn tại một sự khuất tất, không cho phép cái gọi là “tế nhị” để giải thích cho những tồn tại mà nội dung và câu hỏi chất vấn đề cập tới. Vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong dư luận có nhiều lý do dẫn tới, trong đó có những lý do khách quan và chủ quan. Điều khách quan nói đúng, nói đủ thì lý do chủ quan cũng phải nói cho đúng, nói cho đủ. Việc công dùng phép công, không có gì là không thể nói ra, chỉ lo người trả lời chất vấn không dám  nói hết  những gì đang đang ra mà thôi.

 

Trong những quyền của đại biểu, quyền chất vấn đối với các cơ quan thuộc bộ máy hành pháp là một trong những quyền khẳng định rõ vai trò người đại biểu trong cơ quan quyền lực Nhà nước. Cử tri chúng tôi mong những người đại biểu đại diện cho ý chí, quyền lực của mình phải bằng hết tâm sức làm cho thật tốt cái quyền ấy, góp phần to lớn bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri, những người đã tín nhiệm bầu ra mình bằng lá phiếu. Làm được điều đó cũng là phương pháp có hiệu quả tạo được lòng tin sâu sắc trong lòng cử tri, xứng đáng với những gì Đảng, Nhà nước và nhân dân tin dụng. 

  • Sỹ Thắng 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;