- Bộ TN-MT đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất đối với Công ty Vedan. Tuy nhiên, đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn chần chừ chưa thực hiện. Thái độ của chính quyền tỉnh Đồng Nai khiến người dân hết sức bức xúc và đặt nhiều câu hỏi…
|
Bộ TN-MT đã có đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai đóng cửa Công ty Vedan, tuy nhiên, đến nay, công ty này vẫn ung dung hoạt động. (Ảnh VNN) |
Tại sao chính quyền Đồng Nai chần chừ không xử lý?
Chính quyền tỉnh Đồng Nai là của ai, do ai và vì ai? Họ phải thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ TN-MT, cơ quan chuyên môn cao nhất về lĩnh vực này. Họ phải tuân thủ ý kiến của Bộ trưởng Bộ TN-MT, thành viên Chính phủ. Họ phải tôn trọng những ý kiến của dân. Rất lạ, một sự việc như vậy, lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật, người dân kêu nhiều như vậy mà chính quyền địa phương cứ làm ngơ. Liệu cơ quan ấy có đủ sức bảo vệ cho quyền lợi của người dân hay không khi việc rõ ràng đến mười mươi mà không đủ sức giải quyết? Một bạn đọc
Pháp luật của Việt Nam đang bị chính các cơ quan quản lý vi phạm, đó là việc đùn đẩy trách nhiệm giữa tỉnh Đồng Nai và Bộ TN-MT. Nếu tỉnh Đồng Nai không làm thì Bộ TN-MT nên vào cuộc ngay tức khắc, sai lầm của tỉnh Đồng Nai sẽ giải quyết sau, không thể kéo dài như vậy được. Là người dân, tôi không thể tưởng tượng được là có lúc lại được xem cách hành xử cực kỳ vô trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai. Đồng Nai hàng năm được biểu dương về kêu gọi đầu tư nhưng hiệu quả của đầu tư đang được Vedan “làm gương” - một bài học cho quản lý Nhà nước. Nguyễn Việt Triều, nvt@...
Tôi thấy bằng chứng vi phạm của Vedan đã rõ ràng. Công luận cũng đã lên tiếng trong hàng tháng trời nay. Ấy vậy mà đơn vị này vẫn ngang nhiên hoạt động trong khi chúng ta còn lúng túng, đá qua chuyền lại, không có cơ quan nào đứng ra xử lý. Tôi nghĩ, đây là công việc tầm quốc gia mà còn vậy thì những việc ở cơ sở như thế nào? Với tư cách là một công dân, tôi cực lực phản đối về cách quản lý xã hội như vậy của các cơ quan công quyền. Tôi hy vọng sẽ không còn trường hợp "lúng túng" nào như vậy diễn ra nữa. Trịnh Quang, Đà Nẵng
Chúng tôi rất bức xúc, các công ty như Vedan vì lợi riêng mà coi thường người dân, làm hại môi trường Việt Nam. Chúng tôi cũng rất bức xúc với chính quyền, cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường đã làm ngơ các vi phạm của các nhà máy gây ô nhiễm môi trường, sau khi phát hiện ra còn không xử lý và tỏ thái độ chần chừ với các nhà máy vi phạm môi trường. Nguyễn Bút Thép, Lai Châu
Chúng tôi ủng hộ sự cứng rắn của Bộ TN-MT
Là người dân, chúng tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của Bộ trưởng Bộ TN-MT về việc phải đóng cửa ngay Công ty Vedan vì hành vi và thủ đoạn gian dối lâu nay. Không những phải bắt đóng cửa nhà máy mà còn phải áp dụng hình phạt cao nhất, thậm chí phải tính những thiệt hại mà Vedan đã gây ra đối với môi trường, bồi thường những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu trong nhiều năm. Van Dung, vandung_thienan@...
Hoan nghênh những lời phát biểu thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ TN-MT. Tôi hy vọng sẽ được sớm thấy kết quả thực hiện. Rất mong Nhà nước sớm có những chế tài cụ thể hơn nữa, có thể đóng cửa vĩnh viễn nếu vi phạm có tổ chức kéo dài (từ 3-5 năm). Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho họ làm ăn chứ không phải "trải thảm" cho họ phá hoại môi trường đất nước. Nguyễn Văn Mẫn, Đà Nẵng
Tôi hoàn toàn ủng hộ sự cứng rắn của Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên. Mong sao những quyết định cứng rắn đó sớm trở thành hiện thực. Ai cũng biết lợi ích của công nghiệp hóa, nhưng hủy hoại môi trường như Vedan và Miwon thì phá quá nhiều so với "xây", lợi bất cập hại. Phải cương quyết xử lý nghiêm khắc các công ty gây ô nhiễm môi trường, nhất là các công ty có thủ đoạn tinh vi, nếu không làm nghiêm họ sẽ thành ra coi thường pháp luật VN. Trọng Nghĩa
Cam kết về môi trường của VN với LHQ có thành hiện thực?
Trong chương trình mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ các nước ký cam kết tháng 9/2000 (VN tham gia) có mục tiêu thứ 7 là đảm bảo sự bền vững của môi trường.
Tháng 09/2005, Việt Nam báo cáo, trong đó có nêu thực trạng và đánh giá về môi trường nước như sau: “...Hầu hết các sông nhỏ, hồ, kênh, mương nội thành của các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP.HCM… đều bị ô nhiễm ở mức báo động; các chỉ tiêu đều vượt so với tiêu chuẩn cho phép từ 4 - 5 lần, có điểm tới 70 lần. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết các nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp được xả trực tiếp vào hệ thống sông suối, kênh, mương không qua xử lý…”.
Và VN đã cam kết đến năm 2010: “…Từng bước sử dụng công nghệ sạch trong các ngành kinh tế, xã hội; phấn đấu đến 2010 đạt 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường. Cơ bản hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải ở các khu đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất; 40% các khu đô thị và 70% các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, 80-90% chất thải rắn được thu gom; xử lý được trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện. Xử lý cơ bản sự cố môi trường trên các dòng sông. 95% dân cư thành thị và 85% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch…”.
Thời gian qua, chúng ta đã làm gì để thực hiện cam kết đó, để bây giờ sau khi vụ Vedan xảy ra mới “nháo nhào” đi kiểm tra toàn diện? Kiểm tra đâu thấy sai phạm đó! Những số liệu thống kê báo cáo về môi trường mà Chính phủ nêu chắc chắn đều do nguồn của Bộ TN-MT cung cấp. Vậy chứng tỏ cơ quan chức năng đã biết thực trạng ô nhiễm, nhưng vấn đề ở chỗ không có biện pháp kiểm tra, xử lý, ngăn chặn. Do đó, cần thiết phải xem xét trách nhiệm cơ quan chức năng liên quan.
Chỉ còn 2 năm nữa để đánh giá, báo cáo giai đoạn thực hiện cam kết với LHQ. Quỹ thời gian không còn nhiều, nhưng liên tiếp với các vụ việc gần đây chứng tỏ các cơ quan chức năng trong thời gian qua không làm tròn trách nhiệm và bổn phận, không xem những mục tiêu cam kết của Chính phủ là phương hướng hoạt động, không ngăn chặn, giảm thiểu được việc gây ô nhiễm môi trường.
Cơ quan, công ty nào vi phạm môi trường rồi cũng sẽ bị xử lý thích đáng. Nhưng bổn phận của mỗi người dân chúng ta cũng nên tự mình có trách nhiệm vào việc bảo vệ; lên tiếng phản ánh, ngăn chặn kịp thời các hành vi huỷ hoại môi trường. Môi trường là của chung, không phải của riêng ai! Trung Thu, Phú Yên
Cơ quan quản lý môi trường cũng phải chịu trách nhiệm
Tôi nghĩ ngoài việc xử lý nghiêm theo pháp luật những gì Vedan đã vi phạm cũng phải xử lý nghiêm các cơ quan chức năng đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ xử lý không các đơn vị vi phạm thì chỉ là xử phạt mà không tạo nên được trong các đơn vị khác sự tôn trọng để noi theo. Những ai liên quan đều phải đưa ra trước pháp luật. Nguyen Dinh Phong
Vedan đã gây ra ô nhiễm trong một thời gian dài và công ty này phải bồi thường, xử phạt để làm gương cho các đối tượng khác hiện đang có những hành vi tương tự. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận sự vô trách nhiệm, sự vô cảm và sự yếu kém trong quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan, cán bộ được giao nhiệm vụ này. Trần Trung, Hà Nội, email: ktrung74@...
Tại sao sự việc đã gần chục năm nay mà các cơ quan chức năng không biết. Hay biết mà vẫn cứ làm ngơ trước sự ô nhiễm môi trường và tổn hại đến sức khoẻ của người dân. Việc này đề nghị Nhà nước xử lý nghiêm những đối tượng đã gây ra và cơ quan quản lý các cấp cũng phải có trách nhiệm trước môi trường Việt Nam và của người dân xung quanh. Quang Hưng, Vinh, Nghệ An, email: Quang_hung@...
Sự thực về việc tại sao Vedan có thể "qua mặt" được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thì chắc ai cũng rõ. Câu trả lời không đơn giản nằm ở sự bất cập và yếu kém trong công tác quản lý. Với tất cả những bằng chứng rõ ràng và không thể chối cãi đó thì ngoài việc xử lý nghiêm minh Vedan cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan các cấp có liên quan, trong đó "vô trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng" là tội có thể điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tinh Anh, Hà Nội, email: vntinhanh@...