221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1116066
EVN hãy minh bạch thu chi trước khi đề nghị tăng giá
1
Article
null
EVN hãy minh bạch thu chi trước khi đề nghị tăng giá
,

 - “Đề nghị EVN minh bạch hoạt động kinh doanh của mình. Trước khi tăng giá điện, khách hàng phải được biết EVN lỗ cụ thể như thế nào? Giá thành sản xuất ra sao? Chi phí quản lý thế nào? EVN đã làm tròn trách nhiệm đối với khách hàng chưa?...”. Ý kiến của đa số bạn đọc VietNamNet trước đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN.

Người dân cần được biết tình trạng lãng phí, thất thoát của ngành điện. (Ảnh VNN)

EVN lỗ như thế nào, cần minh bạch

Mỗi lần có tin EVN tăng giá điện là một lần có nhiều ý kiến đòi hỏi EVN phải minh bạch hoạt động kinh doanh của mình. Khách hàng phải được biết EVN lỗ cụ thể như thế nào? Giá thành sản xuất ra sao? Chi phí quản lý thế nào? Hiệu quả đầu tư có đạt yêu cầu không? Tình trạng lãng phí, thất thoát đã khắc phục đến đâu? Tất cả những câu hỏi trên cần được kiểm toán, thanh tra minh bạch và tin cậy. Từ đó, Chính phủ quyết định EVN phải tự khắc phục những gì từ hoạt động của ngành điện trước, để giảm "lỗ", rồi sẽ tính tăng giá điện đến mức nào cho phù hợp.

Nếu cứ để EVN tự tính toán, rồi tự yêu cầu mức tăng giá, bắt toàn bộ nền kinh tế, xã hội và dân sinh phải "đền" cho cả những sự phung phí, tắc trách của chính EVN thì thật vô lý!

 

Nguyễn Ngọc Hùng, Tp. Hồ Chí Minh

 

Trước khi thực hiện tăng giá điện, đề nghị Chính phủ công bố kiểm toán ngành điện để nhân dân được biết. Theo tôi, tăng giá điện có thể chấp nhận được khi ngành điện có phương án thực sự khoa học dựa trên những điều tra về từng loại đối tượng sử dụng, đánh giá đúng tác động đối với từng lĩnh vực và toàn xã hội. Riêng đối với 100kw đầu tiên, đề nghị không tăng giá. Bởi hầu hết những người lao động nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công chức bình thường đều nằm trong khoảng sử dụng đó. Đó là những người bị tổn thương đầu tiên và chắc chắn họ khó gượng được dậy sau cơn bão giá.

 

Cao Nguyên, Sơn La

Tôi thấy chúng ta bàn cãi quá nhiều về giá thành điện. Nhưng giá thành thực tế để làm ra 1kw giờ điện là bao nhiêu thì chỉ có lãnh đạo EVN biết. Ở Việt Nam, điện chiếm 70% là thuỷ điện, trong đó lại có nhiều nhà máy thuỷ điện như Thác Bà, Hoà Bình đã hết khấu hao từ lâu. Vậy sao lúc nào lãnh đạo EVN vẫn cứ ca bài tăng giá? Các nhà lãnh đạo EVN có thấu hiểu người dân đang phải gồng mình gánh chịu các cơn bão giá không? EVN đem tiền đầu tư vào viễn thông, khách sạn, khu resort hoành tráng, sao không thấy nói thiếu vốn? Độc quyền bán điện cho dân, cúp điện vô tội vạ, gây thiệt hại vô kể cho các doanh nghiệp. Ngành điện có còn là của dân nữa hay không?

 

Hoa Ngoc Ha, Tp. Hồ Chí Minh

Cơ chế độc quyền của một số tập đoàn kinh tế đã khiến họ thao túng thị trường mà ngành mình độc quyền. Tập đoàn Điện lực dư dả tiền bạc để đầu tư vào bất động sản, viễn thông, những thứ chưa thể cạnh tranh với những tập đoàn khác mà họ vẫn cố gắng lao vào. Còn điện họ lại từ chối các dự án của Chính phủ cấp cho họ. Chúng ta không cần chỉ ra điều không hợp lý nữa vì đã quá rõ ràng rồi, vấn đề bây giờ là hãy xem phải làm gì để thay đổi được điều đó. Mong các nhà quản lý có trách nhiệm trước những ý kiến của độc giả để có thể đưa ra được những thay đổi hợp lý.

Nguyễn Sơn Hải, Hà Nội

Ngành điện làm tròn trách nhiệm chưa mà đòi tăng giá?

Ngành điện đã bao giờ chịu phạt vì không cấp đủ điện cho khách hàng chưa? (Ảnh VNN)
Chúng tôi thấy, đã nhiều năm nay, ngành điện thao túng trong xã hội quá lớn về giá cả. Chính phủ cũng chưa có biện pháp buộc ngành điện phải có cơ chế, cách làm để quản lý và điều chỉnh giá cả phù hợp. Ngành điện chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của Chính phủ. Họ không chịu suy nghĩ và tìm ra các biện pháp để làm sao có lợi cho người dân và nhà nước. Tôi thấy hình như họ chỉ vun vén cho lợi ích của ngành họ.

Lương và thưởng của ngành điện rất cao. Trong những dịp Tết, một công nhân có mức thưởng cao đến không ngờ, không kém những doanh nghiệp làm ăn có lãi lớn. Trong khi đó, những ngành lao động khác phải lao động vất vả, thu nhập cũng chỉ vài trăm nghìn đồng/tháng.

Đấy là không nói trong quá trình làm việc, ngành điện còn gây bao nhiêu phiền toái cho người sử dụng: bắt mua công tơ khi mắc điện với giá cao (khi mới mắc điện phải mua công tơ điện giá 500-600 nghìn đồng, trong khi giá thị trường chỉ hơn 100 nghìn), khi mất điện thì dù được báo cũng không sửa chữa ngay... Tất cả những điều trên gây bức xúc cho người dân.

Nên chăng, ngành điện cần có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp điện cho người sử dụng, không được ỉ lại Nhà nước bao cấp. Đã đến lúc Nhà nước cần xem xét nghiêm túc về năng lực của lãnh đạo ngành điện.

Nguyễn Văn Dân, Hà Nội

Tôi nghĩ thời bao cấp đã qua quá lâu, đã đến lúc ngành điện cũng cần phải thay đổi về mọi mặt. Việc tăng giá điện là không hợp lý nhất là trong thời điểm nhạy cảm hiện nay khi mà nền kinh tế Việt Nam còn yếu và có nhiều bất cập.

Chúng ta vẫn mắc phải bệnh quan liêu trong quản lý và kinh doanh trong các cơ quan và tập đoàn nhà nước quản lý, đây là 1 cản trở lớn trong việc phát triển kinh tế. Đề nghị Chính phủ giao việc kinh doanh và xây dựng hạ tầng của ngành điện cho các tập đoàn hoặc các công ty trong nước có đủ khả năng về vốn (Nhà nước có thể cùng hợp tác) và kỹ thuật. Điều này giúp thúc đẩy ngành điện bước ra khỏi vòng luẩn quẩn trong nhiều năm qua.

Đã bao giờ ngành điện tự hỏi trách nhiệm của họ đối với khách hàng chưa? Ngành điện đã bao giờ chịu phạt vì không cấp đủ điện cho khách hàng chưa (khách hàng mà không nộp đủ tiền thì bị cắt điện)?

Tôi rất không tán thành việc để một tập đoàn độc quyền trong ngành điện. Đã đến lúc cần phải xem lại ngay cách kinh doanh và thực thi trách nhiệm của ngành điện đối với quốc gia.

Nguyễn Chí Kiên, Hà Nội

Là một ngành được Nhà nước ưu ái, cho độc quyền nhưng ngành điện không chịu chăm lo phát triển mạng lưới sản xuất và cung cấp điện năng. Đến nay, trước những yếu kém của mình, họ bắt đầu xoay ra đổ lỗi cho khách quan mà không thấy trách nhiệm kém cỏi của mình đối với sự ưu ái của Nhà nước và niềm tin của nhân dân. Nước ta nhiều mưa, nhiều nắng, nhiều gió, nhiều sông... đây là những nguồn năng lượng vô cùng phong phú và quý giá. Họ đã tận dụng được những gì từ đó?

Tăng giá điện là tăng giá đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ, đời sống xã hội và làm cho giá cả thị trường tăng cao. Họ đã thấy điều đó nhưng vì sao vẫn đề xuất việc tăng giá điện? Làm như vậy là nhằm làm cho giá cả leo thang mạnh nữa hay sao? Các cơ sở sản xuất điện của Việt Nam đã hoàn thành thì không thể bán điện cho EVN, còn EVN lại đi mua điện của Trung Quốc về xài. Đem giá điện của ta so với giá điện nước ngoài nhưng lại không chịu thấy một sự thật là mức thu nhập của người dân Việt Nam còn quá thấp so với nước ngoài. Ngành điện thật khéo ngụy biện.

Lâm Điểu, Hà Nội

Tăng giá điện là tăng nguy cơ lạm phát

Đề án tăng giá điện của Bộ Công thương gây lo ngại rất lớn trong nhân dân. Bởi vì khi giá điện tăng lên thì giá các mặt hàng thứ yếu sẽ tăng mạnh, từ đó lạm phát tăng cao làm cho công chức và người lao động sẽ không sống nổi với đồng lương của mình.

Chúng tôi rất mong Chính phủ xem xét thời điểm tăng hợp lý và tăng như thế nào để không chịu tác động tăng giá tiêu dùng. Với giá điện hiện hành, ngành điện vẫn có lãi cao. Thu nhập của cán bộ công chức ngành điện cũng thuộc vào hàng khá trong các ngành. Về việc đầu tư cho ngành điện thì ngành điện nên huy động vốn và mở rộng hợp tác bên ngoài như nhiều ngành khác đã làm, kêu là giá điện thấp và bị lỗ là không có cơ sở. Rất mong ngành điện suy nghĩ.

Pham Van Lam, Phan Thiết

Niềm vui khi Chính phủ thực hiện tăng 15% lương cho những người đang hưởng lương ngân sách đã sụp đổ phần nào khi những thông tin ban đầu về việc tăng giá điện vào những tháng cuối cùng của năm 2008.

Năm 2008 là một năm đầy khó khăn, biến động với những người lao động Việt Nam. Thu nhập vốn ít ỏi của những người nông dân, công nhân trong các khu công nghiệp, những người làm công ăn lương, công nhân viên chức, giáo viên, những người hưu trí chỉ biết trông vào đồng lương, những đồng trợ cấp với các đối tượng chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ... hiện đang bị đe dọa bởi muôn vàn sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường.

Tăng giá điện lúc này không chỉ xoá bỏ hoàn toàn hiệu quả chống lạm phát Chính phủ vừa mới đạt được, nguy hiểm hơn, nó đã làm mất lòng tin trong nhân dân về hiệu lực quản lý Nhà nước cũng như những tiêu chí lớn lao hơn "Nhà nước của dân, do dân, vì dân". Không thể tăng giá điện.

Phạm Hồng Thắng, Hà Nội

Việc ngành điện đang đề nghị tăng giá điện, tôi thấy không hợp lý vào thời điểm này.

Thứ nhất, việc tăng giá điện không nhất quán với sự chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, Chính phủ hứa trong năm 2008 không tăng các mặt hàng thiết yếu như điện, than…

Thứ hai, EVN nói tăng giá điện để ngang bằng các nước trong khu vực là hết sức vô lý vì các nước vận hành cơ chế khác bản chất so với ta. Điện của họ do tập đoàn tư nhân đầu tư, còn ta do nhân dân đầu tư, nhà đầu tư lại phải chịu đi mua hàng đắt ngang mua của người khác đầu tư trong khi chưa được hưởng lợi gì vì sự đầu tư đó thì nghe có được không?

Hoàng Mạnh, Bắc Ninh

Trong khi đời sống của người dân Việt Nam chưa thật sự no đủ, thậm chí vẫn còn nghèo thì ngành điện lại chuẩn bị tăng giá. Việc này chỉ ảnh hưởng đến dân nghèo mà thôi. Ở các nước phát triển, người ta chỉ đánh thuế mạnh vào những dịch vụ kinh doanh, giải trí có lợi nhuận cao, phục vụ cho những người giàu như nhà hàng, khách sạn, vũ trường, dùng cái đó để san sẻ cho dân nghèo. Còn ở Việt Nam lại có kiểu lập luận là giá điện của ta còn rẻ hơn các nước trong khu vực để lấy cớ tăng giá. Xin ngành điện hãy nghĩ lại cho người dân được nhờ.

Lê Hồng Hải

Ý kiến bạn đọc:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;