- Sau khi công bố hàng loạt các cây xăng gian lận, VietNamNet đã nhận được nhiều thư bạn đọc bày tỏ bức xúc, yêu cầu cơ quan chức năng tăng mức độ và hình thức xử phạt đối với các cây xăng này.
Nhiều cây xăng bị phát hiện gian lận đo lường. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: VNN)
Mức phạt quá thấp sẽ khuyến khích DN vi phạm
Hiện tượng gian lận trong kinh doanh xăng dầu hiện nay đang làm nóng dư luận xã hội. Người dân nghèo đang phải thắt lưng buộc bụng, "gác" xe máy để đi xe đạp, ấy vậy mà một số cây xăng lâu nay đã ăn chặn tiền của khách hàng bằng cách gắn chíp điện tử ở cây xăng. Tôi là người dân, không đồng tình cách xử lý của cơ quan chức năng, khi thanh tra Sở KHCN Nghệ An đưa ra hình thức phạt một số doanh nghiệp vi phạm.
Tôi chỉ đơn cử một doanh nghiệp kinh doanh xăng tại
Tôi lấy con số khiêm tốn, một ngày doanh nghiệp này bán ra khoảng 1.000 lít xăng dầu theo thời điểm hiện tại giá bán là 17.300 đồng/lít, như vậy doanh thu của doanh nghiệp này trong ngày là 17.300.000 đồng, nếu cứ đong thiếu của khách 7,8% thì mỗi ngày doanh nghiệp này đã bớt của khách là: 17.300.000 đồng x 7,8% = 1.349.400 đồng. Kinh doanh triền miên như vậy, hỏi doanh nghiệp này đã bớt của khách bao nhiêu tiền trên tháng và trên năm?
Nếu phạt 13 -20 triệu đồng thì chỉ mất khoảng 10 ngày bán sai của khách là cửa hàng có thể bù lại được. Liệu sau 10 ngày tới thanh tra sở có kiểm tra lại hay không? Đây là hình thức phạt không hợp lý mà phải có chế tài mạnh mới hòng dập tắt kiểu "móc túi" của các doanh nghiệp kiểu này.
Thảo Hạnh, thaohanh@...
Nếu mức phạt chỉ là từ 13 - 20 triệu đồng, tôi nghĩ, chắc chắn 100% cây xăng sẽ tái phạm. Không chỉ những cây xăng này tái phạm mà mức phạt này còn khuyến khích các cây xăng khác “đong điêu”, làm ẩu như vậy.
Số tiền gian lận thu được khi bán mỗi lít xăng là 16.000 đồng x 7% = 1.120 đồng (không kể lãi ròng của buôn bán xăng dầu). Như vậy, với mức phạt trên, họ chỉ cần bán 17.000 lít xăng là có thể bù được chi phí nộp phạt. Một cây xăng trung bình có thể bán được 17.000 lít trong 5 ngày. Khoảng 5-10 năm mới có đoàn xuống kiểm tra một lần. Vậy thời gian còn lại, cơ quan chức năng khuyến khích họ làm bừa, làm ẩu?
Le Ngoc My, hanoisteeltrading@...
Hành vi bán thiếu, bán không đúng chất lượng hàng hoá (xăng dầu) là hành vi lấy cắp tiền của khách hàng, giá trị tiền trộm cắp là rất lớn. Vậy tại sao lại chỉ là xử lý hành chính và mức phạt quá ít so tiền mà các doanh nghiệp chiếm đoạt của khách hàng? Phải chăng chúng ta đang bao che các cây xăng dầu này? Còn quyền lợi người tiêu dùng thì sao? Ai bảo vệ, bồi thường? Theo tôi, đây là vụ trộm cắp lớn, không thể xử phạt vi phạm hành chính được.
Nguyễn Thanh, Hải Phòng
Có thể xử lý hình sự
Chỉ lừa đảo hoặc ăn trộm tài sản có giá trị 500.000 đồng trở lên là bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Luật Hình sự. Vậy mà những đại lý xăng móc túi của người dân hàng trăm triệu đồng chỉ bị xử phạt hành chính vài chục triệu. Mức xử phạt dành cho họ là rất nhỏ so với khoản lợi nhuận mà họ kiếm được nhờ vi phạm.
Chúng ta không thiếu luật để xử lý, xử lý không phải chỉ quy vào những điều luật cụ thể mà còn dựa vào những nguyên tắc, những tiền lệ. Chúng ta chưa dám làm vì còn ngại động chạm. Hành động này suy cho cùng chỉ người dân là chịu thiệt và nó vô tình làm cho ý thức chấp hành pháp luật bị hạn chế, thậm chí coi thường.
Tien Dat, Hà Nội
Theo tôi, với mức độ tổ chức có hệ thống như thế này thì không thể quy các cây xăng vào tội đong đếm sai được mà phải quy vào tội ăn cắp tài sản hoặc lừa đảo có tổ chức. Phải căn cứ vào số tiền họ ăn cắp được của người dân để xử lý hình sự thì mới đúng tội và răn đe hiệu quả. Bên cạnh đó, phải thực hiện rút giấy phép kinh doanh của họ, những doanh nghiệp như thế này không còn đủ tư cách để tiếp tục kinh doanh nữa. Mức phạt áp dụng ở trên là quá nhẹ, không có tính răn đe và nhất là không đúng tội.
N.Tuấn, Tuanmn@...
Nếu cần đóng cửa các cây xăng vi phạm
Các cây xăng ở Hà Nội vi phạm rất nhiều, đề nghị cho kiểm tra đột xuất, nếu có vi phạm mong các cơ quan chức năng phạt thật nặng (xây dựng chế tài nâng mức phạt trong luật lên để răn đe). Nếu cần thì đóng cửa vĩnh viễn, sẽ có nhiều nhà kinh doanh mới vào thế chỗ, họ sẽ nghiêm chỉnh chấp hành hơn.
Tuấn, tinhchokhong2030@...
Truy thu tiền gian lận để làm quỹ phúc lợi
Nghe tin, đọc báo mấy ngày nay mà tôi thấy buồn vì nhiều cây xăng trong cả nước đã xảy ra hiện tượng ăn cắp một cách rất trắng trợn.
Trộm cắp ngoài chợ, ở các bến tàu, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, thì mọi người xúm vào bắt, trong khi đó, chủ trạm xăng ngang nhiên ăn cắp với số tiền khổng lồ so với đồng lương còm cõi của người làm công ăn lương lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật bao năm nay.
Theo tôi, các cơ quan có liên quan phải mạnh tay, bắt chủ trạm xăng bỏ tù, truy thu tiền ăn cắp sung công quỹ, làm phúc lợi. Phải xử thật nghiêm minh mới có tác dụng răn đe. Bây giờ không phải là chỉ có "giáo dục, giơ cao đánh khẽ" nữa.
Cần kiểm tra thường xuyên và công bố cây xăng vi phạm
Người tiêu dùng chúng tôi vô cùng bức xúc về các cây xăng móc túi khách hàng. Việc kiểm tra và công bố các cây xăng vi phạm của các cơ quan chức năng là việc làm vì dân. Chúng tôi muốn việc làm này không chỉ là chiến dịch mà cần làm thường xuyên và đột xuất vì các cây xăng này sẵn sàng lấy lại những gì đã mất.
Hà Hữu Phàn, hhphan@...
Ý kiến bạn đọc: