221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1103748
Đại học, Cao đẳng nở rộ: Mừng hay lo?
1
Article
null
Đại học, Cao đẳng nở rộ: Mừng hay lo?
,

 - Nhìn vào các cấp học gần gũi là tiểu học, THCS và THPT, người ta thấy ở mỗi bậc đó đều có những bệnh mà lẽ ra không được có vì đối tượng tác động của ngành là con người đang ở vào lứa tuổi cần được giáo dục một cách thận trọng cả về trí dục lẫn đức dục. Nay nhìn lên bậc Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) để xem ngành này của chúng ta có mang bệnh hay không?

 

(Ảnh VNN)
Qua hội nghị về xây dựng và hoạt động của các trường ĐH, CĐ thời gian 10 năm (1998-2008) diễn ra ngày 30/8 tại Hà Nội, mọi người được biết, trong thập niên ấy, mỗi năm trung bình có 7-8 trường ĐH và 13 trường CĐ mới khai sinh. Đặc biệt, số lượng trường ĐH, CĐ nở rộ vào hai năm nay - bình quân mỗi tháng có 2 trường ĐH và 3 trường CĐ mới được thành lập!

 

Nhìn chung, tỉnh nào cũng có một trong hai loại trường này như một mạng lưới không thể không có của các tỉnh. Đã có trường, tiên quyết phải có thầy, nhưng có những trường chỉ có 1 giảng viên cơ hữu là tiến sĩ, rất nhiều “giảng viên” chỉ là cử nhân, tức… “cơm chấm cơm”. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số lớn trường mới thành lập đều thiếu thốn, lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu của một cơ sở đào tạo cấp đại học.

 

Câu hỏi là vì sao phải cho các trường ĐH, CĐ nở rộ đến bùng phát như vậy? Có phải vì “cầu” tăng đến mức các ĐH hiện có không kham nổi?

 

Nhìn vào điểm chuẩn tuyển sinh các năm gần đây, chúng ta thấy điểm chuẩn ở ngưỡng xê dịch ở 15 điểm tùy theo trường. Như thế, rõ ràng mới chỉ là tuyển được những học sinh trung bình, hoàn toàn không có chuyện học sinh khá mà thi rớt do chuẩn cao, tức không có chuyện “cầu” tăng vượt “cung”. Chuyện học sinh yếu cũng muốn vào ĐH chỉ là nhu cầu của gia đình và cần coi đó như một nhu cầu chưa chính đáng hiểu theo nghĩa đào tạo ĐH là đào tạo cho đất nước, cho xã hội cần tuân thủ về mặt chất lượng đầu vào.

 

Phải chăng, vì chạy theo thành tích nên địa phương nào cũng muốn mở ĐH, CĐ mà quên rằng chúng ta đang phải khắc phục hậu quả nặng nề (và không dễ khắc phục) của bệnh thành tích ở cấp trung học? Và phải chăng một số nơi nhìn thấy có thể kinh doanh… không thua lỗ từ việc mở ĐH, CĐ?

 

Thiết nghĩ, cả hai động cơ trên đều không lành mạnh, nhìn cả trên góc độ xã hội lẫn góc độ trách nhiệm với những gia đình có con em “được” (hay bị) vào cái mạng lưới của… nấm sau mưa này!

 

Tại hội nghị về xây dựng và hoạt động của các trường ĐH, CĐ, chúng ta còn được biết các cơ sở này rất thiếu trách nhiệm, và với một sơ sở giáo dục thì phải nói là rất thiếu kỷ cương.

 

Theo Vụ trưởng Vụ Đại học, “Đa số các trường chưa thực hiện đúng cam kết trong đề án khả thi thành lập trường về cơ sở vật chất, trang thiết bị và giảng viên”. Đã thế, một số trường còn mang bệnh “làm láo báo cáo hay”. “bị thanh tra phát hiện không báo cáo chính xác số lượng giảng viên cơ hữu khi đăng ký mở ngành đào tạo, báo cáo năng lực đào tạo của trường không chính xác, vượt quá năng lực thực tế”. Không trung thực, không thể làm thầy, yêu cầu đối với môi trường sư phạm luôn luôn là thế!

 

Còn nhớ, năm học 2007-2008 có tới 28 trường ĐH tuyển sinh vượt chỉ tiêu từ 40% trở lên, có những trường vượt tới 70% thậm chí một trường tại TP.HCM vượt… trên 92%! Phá kỷ cương, vượt chỉ tiêu chui vì mục đích giáo dục hay vì doanh thu? Khó hiểu là, Bộ GD-ĐT chỉ “phạt vạ” mỗi trường 40 triệu đồng mà không có giải pháp với những sinh viên “vơ bèo gạt tép” nói trên. Kỷ cương mà chặt chẽ thì tiêu cực đã không xảy ra.

 

Nguyện vọng học ĐH của học sinh là nguyện vọng mà Nhà nước chỉ đáp ứng một cách có điều kiện, có tiêu chí vì đó không phải nguyện vọng mua hàng hóa, mỗi tấm bằng đều phải có giá trị sử dụng mang lại lợi ích cho xã hội. Bằng thứ phẩm liệu có hiệu quả xã hội?

 

Chấn chỉnh ngay những trường ĐH, CĐ không đáp ứng nổi các điều kiện cơ bản thiết nghĩ là việc cần làm một cách cương quyết, triệt để. Nếu không, sẽ phải trả giá như trả giá cho tình trạng ô nhiễm mà “tất cả mọi dòng sông đều… bẩn” hiện nay. 

  • Cao Thoại Châu

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,