- Toà soạn vẫn nhận được rất nhiều thư của bạn đọc gửi về bày tỏ cảm xúc cũng như chia sẻ sau khi đọc loạt bài viết về các em nhỏ không có điều kiện tới trường. Nhiều ý kiến cho rằng thật đau lòng khi phải chứng kiến cảnh nhiều em không được tới trường. Chúng ta đang phấn đấu để trở thành xã hội công bằng văn minh và theo sự mong muốn của Bác Hồ, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Trong chúng ta, nếu mỗi người một ít, gánh vác cùng xã hội chắc chắn sẽ không còn cảnh như cháu Mến.
Uớc mơ của bé giản dị lắm: Đi học để đọc được chữ trên ti vi nhà hàng xóm! Ảnh: Ngọc Lan. |
Cần những chính sách thiết thực để giúp đỡ người nghèo
Qua bài báo "Nhiều người đồng tình ủng hộ trẻ em nghèo đến trường" và những bài tương tự, chúng ta biết được rằng trên khắp cả nước hầu như ở tỉnh nào cũng đang còn rất nhiều những người nghèo khó, nghèo khó đến cùng cực quẫn bách. Và cũng qua bài báo này của VietNamNet, chúng ta thấy được tinh thần tương thân tương ái của người dân vẫn rất cao, mặc dù chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường và sự khó khăn của nền kinh tế thế giới đang gặp ở khắp nơi.
Có những người già hưu trí sẵn sàng bỏ ra tới 3 tháng lương để hỗ trợ các em, có người phóng viên nghèo cũng trích mỗi tháng 300 nghìn đồng trong một năm để hỗ trợ các em học sinh nghèo ở Hà Tĩnh. Có người không có tiền thì góp gạo, góp sách vở quần áo cũ cho các em. Đó là những nghĩa cử cao đẹp của người dân, truyền thống đẹp của dân tộc. Tiếc rằng những người đó lại thường là những người dân thường và cùng chung cảnh nghèo với nhau!
Chỉ cần ra khỏi thành phố mươi cây số, chúng ta có thể thấy ngay nhiều cảnh đời đang phải chịu đựng cái nghèo hèn khốn khó ở mức nào. Thậm chí là ngay giữa thủ đô hay Thành phố Hồ Chí Minh thì chúng ta cũng bắt gặp không ít những hoàn cảnh nghèo khó đến thảm hại. Giữa thành phố du lịch nổi tiếng nên thơ dịu dàng, thành phố Huế mộng mơ, nhưng cũng có không ít cảnh đời nghèo khó đến mức nhiều người giàu không thể tưởng tượng ra nổi. Nhiều bài báo đã viết về những học sinh sinh viên giỏi đã sống và học tập vươn lên từ những gánh hàng rong của những người mẹ nghèo khó cơ cực nơi đây như chúng ta đã biết.
Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2008 vừa qua, chúng ta vui mừng vì có nhiều tân thủ khoa đạt điểm tuyệt đối. Nhưng đại đa số những cô cậu học trò đó đều lớn lên từ những gia đình công nhân viên chức nghèo hoặc những gia đình nông dân dưới cả mức nghèo. Các em đó đã sống và học tập rồi vươn lên từ trong sự nghèo khó. Các em thật đáng được khâm phục và tôn trọng.
Không khí năm học mới bắt đầu rộn ràng khắp nơi. Nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều những đứa trẻ không được đến trường hoặc con đường đến trường đầy gập ghềnh, gian khó. VietNamNet khởi đăng tuyến bài "Gập ghềnh đường đến trường" phản ánh những khó khăn của các em học sinh nghèo và nỗi khát khao đến trường. Các cá nhân, đơn vị, tổ chức có tấm lòng giúp những trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường có thể liên hệ với Ban Bạn đọc, Báo điện tử VietNamNet, email: banbandoc@vietnamnet.vn; Địa chỉ: Toà nhà số 4 Láng Hạ, Hà Nội; Điện thoại: 04.7722729 hoặc Văn phòng Đại diện tại TP.HCM: 65 Trương Định, Quận 3. Điện thoại: (Thư chuyển tiền ủng hộ, vui lòng ghi "Gửi ủng hộ trẻ em nghèo không có điều kiện tới trường")
Tiếc rằng, trong xã hội ngày càng phát triển và thịnh vượng của Việt Nam chúng ta ngày nay, vẫn có rất nhiều những người lớn lên trong các gia đình giàu có không hề biết rằng xung quanh họ đang có rất nhiều những người cùng trang lứa sống trong cảnh nghèo khó. Con cái nhà giàu không những được ăn ngon mặc đẹp mà còn được học hành ở trường của “Tây”, đi xe “Tây” nên suy nghĩ của họ cũng “Tây” đến mức quên cả người nghèo, thậm chí là họ không biết mình đang rất rất sung sướng so với người nghèo. Vì vậy nên họ đã sinh ra lắm trò, lắm ngón trong việc ăn chơi nhảy múa đến mức trác táng, truỵ lạc và vẫn nghĩ rằng mình đang khổ lắm!
Còn rất nhiều những em học sinh nghèo đang cần sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái xa gần. Một cuốn sách, một chút tiền của bạn đọc lúc này sẽ góp phần nâng bước các em đến trường.
Số TK: 001.100.264.3148. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội.
Hiện nay, chúng ta còn rất nhiều người nghèo và dưới cả mức nghèo ở khắp các tỉnh thành phố. Chúng ta có thể kêu gọi quyên góp dăm chục, một trăm hay cái quần, tấm áo từ những cá nhân có lòng từ bi thánh thiện để giúp những người nghèo khó. Nhưng đó chỉ là con cá. Người nghèo cần lắm một cái cần câu để họ có thể tự mưu sinh bằng cái cần câu đó chứ họ không thể sống mãi vào lòng thương hại của mọi người được.
Tôi cũng như những người đi xuất khẩu lao động khác cũng rất rất nghèo. Đảng và Nhà nước đã có chính sách xoá đói giảm nghèo cho một bộ phận người nghèo bằng việc cho xuất khẩu lao động. Đó là một đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tiếc rằng, các cơ quan chức năng lại chưa thực hiện các chính sách này một cách nghiêm túc và triệt để kịp thời. Thậm chí một số cán bộ công nhân viên chức của các cơ quan này còn vô trách nhiệm với công việc, thậm chí là vô cảm với người dân nghèo, vô tình vô tâm với cái nghèo của dân tộc.
Vì vậy cho nên đã và đang có không ít người đem thân đi xuất khẩu lao động như tôi đây đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro ở nước ngoài cũng rất cần nhận được sự giúp đỡ và các hành động kịp thời của những người có trách nhiệm và các cơ quan chức năng. Mặc dù chúng ta có thể kêu gọi lòng tốt từ những cá nhân để giúp đỡ một vài cá nhân hay một nhóm người nào đó trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Nhưng chúng ta không thể kêu gọi lòng tốt của các cá nhân để giúp đỡ nhiều người nghèo khó trong một thời gian dài hoặc thậm chí là cả đời của họ được.
Vấn đề cốt lõi ở đây là người dân, đặc biệt là người dân nghèo, từ trẻ em tới người già, rất cần những chính sách thiết thực và những hành động kịp thời từ các cơ quan ban ngành chức năng các cấp. Đặc biệt người dân nghèo rất cần những người đứng đầu các cơ quan ban ngành này có trách nhiệm với công việc, có một chút tâm, chút tình với người nghèo.
Qua những cụôc thanh tra kiểm tra, năm nào chúng ta phát hiện ra nhiều công trình, nhiều dự án “có vấn đề” với hàng trăm, hàng ngàn vụ sai phạm, tiêu cực, tham nhũng mỗi năm, từ lãng phí thất thoát tiền triệu đến hàng trăm triệu và tới hàng ngàn tỷ đồng và hơn thế nữa. Những công trình, dự án đó nếu nhận được sự quan tâm thích hợp của cơ quan ban ngành các cấp, đặc biệt là những người đứng đầu các cơ quan ban ngành đó thì chúng ta có thể tiết kiệm được mỗi năm “ vài ngàn tỷ” đồng ! Số tiền “tiết kiệm mỗi năm” đó chuyển cho ngành giáo dục còn bộn bề hôm nay thì chúng ta không những có những cơ ngơi trường ốc khang trang mà còn có cả những trang thiết bị hiện đại tối tân cho từng lớp học...
Khó như đánh giặc ngoại xâm, chúng nó hùng mạnh, ngoan cường và xảo quyệt như vậy mà chúng ta còn đánh được. Huống chi vài chuyện trẻ em không được đến trường, xây đường xây cầu cho con em đến trường để mỗi năm đỡ đi những em bị chết đuối, bị tai nạn giao thông chúng ta lại không làm được? Với truyền thống và tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, chúng ta đã kêu gọi cá nhân và tổ chức đóng góp của ít lòng nhiều giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, rủi ro, thiên tai dịch bệnh và được nhiều người hưởng ứng cổ vũ nhiệt tình. Hy vọng sẽ có nhiều tấm lòng thơm thảo của những người dân thường đối với người nghèo khó! Lê Văn Tiến, Lao động tại Qatar, email: xkld_vn@...
Mong sao mọi trẻ em đều được tới trường
Tôi nghĩ ước mơ lớn nhất của trẻ là cắp sách đến trường. Chúng ta phải có trách nhiệm đó, nhất là những người cha người mẹ, hơn ai hết chúng ta phải chung tay vào công việc tương lai của các em. Phan Thanh Huệ, Sơn La
Thật thương tâm khi em Mến bật khóc và nói với mẹ như vậy. Những bậc làm cha mẹ có động lòng suy nghĩ gì không? Tôi rất thông cảm và muốn chia sẻ cùng em. Mong chính quyền nơi em sinh sống tạo điều kiện cho em được đến trường như các bạn bè cùng trang lứa và mong Quý báo cung cấp rõ địa chỉ để tôi có thể hỗ trợ cháu một chút ít để cháu sớm được đến trường. Nguyễn Thị Minh Hạnh, Rạch Giá, Kiên Giang, email: mhanhkg74@...
Cháu gửi bạn Mến 200.000đ để mua sách vở kịp ngày khai giảng. Phan Thanh Tu, Lớp 4A Trường Tiểu học số 1 Hoàn Lão, Bố Trạch, Quảng Bình, email: Phanthithulieu74@...
Sống trong bãi rác, những đứa trẻ này không hề biết đến trường học, sách vở. Ảnh: Hà Dịu
Tôi thường xuyên đọc báo điện tử VietNamNet và rất buồn khi đất nước VN còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Thật tội nghiệp cho những đứa trẻ đó. Tôi muốn góp một chút tiền để ủng hộ các em. Tôi có thể gửi tiền về địa chỉ nào? Nguyễn Thanh Hà, Lancaster st Vancouver, Canada, email: vienkeomoi87@...
Tại sao chúng ta không miễn học phí cho các em học sinh nghèo và các học sinh ở vùng sâu vùng xa để tạo điều kiện cho các em tới trường. Mọi người hãy làm việc gì dù là nhỏ bé để các em nhỏ đều được đến trường. Tôi thấy các em đã quá thiệt thòi khi ở trong hoàn cảnh như vậy. Việt Anh, Hà Nội
Đọc trường hợp của em Nguyễn Văn Thành, HS lớp 8 Trường THCS Lê Lợi, xã Bình Phú, H. Thăng Bình, Quảng Nam mà tôi không cầm được nước mắt. Tại sao số phận các em lại khổ thế chứ. Mong các nhà hảo tâm trong và ngoài nước giúp đỡ để các em thực hiện được ước mơ tới trường. Nhìn cảnh phồn hoa đô thị, nghĩ tới các em lại thấy chạnh lòng. Trinh Duc Mao, Bỉm Sơn, Thanh Hoá, email: killvip05@...
Các trường học nên tổ chức quyên góp sách cũ
Thật đau lòng khi phải chứng kiến cảnh nhiều em không được tới trường. Chúng ta đang phấn đấu để trở thành xã hội công bằng văn minh và theo sự mong muốn của Bác Hồ, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Mỗi người một chút góp lại, tôi tin là sẽ giảm hẳn cảnh trên. Theo tôi, chúng ta nên tổ chức quyên góp ở các trường phổ thông. Mỗi trường hô hào vận động các em đóng góp sách giáo khoa cũ, tập vở, quần áo... thôi cũng đủ giúp cho một số không nhỏ các bạn nghèo được đến trường. Tôi tin những bậc ông bà, cha mẹ sẽ ủng hộ việc làm của các cháu. Mỗi người một ít, gánh vác cùng xã hội chắc chắn sẽ không còn cảnh như cháu Mến. Luong Ngoc, email: luongngoc07@...
Tôi muốn gửi sách và quà cho cháu. Tác giả bài viết làm ơn cho tôi địa chỉ. Bài viết và bức ảnh đứa bé khóc đòi đi học của anh làm bao người xúc động. Bức ảnh đó là một tuyệt tác về lòng nhân ái. Thân ái. Võ Văn Sự, Viện Chăn nuôi, xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội, email: vovansu@...
Tôi đã đọc bài viết. Tôi cũng đã xem nhiều phóng sự về việc các cháu học sinh vùng xa thiếu sách giáo khoa. Có lẽ tôi chưa thể giúp các cháu được. Tuy nhiên, tôi có ý kiến này, các cháu học sinh ở thành phố có điều kiện nên thường mua sách giáo khoa vào năm học mới. Kết thúc năm học, số sách giáo khoa đó không sử dụng nữa. Vì vậy, các Sở Giáo dục địa phương có thể vận động các cháu học sinh thừa sách giáo khoa cũ còn dùng được, tập trung lại và tặng cho các bạn vùng khó khăn. Như thế vừa tập thói quen làm việc tốt vừa giúp được các bạn khó khăn đang thiếu sách lại vừa giúp cho các cháu khó khăn có sách giáo khoa để học và giảm bớt gánh nặng của gia đình trong năm học mới. Đỗ Hiếu, Huế, email: Hieu330@...
Tôi là phụ huynh của một bé năm nay học lớp 4 trường Tiểu học Kim Liên HN. Con tôi khi đi học thường có 2 bộ sách giáo khoa, 1 bộ dùng ở trường và 1 bộ dùng ở nhà vì trường cho để sách tại lớp. Hiện nay, ở nhà tôi cũng có vài bộ sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3 cũ nhưng tôi cũng không thấy ở đâu vận động một chương trình nào như sách cũ tặng bạn nghèo. Chỉ có một vài chương trình góp giấy vụn vào quỹ kế hoạch nhỏ.
Theo tôi, để mua cho con mình 2 bộ sách giáo khoa trong năm học là điều không khó khăn với các bậc cha mẹ ở thành phố, nhưng đọc những bài viết về trẻ em nghèo các tỉnh không có sách học, tôi thấy thật phí phạm khi chúng tôi chẳng biết để sách cũ ở đâu, bán đi thì chẳng đáng là bao, cho ai đó thì không có ai có nhu cầu. Tôi mong rằng các trường ở đô thị hãy làm nhiều chương trình tặng sách cũ cho bạn nghèo hơn nữa để vừa giúp cho các em có thêm sách vở mà cũng giúp trẻ em thành phố hiểu thêm những khó khăn mà các bạn cùng lứa phải chịu khi năm học đến. Linh Nguyen, Kim Liên, Hà Nội, email: linhnguyen@...
Tôi đã đọc loạt bài của VietNamNet đăng tải trong mấy ngày qua và tôi thấy rằng đất nước mình còn quá nhiều các cháu không được đến trường. Tôi cũng có con, cháu đang tuổi ăn, tuổi học và nhìn chúng náo nức được gia đình mua sắm sách vở và được bố mẹ chở đến trường đi học, tôi lại thấy thương cho những đứa trẻ quá thiệt thòi như em Mến. Hãy chia sẻ với các cháu học sinh bằng cách giúp các cháu quay lại trường học, đó là trách nhiệm không chỉ của các tổ chức đoàn thể mà toàn xã hội. Một tập sách giáo khoa, hay một bộ quần áo, hoặc quyên góp một khoản tiền nho nhỏ... cũng có thể góp phần giúp được các cháu trở lại trường học. Lê Văn Nghị, Ninh Bình, email: Levannghi@...
Danh sách tập thể, cá nhân đã ủng hộ đề xuất "Giúp trẻ em đến trường" 10. Một số PV, BTV báo điện tử VietNamNet (2 ngày đầu): 7.340.000 đồng 11. Nguyễn Xuân Lưỡng, 142 Lê Duẩn, Hà Nội: 300.000 đồng 12. Thu Hương, Phó Giám đốc Công ty Đức Việt: 2.000.000 đồng 13. Lê Thu Thủy, 4C3, TT ĐH KTQD Hà Nội: 400.000 đồng 14. Nguyễn Sinh Thi, 591 Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội: 200.000 đồng 15. Dương Đình Minh, Cty Đông Hoa 299/20C Lý Thường Kiệt, F.15, Q.11, TP.HCM: 10.000.000 đồng 16. Nguyễn Thị Chuyên, Phú An, Cao An, Cẩm Giàng, Hải Dương: 200.000 đồng
(tiếp tục cập nhật...) |
Chia sẻ của bạn?