221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1072342
Gộp 2 kì thi: Không thể "sai rồi sửa"
1
Article
null
Gộp 2 kì thi: Không thể 'sai rồi sửa'
,

 - Sau khi Bộ GD-ĐT hoàn tất phương án xét tuyển vào ĐH, CĐ hệ chính quy dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt, VietNamNet đã nhận được hàng trăm thư của bạn đọc bày tỏ sự không đồng tình với đề án này. Xin trích đăng một số ý kiến.

Sẽ bị trả giá đắt!

Mô tả ảnh.
Thi ĐH mới sàng lọc được sinh viên chính xác. (Ảnh: hocmai.vn)

Thi tốt nghiệp THPT là để công nhận kiến thức phổ thông đã đủ; còn vào ĐH, CĐ là chọn người tài cho đất nước. Coi 2 mục đích này như nhau là hết sức sai lầm và nếu làm sẽ bị trả giá đắt.

Nhìn sự lộn xộn, cướp đề thi trước mặt bảo vệ an ninh trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua để thấy rằng thi tốt nghiệp khác thi đại học. Lớp tôi có bạn thi tốt nghiệp tại trường 4 môn 40 điểm nhưng ra Hà Nội thi đại học 3 môn chỉ được 1,5 điểm. Nếu lấy điểm thi tốt nghiệp thì bạn tôi đã vào đại học chỉ với 1,5 điểm.

Chúng ta đừng lo tốn kém. Nếu vì chọn người tài thì thi ĐH không có gì tốn kém.

Nước ngoài coi trọng đầu ra nên đầu vào ĐH có thể thông thoáng hơn. Nhưng ở VN, mấy ai học ĐH mà không ra trường? Nước ngoài dùng người thực chất, chỉ căn cứ vào năng lực, xin được việc rồi mà làm không hiệu quả là ra đi. Ở ta, đã vào làm Nhà nước thì cứ yên tâm 60 tuổi sẽ được về hưu. Khác nhau nhiều như thế thì VN cứ thi ĐH thật một thời gian nữa. Khi nào người tài được dùng một cách thực chất thì không cần hô hào, người VN cũng phải tự đổi mới cách học. Tôi rất ngưỡng mộ đổi mới của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhưng mong rằng 2 kỳ thi này không sáp nhập thành 1. Dư Hồng Quảng, Việt Trì, Phú Thọ, hongquangptv@...

“2 trong 1” chắc chắn sẽ tiêu cực hơn

Bộ GD-ĐT đưa ra đề án thi 2 trong 1 và dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2009, tôi thấy điều này hết sức nguy hiểm.

Trong mấy năm qua, khi theo dõi con các đồng nghiệp trong cơ quan tôi thi tốt nghiệp THPT, tôi thấy mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tiêu cực vẫn còn nhiều. Điều này còn lâu mới có thể xóa bỏ được. Nay tổ chức thi 2 trong 1 chắc chắn sẽ còn tiêu cực hơn.

Thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH là hai kì thi có tính chất khác nhau hoàn toàn. Một kì thi để xét xem học sinh có đạt chuẩn kiến thức phổ thông hay không, còn một kì thi để tuyển chọn đầu vào cho một nghề tương lai. Cho dù có ra đề như Bộ dự tính là 60-40 thì việc xét tuyển cũng hết sức khó khăn và mất nhiều thời gian.

Để tiết kiệm tiền bạc và thời gian của nhân dân, theo tôi, Bộ chỉ nên tổ chức một kì thi duy nhất, đó là kì thi tuyển sinh ĐH và xét tuyển vào CĐ và THCN như hiện nay với đề thi chung. Còn tốt nghiệp THPT chỉ nên xét kết quả như đang làm với bậc THCS và tuyển sinh vào lớp 10. Nguyễn Lê Văn, Nha Trang, Khánh Hòa, nguyenlevan2008@...

Thi ĐH mới sàng lọc chính xác

Tôi hiện là sinh viên của ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia HN. Cách đây 2 năm, tôi cũng đã trải qua 2 kì thi là tốt nghiệp THPT và ĐH. Tôi hiểu hết sức rõ ràng về tính chất và mức độ của 2 kì thi này.

So sánh đề thi môn tiếng Anh của thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH khối D1, chắc hẳn ai là dân ngoại ngữ cũng nhận thấy khoảng cách rất xa về lượng kiến thức mà 2 đề này yêu cầu.

Nhiều thí sinh học khối D, với đề thi tốt nghiệp, có thể chỉ mất khoảng 20 phút để đạt được điểm 10 thì với đề thi ĐH, khoảng thời gian 1 tiếng rưỡi có khi cũng chỉ mang lại kết quả là điểm 5, 6 (ấy là chưa nói đến có khả năng còn dưới trung bình). Điều này chứng tỏ đề thi ĐH mới là bộ máy lọc chất lượng SV chính xác nhất.

Chúng ta kết hợp cả hai kì thi, việc một thí sinh học lực ngoại ngữ trung bình hoàn toàn có thể vào ĐH Ngoại ngữ, còn những thí sinh, xin mạn phép, đến tính nhẩm còn không biết, cũng có thể được học ĐH Bách khoa. Tiêu cực là hoàn toàn có khả năng xảy ra nếu sáp nhập 2 kì thi quốc gia làm 1. Phạm Văn Khoa, Hà Nội, pamah_n_kovah_11@...

Không thể “sai rồi sửa”

Tôi rất phản đối đề án “2 trong 1” của Bộ GD-ĐT. Các “tác giả” của đề án này nói rằng họ học tập mô hình của các nước nhưng họ có dám chắc là có thể áp dụng được vào thực tế VN hiện nay hay không? Hay là lại thử nghiệm? Và lại điệp khúc muôn thủa “sai rồi sửa”?

Rõ ràng, với thực trạng giáo dục VN hiện nay, kỳ thi “2 trong 1” là chưa thể áp dụng được. Tôi cũng là một nhà giáo và tôi hiểu rõ những tiêu cực trong thi cử trong ngành giáo dục. Trong khi Bộ GD-ĐT luôn cho rằng kỳ thi đã hoàn thành tốt đẹp và nghiêm túc thì có rất nhiều học sinh nói với tôi rằng giám thị coi chưa nghiêm túc, có gian lận, quay cóp. Nếu những con người gian lận như thế mà bước vào được giảng đường đại học thì thật vô cùng bất công.

Bộ GD-ĐT đưa ra đề án cực kỳ quan trọng và nhạy cảm như vậy nhưng không hề tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Mong rằng đây là đề án không khả thi. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, kể cả các nước phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... họ vẫn tổ chức thi đại học đấy thôi. Trần Quang Tuấn, Vinh, Nghệ An

Không nên đẩy trách nhiệm lên Chính phủ

Tôi đọc báo thấy Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói rằng đang trình đề án gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH làm một (hai trong một) và chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định, sau khi Thủ tướng quyết định, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện nghiêm túc quyết định của Chính phủ. Tôi nghĩ, không nên đẩy trách nhiệm lên Chính phủ. Hơn ai hết, Bộ GD-ĐT là người hiểu rõ và phải chịu trách nhiệm về đề án. Tôi cũng đồng tình với nhiều bạn, không thể bỏ hoặc gộp chung kỳ thi ĐH và tốt nghiệp THPT, nhất là trong bối cảnh xã hội mà cuộc chiến chống tiêu cực trong thi cử đang gay go như hiện nay. Những người có trách nhiệm hãy kịp thời suy nghĩ lại, không nên vì ý tưởng ban đầu mà cố tâm làm cho bằng được. Ngô Thanh, Bình Thuận

Không nên mang ra thử nghiệm

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến cho rằng không nên gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH làm 1. Theo tôi, nếu gộp 2 kỳ thi này lại sẽ có rất nhiều tiêu cực từ chính nơi các thí sinh dự thi. Còn nhớ khi Bộ GD-ĐT xét tuyển học sinh giỏi 3 năm THPT được vào thẳng ĐH, chúng ta thấy số học sinh giỏi tăng đột biến. Hậu quả của việc xét tuyển học sinh giỏi 3 năm THPT vào ĐH như thế nào thì chúng ta cũng đã biết.

Tôi thấy việc cải cách giáo dục là tốt nhưng chúng ta phải tính đến hiệu quả lâu dài. Giáo dục con người là giáo dục cả một thế hệ. Do vậy không nên mang ra thử nghiệm.

Bản thân tôi cũng là một trong những thế hệ bị mang ra thử nghiệm. Ban đầu là cải cách chữ viết (chữ quá xấu); học ĐH lại chia làm 2 giai đoạn (học đại cương quá nhiều, chuyên ngành lại quá ít, chúng tôi chỉ như là những cử nhân cưỡi máy bay xem hoa)…

Do vậy, tôi thấy rằng cần phải nghiên cứu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định quan trọng này. Đừng vì quan điểm của một vài cá nhân để cho lớp đàn em phải chịu thiệt thòi.

Tôi nghĩ nên giữ 2 kỳ thi như cũ. Kỳ thi ĐH không tập trung về các thành phố lớn mà vẫn thi ở địa phương, đưa giảng viên của trường về coi thi. Như vậy, vừa giảm được lượng người đổ về các thành phố lớn, vừa giảm chi phí cho người dân. Tôi nghĩ rằng phương án này sẽ dễ được mọi người chấp nhận hơn. Ngô Thị Thúy Hằng, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh, hang.qnwu@...

Lo lắng!

Khi đọc phương án xét tuyển ĐH, CĐ năm 2009, cháu thực sự lo lắng cho tương lai của bản thân. Năm nay, cháu vừa học xong lớp 11, nghĩa là nếu đề án gộp 2 kì thi làm 1 được duyệt thì cháu sẽ là lứa đầu tiên thực hiện cải cách. Mọi người thường gọi lứa tuổi của cháu là “thế hệ chuột bạch”. Vì sao ư?

Chúng cháu là lứa học sinh đầu tiên của những cải cách trong giáo dục gần đây. Đầu tiên là việc thay sách giáo khoa vào năm cháu học lớp 6 kéo dài đến bây giờ. Tiếp đến là việc xét tốt nghiệp cấp 2 và thi tuyển vào cấp 3. Sau nữa là phân ban đại trà ở cấp 3. Và hình như những cải cách đó đem lại kết quả không như mong muốn.

Phân ban làm gì nếu sau này chúng cháu phải học đều tất cả các môn để chọn ra 6 môn thi với đề án mới trong khi việc học như vậy là quá sức? Chúng cháu có thể cố gắng với 6 môn thi ấy nhưng sự thiếu công bằng trong thi cử sẽ thay đổi tương lai của nhiều người. Cháu và rất nhiều người tán thành với việc chỉ xét tốt nghiệp và phải thi tuyển vào ĐH, CĐ để kì thi nghiêm túc và thật sự công bằng. Mong các bác ở Bộ hãy xem xét. Vũ Thị Ngọc Hằng, Bảo Lộc, Lầm Đồng

Hãy để chúng em cơ hội thi ĐH!

Là một học sinh lớp 11, chỉ còn 1 năm nữa thôi, em sẽ đối mặt với kì thi “sống còn” đầy thử thách. Nhưng cho đến tận giờ phút này, em và các bạn vẫn chưa thể nào hình dung được là mình sẽ thi như thế nào, thi đại học và thi tốt nghiệp hay ghép 2 kì thi làm 1. Điều đó gây tâm lí hoang mang và rất ảnh hưởng đến việc học tập của chính chúng em.

Theo em, không nên ghép 2 kì thi làm 1. Nhiều người đã nói tính chất của 2 kì thi này là khác nhau. Không phải vì em nguỵ biện cho mình vì lười biếng hay học kém, nhưng thực sự việc thi 8 môn khiến bọn em cảm thấy rất áp lực. Mỗi học sinh có một thiên hướng học khác nhau. Có bạn học rất giỏi tự nhiên, có bạn lại rất giỏi xã hội, lại có bạn học đều tất cả các môn - nhưng số đó là rất ít.

Thực tế, chúng em thích được xét tốt nghiệp và thi 3 môn vào ĐH, vì học ĐH là để bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu, phục vụ cho nghề nghiệp của chúng em sau này, còn kiến thức cơ bản thì những năm học THPT đã làm được tương đối trọn vẹn rồi.

Chúng ta không thể cứ nhất nhất áp dụng những chính sách giáo dục ở các nước phát triển tiên tiến, trình độ của họ và ta cách nhau quá xa. Việc phân loại vào ĐH của họ, theo em là rất hay, nhưng đó là nhờ việc giáo dục trung học của họ được thực hiện rất tốt. Còn ở nước ta, nhìn nhận ngay từ chính thực tế của chúng em, em thấy chương trình giáo dục rất “xổi”, không thống nhất, thay đổi liên miên và chương trình không hợp lí. Chúng em phải học rất nặng, rất căng thẳng và hơn nữa, học mà không biết là bao nhiêu lâu nữa thì sẽ lại thay sách, lại cải cách?

Thậm chí, chúng em còn cảm thấy việc học phân ban ở cấp 3 hiện nay là rất bất hợp lí. Thiên hướng của em là thi khối D nhưng em lại phải học Sử, Địa ban nâng cao còn môn Toán rất quan trọng thì lại phải học ban cơ bản. Cô giáo bộ môn của em bảo rằng nếu chỉ học Toán ban cơ bản thì sẽ không bao giờ đỗ ĐH vì chương trình viết rất nông, rất hời hợt và ít kiến thức. Như vậy, những học sinh thi khối D mà phải học ban xã hội như em bị thiệt thòi rất nhiều, nếu không đi học thêm thì không thể theo kịp các bạn. Và như thế thì ngoài một chương trình nặng gánh ở trên lớp, chúng em lại còn phải chạy quên ăn, quên ngủ cho những lớp học thêm. Như thế thì cải cách chẳng khác nào hại chúng em thêm mà chất lượng thì chưa chắc đã có. Chúng em rất khổ, các thầy cô có biết không?

Em biết, Bộ GD-ĐT luôn muốn đem lại một chương trình giáo dục hợp lí nhất, hiệu quả nhất cho các bạn học sinh. Nhưng dường như Bộ GD-ĐT vẫn chưa hiểu được thực sự chúng em cần gì, muốn gì. Bộ áp đặt, rồi lại chỉnh sửa, và chấp nhận “hi sinh một thế hệ học sinh” để tạo ra một chương trình giáo dục hoàn thiện. Như vậy, chúng em chẳng khác gì những chú cừu Dolly bị đem ra làm thí nghiệm.

Tại sao Bộ không đầu tư nghiên cứu một chương trình giáo dục hoàn thiện trong một thời gian dài để nó trở nên kĩ lưỡng, chuẩn xác và phù hợp? Tại sao Bộ lại cứ muốn kết quả hiện ra ngay lập tức khi mà nền giáo dục của ta còn nhiều bất cập? Đây là ý kiến của em, có thể nó có nhiều sai sót về lập luận hay thông tin nhưng đó chính là những suy nghĩ thực sự của bản thân em - một học sinh cấp 3 sắp bước vào giai đoạn “thử lửa”. Cao Thị Ngọc Anh, Thái Nguyên, nana.yeuyeu@...

Bộ hãy để phụ huynh và HS yên tâm về các cuộc thi

Đọc những thông tin về kỳ thi năm nay, tôi thật sự giật mình vì năm tới tôi có con thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH. Với tình hình thi cử như năm nay thì gộp 2 kỳ thi làm 1 thật hết sức nguy hiểm. Chúng tôi thật sự mong Bộ GD-ĐT nhận ra thực chất của vấn đề, không thể gộp 2 kỳ thi làm một được, đó là một việc làm không tưởng.

Tôi thấy có rất nhiều ý kiến phản đối, nhưng Bộ vẫn nhất quyết trình đề án để năm tới thực hiện và chỉ còn chờ việc thực hiện kỳ thi năm nay để xem xét thêm, nhưng thực tế kỳ thi năm nay đã trả lời cho Bộ thấy rồi.

Chúng tôi rất mong Bộ đừng chạy theo thành tích là phải thay đổi, phải thực hiện đề án mới cho có thành tích nữa. Bộ nên làm thế nào để chúng tôi và con cái chúng tôi yên tâm về các cuộc thi cử. Đinh Mai Hạnh, Hà Nội, dmhanh@...

Bộ GD-ĐT cần có sự thay đổi

Tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT cần thay đổi thực sự. Qua nhiều kênh thông tin, tôi có cảm giác bộ đang phớt lờ và coi thường dư luận, không chú ý đến ý kiến của người dân, các thầy cô giáo, phụ huynh và chính học sinh.

Từ đề án “2 trong 1”, sau đó là tuyên bố tăng học phí ĐH, thay đổi sách giáo khoa và gần đây là nội dung thi tốt nghiệp THPT không chỉ nằm trong lớp 12 chỉ trước kì thi này có vài ngày khiến học sinh, phụ huynh và các thầy cô giáo hết sức hoang mang, lo lắng... đã thể hiện sự mâu thuẫn và yếu kém trong việc cải cách giáo dục của bộ.

Thiết nghĩ, bộ GD-ĐT nên quan tâm hơn nữa tới nguyện vọng của nhân dân, phải lấy lợi ích của nhân dân làm gốc như Bác Hồ đã căn dặn, chứ đừng cố làm rồi sau đó sai dân chịu - cụ thể ở đây là các thế hệ học trò bị thử nghiệm phải gánh chịu.

Tôi mong rằng qua VietNamNet và nhiều tờ báo có uy tín khác, bộ sẽ có những chủ trương đúng đắn hơn. Bùi Nam, Hải Phòng, harrypotter_nc251@...

Ý kiến của bạn?

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,