221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1070562
Thi tốt nghiệp lộn xộn thế, sao có thể "2 trong 1"?
1
Article
null
Thi tốt nghiệp lộn xộn thế, sao có thể '2 trong 1'?
,

 - Kì thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc. Nhiều bạn đọc VietNamNet đã gửi thư phản ánh tình trạng thiếu nghiêm túc trong kì thi tại một số địa phương và bày tỏ sự lo lắng: Thi tốt nghiệp THPT còn lộn xộn thế, làm sao có thể gộp kì thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH được?

Bao giờ mới thi thật!?

Mô tả ảnh.

Kiểm tra lại bài sau khi thi môn Lịch sử. Ảnh: Bảo Anh

Em là một học sinh lớp 12 ở thành phố Vinh. Ngày 30/5/2008, sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng, em thấy năm nay coi thi không nghiêm túc. Theo cảm nhận của em, nhiều giám thị coi cho qua loa, đại khái. Trong phòng thi vẫn còn hiện tượng quay cóp nhưng giám thị chỉ nhắc nhở vài lần rồi đâu lại vào đấy. Công tác an ninh thì quá kém, nhiều bạn thí sinh bị “thanh toán” do không chịu giúp đỡ trong phòng thi. 

Vậy, bao giờ kì thi tốt nghiệp THPT mới là một kỳ thi kiểm định chất lượng chính xác, nhiều người mất công học mới làm được bài nhưng cũng nhiều người không cần học vẫn qua bình thường. Vậy bao giờ mới thi thật thưa Bộ GD-ĐT? Anh Tuấn, Vinh, Nghệ An, pepe_tero1390@...

Em thấy sự lộn xộn trong kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua không chỉ như báo chí phản ánh. Sự thật còn hơn thế. Em vừa trải qua kì thi tốt nghiệp. Em rất bất bình với công tác coi thi của hội đồng thi ở trường em. Tất cả cũng vì căn bệnh thành tích. Cứ tình trạng này, thì việc nhập 2 kì thi làm 1 sẽ còn nhiều bất công nữa. Cong Vinh, Ninh Bình, langtu_0604@...

Địa điểm thi của em không có thanh tra nào. Các phòng thi không nghiêm túc. Việc chép nguyên cả bài trắc nghiệm mặc dù không cùng đề là bình thường, chưa nói đến chuyện chép nguyên bài tự luận!!! Mai, Vinh, Nghệ An, vinhi6890@...

Chất lượng tụt lùi

Là một người vừa tham gia phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại Phú Thọ, tôi có thể báo trước là tỷ lệ tốt nghiệp năm nay sẽ là từ 70% - 90%. Tuy không có bài đưa từ ngoài vào như thi năm 2006, nhưng việc các học sinh hỏi bài và quay cóp trong nội bộ từng phòng tự do thì vẫn thế. Các chủ tịch hội đồng coi thi được quán triệt là: “Bây giờ không nói là học sinh trường nào, mà là học sinh của Phú Thọ, thầy cô giáo của Phú Thọ, coi thi học sinh Phú Thọ...”. Ẩn ý của câu nói này là gì chắc mọi người đã rõ. Thực tế cho thấy việc đổi giáo viên làm giám thị đã không có hiệu quả. Giám thị trông thanh tra rồi thông báo cho học sinh đối phó. Như vậy, kì thi năm 2009, chắc phải đổi giáo viên từ Nam tới Bắc may ra mới ổn. dangthong_photo@...

Lộn xộn đề thi

Đề thi của chúng em có 5 trang, trang 1-2 có một mã đề, trang 3-5 là của mã đề khác. Chúng em làm đúng theo câu hỏi nhưng lại sai theo đáp án của mã đề tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Em đã tính điểm, nếu chấm bằng tay thì em được 10 điểm, nhưng chấm theo đáp án của đề em tô trên phiếu thì chỉ được 3,5 điểm. Như vậy chúng em sẽ rất thiệt thòi. Nguyen Van Phong, Hải Phòng, Vuphong@...
 

Chúng em thi môn Vật lí (không phân ban). Trang 1-4 mã đề 168, trang cuối của đề thi lại không phải của mã đề đó. Vậy mà các thầy cô lại không đổi đề cho chúng em hoặc thay trang khác để chúng em làm bài. 5 câu hỏi cuối chúng em sẽ được chấm như thể nào? Phòng của chúng em có 12 bạn bị như vậy. Nguyen Lan Nhi, Hải Phòng, Lannhi@...

Thanh tra uỷ quyền không hiệu quả

Tôi có tham dự coi thi tại một hội đồng tốt nghiệp tại một trường thuộc vùng cao. Không biết có phải do tâm lí “thương” học sinh vùng cao hay không mà thanh tra uỷ quyền của Bộ GD-ĐT chỉ đi một vài vòng trong một buổi thi. Và kết quả là trong rất nhiều phòng thi, các thí sinh trao đổi rất tự nhiên, thậm chí sau buổi thi còn có thông tin phòng này coi dễ, có thể xem tài liệu được...

Mô tả ảnh.

Phao thi vứt đầy cuối hành lang Trường THPT DL Đông Sơn (Thanh Hóa). (Ảnh VNN)

Không phải là giám thị không đồng tình với việc làm của thí sinh nhưng họ phải lo cho an ninh của bản thân. Nếu có sự siết chặt của thanh tra thì họ có thể dựa vào đó để thực hiện đúng quy chế với thí sinh. Nếu không, giám thị rất đơn độc. Hơn nữa, trong các thí sinh tham gia dự thi, không ít trường hợp là những học sinh cá biệt, có thể chặn đường về của giám thị.

Theo kinh nghiệm hai năm coi thi tốt nghiệp vừa qua, tôi thấy ở đâu thanh tra uỷ quyền làm tốt nhiệm vụ thì ở đấy có một kì thi nghiêm túc. Bởi vì, trong đội ngũ giám thị, tâm lí “thương” học sinh 12 năm đèn sách còn rất nhiều, có chủ tịch hội đồng đã nói: “Thanh tra không làm căng thì tội gì mình phải làm căng, tội học trò”. Và cũng không ít giám thị đã bước ra từ những kì thi tốt nghiệp không nghiêm túc trước đây. Đó là sự thật. Mong Bộ GD-ĐT nghiên cứu phương án thích hợp. hungamvn@...
 

Chưa thể gộp 2 kì thi được!

Với giáo dục hiện nay của VN, chúng ta chưa thể gộp 2 kì thi làm 1 được. Người VN sống nặng về tình hơn về lý. Trên cùng một địa bàn, giáo viên trường này coi thi trường khác nhưng việc dễ dãi với học sinh đã là một quy ước ngầm của giáo viên. Nếu coi thi chặt, số học sinh tốt nghiệp THPT ở cả 2 lần chỉ khoảng 70%.

Là một nhà giáo tâm huyết gắn bó lâu năm với nghề, tôi rất buồn vì giáo dục hiện nay vẫn nặng về hình thức, “đầu voi đuôi chuột”. Năm học 2006-2007, thi tốt nghiệp THPT còn tương đối nghiêm túc nhưng đến năm nay “mèo lại hoàn mèo”.

Xin đừng kết tội chúng tôi là thiếu trách nhiệm. Chúng tôi phải chịu áp lực từ phụ huynh, từ đồng nghiệp và từ chính quyền địa phương.

Thi tốt nghiệp THPT hiện nay chưa đánh giá được thực chất của học sinh thì xin hãy đừng nhập kì thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH vào làm một vì sự phát triển của giáo dục, vì sự công bằng và vì niềm tin của nhân dân. nguoitamphat606294@...

Tôi là một giáo viên đã 20 năm đứng trên bục giảng và đã đi làm công tác coi thi, thanh tra thi tốt nghiệp THPT. Tôi cảm thấy rất buồn kỳ thi năm nay không còn nghiêm túc như kỳ thi năm 2007 nữa, điều đó đồng nghĩa với việc bao công sức của nhiều ngành trong đó có công an và giáo dục đã không còn có ý nghĩa. Khó khăn lắm mới thuyết phục được nhân dân rằng việc thi cử rất công bằng và nghiêm túc, chính điều đó mới giải toả được sự tập trung đông người tới gây mất trật tự an toàn cho các hội đồng thi.

Một hệ quả tất yếu nữa là Bộ GD-ĐT chắc chắn sẽ phải cân nhắc lại phương án gộp hai kỳ thi làm một. Bởi vì mới chỉ một kỳ thi mà căn bệnh thành tích và nhờn kỉ cương đã bắt đầu trỗi dậy thì Bộ GD-ĐT làm sao có thể bảo đảm với người dân là kỳ thi năm 2009 sẽ nghiêm túc? Nguyễn Xuân Trường, Hà Tây

Cuộc vận động “hai không” năm ngoái rất được dư luận đồng tình ủng hộ cho dù kết quả thi tốt nghiệp của học sinh THPT rất thấp, ở Tuyên Quang chỉ có hơn 14%. Nhưng xem ra cứ với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, có lẽ cuộc vận động này sẽ đi giật lùi và trở lại giai đoạn như trước đây.

Mới sơ qua một vài hội đồng thi thấy thanh tra uỷ quyền ở một số nơi đã gần như không có tác dụng, chưa dám nói là bị vô hiệu hoá. Tại nhiều nơi, nhà trường dưới danh nghĩa là hội cha mẹ học sinh vẫn thu tiền của học sinh để phục vụ thi tốt nghiệp (mỗi học sinh từ 30 - 70 nghìn đồng). Số tiền đó chắc chắn sẽ để phục vụ cho hội đồng thi mà trong đó thanh tra và giám thị sẽ là những người được phục vụ “chu đáo” nhất.

Tình hình thi như vậy mà Bộ GD-ĐT lại đang chuẩn bị cho từ năm học 2008 - 2009 gộp 2 kỳ thi chung tốt nghiệp THPT và thi ĐH làm một thì không biết giáo dục của Việt Nam sẽ lại đi đến đâu? Thật đáng lo! Câu trả lời dành cho các lãnh đạo của ngành giáo dục. Trần Quốc Hùng, Hàm Yên, Tuyên Quang

Không nên có kỳ thi "2 trong 1"

Tôi đã trải qua 38 năm dạy học tại trường công lập và đồng thời thỉnh giảng 20 năm liên tục ở trường dân lập đầu tiên ở Nghệ An (cũng là trường dân lập đầu tiên ở nước ta trong thời kỳ đổi mới - vì trường này có từ năm 1988). Tôi thấy chủ trương đổi mới trong GD-ĐT là hết sức đúng đắn, song mục đích 2 kỳ thi này hoàn toàn khác nhau về bản chất.

Tốt nghiệp PT là mức công nhận kiến thức PT đã đủ; còn vào ĐH-CĐ là chọn người tài cho đất nước. Nhốt 2 mục đích này vào 1 là hết sức sai lầm, nếu làm, sẽ bị trả giá đắt. Vì trước đây bộ đã nhốt kỳ thi THCS và tuyển vào 10 mấy năm đã thất bại rồi.

Còn nói đỡ tốn kém cho Nhà nước bao nhiêu tỷ đồng thì chưa hẳn. Thi tốt nghiệp THPT vừa qua tuy có nhiều mặt tích cực và chuyển biến nhưng cũng đang còn nhiều vấn đề lắm... Tôi có hỏi đứa cháu đi thi về, cháu bảo: ’’dễ ợt" cả về nội dung bài thi và người coi thi. Tuy nhiên, cũng là xảy ra ở một số nơi nào chứ chưa phải là phổ biến.

Cuộc thi vừa qua, có khá nhiều học sinh và phụ huynh phải đi xa 40-50 km, thuê nhà trọ cho con thi, hầu hết học sinh ăn cơm nắm, ngồi hành lang, gốc cây qua trưa dưới trưa hè trời nắng chang chang, nhiệt độ trong bóng râm 37-38 độ C để thi buổi chiều. Cuộc thi vừa qua cũng gần như thi đại học rồi còn gì. Bộ nên lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân lao động, của phụ huynh và cá nhà giáo trực tiếp giảng mới có ý kiến chuẩn xác.

Theo tôi và một số đồng nghiệp của tôi thấy nên chỉ xét công nhận tốt nghiệp PT, còn lại phải thi tuyển vào ĐH-CĐ mới là phương án đúng và hiệu quả cao, đỡ tốn kém cả cho Nhà nước và cả cho người dân. Trong GD-ĐT, không nên làm bất cứ việc gì sai rồi lại sửa và trong đời tôi đi dạy từ 1969 đến hôm nay, đã thấy bao nhiêu việc làm sai, làm chưa chu đáo, chưa trách nhiệm cao, chưa thực tiễn... chưa lấy ý kiến rộng rãi của những người lao động trực tiếp để có chủ trương đúng, hợp lý... nên có nhiều sai lầm đáng tiếc và rất tốn kém, hậu quả lâu dài. Phan Văn Kỳ, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Vinh, Nghệ An

Ý kiến của bạn?

 

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,