- Sau khi đăng tải bài viết Gộp 2 kì thi: Nước Pháp đã làm, lợi bất cập hại, VietNamNet đã nhận được rất nhiều thư của bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với tác giả và sự băn khoăn với đề án này. VietNamNet xin trích đăng một số ý kiến…
Tôi rất nhất trí với ý kiến của tác giả bài viết này. Theo tôi, trong thời điểm hiện nay không thể thực hiện được cuộc “cách mạng” này vì nếu như vậy thì sẽ không đánh giá đúng chất lượng học tập của các cháu.
(Ảnh minh họa: VNN)
Đơn cử việc học tại trường của con gái tôi, năm nay cháu đang học lớp 9. Con tôi thường xuyên kể chuyện bố mẹ bạn này, bạn kia biếu tiền cho cô giáo nên không phải bị thi lại, đang là học sinh yếu, không đủ điểm thi chuyển cấp thì lại đủ điểm. Tôi có thắc mắc là tại sao con biết điều đó thì con tôi nói rằng chính bạn ấy nói với con là bố mẹ bạn ấy đi xin cô giáo.
Chạy cho con để có một học bạ đẹp là việc làm quá đơn giản khi ở cấp học phổ thông. Thậm chí cô giáo chủ nhiệm của con gái tôi khi họp phụ huynh còn công khai nói rằng: “Em A không đủ điểm đạt HS giỏi nên trong tờ thông báo kết quả học tập tôi vẫn ghi HS tiên tiến nhưng trong học bạ sẽ nâng lên là HS giỏi để lợi cho cháu trong việc tính điểm cộng thêm cho cháu vì HS giỏi được cộng thêm 5 điểm/năm còn HS tiên tiến chỉ được 4,5 điểm/năm học”.
Việc vào ĐH là nhu cầu của mọi người trong XH hiện nay. Nhà nhà, người người đều muốn cho con học ĐH. Vậy, nếu có quy định như hiện nay thì có mất gì đâu với những gia đình có điều kiện, họ sẽ “chuẩn bị” cho con ngay từ những năm học lớp 10 để con mình sẽ có những hồ sơ "đẹp". Chỉ thiệt thòi cho những cháu học giỏi, con nhà khó khăn. Khi số đông phụ huynh lao vào chạy chọt điểm thì ắt sẽ có sự phân biệt đối xử với các cháu không có điều kiện. Điều đó thì ai cũng có thể hình dung được.
Hôm qua, một cháu hàng xóm của tôi đi thi tốt nghiệp PTTH về còn tự hào nói rằng ở trường mình coi thi dễ ợt, mọi người có thể hỏi bài, chép bài của nhau vô tư. Vậy thì tính công bằng ở đâu? Nhất là căn bệnh thành tích đang là vấn nạn như hiện nay. Đây chỉ là cuộc thi tốt nghiệp thuần tuý còn như vậy thì nói gì đến cuộc thi “2 trong 1”. Tôi là nhất quyết không tán thành với chủ trương này. Nếu làm như vậy chẳng khác nào việc “đánh lận con đen” tạo điều kiện cho các giáo viên bậc trung học “kiếm lời”. Nguyễn Mai Lê, Minh Khai, Hà Nội
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của tác giả. Bởi những lý do sau:
1. Như tác giả bài viết đã đề cập, căn bệnh thành tích ở nước ta còn quá nặng nề. Tình trạng tiêu cực trong học tập, gian lận trong thi cử còn tràn lan ở khắp nơi.
2. Cơ sở đào tạo cho các trường ĐH hiện nay còn có nhiều bất cập: tình trạng thiếu lớp, thiếu thiết bị giảng dạy... còn xảy ra nhiều. Như vậy, với số lượng sinh viên như hiện nay đã chưa đủ cơ sở để giảng dạy, đến khi bỏ thi ĐH, số lượng sinh viên đông hơn rất nhiều thì lấy đâu ra cơ sở hạ tầng cho việc giảng dạy?
3. Kiểm soát chặt chẽ trong kỳ thi tốt nghiệp, liệu có bao nhiêu học sinh sẽ tốt nghiệp? Những học sinh không tốt nghiệp thì được cấp giấy chứng nhận hoàn thành xong chương trình phổ thông trung học. Khi ấy những học sinh học kém sẽ không bao giờ có tư tưởng học hành, vì họ luôn nghĩ sẽ cần gì phải học cũng có giấy chứng nhận hết cấp 3. Dù là thay đổi cách thi như thế nào đi chăng nữa thì liệu chúng ta có thay đổi được vấn đề hết sức quan trọng, đó là chất lượng học tập.
4. Nếu bỏ thi ĐH, chi phí cho cả quá trình đào tạo tràn lan có giảm đi? Đề thi tốt nghiệp không có độ khó bằng đề thi ĐH. Để lựa chọn các thí sinh thực sự có khả năng các trường ĐH danh tiếng lại phải tổ chức kỳ thi riêng. Như thế có thực sự giảm áp lực về tài chính?
Thiết nghĩ, thay đổi phương pháp học và dạy như thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu thi nhiều mà tốn chi phí hơn một chút mà thực sự tuyển chọn được những học sinh ưu tú còn hơn là việc bỏ thi mà tạo ra tình trạng tràn lan. Chúng ta đang quá đau đầu vì tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thì với việc bỏ thi ĐH, có lẽ bài toán này còn nan giải hơn. Nguyễn Đức Long, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tôi đồng tình với ý kiến của tác giả Trịnh Thái Bình về việc không nên gộp 2 kỳ thi THPT và ĐH bởi tập quán và ý thức về việc học tập, thi cử ở Việt Nam khác xa các nước trên thế giới.
Tình trạng chạy điểm, chạy trường diễn ra khá phổ biến cùng với tình trạng “duy tình”, thiếu công bằng trong giảng dạy của không ít giáo viên hiện nay thì việc gộp 2 kỳ thi sẽ gây mất công bằng cho những học sinh nghèo.
Thế hệ chúng tôi (sinh năm 1980) đã từng phải gánh chịu hậu quả và ảnh hưởng không tốt của nhiều lần cải cách, thử nghiệm của Bộ GD-ĐT trong các đợt thí điểm áp dụng chuyên ban, trường chuyên, lớp chọn rồi áp dụng đưa một số môn mới vào giảng dạy ở bậc ĐH.
Thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần cân nhắc kỹ trước mỗi đợt cải cách. Cải cách không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ của đất nước. Tôi thấy việc để các trường ĐH tổ chức thi tuyển đầu vào vẫn là giải pháp tốt nhất hiện nay. Đó là cách mà từ xưa đến nay vẫn được thực hiện và thực tế vẫn cho thấy chất lượng đầu ra của các trường ĐH uy tín vẫn bảo đảm được yêu cầu của xã hội. Gộp 2 kỳ thi làm 1 sẽ tước đi khả năng lựa chọn được những thí sinh thực sự xứng đáng vào những trường đó. Vũ Khắc Thư, Cầu Giấy, Hà Nội
Tôi thực sự cảm động thấy một giáo viên dạy học tại Pháp nhưng vẫn lo lắng cho nền giáo dục nước nhà. Tôi nhất trí với ý kiến của nhà giáo Trịnh Thái Bình. Chúng ta không kiểm soát được hết việc chạy đua thành tích của các địa phương, từ lớp, đến trường, tỉnh. Tôi thấy Bộ GD-ĐT không nên bỏ kỳ thi vào ĐH. Đây là kỳ thi nghiêm túc nhất của Việt Nam hiện nay, đánh giá chất lượng đúng nhất. Những năm trước Bộ GD-ĐT có chế độ cộng điểm, không ít các em có hồ sơ 3 năm THPT giỏi mà thi đại học 3 môn điểm 0. Chúng tôi là người dân rất lo lắng và bất bình nếu gộp 2 kỳ thi làm 1. Bộ GD-ĐT nên hỏi ý kiến các bậc phụ huynh, học sinh và qua Quốc hội. Vũ Thị Lựu, Hải Phòng
Tôi là một người đi thi nên tôi hiểu tính chất của kỳ thi ĐH khác rất nhiều so với kỳ thi tốt nghiếp THPT. Tôi không muốn đề cập đến những hệ lụy của việc gộp 2 kỳ thi mà chỉ muốn nói đến cảm xúc của nguời đã đi thi và vượt qua kỳ thi ĐH.
(Ảnh minh họa: saigonnews.vn)
Tính chất quyết định của kỳ thi ĐH giúp học sinh có một áp lực thực sự đủ lớn, nó thôi thúc con người ta phải cố gắng để vượt qua. Còn nếu đánh giá vào ĐH bằng quá trình phấn đấu dài ngày tại trường THPT, tôi nghĩ là chưa thật xác đáng. Nói vui như những người hâm mộ thể thao thì tính chất đường trường tại giải vô địch quốc gia khác hoàn toàn với giải vô địch C1 khắc nghiệt.
Hãy để mỗi học sinh được đối diện với một thử thách mang tính quyết định tại một thời điểm cụ thể, để mỗi người vượt qua mà tự hào bản lĩnh của bản thân. Có như vậy, khi ra cuộc sống, mỗi người mới quen được những thử thách hàng ngày trong cuộc sống.
Mong rằng Bộ GD-ĐT có những bước đi đúng để đưa nền giáo dục nước nhà đi lên. Và quan điểm của cá nhân tôi: Không nên gộp 2 kỳ thi vào làm một! Nguyễn Trọng Hà, Viện KHCN Mỏ Luyện kim
Em là sinh viên năm thứ nhất. Năm vừa rồi em đã trải qua kì thi tốt nghiệp đầu tiên mà Bộ GD-ĐT thiết chặt kỉ luật. Nhưng hỡi ôi… giám thị không cho coi sách thì chúng em coi bài của nhau. Em theo khối A và cũng học khá giỏi Lý, Hóa. Em nghĩ Bộ GD-ĐT có cho đến 1.000 mã đề, em vẫn giúp đỡ được các bạn. Một phòng thi chỉ cần 4 người như em là cả phòng đỗ tốt nghiệp với số điểm rất cao. Môn Lý, Hoá phòng em toàn 9 với 10 thôi. Thực trạng thi tốt nghiệp là như vậy đấy. Khi Bộ GD-ĐT quyết định gộp 2 kì thi làm 1, em rất bức xúc. Nếu điều đó xảy ra thì đó là thất bại nghiêm trọng của nền giáo dục VN. Chỉ khổ các trường ĐH lại phải đào thải sinh viên không đủ năng lực mà vẫn được vào. Nguyễn Đức Thắng, toi_dangditim@...
Tôi thấy rằng tạm thời, chúng ta vẫn nên tách ra làm 2 kỳ thi để tránh các tiêu cực. Giả sử, trong kỳ thi tốt nghiệp có con một cán bộ to trong tỉnh đi thi thì liệu việc kiểm soát trong thi cử có thực sự chặt và không chút lơi lỏng?
Thi đại học sẽ khách quan hơn, vì khi đó, các thí sinh được sắp xếp ngẫu nhiên. Việc trông thi do các trường ĐH làm sẽ khách quan và công bằng hơn. Ít nhất thì trong một sân chơi thi ĐH, các thí sinh sẽ không có chuyện mất bình đẳng vì chuyện "con ông nọ bà kia" nữa. Chương Hải.
Ý kiến của bạn?