- Những học sinh tốt nghiệp THPT tại Pháp đều được vào thẳng các trường đại học. Tuy rằng giáo dục Pháp vẫn được coi là một trong những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nhưng trên thực tế, giáo dục Pháp đang phải trả giá cho công thức "2 trong 1" này. Việc sinh viên vào học tự do và tràn lan gây ra hệ lụy không nhỏ cho đào tạo và quản lý làm cho chất lượng đi xuống.
Hôm nay, hàng triệu học sinh THPT bước vào kỳ thi cuối cấp và có thể là kì thi tốt nghiệp thuần túy cuối cùng tại Việt Nam trước khi gộp hai kỳ thi vào một. Dư luận đang đề cập rất nhiều đến đề án của kì thi "2 trong 1" vào năm tới.
Diễn đàn các báo thời gian qua đã đăng rất nhiều ý kiến của những người có kinh nghiệm, tâm huyết với ngành giáo dục về cái lợi và hại của đề án này, tiêu biểu là GS Nguyễn Lân Dũng và GS Bùi Trọng Liễu. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đang thể hiện rất quyết tâm với kế hoạch này.
Trong bài viết này tôi xin nêu một ý kiến nhỏ thông qua những kinh nghiệm khi đứng lớp tại một trường lớn của Pháp.
Tại Pháp, từ lâu những học sinh tốt nghiệp THPT đều được vào thẳng các trường đại học (Université). Các trường lớn (grande école), có uy tín thì có tổ chức một kỳ thi tuyển chọn thêm.
Tuy rằng giáo dục Pháp vẫn được coi là một trong những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nhưng trên thực tế, giáo dục Pháp đang phải trả giá cho công thức "2 trong 1" này.
Nếu thấy thi ĐH phức tạp mà bỏ luôn thì Bộ GD-ĐT đã không làm tròn vai trò của mình. (Ảnh hocmai.vn)
Việc sinh viên vào học tự do và tràn lan gây ra hệ lụy không nhỏ cho đào tạo và quản lý làm cho chất lượng đi xuống.
Theo nghiên cứu của Céreq thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia, năm 2006, khoảng 23% sinh viên phải ra trường sớm sau 1, 2 năm học tập, đó là chưa kể số sinh viên lưu ban hàng năm mà theo kinh nghiệm của bản thân tôi là khoảng 20% trong khối kinh tế!
Dù rằng đây là hệ quả tất yếu của nền giáo dục hình chóp nhưng đó là một sự lãng phí xã hội rất lớn. Nếu chúng ta biết rằng Chính phủ Pháp đầu tư khoảng 7.000 euro cho một sinh viên, thì mỗi năm, nước Pháp đang lãng phí cả hàng chục triệu euro. Đó là chưa kể đến việc các em học sinh mất một vài năm đi học để rồi lại bắt đầu lại từ đầu. Bên cạnh đó, nền giáo dục Pháp hiện nay cũng không cạnh tranh được với các nước Anh, Mỹ.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, nền giáo dục Pháp đã làm rất nhiều việc để có thể thực hiện 2 trong 1. Việc không tổ chức tuyển chọn vào đại học đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định.
Thứ nhất, giáo dục cấp cơ sở phải nghiêm túc. Tại Pháp, việc chấm điểm từ kiểm tra đến thi cuối năm đều được thực hiện một cách rất nghiêm chỉnh không có chuyện chạy chọt hay dễ dãi để có điểm tốt. Điểm của học sinh đạt được là do thực lực của các em. Ở đây cũng không có bệnh thành tích, nâng điểm của các nhà trường hay giáo viên. Đặc biệt các bậc phụ huynh nếu thấy con em mình chưa có khả năng theo các lớp trên, họ cũng xin nhà trường cho con em mình được ở lại trường để năm vững kiến thức của năm đó. Chuyện này là rất thường tình tại Pháp, ngay cả đối với những gia đình người Việt tại Pháp bởi tại đây, việc gian lận trong học hành thi cử bị coi là nhục nhã, tội lỗi.
Thứ hai, việc phân loại, định hướng học sinh được thực hiện trước khi vào THPT. Chương trình THPT tại Pháp được phân ra thành rất nhiều loại nhằm đáp ứng năng lực, nguyện vọng, sở thích của từng học sinh.
Chương trình THPT được chia làm nhiều như: chương trình chung (Bac général), chương trình khoa học kỹ thuật (Bac technologique) hay chương trình hướng nghiệp (Bac professionnel)…
Việc phân loại học sinh như vậy có tác dụng rất lớn để hướng các em đến công việc trong tương lai phù hợp với khả năng và sở thích mình. Mặt khác, nó sẽ có một tác dụng rất lớn là giảm một phần những lãng phí không cần thiết về nhân tài, vật lực sau này cho đất nước và chính bản thân các em.
Thứ ba, khâu đào tạo ở bậc tiếp theo phải thật nghiêm túc để tiếp tục sàng lọc những sinh viên học lực kém. Việc chấm thi từ kiểm tra đến kết thúc môn tuyệt nhiên không có tiêu cực và gian lận. Thông thường, mỗi môn chỉ có khoảng 50% sinh viên vượt qua kỳ thi đã là cao. Các sinh viên không qua được sàng lọc hoặc là phải rời trường để đi học nghề hoặc là lưu ban.
Rõ ràng là ở Pháp họ đang thả lỏng đầu vào và siết chặt đầu ra. Tuy nhiên, do đầu vào quá lỏng nên dẫn đến những hệ lụy khác cho nền giáo dục như đã phân tích.
Đối chiếu với 3 yêu cầu tối thiểu trên, theo suy nghĩ của tôi, rõ ràng chúng ta chưa thể đáp ứng được để có thể gộp hai kỳ thi lại làm một. Bệnh thành tích và tiêu cực còn tràn lan khắp nơi, từ người học đến người dạy, từ cấp tiểu học đến cả bậc tiến sĩ, phụ huynh và cả chính quyền nữa. Việc thi đua dạy tốt, học tốt từ ý tưởng tốt đẹp ban đầu là phát động phong trào học tập vô hình trung đã trở thành căn bệnh kinh niên. Bệnh thành tích mà hậu quả là chúng ta đang trở thành những người nói dối, tệ ngồi nhầm lớp vẫn tràn lan.
Tiêu cực ở ĐH còn tràn lan hơn và không thể kiểm soát được. Ở Việt Nam, cứ vào ĐH coi như cầm chắc tấm bằng kỹ sư, cử nhân mà không hề có sự sàng lọc. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa thể thực hiện được đào tạo theo kiểu hình thang (chưa nói hình chóp) mà có khi lại là hình thang ngược.
Chúng ta hiện nay cũng chưa có sự phân loại và định hướng cho các em học sinh. Vì vậy, tốt nghiệp xong, tất cả đều muốn vào ĐH mà chúng ta thì không thể đón tiếp hết các em học sinh vào học ĐH được. Trong khi đó, hệ thống hướng nghiệp của chúng ta đang lao đao.
Tôi cũng đồng ý với các học giả ở Việt Nam như GS Văn Như Cương và GS Nguyễn Lân Dũng rằng tính chất của hai kỳ thi này là hoàn toàn khác nhau nên không thể gộp lại được. Mục đích chính để cho Bộ GD-ĐT muốn gộp hai kỳ thi lại làm một, theo tôi hiểu là để giảm những chi phí và lo toan của xã hội cho kỳ thi ĐH hàng năm.
Tuy nhiên, nếu chúng ta sàng lọc sinh viên trong ĐH bằng một cơ chế thi cử nghiêm túc thì chi phí đã bỏ ra cho số sinh viên phải rời trường vì yếu kém (khoảng 400 USD/năm/sinh viên) còn lớn hơn rất nhiều xã hội, phụ huynh phải bỏ ra cho kỳ thi tuyển vào ĐH. Đó là chưa tính các em lãng phí 1-2 năm để học lại hoặc chuyển trường.
Bên cạnh, sẽ có rất nhiều tiêu cực phát sinh để có một học bạ đẹp, điểm thi đẹp để nộp hồ sơ xét tuyển và nhiều tiêu cực khác trong xét tuyển nữa. Đối với các trường muốn tuyển chọn lại thì các em cũng phải mất một kì thi, lại lều chõng, lại cả gia đình đi thi… Còn nếu không có sự sàng lọc, chúng ta sẽ đưa ra xã hội những sản phẩm chất lượng tồi.
Tôi nghĩ rằng Bộ GD-ĐT cần đưa ra một giải pháp khác để cho việc thi tuyển vào ĐH diễn ra tốt đẹp, suôn sẻ cả cho các trường ĐH, học sinh và phụ huynh. Nếu thấy phức tạp mà bỏ luôn thay vì cần phải giải quyết vấn đề thì Bộ GD-ĐT đã không làm tròn vai trò của mình.
Hơn nữa, tôi thấy việc tuyển sinh ĐH có ảnh hưởng rất lớn đến các em học sinh cùng gia đình và các trường ĐH. Tuy nhiên, theo tôi được biết thì Bộ GD-ĐT cũng chưa hề có khảo sát xem ý kiến của họ thế nào, có đồng ý hay không. Tôi nghĩ rằng nên để họ tự quyết định đến tương lai của mình và chất lượng giáo dục của mình.
Tôi rất mong Bộ GD-ĐT cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định có ảnh hưởng lớn đến tương lai của giáo dục, tương lai của đất nước. Tôi cho rằng, đến năm 2015 hoặc 2020, chúng ta gộp 2 kì thi lại vẫn chưa muộn bởi vì ngay các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có thi tuyển sinh đại học đấy thôi.
-
Trịnh Thái Bình, Pháp
Ý kiến của bạn?