- Mỗi lần cắt điện luân phiên, nền kinh tế phải gồng mình gánh chịu thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Ai chịu trách nhiệm?
Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ. Nguồn: vnanet.vn |
Bài toán điện năng nhiều năm qua vẫn không thay đổi và không có thêm được điều gì mới mẻ và chẳng ai giải được. Riêng ông EVN một mình một sân chơi thỏa sức tung hoành với nhiều đặc quyền mà các ngành mũi nhọn khác nằm mơ cũng không có.
Các thành phần hoạt động trong nền kinh tế, các tổ chức, hộ gia đình… có thể nợ nhau hàng tỉ đồng dài hạn, chứ riêng đối với EVN thì không một ai dám nợ tiền điện một ngày dù chỉ một hào. Nếu trót thì phải khắc phục ngay không là “cắt điện”. Chuyện lạ chỉ có ở Việt Nam khi mà một tập đoàn kinh tế hùng mạnh không cần biết đến quyền lợi khách hàng là gì, cũng chưa ai dám phạt ngành điện vì làm thiệt hại đến khách hàng của mình, ngành điện “chưa bao giờ vi phạm hợp đồng”.
Với khẩu hiệu “toàn dân tiết kiệm điện” khởi xướng từ nhiều năm qua, tưởng đâu chỉ là tạm thời giai đoạn nào đó, nhưng khách hàng của EVN vẫn thấy chẳng khá hơn mà thậm chí còn tệ hơn trước rất nhiều. Nền kinh tế tăng trưởng cao, chúng ta đồng ý dẫn đến áp lực về năng lượng cũng tăng theo, Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế phát triển, nhưng ông EVN ở đâu lúc này?
EVN một mặt đang bận đầu tư vào BĐS, chứng khoán, viễn thông… sinh lời cao, một mặt đòi tăng giá điện liên tục với vài lý do cũ rích như: bảo dưỡng tổ máy, hồ chứa hết nước, tiêu hao đường dây lớn, nhà máy chưa xây xong cả chục năm… Cái cần khắc phục thì chẳng thấy đâu, EVN loay hoay chỉ 2 dạng sản xuất điện chủ yếu là nhiệt điện và thủy điện, trong khi nhiệt điện lại là cái hố không đáy chôn nguyên liệu than mà ngành mỏ vừa khai thác lên và rất ô nhiễm môi trường.
Khách hàng EVN có thể chấp nhận giá tăng nhưng ngược lại, họ nhận được gì? Chẳng có gì cả, hơn nữa “vớ vẩn là cắt điện ngay”. Mấy ai từng tham quan các trụ sở của EVN từ TƯ đến địa phương mới thấy choáng, vì “chỗ nào cũng mát”, không mát mới là lạ khi ngay phòng bảo vệ cũng có điều hòa chạy sầm sập ngày đêm vì “của nhà làm được” mà.
Mất điện luân phiên nhiều năm qua mà vẫn chưa được tháo gỡ, trong khi mọi hoạt động kinh tế, cũng như sinh hoạt của nhân dân bị đảo lộn. Công sở thì uống trà tán gẫu; doanh nghiệp nghiến răng đầu tư máy phát trong điều kiện xăng dầu tăng cao; giao thông đô thị đình trệ lãng phí nhân lực và thời gian; thương nhân, siêu thị ngán ngẩm không bán được hàng; hộ gia đình thì tìm mọi cách khắc phục kèm theo một khoản phụ trội không nhỏ hàng tháng, trẻ em học tập trong điều kiện tù mù hại mắt… và hàng trăm hệ quả khác không thể liệt kê hết.
Hãy cải tổ EVN vì đây là một trong các thành phần chủ yếu kìm hãm sự phát triển nền kinh tế nói chung, đồng thời đa dạng hóa nguồn sản xuất điện năng như dùng sức gió, năng lượng mặt trời… vừa hiệu quả lại vừa không gây ô nhiễm môi trường. Chính phủ không thể mua mãi điện của Trung Quốc trong khi họ vẫn còn thiếu. Để đạt được điều này chắc còn lâu lắm…!
-
Nguyễn Thanh Tùng
Ý kiến của bạn?