- Đóng góp ý kiến về việc phát triển nguồn điện năng, TS. Lê Văn Lưu, nguyên Chủ nhiệm Đề án cấp Nhà nước về nghiên cứu gió tại Bình Định, thời kỳ 1998-1999, đã có những trao đổi xung quanh việc cung cấp điện sức gió. Chúng tôi xin giới thiệu để bạn đọc cùng theo dõi.
Điện sức gió. Nguồn: keetsa.com
Xu hướng phát triển điện gió trên thế giới
Sử dụng điện gió vừa tiết kiệm năng lượng hoá thạch, vừa bảo vệ môi trường... nên cuối thế kỷ 20, Tổ chức Năng lượng Gió châu Âu (AWEA) đã có kế hoạch phát triển điện gió trên thế giới.
Theo Wind Force 12:
- Năm 2001 đã lắp đặt 24.900 MW, đã phát điện 54,5 Twh đạt 0,35% tổng các loại điện năng.
- Năm 2020 sẽ lắp đặt 1.261.157 MW, sẽ phát điện 3093,4 Twh đạt 11,98% tổng các loại điện năng.
- Năm 2040 lắp đặt 3.004.025 MW, phát điện 7.999,7 Twh.
Theo báo cáo năng lượng gió năm 2006 của hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), cuối năm 2006 đã lắp đặt 74.223 MW đạt 86,7% kế hoạch. Đứng đầu thế giới là CHLB Đức, đã lắp đặt: 20.662 MW, sau đó là Tây Ban Nha: 11.615 MW và Hoa Kỳ: 11.603 MW... Với đà phát triển nêu trên, nước Đức có thể thực hiện được dự đoán của "Thủ tướng Srai-đơ": Có thể ngừng hoạt động 16 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2018" (Báo Nhân Dân, 6/6/2000).
Khả năng phát điện gió tại Việt Nam
Theo số liệu gió của tổ chức khí tượng thế giới (1981), số liệu gió của True Wind Solutions (Mỹ), ở độ cao 65m nhiều nơi thuộc Nam Trung Bộ, Tây Nguyên... gió có tốc độ (7-8m/s) chiếm diện tích 25.679 km2, tổng công suất tiềm năng 102.716 Mw (gấp 50 lần công suất nhà máy thuỷ điện Hoà Bình); tốc độ gió từ 8-9m/s, chiếm diện tích 2.178 km2, tổng công suất tiềm năng 8.748 Mw...
Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu của đề án cấp nhà nước về gió tại Bình Định, ở độ cao 40m, theo hàm phân bố Weibul, tốc độ gió trung bình năm (v = 5,52 m/s). Nếu dùng Tuabin Sii Dwind-600kw, tổng điện năng trong năm đạt E = 1.148,1 Mwh/năm (Số liệu của nhà sản xuất Tuabin, khi v = 5,5m/s, E = 1.069 Mwh/năm).
Nếu ở độ cao 65m, tốc độ gió trung bình năm v = 7,0 m/s, khi dùng tuabin Vestas V90-1,8Mw, tổng điện năng trong năm phát ra xấp xỉ tổng điện năng của Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình phát trong năm 2002, E = 8.169 triệu Kwh, nếu tổng công suất các Tuabin gió bằng tổng công suất Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.
Từ kết quả nghiên cứu của đề án, một số công ty trong và ngoài nước đã sử dụng các số liệu để lập dự án khả thi các bãi đặt Tuabin gió tại Bình Định:
- Công ty Tomen (Nhật Bản), năm 1999
- Công ty Đầu tư Phát triển Năng lượng Việt Nam, năm 2000
- Công ty European Provder Network Gimbh (CHLB Đức) năm 2006
- Công ty tư vấn lắp điện 3 (TP. Hồ Chí Minh), năm 2007
Một số công ty khác, từ các nguồn số liệu khác nhau cũng đã lập dự án khả thi cho các bãi tuabin gió tại Việt Nam
- Dự án đầu tư 30 Mw tại Khánh Hoà (Đức, năm 1997)
- Công ty Grabowski (Đức, năm 2004) đầu tư 200 triệu USD vào Bình Định
- Công ty Cổ phần Phong điện miền Trung (Bình Định, năm 2007)...
Song, giá mua điện của EVN thấp hơn 4 cent/kwh nên hầu hết các công ty nước ngoài đã không đầu tư điện gió tại Việt Nam. Riêng các công ty trong nước vẫn tiếp tục chuẩn bị cơ sở hạ tầng, mong có sự thay đổi về giá mua điện của EVN.
Trong khi đó, đối với thế giới, có tài trợ giá đối với điện gió, do tính ưu việt của nó. Giá tài trợ 5 năm đối với tuabin gió đặt trên đất liền là 8,7 cent/kwh, giá tài trợ 12 năm đối với tuabin gió đặt ngoài khơi là 9,1 cent/kwh, giá sàn kéo dài 20 năm là 5,5 cent/kwh (đối với tua bin đặt trên đất liền) và 6,19 cent (đối với tuabin đặt ngoài khơi).
Vấn đề tạo nguồn điện cho tương lai
Trong cơ cấu nguồn điện, EVN có dùng 17 nhà máy nhiệt điện than, đây có phải là biện pháp tối ưu?
Nguồn: vtc.vn
Việt Nam không có đủ than dùng cho nhà máy nhiệt điện, hiện đang thương thảo, chưa có được hợp đồng chính thức để mua từ 40-50 triệu tấn than của nước ngoài (Báo An Ninh Thủ Đô, ngày 8/01/2008). Nguồn than thế giới cũng đang cạn kiệt dần và giá cả tăng cao, như vậy EVN hoàn toàn phụ thuộc vào việc mua than của nước ngoài.
Nhân loại đang rất lo ngại về tình trạng trái đất nóng lên. Theo UNDP (Báo Hà Nội Mới ngày 1/03/2008), nếu trái đất chỉ tăng thêm 2 độC, thì 22 triệu người dân Việt Nam sẽ mất nhà và mất 45% diện tích đất nông nghiệp, vùng ĐBSCL sẽ ngập nước. Với 40-50 triệu tấn than dùng cho nhiệt điện sẽ có vài chục triệu tấn CO2 phát thải vào khí quyển gây hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên. Như vậy, chính EVN đã góp phần làm biến đổi khí hậu. (Theo Jean mase dùng nhiệt điện than sẽ phát thải 950gr CO2/Kwh, dùng dầu là 800gr CO2/Kwh, dùng khí là 470 gr CO2/Kwh).
Về kế hoạch phát triển điện năng giai đoạn: 2001 - 2020 - 2040
Trong hội thảo chiến lược giảm thiểu khí thải nhà kính với chi phí thấp nhất, thuộc dự án ALGAS - RAS/92/G33 (ngày 14-15/01/1998 tại Hà Nội), kế hoạch phát triển điện năng từ 1994-2020 có nội dung gần giống nghị quyết 1855/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/1/2008 và đề tài 0920 phân bố cho từng nguồn điện.
Điều đó chứng tỏ rằng đã có kế hoạch phát triển điện năng dài hạn và EVN đã biết trước (ít nhất trên 10 năm) để xây dựng các biện pháp phát triển điện năng đi trước một bước tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển và thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Nhưng ngược lại, EVN lại giải quyết theo kiểu ăn đong, luôn luôn rượt đuổi theo sự phát triển của đất nước.
Tại sao EVN không dùng kinh phí mua điện của Trung Quốc và kinh phí xây dựng hai đường dây tải điện từ Trung Quốc đến 6 tỉnh phía Bắc để xây lắp các tuabin gió bù đắp cho sự thiếu hụt điện mà thời gian sử dụng có thể trên 20 năm, trong khi mua điện của Trung Quốc chỉ được 1 năm? Hoặc để các công ty nước ngoài đầu tư xây dựng các bãi tuabin gió mà ta không cần bỏ tiền đầu tư?
Theo tôi, EVN đã có thành tích cung cấp điện theo cách rượt đuổi theo nhu cầu, chưa phải là một tập đoàn mạnh theo đúng chức năng cần đi trước một bước, tăng nhanh sản lượng điện đáp ứng nhu cầu các ngành kinh tế - xã hội phát triển, thoả mãn nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. EVN chưa tận dụng được nguồn năng lượng gió theo xu hướng phát triển của thế giới trong thế kỷ 21 là tiết kiệm năng lượng hoá thạch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
-
TS. Lê Văn Lưu
Quan điểm của bạn về vấn đề này?