221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1058631
Không đảm bảo nguồn điện cho quốc gia: Lỗi của ngành điện
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần (từ 21-27/4):
Không đảm bảo nguồn điện cho quốc gia: Lỗi của ngành điện
,

 - Chuyện thiếu điện, tăng giá điện là vấn đề "nóng" trong tuần qua và thu hút rất nhiều sự quan tâm theo dõi cũng như tranh luận của độc giả. Tiếp theo đó là các vấn đề như chạy chức, chạy quyền, sách giáo khoa, tuổi teen hành xác, nạn ăn xin...

 

f
Đảm bảo cung cấp năng lượng luôn là vấn đề an ninh quốc gia. Nguồn: giaothuongnet.vn


Thiếu điện dẫn đến cắt điện luân phiên đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân nói riêng cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung. Đại diện của ngành điện đã đưa ra nhiều lý do để biện minh cho việc cắt điện cũng như đề nghị tăng giá điện. Rất nhiều độc giả đã gửi ý kiến về toà soạn bày tỏ sự không đồng tình với những lý giải đó. Bạn Nguyễn Huy Hoàng, Hà Nội cho rằng: "Không thể đổ lỗi cho dự báo kém hay nhu cầu tiêu dùng điện của người dân tăng vọt. Cần phải xem xét tính hiệu quả trong các hoạt động của EVN. Nếu EVN không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện trong nước thì cần mở rộng lĩnh vực này cho các DN tư nhân tham gia tạo cạnh tranh bình đẳng và đảm bảo nhu cầu phát triển của đất nước".

Bạn Phạm Hùng, email: Pham_wiwi@ có ý kiến: "Đảm bảo cung cấp năng lượng luôn là vấn đề an ninh quốc gia. Nên, không thể quan niệm phương thức hoạt động của lĩnh vực này đơn giản như hoạt động kinh doanh của một DN là: Lấy ngắn nuôi dài! Nếu EVN đã xây dựng được tốt nền tảng sản xuất, cung cấp và phân phối năng lượng thì mới nên áp dụng phương thức lấy ngắn nuôi dài. Hiện tại, ngành năng lượng chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế và tiêu dùng trong nhân dân, như vậy trách nhiệm trước hết thuộc về ngành".

Tôi đã đọc ý kiến của ông Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện Lực VN và rất bất bình trước quan điểm đổ lỗi cho dân trong việc thiếu điện của ông này, bạn Hoàng Dương, Hà Nội, email: hoang_duong1111@... nêu ý kiến: "Với quan điểm như vậy thì các thượng đế chẳng thể trông chờ và hy vọng gì vào việc được cung cấp đủ điện cho kinh doanh hay sinh hoạt bình thường. Nước ta đang tiến hành công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Trong lúc các ngành kinh tế khác đang có đà tăng trưởng khá tốt để thực hiện hai nhiệm vụ trên thì ngành điện lực mà đại diện là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lại đang tụt hậu. Năm nào bài ca muôn thủa thiếu điện, cắt điện và tăng giá điện cũng vang lên khiến các nhà máy, doanh nghiệp và người dân dùng điện sinh hoạt lại lo sốt vó. Thiệt hại do việc cắt điện gây ra cho nền kinh tế không hề nhỏ. Mỗi khi muốn tăng giá điện EVN lại đưa ra nhiều lý do khác nhau, khi thì cần vốn để đầu tư xây thêm nhà máy điện mới, lúc thì để bù lỗ... Song, giá điện thì cứ tăng mà điện vẫn cứ thiếu và bị cắt vô tội vạ. Đáng lẽ EVN cần tập trung làm tốt nhiệm vụ chính là phát triển ngành điện lực đã được Nhà nước giao thì họ lại đầu tư vào các lĩnh vực khác để kiếm lời".

Việc không đảm bảo được nguồn điện cho quốc gia là hoàn toàn do lỗi của ngành điện. Không lẽ một ngành chủ chốt của quốc gia như ngành điện lại không dự báo được tình hình phát triển của đất nước, không có kế hoạch phát triển hợp lý để đáp ứng với đà phát triển kinh tế? Việc ngành điện lấy lý do đầu tư mạng lưới điện để tăng giá điện là không hợp lý, vì nếu bây giờ mà tăng giá điện sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc kiềm chế lạm phát của Chính phủ, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhân dân", trao đổi của bạn Dương Văn Hùng, Lâm Đồng, email: duonghungld@...

Bạn đọc ở địa chỉ email: hieutykontum@... lại bày tỏ sự băn khoăn trong cách lấy ngắn nuôi dài của EVN: "Theo như ông Đào Văn Hưng nói, đầu tư bên ngoài của EVN chỉ chiếm 2%, vậy mức thu được từ 2% đó chiếm được bao nhiêu trong tổng mức sản xuất của EVN để mà cứu vãn được khó khăn của EVN. Vậy lấy ngắn nuôi dài này là nuôi như thế nào?".

"Thiếu điện và tăng giá điện phải có lời giải bài toán kinh tế và phải được kiểm toán chặt chẽ nhằm chống lạm phát cho quốc gia, bảo vệ lợi ích cho người lao động thu nhập thấp. Không thể cứ mãi điệp khúc thiếu điện và đòi tăng giá điện", ý kiến của bạn Quang, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
 

f
Sửa chữa điện. Nguồn: pc3.com.vn
Cắt điện không chỉ ảnh hưởng sinh hoạt bình thường của người dân là nhận xét của bạn Quang Vũ, email: QuangVu938@..., bạn tâm sự: "Tôi là một bệnh nhân đang điều trị tại nhà. Hàng ngày, phải truyền thuốc thải sắt thông qua một bơm tiêm chậm trong khoảng thời gian khoảng 8 đến 10 tiếng đồng hồ nên thường xuyên phải theo dõi lịch cắt điện. Mặc dù vậy nhưng có ngày bị mất điện bất ngờ ngoài lịch thông báo. Tôi nhớ lại câu chuyện ở một nước khác có một bệnh nhân phải thở bằng máy đã chết vì bị cắt điện. Không biết có nhiều người rất sợ giống tôi không và mong rằng ở Việt Nam không xảy ra câu chuyện đau lòng trên". 

 

Bạn đọc ở địa chỉ email: xuan5551965@... cho rằng: "Trong tiến trình công nghiệp hoá thì điện phải đi trước một bước, nhưng đối với nền kinh tế của nước ta thì ngành điện đang đi ngược lại, trái với quy luật phát triển. Với một tập đoàn kinh tế lớn mạnh, kinh doanh trên tổng vốn đầu tư của Nhà nước mà không hiệu quả thì Nhà nước nên xem xét trách nhiệm của tập đoàn đó, trách nhiệm của người đứng đầu. Không thể chấp nhận một nền kinh tế đang phát triển, các doanh nghiệp, các nhà máy xí nghiệp đang đầu tư, đang sản xuất lại bị ngành điện chi phối, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế".

 

Không phải thiếu điện là do không tăng giá là ý kiến của bạn Nguyễn Trọng Hà, Vinh, Nghệ An, email: trongha_edu@...: "Thiếu điện là nói đến vấn đề kỹ thuật, tức là các nhà máy không đủ công suất cho tiêu thụ của người dân. EVN luôn cho rằng thiếu điện là do không đủ lượng nước cho các nhà máy thuỷ đện, vì trời hạn hán. Tăng giá là tài chính không liên quan gì đến kỹ thuật. Tăng giá có phải là để EVN "mua nước" cho các nhà máy hay sao? Vào thời điểm này, khi tất cả giá cả đều tăng với mức sống đang rất khó khăn với của đại đa số người dân thì EVN lại đòi tăng giá nữa. Về việc này, Chính phủ cần xem xét về tính độc quyền của EVN".

Trao đổi về việc ngày càng có nhiều các thiết bị điện được sử dụng, bạn Chiến Thắng, Hải Phòng, email: Caophuonghia@... nhận xét: "Sự phát triển của xã hội đã kéo theo nhu cầu hưởng thụ của người dân. Đó cũng chính là mục tiêu của Đảng và chỉ đạo Chính phủ thực hiện. Chúng ta tự hào vì số hộ có tivi, tủ lạnh ngày càng nhiều, việc sử dụng điều hòa trong nhân dân cũng không còn là xa xỉ. Nhưng hãy xem ngành điện có thái độ thế nào? Bán hàng không cần quảng cáo, không cần tiếp thị, không cần bao bì hay nhãn mác. Cân đong đo đếm (công tơ) do khách hàng mua nhưng phải mua của ngành điện. Tăng giá mỗi khi vượt một khung do ngành điện tự quy định. Sẽ cắt điện nếu trời ít mưa. Phạt tiền và cắt điện khi không đóng tiền đúng hạn, còn ngành điện làm mất điện thì không có lấy một lời xin lỗi. Vậy mà ngành điện luôn kêu thua lỗ, suốt ngày đòi tăng giá. Không biết các ngành mới và sắp kinh doanh do ngành điện quản lý như điện thoại, ngân hàng... có giống như kiểu kinh doanh bán điện hay không?".


Đã có nhiều ý kiến hay, xác đáng của bạn đọc gửi về để trao đổi, tranh luận xung quan tình hình thiếu điện hiện nay, hầu hết bạn đọc đều muốn góp một tiếng nói để tìm ra giải pháp để hạn chế việc thiếu điện này và góp phần làm cho các công ty điện lực làm việc hiệu quả hơn.

atm
Camera chụp hình tại một trạm ATM ở nước ngoài. Ảnh: desinotes.com
Trao đổi xung quanh tình hình an ninh tại các máy ATM, bạn Ngọc Linh, Q.1, email: kittylovely_2701@... góp ý: "Ngân hàng nào cũng khuyến mãi về sử dụng thẻ ATM, chỉ biết hút khách hàng chứ không hề có 1 điều luật nào bảo vệ khách hàng. Một số điểm ATM của các ngân hàng ở chỗ tối, chỉ có ATM là đèn sáng, nếu có chuyện gì xảy ra thì ai sẽ bảo vệ cho họ. Nếu như muốn mọi người dân sử dụng thẻ ATM thì phải có điều luật gì đảm bảo quyền lợi cho họ khi đi giao dịch bằng thẻ".
 

Cần thiết kế máy ATM an toàn hơn là ý kiến của bạn Trung, Nhật, email: mansg30t@...: "Ở Nhật, tại máy ATM nào cũng có gắn camera, một gương phản chiếu để khách hàng có thể quan sát phía sau lưng mình. Ngoài cửa của box ATM có dán logo của Secom (là công ty bảo vệ như kiểu Long Hải ở VN). Ngoài ra, không phải máy ATM nào của họ cũng hoạt động 24/24. Những máy đặt ở nơi vắng thì chỉ hoạt động đến 6 giờ chiều".

Bạn Trần Nguyễn Dương Minh, Nguyễn Trọng Tuyển, P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, email: duongminh1972@... đề xuất việc lắp camera cho các trạm ATM: "Các ngân hàng nên lắp các camera ở các trạm rút tiền. Thường thì bọn cướp giật ở mức độ thông minh vừa phải sẽ không dại dột chường mặt ra trước camera. Nên đưa việc lắp camera thành một điều bắt buộc khi xây một trạm rút tiền. Việc này sẽ giúp cho cảnh sát rất nhiều. Với cách quản lý hiện nay của cảnh sát khu vực thì hoàn toàn có thể tìm ra thủ phạm nếu có hình ảnh".

Sau loạt phóng sự về "cai" ăn xin ở Hà Nội, nhiều bạn đọc đã gửi thư về toà soạn bày tỏ sự bức xúc. Bạn Trịnh Hoàng Trinh, Lê Lai, Thanh Hoá, email: hoangtrinhthientan@... viết: "Thực trạng nạn ăn xin hiện nay thật khó giải quyết - người dân Việt Nam có ai muốn chứng kiến cảnh ăn xin! Quả thật những con người khốn khổ rất nhiều, kẻ lợi dụng cũng rất nhiều. Chúng ta định dẹp nạn ăn xin bằng cách nào? Vấn đề là chính sách từ địa phương có người ăn xin - đã quản lý và chăm sóc người dân sâu sát chưa? Các chính quyền thành phố đã có chính sách an sinh cho người vô gia cư tốt chưa? Đó là mấu chốt để giải quyết vấn đề".

"Để hạn chế và đẩy lùi tình trạng này, tôi cho rằng, mỗi người trong chúng ta phải biết nói "không" trước ăn xin", ý kiến của bạn Đỗ Quyên, Q.2, HCM, email: abc@..., "nếu thật sự thương họ, xin mọi người hãy tìm một cách khác thiết thực để giúp hơn là cho họ tiền vì làm như thế là chúng ta đã khuyến khích nạn ăn xin phát triển, gián tiếp đẩy những đứa trẻ đáng thương khác tiếp tục phải xuống đường ăn xin và tiếp tục bị bóc lột".

"Có cả một làng chuyên làm nghề ăn xin thì không thể hiểu nổi vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý và tạo điều kiện làm kinh tế cho người dân nghèo như thế nào. Quan điểm của tôi vẫn là cho người ta cái cần câu, nếu người ta cần chứ không phải cho con cá. Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến nhưng cách quản lý đô thị trong đó có vấn đề người hành nghề ăn xin tạo cái nhìn không thiện cảm cho khách phương xa. Giữ gìn bộ mặt Thủ đô sạch đẹp cũng quan trọng không kém giữ gìn an ninh vì các lợi ích kinh tế và xã hội khác", góp ý của bạn Thành Công, email: jerrykid1986@...

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một số ý kiến phản hồi của bạn đọc về các vấn đề đời sống xã hội khác:

 

Cần phải tăng cường kiểm tra hoàng hoá trên thị trường: Nguyễn Đăng Khoa, Vĩnh Long, email: nguyendangkhoasxd@...: "Hiện nay, trên thị trường, hãng xe Honda Việt Nam rất được người tiêu dùng ưa chuộng cụ thể là các loại xe tay ga như Click, EBlade... các loại xe này phải sử dụng chất làm mát máy. Tuy nhiên, các chất làm mát máy này ghi thời hạn sử dụng là 2 năm nhưng lại không có ghi ngày, tháng, năm sản xuất. Đề nghị kiểm tra, rà soát lại các mặt hàng, nếu để tình trạng này xảy ra sẽ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng".

Hãy làm đúng nghĩa một khu tái định cư: Quang, Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội, email: vuhongquangvn@...: "Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội hoàn chỉnh đường vào khu tái định cư Hồ Đấu thuộc Phường Phương Liên, Quận Đống Đa. Khu tái định cư này được lập ra để di dời dân làm đường nút Phạm Ngọc Thạch và đoạn đường vành đai 1 Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Thế nhưng đã qua nhiều năm, tới nay, đường vành đai 1, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã xong, người dân cũng đã thấy có họng đường chờ để nối thông với đường lớn nhất trong khu tái định cư (chỉ còn 2 nhà là thông được đường) thế nhưng dân chờ mãi chẳng thấy. Hàng trăm hộ dân khu tái định cư và mấy trăm hộ dân thuộc làng Trung Tự đang hằng ngày, hằng giờ mong mỏi con đường được thông để khu tái định cư được đúng với ý nghĩa của nó, có đường cứu thương, cứu hỏa ra vào được. Mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết một nguyện vọng chính đáng của người dân".

Sinh viên VN kém ngoại ngữ: Trường Sơn, email: ntson90@...: "Sinh viên ở các trường Việt Nam luôn bị phàn nàn là thiếu kiến thức ngoại ngữ. Ví dụ, trong 2.000 sinh viên thì Intel chỉ chọn được 90 ứng cử viên đáp ứng 60% kiến thức trong bài test, nửa bị loại vì không đủ trình độ tiếng Anh. Vậy tại sao các trường ở Việt Nam không đưa ra yêu cầu mức độ tiếng Anh của học sinh sau khi tốt nghiệp. Một ví dụ khác, các khoa như CNTT và QTKD ở Đại học Hà Nội, để lấy được bằng sau khi tốt nghiệp thì họ phải có bằng Toefl hay Ielts tương đối (mặc dù trong 2 năm cuối chủ yếu dạy = tiếng Anh). Để sinh viên mình giỏi lên được ít nhất về mặt ngoại ngữ và cơ hội việc làm, giống như nhiều nước khác, ta phải có một biện pháp triệt để, đặc biệt không chỉ cho sinh viên đại học, nhiều học sinh tỉnh thành 12 năm trời học tiếng Anh chỉ biết nói vài câu "Hello" hay "Goodbye". Thật là một tình trạng đáng buồn".

Tiền lẻ là của hiếm: Nguyễn Thị Thúy Nga, Cầu Giấy, Hà Nội, email: lum_dong_tien_hanyken@...: "Một lần tôi đi thanh toán viện phí ở bệnh viện BM, mặc dù đã chuẩn bị 500đ tiền lẻ để trả 36.500đ nhưng tôi cũng không phải đưa ra. Vì sao ư? Chị nhân viên cầm giấy thanh toán của tôi và nói: "37000 chẵn". Chẳng lẽ có 500 cũng phải kì kèo, nghĩ vậy tôi cũng đưa đủ số tiền ấy. Nhưng khi lấy hoá đơn lại vẫn thấy ghi: 36.500 đ. Một ngày biết bao nhiêu người đi thanh toán viện phí, số tiền "làm chẵn cho dễ trả" ấy đi đâu? Lần khác tôi đi khám bệnh ở bệnh viện DL, sau khi khám xong, tôi mang toa thuốc cho dược sĩ của nhà thuốc bệnh viện. Rất nhanh chóng chị ấy tìm tên, giá cả mấy loại thuốc trong máy tính và bảo tôi: "152.000 đ" nhưng hóa đơn in ra là 151.500 đ. Chưa hết, sang ô bên cạnh nhận thuốc, một loại thuốc của tôi trên hóa đơn giá 41.000 đ nhưng giá dán trên vỏ hôp chỉ có 40.000đ. Thắc mắc thì dược sĩ nói "chắc ai dán nhầm thôi chứ giá trong máy tính là chính xác rồi". Thiết nghĩ, Nhà nước cần cung cấp nhiều tiền lẻ hơn nữa để tránh tình trạng khan hiếm như hiện nay. Vì 500 đ chẳng đáng là bao nhưng nhiều lần bị "làm chẵn, làm tròn" như vậy cũng khiến người dân cảm thấy không thoả đáng".

Đôi khi cần tình thương trong những nguyên tắc: Quách Đạo Quang, Thủy Dương, Hương Thủy, Huế, email: quachdaoquang@...: "Buổi chiều đi qua cầu Phú Xuân (TP Huế), thấy một bác trạc 60 tuổi đang gò lưng đẩy chiếc xe ba gác chở đầy đồ lên cầu. Anh CSGT đứng trên lề đường ra hiệu cho bác ấy phải đi nhanh lên. Bác kia cười một cách ngờ nghệch - cái ngờ nghệch của một người dân lao động - mồ hôi chảy dài trên hai gò má hốc hác vì gió sương và vì cái nặng của chiếc xe, miệng bảo: "Chiếc xe nặng quá, đi không nhanh được!". Anh CSGT lớn tiếng quát: "Nặng thì đi lui, nhanh!". Rồi bắt bác ấy phải đi lui, tìm đường khác để đi. Tôi phải hòa mình vào dòng người đang cuồn cuộn chảy về đầu kia của cầu Phú Xuân. Trong lòng thầm xót xa cho phận người. Anh công an kia không làm sai. Anh đã làm đúng phận sự của anh, đó là phân luồng và giảm ách tắc trong giờ cao điểm. Nhưng anh đã hành xử một cách quá lạnh lùng... Thật ra, đôi khi vì nhiệm vụ, người CSGT nói riêng và CAND nói chung, phải kiên quyết một chút. Nhưng tôi mong rằng, trong cái nghiêm minh của pháp luật vẫn có một góc cho tình thương, dành cho những con người cần được yêu thương...".

Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!


 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,