221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1058347
Biện minh của ngành điện: Thiếu thuyết phục!
1
Article
null
Biện minh của ngành điện: Thiếu thuyết phục!
,

 - Việc thiếu điện, cắt điện luân phiên đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngành điện đã giải thích việc này với nhiều lý do. Nhận xét về những lời biện minh mà một quan chức ngành điện đã đưa ra, có bạn đọc đã cho rằng, chúng hoàn toàn không thuyết phục. 

 

d
Điệp khúc cắt điện đã kéo dài nhiều năm. Ảnh: VNN

 

Những lý lẽ biện minh cho ngành điện hoàn toàn thiếu sự thuyết phục

 

Để biện minh cho việc ngành điện không đảm bảo điện nhưng vẫn kinh doanh nhiều lĩnh vực khác, ông giải thích là do “trong giai đoạn lạm phát hiện nay, Chính phủ yêu cầu các DN lớn không được tăng giá” nên “phải kinh doanh một số lĩnh vực khác… có lợi nhuận cao” để bù đắp cho sự mất cân bằng tài chính. Thực ra, giá điện đã được ngành điện đề nghị tăng nhiều lần và Chính phủ cũng đã đồng ý. Ngành điện cũng đã kinh doanh sang các lĩnh vực khác từ lâu trong khi lạm phát chỉ mới bộc phát gần đây.

 

Như vậy, không thể nói là do Chính phủ không cho tăng giá điện nên ngành điện phải kinh doanh ngành khác để bù lỗ. Ở đây, lại có thể đặt thêm một câu hỏi: Liệu những “lợi nhuận cao” do kinh doanh đa ngành thời gian qua có được dùng để phát triển điện hoặc để hạ giá thành hay không hay lại được “tái đầu tư” để tiếp tục những ngành “lợi nhuận cao” khác?

 

Nếu không có cơn bão giá và dư luận phản đối, chắc chắn chúng ta sẽ được thấy lễ khởi công một trung tâm thương mại khổng lồ của ngành điện bên bờ Hồ Gươm. Và sau đó, chắc chắn chúng ta lại được nghe lại điệp khúc: “thiếu điện!” “phải tăng giá điện!”. Tôi không muốn nói kinh doanh đa ngành là sai. Nhưng nếu cứ tiếp tục kinh doanh kiểu này chắc chắn chúng ta sẽ liên tục thiếu điện, tiếp tục phải mua điện và tiếp tục xin tăng giá điện.

 

Nhân đây xin nói thêm, khi ngành điện đưa tin phải mua điện như để quảng bá cho một biện pháp giải quyết thiếu điện, tôi có cảm tưởng xấu hổ thay cho chính ngành điện. Một nước có tiềm năng thủy điện chưa khai thác hết, đem than đi bán, đem dầu thô đi bán sao lại mua điện. Chẳng lẽ làm ra điện cũng khó và tốn như lọc dầu sao? Hay là đất nước ta không có ngành điện?

 

Công bằng mà nói, ngành năng lượng của nhiều nước cũng là những tập đoàn lớn, kinh doanh đa ngành. Nhưng hãy xem quá trình phát triển và hiệu quả làm ăn của họ. Các nước này không thiếu gì những lĩnh vực lãi nhiều hơn ngành điện nhưng ngành điện vẫn phát triển, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện trong nước. Còn theo danh sách những công ty giàu nhất chắc chắn không có ngành điện. Không những thế, ngành điện ở một số nước, như ở Đức, còn phải chịu áp lực của quần chúng, không được phát triển một số loại nhà máy như điện hạt nhân do lo ngại về an toàn mà phải tìm đến những loại năng lượng khác như gió hoặc điện mặt trời mất nhiều công sức, kém hiệu quả nhưng có lợi lâu dài. Thế nhưng nước Đức có bị cắt điện không?

 

Nói đến việc cung cấp điện, ông Hưng thừa nhận ngành điện “là ngành công nghiệp nặng được đầu tư với quy mô lớn nhất” và theo ông “ngành điện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước”, cũng theo ông “hầu như nước nào trên thế giới cũng thiếu điện”. Tôi không hiểu ông Hưng quan niệm thế nào là “thiếu” và thế nào là “cơ bản đáp ứng được nhu cầu”.

 

d
Cột phát điện bằng sức gió ở Đức. Ảnh: kinderwelt.org
"Hãy để chúng tôi được hưởng chế độ "thiếu" điện như các nước"

 

Ta hãy nhìn các nước phát triển như Pháp, Đức, Nhật... Thật khó hình dung họ lại có thể xảy ra tình trạng mất điện như ở ta. Hãy xem mỗi khi tàu điện ngầm mất điện là cả thế giới đều biết như một chuyện “động trời”, đủ biết việc mất điện có ý nghĩa thế nào rồi.

 

Gần hơn nữa, như Singapore, chắc chính phủ điện tử không thể mất điện như các cơ quan công sở ở ta. Ngay như ở Trung Quốc, theo ông Hưng, dường như Trung Quốc cũng không hơn mình nhiều lắm nếu không nói là kém về năng lượng. Nếu họ kém hơn mình thử hỏi ở Bắc Kinh, Thượng Hải có tình trạng mất điện như Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh hay không?

 

Không biết ông Hưng lấy ví dụ ở đâu, nhưng ngay ở Nam Ninh, chỉ là thủ phủ của một tỉnh thuộc loại miền núi của Trung Quốc mà đâu có phải cắt điện như Hà Nội? Như vậy, theo lập luận của ông Hưng thì các nước nói trên dù các thành phố lớn không bị cắt điện thường xuyên như ở ta họ vẫn “thiếu” điện, còn việc cấp điện cùng với cắt điện luân phiên kể cả ở thủ đô là “cơ bản đáp ứng được nhu cầu”. Vậy xin ngành điện hãy để cho chúng tôi được hưởng chế độ “thiếu” điện như các nước trên.

 

Nếu đổ tại kinh tế phát triển nhanh, thử hỏi nền kinh tế của các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaixia đều từ yếu kém đi lên như nước ta. Và cũng có những giai đoạn tốc độ tăng trưởng nhanh nên họ mới được như bây giờ để mà ung dung với tốc độ vài ba phần trăm mỗi năm. Không phải mỗi chốc mà họ có đủ điện dùng. Nhưng nếu họ cứ luôn ở trong tình trạng thiếu điện dài như ta có lẽ họ không được như bây giờ.

 

đ
"Nhà máy điện mặt trời" ở Bồ Đào Nha. Ảnh: AP 
Trung Quốc cũng vậy, họ lấy đâu ra năng lượng để các thành phố lớn không mất điện, sản xuất được bảo đảm để có thể đạt mức tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Mặc dù Trung Quốc còn khó khăn hơn ta bội phần do phải nhập khẩu cả dầu lẫn than. Thế nhưng ngành điện nước ta lại phải mua điện của họ và đến nay lại bảo họ cũng kém!

 

Cuối cùng, lý do thiếu điện được đổ tại do nhiều người dùng điều hòa, dùng điện thay gas... Chưa nói đến việc phải điều tra để có con số chính xác nhưng chỉ nhìn vào việc kinh doanh của mấy mặt hàng này cũng thấy đâu có tăng trưởng quá mức. Điều hòa nhiệt độ chỉ một số gia đình có thu nhập khá ở các thành phố lớn mới dám dùng. Nhiều nhà cũng phải dùng tiết kiệm vì sợ tiền điện. Chuyện đun điện thay ga cũng chỉ rộ lên ít lâu nay, mà bếp điện đâu có thấy tiêu thụ nhiều, chủ yếu vẫn là bếp ga, bếp than.

 

Tóm lại, nhu cầu tăng trưởng của các mặt hàng này cũng chỉ tăng theo đà chung của nền kinh tế. Mà kinh tế mấy năm nay đều có mức tăng ổn định rồi. Chẳng lẽ ngành điện lại không tính đến sự tăng này? Hình như đây là những lý do ông Hưng đưa ra để “tát nước theo mưa”. Vì chuyện thiếu điện là chuyện… dài dài nhiều năm rồi. Chẳng lẽ lại nhắc lại lý do vì mấy nhà máy điện phải sửa chữa và bảo dưỡng cùng lúc như năm nào.

 

Đến đây, tôi lại nghĩ đến các nước tiên tiến trong khu vực. Có lúc nào họ thiếu điện không? Trong những lúc thiếu điện, họ có kinh doanh ngân hàng hay bất động sản không? Không hiểu họ làm cách nào mà một ngành ít lãi như ngành điện vẫn phát triển với những nhà máy hiện đại? Còn chúng ta tại sao cứ phải chật vật mãi hàng chục năm nay, dù đã được ưu tiên nhiều thứ để đầu tư nhưng vẫn phải chạy cả những nhà máy điện thế hệ cũ chỉ để đạt được mục tiêu không phải cắt điện mà vẫn không được.

 

Nếu ngành điện vẫn tiếp tục bài ca về con số tăng trưởng và doanh thu, chỉ tính lời lãi qua những con số tù mù với mọi người mà không tính toán hiệu quả, vẫn ung dung đều bước với mọi ngành thì chắc là chúng ta còn được nghe mãi cái điệp khúc “thiếu điện!” “phải tăng giá điện!”.

  • Trang Từ, Hà Nội, eemail: phamtrangtu@... 

Quan điểm của bạn về vấn đề này?


 


,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;