- Ngay sau khi đăng "Thư khẩn cấp" đề xuất 10 giải pháp cứu TTCK, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả. Rất nhiều ý kiến cho rằng tại sao lại kêu Chính phủ phải can thiệp trực tiếp vào thị trường CK trong khi chúng ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường? Câu hỏi đặt ra là nếu Chính phủ bơm tiền vào, ai sẽ được và ai sẽ mất?
Các nhà đầu tư cần phải hiểu rõ bản chất của đợt điều chỉnh lần này trên TTCK. Ảnh: LAD |
Tại sao Chính phủ phải bơm tiền vào TTCK?
Nếu thật sự là một nhà đầu tư, tôi sẽ không hốt hoảng như vậy. Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, ắt cổ phiếu sẽ tăng. Trước đây, các nhà đầu cơ quá kỳ vọng vào thị trường chứng khoán nên giờ mới hốt hoảng, còn các nhà đầu tư vẫn bình an vô sự vì tôi nắm cổ phiếu để hưởng cổ tức. Câu hỏi đặt ra là nếu Chính phủ bơm tiền vào, ai sẽ được và ai sẽ mất? Lạm phát đang ở mức 6,2%/2 tháng, người lao động nghèo đã vô cùng khổ sở. Nếu bơm 3.000 tỷ, lạm phát sẽ là bao nhiêu? Nhà nước bảo vệ người nghèo hay bảo vệ những nhà đầu cơ mạo hiểm?
Theo tôi, cái gì cũng có giá của nó, Chính phủ không thể chống lạm phát nếu cung tiền quá nhiều ra thị trường. Hơn bao giờ hết, Chính phủ phải chú ý đến tuyệt đại đa số người nghèo, chấp nhận sự biến động của thị trường chứng khoán. Đau thì đau đấy nhưng phải coi đó là bài học cho nhà đầu cơ. Tóm lại, theo tôi Chính phủ không nên làm gì trong lúc này, hãy tập trung vào chống lạm phát để tránh xáo động xã hội. Le Duc Niem, Hàn Quốc, email: Leniem@...
Tôi không đồng tình với quan điểm cứu thị trường theo cách đề xuất của các nhà đầu tư nêu lên trong bài báo này. Điều này thật là vô lý khi dùng tiền Nhà nước để duy trì lợi nhuận của các nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư cần phải hiểu rõ bản chất của đợt điều chỉnh lần này trên TTCK. TTCK đã bị thổi bóng bóng bấy lâu nay, các nhà đầu tư có quan điểm này đã bán hết CK của mình để điều chỉnh lại. Nếu còn một số nhà đầu tư cho rằng CK của mình vẫn còn giá trị cao như trước thì tôi khuyên rằng họ cứ giữ lấy số CK, đừng có bán ra. Và không nên kêu gọi Chính phủ hỗ trợ làm gì.
Nếu thực sự CK đó có giá trị, không lâu nữa thị trường sẽ nhận ra. Nếu tự mình tưởng tượng như vậy và cố gắng kêu gọi Chính phủ dùng tiền để "nuôi dưỡng" giấc mơ của mình, thì thật là vô lý. Khánh, Hà Nội, email: adksan@...
Đọc bài này, tôi thấy có một số điều rất lạ: 1. Tại sao lại đòi Chính phủ lại phải can thiệp trực tiếp vào thị trường CK trong khi chúng ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường và Nhà nước chỉ can thiệp qua luật.
2. Tại sao khi nhà đầu tư thắng lớn vào năm ngoái thì không thấy kêu Chính phủ hãy thu thuế chúng tôi đi.
3. Sự việc cho thấy tư duy bao cấp vẫn nặng nề như thế nào ở Việt Nam, giả sử chúng ta mua CK ở Mỹ hay Hongkong, nếu nó mất giá thì kêu gọi chính phủ họ giúp đỡ à, thật nực cười. Qua thông tin này mới thấy để Việt Nam hoá rồng thì còn nhiều vấn đề phải làm, trong đó có việc thay đổi cách nghĩ của mọi người. Email: vuanthi@...
Đọc bức thư, thấy các vị kêu thống thiết quá. Chứng khoán đi lên, mỗi nhà đầu tư "một vốn bốn lời" thì Nhà nước có được gì không nhỉ? Tại sao khi lỗ vốn 20 phần trăm thì đòi Nhà nước phải mua lại gánh giúp cái lỗ cho mình. Các cụ ngày xưa bảo "có gan làm giàu", ráng làm ráng chịu thôi. Hãy dành số tiền trên để cứu trợ nông dân bị thiệt hại do trời rét (cho vay, hỗ trợ) thì hợp lý hơn. Tô Viết Hưng, Kim Thành, Hải Dương, email: toviethungkt@...
Giá cổ phiếu chỉ do quan hệ cung cầu
Tình hình thị trường chứng khoán đang xuống là đương nhiên. Vì lúc nó lên, không ai định được đúng giá trị thực là do quan hệ cung cầu mua bán làm đẩy giá lên như bong bóng. Còn bây giờ thì giá xuống cũng là do cung cầu phải trả vốn vay hay đầu tư lĩnh vực khác phải bán ra do cổ tức, cổ phiếu không thu hồi được vốn do đầu tư quá lớn vào cổ phiếu. Vì giá cổ phiếu tăng lên tự nó không sinh lời mà tiền từ túi người này chuyển sang túi người khác mà thôi. Vì giá cổ phiếu hiện nay chỉ do quan hệ cung cầu mà không hề có cơ sở định giá đúng giá trị thực. Nhà nước can thiệp chẳng qua là hạn chế sự khủng hoảng để giảm sự tác động dây chuyền đến ngân hàng, bảo hiểm, tài chính... Email: nhidat2005@...
TTCK suy giảm vì trước đó nó đã phát triển bong bóng. Có thời kỳ, ai chơi cũng lãi thì giờ đây, khi TTCK dần dần đi vào ổn định, một số người thua lỗ là lẽ đương nhiên, đừng nên kêu ca. Nếu bán lỗ thì hãy nên hiểu rằng, đồng tiền của bạn đã vào tay những người đầu tư khác. Viet Van Phuong, Hà Nội, email: phuong17646@...
Chứng khoán có phải là kinh tế thị trường không?
Tham gia thị trường CK là tham gia đầu tư vốn để mong thu lợi nhuận. Người tham gia có toàn quyền quyết định số vốn thuộc sở hữu của mình. Khi được, họ không hề kêu ca hoặc chia sẻ cho ai. Vì vậy, khi thua thiệt, họ phải tự gánh chịu, tại sao Nhà nước lại phải can thiệp vào bằng cách bỏ vào đó khoảng 3.000 tỉ đồng. Đó là một kiểu kinh doanh, đầu tư không công bằng.
Thời gian vừa qua, nhiều người trong số họ đã thu lợi quá lớn khi CP tăng giá, nay xuống giá họ lại kêu cứu Nhà nước. Thật vô lý, đây là lúc tỷ giá cổ phiếu trở về đúng với giá trị thực của nó. Làm gì có chuyện cổ phiếu của một đơn vị trong thời gian 30 ngày tăng đến 60 lần. Nhiều người mua chứng khoán hiện nay chủ yếu là đầu cơ mà thôi. Vậy thì họ phải tự gánh chịu hậu quả, còn có nhiều người nghèo khác đang cần được quan tâm. Chứng khoán là thị trường thì hãy để thị trường tự điều chỉnh. Nguyen Truong, Khu CN Quế Võ, Bắc Ninh, email: onghoi48@...
Số tiền đó nên để cứu người nghèo
Bấy lâu nay, nhiều người nghe đến TTCK hay thị trường BĐS thì nghĩ ngay đến (hoặc được nghe truyền miệng) một cách kiếm tiền dễ dàng và có thể giàu lên một cách nhanh chóng. Thực tế, cũng không ít người thành công, mua nhà, sắm ô tô... và TTCK đã được người ta "thổi" như thế nào ai cũng đã nghe nói tới mức các cổ phiếu đã quá xa rời giá trị thực của chúng hàng trăm lần. Nhưng đã gọi là thị trường thì phải có thất bại và có thành công. Lúc thắng thì chẳng thấy ai làm "từ thiện cả", lúc thua thì lại xin kêu cứu. Nên việc Nhà nước có bỏ ra hàng ngàn tỷ để cứu TTCK thì cũng thật vô lý.
Giá như số tiền đó Nhà nước đầu tư cho những người nghèo thì chẳng có ích hơn ư? Chứ bỏ ra để cứu các "tỷ phú" thì không còn gì để nói nữa. Hãy cứ để thị trường tự điều chỉnh bằng qui luật tự nhiên và làm cái việc của mình: thu nạp và đào thải. Sắp tới, có thể còn 1 quả bóng nữa xì hơi đó là thị trường BĐS và cũng sẽ kêu cứu. Rồi những người kêu cứu lại là những người có năm bảy nhà, vài trăm thậm chí hàng ngàn m2 đất. Và trong xã hội có hàng chục triệu người chỉ vì giá nhà đất bị đẩy lên trời nên chỉ còn nước ngước cổ nhìn theo mà thôi. Nguyễn Đăng Minh, Hà Nội, email: minh431@...
Sau khi đọc bài "Thư khẩn cấp" đăng tại trang web của Quý báo, tôi xin đặt câu hỏi, các nhà đầu tư kêu cứu nghĩ gì khi hơn trăm ngàn trâu bò, gia súc và hoa màu, lúa mạ... của người nông dân bị thiệt hại bởi đợt rét kỷ lục ở miền Bắc vừa qua? Chính phủ liệu có bơm được một phần mười số tiền mà các nhà đầu tư yêu cầu để cứu nông dân? Khi đầu tư chứng khoán có lãi, các nhà đầu tư không chia lãi, không nộp thuế thu nhập cho Chính phủ, vậy tại sao bây giờ lại đòi Chính phủ bơm tiền cứu? Không lẽ Chính phủ sẽ cứu người giàu mà bỏ rơi dân nghèo? Tôi nghĩ, các vị chơi chứng khoán không nên làm rối Chính phủ vì những suy nghĩ cá nhân của mình. Phạm Anh Tuấn, Công ty Pi C&E, email: pi.company@...
Cứu hay tiếp tay cho kinh doanh ảo
Đơn vị của tôi phát hành cổ phiếu và niêm yết trên sàn TP.HCM. Trước khi đại hội, cổ phần bán đúng mệnh giá không ai mua. Sau khi đại hội, được quyết định lên sàn, giá cứ thế ngùn ngụt tăng cao. Phải chăng nhà đầu tư bên ngoài am hiểu doanh nghiệp của chúng tôi hơn chúng tôi? Thực sự giá trị doanh nghiệp của chúng tôi chỉ đáng tăng gấp đôi là cung. Chính phủ mà cứu giúp loại kinh doanh ảo này để lại tạo ra cơn sốt ảo. Nền kinh tế sẽ lâm nguy nếu không kinh doanh bền vững và đúng thực chất của nó. Chung Dung Le, Hà Nội, email: chungdungle@...
Cần thể hiện thực chất giá cổ phiếu
Giá cổ phiếu trên sàn không phản ánh đúng giá trị thực của nó. Một số người kinh doanh kiếm lời đã tìm mọi cách đẩy giá cổ phiếu quá giá trị thực của nó. Bây giờ, giá cổ phiếu đang rơi về giá trị thực thì lại yêu cầu Nhà nước cứu. Vậy có xem được không? Email: llymanhha1971@...
Khi cổ phiếu lên thì không thấy kêu Nhà nước, tại sai khi xuống lại kêu cứu. Hãy để tự cung - cầu quyết định. Thực tế, các doanh nghiệp hoạt động và có mức lợi nhuận báo cáo không xứng với tầm giá trị cổ phiếu tăng 5-6 lần, thậm chí vài chục lần. Tôi cũng đang bị lỗ nhưng tình hình như thế mới định nghĩa thế nào là nhà đầu tư đúng nghĩa chứ không phải là "nhà đầu cơ". Đây chính là thời điểm để các nhà đầu tư suy nghĩ là nên đầu tư vào cổ phiếu nào có tiềm năng. Tien Dinh, Đường Cộng Hòa, email: leti7405@...
Không cần thiết phải bơm tiền cứu TTCK
Thị trường chứng khoán (TTCK) hoạt động theo cơ chế thị trường nơi giá mua, giá bán được hình thành trên cơ sở cung cầu. Giá chứng khoán lên cao hay xuống thấp là điều bình thường. Việc yêu cầu nhà nước dùng tiền ngân sách bơm 3.000 tỷ đồng để cứu TTCK là không hợp lý. Làm như vậy chỉ có các nhà đầu tư (đúng hơn là các nhà đầu cơ) hiện nay, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, hưởng lợi. Vô hình chung, chúng ta đã mang tiền thuế mà toàn dân phải đóng góp để cứu một thiểu số các nhà đầu cơ khi thị trường không "bùng nổ" như họ kỳ vọng. 3.000 tỷ là một số tiền rất lớn và sẽ thiết thực, công bằng hơn nếu Chính phủ dùng tiền đó để chống lạm phát, xoá đói, giảm nghèo hay đầu tư cho giáo dục, y tế. Ngọc Sao, Hà Nội, email: Saraff_p@...
Thị trường CK Việt Nam vốn đã bị làm giá từ cuối năm 2006. Vào lúc đó, các đại gia đã thổi lên một cách bất bình thường. Lời lãi, họ mua nhà, mua xe. Đến nay thị trường đang trả về với giá trị thực của nó. Và hãy để nó về với giá trị thực. Khi lãi, họ có nghĩ đến Chính phủ không? Khi lỗ, họ lại kêu đến Chính phủ. Nguyễn Đại Dương, TP.HCM, email: nguoictnkl@...
Tôi không đồng tình với quan điểm cứu thị trường theo cách đề xuất của các nhà đầu tư nêu lên trong bài báo này. Điều này thật là vô lý khi dùng tiền Nhà nước để duy trì lợi nhuận của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cần phải hiểu rõ bản chất của đợt điều chỉnh lần này trên TTCK. TTCK đã bị thổi bong bóng bấy lâu nay, các nhà đầu tư có quan điểm này đã bán hết CK của mình để điều chỉnh lại. Nếu còn một số nhà đầu tư cho rằng CK của mình vẫn còn giá trị cao như trước thì tôi khuyên rằng họ cữ giữ lấy số CK, đừng có bán ra. Và không nên kêu gọi CP hỗ trợ làm gì. Nếu thực sự CK đó có giá trị, không lâu nữa thị trường sẽ nhận ra. Nếu tự mình tưởng tượng như vậy và cố gắng kêu gọi CP dùng tiền để "nuôi dưỡng" giấc mơ của mình, thì thật là vô lý. Khánh, Hà Nội, email: adksan@...
Ý kiến của bạn về vấn đề này: