221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1024534
Lấn chiếm vỉa hè có phải là do hàng rong?
1
Article
null
Lấn chiếm vỉa hè có phải là do hàng rong?
,

(VietNamNet) - Sau khi có ý kiến về việc Hà Nội  cấm bán hàng rong trên phố chính sẽ được thực thi ngay trong năm 2008, VietNamNet nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc trao đổi về vấn đề này. Có rất nhiều ý kiến đặt câu hỏi, liệu có phải hàng rong lấn chiếm vỉa hè hay là những hộ kinh doanh ở mặt đường đã tận dụng vỉa hè làm nơi buôn bán? Một số ý kiến khác ủng hộ việc cấm hàng rong nhưng đề nghị phải có lộ trình và kế hoạch cụ thể vì việc này ảnh hưởng tới rất nhiều hộ gia đình nghèo.  

 

d
Vỉa hè, lòng đường là nơi ăn uống. Ảnh: timnhanh.com

 

Ai chiếm dụng vỉa hè?


"Nói lấn chiếm vỉa hè, thì những cửa hàng lớn, văn phòng công ty ngay mặt đường còn chiếm dụng nhiều hơn. Tôi thấy một lần nữa, chúng ta lại mắc vào phương án bế tắc: Cái gì không giải quyết được thì cấm! Nói lấn chiếm vỉa hè, thì những cửa hàng lớn, văn phòng công ty ngay mặt đường còn chiếm dụng  nhiều hơn - chiếm dụng vỉa hè để làm nơi giữ xe máy cho khách hàng. Người đi bộ vẫn phải đi xuống lòng đường hay len lỏi giữa đám xe máy xếp chật cứng vỉa hè để tìm chỗ đặt chân. Vậy sao họ không bị cấm! Phải chăng vì những người bán hàng rong yếu thế, không thể tự bảo vệ mình nên họ chỉ biết cấm là hết!", ý kiến của bạn Trần Thanh Huyền, Đông Hà, Quảng Trị.
 

Cần có lộ trình cụ thể


Cấm hàng rong, nếu xét thấy cần thiết, nhưng phải có lộ trình và kế hoạch nên làm như thế nào vì việc này ảnh hưởng tới miếng cơm, manh áo của nhiều hộ gia đình nghèo là trao đổi của bạn Nguyễn Xuân Tuấn, BV Bạch Mai. Theo bạn, hàng rong trên vỉa hè tồn tại là vì một số lý do sau: "Lượng lao động thất nghiệp không có công ăn việc làm quá đông, chúng ta chưa có chính sách cho đối tượng này vì vậy sinh ra nguời bán hàng rong; hàng rong không ai quản lý về mặt chất lượng nhưng giá rẻ, phục vụ nhiều đối tượng Hà thành; nó giúp nhiều gia đình thoát nghèo, đói, phần nào góp phần cho lớp trẻ đi học; Nhà nước chưa có địa điểm riêng cho họ hoạt động vì vậy họ phải ra vỉa hè bán hàng". Tuy nhiên, hàng rong cũng có mặt không được, đó là ảnh hưởng giao thông đô thị và làm xấu mỹ quan đô thị.

 

Bạn Tuấn cho rằng: "Cũng chỉ có Hà Nội thì hàng rong mới tồn tại vì sức mua lớn và đây là kế sinh nhai của rất nhiều người. Hàng rong đã tồn tại bao lâu nay rồi, chứ đâu phải mới phát sinh, vì vậy bảo cấm là cấm ngay thì rất khó và sẽ có nhiều ý kiến không đồng tình".

 

Bạn Tuấn cũng có cùng quan điểm với bạn Thanh Huyền về việc vỉa hè bị các hộ kinh doanh lấn chiếm: "Vỉa hè Hà Nội chủ yếu bị lấn chiếm bởi xe máy và hộ kinh doanh thì phổ biến hơn nhiều so với bán hàng rong, cảnh quan đô thị của ta còn rất nhiều cái khác làm xấu từ quy hoạch đến lấn chiếm đất, nhà kém chất lượng, khu phố ổ chuột, đường dây điện chồng chéo..."

 

Bạn Tuấn đề xuất ý kiến: "Nên cấm hàng rong ở những phố nào và sau này cho họ những địa điểm hoạt động, khi nào kinh tế nước ta có nhiều ngành nghề nhận được hết người lao động thì họ sẽ rút lui. Thất nghiệp và không có trình độ sinh ra bán hàng rong, vậy, tại sao ta không lo công ăn việc làm cho người lao động mà lại tước đi thứ nghề nghiệp chính đáng mà họ đang làm?"
 

UBND nên tập trung việc giám sát, thực hiện

 

Bạn K.L, Hà Nội, e-mail: sanhdieu@... có ý kiến là nên tập trung vào vai trò của UBND TP trong việc giám sát thực hiện: "Tôi đã theo dõi tình hình đang gây xôn xao một bộ phận không nhỏ những người dân ngoại thành về việc “cấm bán hàng rong”. Thành phố Hà Nội đang triển khai dự thảo quyết định mới về quản lý lòng lề đường, vỉa hè, cấm hàng rong... điều này phải hỏi UBND TP. Hà Nội xem xét có cần thiết phải làm hay không, trong khi những quy định hiện hành và cả trước đấy chưa có lần nào thành phố thực hiện nghiêm minh cả?

 

Các cấp chính quyền dường như chỉ coi những quyết định đó ở trên rất cao, không cần thực hiện ở địa phương mình và dùng chính những quyết định đó để chèn ép một số người dân “bán hàng rong” hay dung túng nhiều người “lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán” để thu lợi cá nhân.

Việc những người bán hàng rong có thể bị cấm theo quyết định đang dự thảo và thực tế cũng đang bị đuổi bắt hàng ngày, phạt tiền, thu giữ hàng hoá trong khi quy định hiện hành không cho lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì UBND các phường, quận và thành phố đang dung túng cho một số đối tượng, quả thực đã làm bức xúc những người chấp hành tốt quy định của địa phương và luật pháp.

Vậy đâu là sự công bằng trong XHCN? Có chăng là sự công bằng ở điểm này: Người bán hàng rong không chi "tiền tiêu cực" đều đặn cho cán bộ sở tại còn những chủ hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè thì đã chi tiền đầy đủ hàng tháng cho bộ phận quản lý trật tự đô thị trực tiếp quản lý tuyến phố nào đó.

Cũng theo quyết định hiện hành của UBND TP thì những hành vi vi phạm trên của UBND các phường sẽ bị xử lý kỷ luật, nặng nhất là buộc thôi việc. Tuy nhiên, TP cũng nhắm mắt làm ngơ và thản nhiên giải trình trong các câu hỏi chất vấn là “đã làm tốt, đã có nhiều tuyến phố văn minh, quy định chưa phù hợp, còn một số ít người vi phạm vì nhận thức...”. Đọc những giải trình chất vấn đó chỉ nói lên được một điều là chính quyền đang ngày càng suy yếu, không có tính đấu tranh, tạo khe hở cho cán bộ cơ sở vụ lợi, tham nhũng ở nhiều cấp, được che lấp bởi đại bộ phận người dân quá thờ ơ với việc bảo vệ lẽ phải, những nét đẹp truyền thống của Hà Nội, xây dựng xã hội văn minh, tiên tiến.

Tôi mong muốn thành phố hãy nhìn vào thực trạng đáng buồn trên để loại bỏ những " khiếm khuyết" của mình (đặc biệt là bệnh thành tích) để quản lý tốt trật tự đô thị ngay cả khi không phải cấm bán hàng rong (một nét đáng yêu của Hà Nội, một con đường mưu sinh của biết bao người).

Những hình ảnh không đẹp về việc cấm bán hàng rong

 

Ở một khía cạnh khác của việc cấm bán hàng rong, bạn Dương Văn Hiếu, Cầu Giấy, e-mail: jovial_0106@... phản ánh về một số hình ảnh không đẹp khi chính quyền phường thực thi quyết định này: "Có một lần, tôi dừng ở đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, tuyến đường đó có thể nói là chưa thông, đó là chỗ có nhiều quán cafe. Tôi đang ngồi uống nước ở vỉa hè, đoạn giao nhau giữa đường Xuân Thủy và Nguyễn Phong Sắc kéo dài. Một chị bán hàng rong vừa tới với gánh hàng có vài nải chuối và mấy quả bưởi cùng một ít quýt, đúng lúc đó có mấy anh bên trật tự đi xe ôtô đến "giật" ngay thúng hoa quả vứt lên xe ôtô. Chị bán hàng cố kéo lại thì bị giật ngã khiến đầu gối chảy máu. Cảnh tượng lúc đó nếu không phải là họ mặc quần áo bên trật tự, thì tôi nhầm tưởng là bọn côn đồ mà tôi thường thấy trên phim ảnh, họ đã lấy đi cả tài sản của một người bán hàng rong.

Tôi muốn hỏi những người có trách nhiệm là có khi nào các vị nghĩ đến việc cấp dưới của mình triển khai nó một cách đầy "văn hóa" như vậy không? Thực sự đó là một câu chuyện mà tôi tận mắt nhìn thấy và tôi tin chắc rằng, có không ít người cũng đã nhìn thấy như tôi! Điều thực sự mà tôi muốn nói, đó là, chính sách hay chủ trương gì thì hãy nên nhìn dưới góc độ người dân phải chịu điều đó.

 

Như chủ trương cấm xe 3 bánh, xe tự chế mới đây, quê tôi còn nghèo và có rất nhiều công nông, hơn ai hết tôi hiểu được hiệu quả kinh tế nó mang lại đó là giá thành rẻ, giữa việc thuê một công nông với một chuyến ôtô nó khác nhau nhiều lắm. Phải chấp nhận việc nước ta vẫn là nước nghèo. "Không thể bắt một người nông dân mặc bộ quần áo đẹp khi ra đồng được"! Tôi tán thành là nó không an toàn bằng các phương tiện khác nhưng nếu nói về số vụ tai nạn của nó so với các phương tiện khác thì tôi e, thật khó thuyết phục. Đã có chủ trương các xe phải đăng kiểm và sát hạch bằng lái với chủ xe. Việc đó, xin hỏi đã làm tốt chưa, hay chỉ là cái cớ để cho một số ngành chức năng làm khó dễ? Tôi thấy có rất nhiều điều bất hợp lý, đó là suy nghĩ của tôi, muốn được nói lên và mong các vị xem xét cho dân được nhờ!"

 

Ý kiến của bạn?
 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,