(VietNamNet) - Trong một bài tranh luận đăng trên VietNamNet về vấn đề đào tạo và chất lượng tiến sĩ tại Việt Nam, bạn Nguyễn Đa Linh có đưa ra nhận xét: "Ở Mỹ, mỗi ngành khoa học có khoảng 500 trường có đào tạo hệ tiến sĩ, nhưng chỉ khoảng 200 trong số đó yêu cầu luận văn nghiên cứu đạt chất lượng tầm cỡ quốc tế. Có nghĩa là khoảng 60% tiến sĩ Mỹ chất lượng cũng không hơn gì tiến sĩ Việt Nam". Nhận xét này đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình của bạn đọc
>> 60% tiến sĩ Mỹ không hơn tiến sĩ Việt Nam?
Ngô Thanh Bình, Hà Lan, Goodluckbinh@...: Tôi đã từng nghiên cứu sinh và làm sau tiến sĩ (postdoc) ở nước ngoài. Tôi xin có một số ý kiến. Chi phí (lương, sách vở, hội nghị, thiết bị,...) cho 1 NCS ở VN chưa đến 1.500 USD/năm. Ở Mỹ, chi phí này ít nhất là 30.000 USD/năm. Ở Mỹ, NCS được đăng ký dự các hội nghị quốc tế khắp thế giới, được tiếp cận với các kết quả nghiên cứu mới nhất qua các tạp chí điện tử vì hầu hết các trường đều có đăng ký, ở VN chắc chắn là không có. Vì vậy, trong rất nhiều nghiên cứu ở Việt Nam, NCS Việt Nam làm lại cái người ta đã làm từ 10, thậm chí 20 năm trước mà GS hướng dẫn và hội đồng cũng chẳng biết. Chỉ với một số khác biệt như vậy, bạn có thể tự trả lời nhận định của tác giả Đa Linh "60% tiến sĩ Mỹ không hơn gì tiến sĩ Việt Nam" là đúng hay sai! Ta phải tự biết là ta đang ở đâu thì mới có thể phấn đấu vươn lên được.
60% tiến sỹ Mỹ không hơn gì tiến sĩ Việt Nam? Ảnh: Lê Anh Dũng.
Đỗ Thanh Hải, Đại học Tổng hợp Wrolcaw: Không hiểu bạn Đa Linh làm nghiên cứu sinh ở Mỹ lâu chưa mà viết một bài báo, cung cấp biết bao nhiêu dữ liệu, bao nhiêu đánh giá mà không có trích dẫn nguồn cụ thể. Đành rằng nó không phải là một bài báo học thuật đòi hỏi các quotation rõ ràng, ít nhất bạn cũng phải nên ra là "Trong nghiên cứu này...", "Theo tác giả này..."... Theo tôi, đảm bảo chất lượng nghiên cứu sinh, khâu cốt yếu là kiểm định chất lượng và nếu thật sự muốn làm, chúng ta có thể "quốc tế hoá" bằng cách mời các giáo sư có tiếng trên thế giới phản biện các công trình tiến sĩ. Giáo sư hướng dẫn, nghiên cứu sinh thích làm gì thì làm, cứ chốt chặt đầu ra thì sẽ biết ngay họ làm cái gì. Sao cứ phải tranh luận nhiều. Anthony Nguyen: Không biết Nguyễn Đa Linh nghiên cứu tới đâu và sống ở Mỹ bao lâu mà đi đến kết luận quá vội vàng như vậy. Tôi sống ở Mỹ cũng khá lâu và có nhiều người trong gia đình từng tốt nghiệp high school và college tại Mỹ, sau đó theo học chương trình cao học và tiến sĩ cũng đã có bằng cấp. Quả thực, việc học cao học không cũng đã là một khó khăn rồi chứ chưa nói đến tiến sĩ. Không biết bạn Đa Linh đến Mỹ từ bao giờ và không biết đã từng học cao học chưa mà vội kết luận như vậy? Tôi là người Việt Nam và lúc nào cũng muốn người Việt Nam nổi tiếng, dù là ở đâu, làm gì. Nhưng tôi chỉ muốn nhận định quan điểm của mình qua thực tế. Bản thân tôi cũng từng trải qua học cao học, tuy chưa có ý định học tiến sĩ vì e ngại khả năng của mình. Nếu Việt Nam thực sự đào tạo được tiến sĩ như ở Thái Lan hoặc Malaysia thôi thì tôi cũng đã kính nể lắm rồi. Cũng không thể nói người Việt Nam chúng ta không thông minh. Họ thực sự rất thông minh và rất giỏi. Nhưng điều kiện không có để phát triển. Tại Mỹ, số lượng người Việt Nam làm rạng danh cho cộng đồng người Việt cũng đã gây được nhiều ấn tượng.
Andy Huynh, USA, andy_0711@...: "60% Tiến Sĩ ở Mỹ không hơn Tiến Sĩ Việt Nam? Không biết tác giả bài viết này lấy số liệu này ở đâu vậy? Nếu đúng như tác giả nói thì Việt Nam đã lọt vào top 10 những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới rồi! Biết mình yếu kém và dám nhìn nhận những yếu kém của mình để mà sửa chữa thì mới tiến bộ được. Nếu vẫn mang tư tưởng cục bộ, ta lúc nào cũng hơn người thì Việt Nam vẫn mãi bị người bỏ xa trên bước đường phát triển. Trinh Thai Binh : Phap 1)Các sinh viên ở Mỹ và Châu Âu được đào tạo bài bản và có hệ thống hơn chúng ta rất nhiều, nhất là chương trình đầu năm làm tiến sĩ. Và chỉ có ai có ham muốn thực sự đi theo con đường nghiên cứu mới làm tiến sĩ chứ không lấy danh để lấy chỗ ngồi như ở Việt Nam. Vì vậy có thể nói đầu vào của họ chất lượng cao hơn rất nhiều 2)Khi làm NCS, họ được đầu tư rất nhiều, từ tài chính, thực hành, hội thảo và đặc biệt là cơ sở dữ liệu tràn ngập. Còn ở Việt nam mọi người vẫn phải làm việc cơ quan, lo gia đình và nhiều chuyện khác nữa mà vẫn hoàn thành trong thời gian 3 năm. Thực sự thời gian làm nghiên cứu của Việt Nam bằng bao nhiêu % so với ở Châu Âu, MỸ? 3. Việc bảo vệ luận án không đơn giản. Tất nhiên là cũng có ít người trượt nhưng để được bảo vệ, các Gs rất khắt khe mà yêu cầu phải tìm ra được cái mới trong khoa học. Trong khi ở ta thì bảo về luận văn thực ra là một thủ tục vì một điều đơn giản là nếu Gs trong hội đồng mà làm khó thì lần sau ai mời và vị nào cũng nể nhau, Gs nào cũng sợ lần sau NCS của mình bị "đánh". Vì vậy là hoà cả làng, ai cũng xuất sắc!
Không chỉ bạn đọc từ nước ngoài mà nhiều người trong nước cũng không đồng tình với nhận định thiếu căn cứ này. Phạm Bảo Lâm, Văn Quán, Hà Đông, Hà Tây, phamlamth@...: Đọc đoạn nhận định sau :"Có nghĩa là khoảng 60% tiến sĩ Mỹ chất lượng cũng không hơn gì tiến sĩ Việt Nam!". Vậy thì sinh viên Mỹ cũng không hơn gì sinh viên Việt Nam, vì đề thi của Mỹ, cũng còn dễ hơn Việt Nam. Học sinh trung học Mỹ cũng không hơn gì học sinh trung học Việt Nam, lý do như trên. Hãy nói chi tiết về từ "không hơn gì" của tác giả. Không hơn gì có nghĩa là cái gì? Hơn về trí tuệ, tiền bạc, hay cái gì? Tôi không nghĩ rằng, tác giả lại có cái chuẩn so sánh hơn và không hơn theo kiểu: "Giải bài toán 1+1 =?". Giải được là hơn không giải được(!). Không chỉ so sánh nổi với Singapore, hay các nước lân cận, việc so sánh với Mỹ là vô cùng khập khiễng. Tôi từng nghe tin ở ta chỉ cần tốt nghiệp PTTH thì muốn có bằng gì cũng được. Đơn giản, chỉ cần học đại học tại chức, sau đó học cao học, rồi tiến sĩ, phó tiến tiến sĩ v v.. Một con đường đào tạo zic zắc. Và có thể nói ngược rằng,có những tiến sĩ Việt Nam chất lượng không bằng sinh viên Mỹ. Nếu nói chất lượng trên theo nghĩa ứng dụng thực tế, thì ở một xã hội phát triển như Mỹ, bỏ ra 1000, 2000 USD để đầu tư nghiên cứu, mua trang thiết bị là hoàn toàn bình thường. Còn ở Việt Nam, xin hãy nghĩ kỹ. Như vậy, kiến thức thực tế ở Mỹ, hơn Việt Nam không biết bao nhiêu??? Nói theo nghĩa đào tạo người khác, thì anh tiến sĩ nói trên có thể hơn, nhưng chủ yếu anh là người đọc lại vở thầy cho người khác nghe. Không có thực hành, lăn lộn nghiên cứu một cách có hệ thống thì chỉ là tiến sĩ giấy mà thôi. Hoàng Minh, Hà Nội, hminh2005@...: Tôi không rõ con số 60% trên có chính xác hay không, tuy nhiên có thể thấy từ thực tế các TS mà tôi đã, hiện và sẽ chứng kiến bảo vệ ở đơn vị của tôi như sau: 1. Có thể nói trình độ ngoại ngữ kém, nếu không nói là rất kém. Nói chung có thể đọc được tiêu đề chứ không hiểu được nội dung bên trong. Các kiến thức mà các TS nói rằng trích dẫn từ sách này nọ.... có thể nói cũng là chép hoặc phải mất rất nhiều công nhờ dịch, biên soạn 2. Hầu hết sử dụng Internet không thạo. Do vậy có thể nói họ khó có điều kiện tiếp cận với các tri thức mới của chuyên ngành họ. 3. Việc đăng báo chủ yếu là một số tạp chí chuyên ngành trong nước, chất lượng bài báo không cao. 4. Sau khi bảo vệ xong việc tiếp tục là chủ trì nghiên cứu đề tài mới, có tính ứng dụng cũng rất ít. Hầu như chỉ tham gia tiếp tục giảng dạy, hướng dẫn SV nghiên cứu các đề tài được trích dẫn từ luận văn của họ ra. Không biết các TS ở Mỹ có như vậy? Chắc là không. Vì tôi nghĩ rằng xã hội và bản thân mỗi con người không lãng phí thời gian và tiền bạc để đi làm TS chỉ lấy cái danh như ở chúng ta. Ngô Minh Triết, Nguyễn Du, Hà Nội, du_ha_van@...: Ông Đa Linh nói "Ở Mỹ, mỗi ngành khoa học có khoảng 500 trường có đào tạo hệ Tiến sĩ, nhưng chỉ khoảng 200 trong số đó yêu cầu luận văn nghiên cứu đạt chất lượng tầm cỡ quốc tế. Có nghĩa là khoảng 60% tiến sĩ Mỹ chất lượng cũng không hơn gì tiến sĩ Việt Nam ". Thật là nực cười cho cách suy luận của ngài TS kinh tế. Cách suy luận này cũng giống như nói chất lượng thịt bò của Mỹ cũng bằng chất lượng thịt bò của Việt Nam vì bò của 2 nước đều không ăn thịt chó. Một nguyên tắc so sánh là phải dùng cùng một chuẩn mà người viết còn chưa biết thì sao đáng gọi là nhận định khoa học nhỉ!. Ý kiến của bạn?
Email: thaibinhtrinh@yahoo.com
Bài báo thiếu căn cứ
Tôi thấy đây là một bài báo thiếu căn cứ và có cái nhìn phiến diện. Tôi không làm tiến sĩ ở Việt Nam nhưng tôi có thể đưa ra một số ý kiến để thấy rằng ý kiến của tác giả rất thiếu căn cứ: