(VietNamNet) - Là một trong số ít những người tham gia và chứng kiến sự ra đời của báo điện tử VietNamNet ngay từ thuở ban đầu, nhìn lại chặng đường ấy, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Không biết bao nhiêu sự kiện, vui buồn lẫn lộn lướt nhanh trong ký ức, không chỉ là nỗi nhớ mà còn là một phần máu thịt trong tôi.
Xin được kể lại một kỷ niệm nhỏ trong hàng trăm sự kiện đã diễn ra trong 10 năm qua: Phát hành VietNamNet ở Quốc hội.
Đó là vào giữa năm 2002, với giới trẻ, Internet là công cụ khá phổ biến thì ở chốn nghị trường, báo mạng vẫn là một sản phẩm xa lạ gây tranh cãi bởi tính hai mặt của phương tiện truyền thông này. Làm thế nào để các đại biểu của dân hiểu được báo điện tử là một câu hỏi lớn.
Với các đồng nghiệp báo viết khác, việc ‘‘khoe khoang’’ sản phẩm của mình khá đơn giản, nhưng với báo điện tử VietNamNet, vấn đề không hề đơn giản chút nào. Ý tưởng giới thiệu báo điện tử VietNamNet với Quốc hội được nảy sinh từ TBT Nguyễn Anh Tuấn. Nhà báo Bích Ngọc, phụ trách PR của VASC khi đó được giao nhiệm vụ triển khai ý tưởng này, tôi với tư cách là người tham gia hỗ trợ.
Việc đầu tiên là viết đơn xin phép Trung tâm Thông tin Báo chí Văn phòng Quốc hội. TS Nguyễn Sỹ Dũng, lúc bấy giờ là Giám đốc Trung tâm, vốn là chỗ “người nhà” nên nhiệt tình ủng hộ ngay. Trên cơ sở công văn trình bày nguyện vọng phát hành, Trung tâm Báo chí làm tờ trình lên văn phòng QH xin ý kiến. Nhận được tờ trình, Chủ nhiệm Văn phòng QH bút phê vào đơn là “chuyển Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng Văn hoá”. Sau khi có ý kiến của Vụ báo chí Ban Tư tưởng, thủ tục còn lại là VASC làm công văn xin đường line điện thoại để kết nối máy tính.
Việc xin line điện thoại lại phải trình tự qua chừng đó bước, chỉ có điều không phải qua Ban Tư tưởng Văn hoá. Khi tờ trình lên đến Chủ nhiệm Văn phòng QH, lại nhận được bút phê: “Nếu VietNamNet phục vụ miễn phí QH thì cho phép, còn nếu thu phí thì thôi”.
Trong suốt ngày 13/05/2002, là ngày mà QH thảo luận ở tổ, nhóm phục vụ QH của VietNamNet ngoài Bích Ngọc, tôi còn có sự hỗ trợ kỹ thuật của kỹ sư phần mềm Nguyễn Ngọc Khánh, là một ngày mà QH không họp ở Hội trường nên trong nhà kính máy điều hòa không hoạt động, với cái nắng tháng 5, nóng cỡ 35 độ, anh em chúng tôi đánh vật với các thiết bị laptop, đèn chiếu, màn hình và một đường line điện thoại chập chờn.
Chiều muộn, khi mồ hôi đã thấm đẫm cả hai lần áo, mọi việc chuẩn bị cho demo VietNamNet cơ bản đã hoàn thành. Chúng tôi thở phào và chờ đợi trình diễn sản phẩm của mình vào phiên họp hôm sau.
Đầu giờ buổi sáng, chúng tôi đã lắp ráp máy, mở nhiều cửa sổ kết nối, chủ yếu là các tin bài về QH mà VietNamNet đã thực hiện trước đó. Giờ giải lao trong phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn (14/05), báo điện tử VietNamNet được demo trên màn hình lớn ở nhà kính QH thực sự thu hút được sự chú ý của các đại biểu. Không ít “nghị sỹ” trầm trồ vì tin của VietNamNet nhanh, ngắn gọn.
Đại biểu Lê Đức Thuý khen: Phóng viên VietNamNet sử dụng thuật ngữ ngân hàng chuẩn xác, có nghề... Đại biểu Phạm Thế Duyệt khen: “Các cậu chuyển tải ý tưởng của tớ được đấy’’. Nhiều đại biểu khác chưa quen với mạng Internet tò mò hỏi cách truy cập và cách tra cứu thông tin. Một số phóng viên báo bạn xin được “copy” một số bài của VietNamNet để làm tài liệu tham khảo cho các bài viết của họ.
Được các đại biểu khen, tôi cảm thấy lâng lâng như vừa uống xong một cốc rượu Johnnie Walker 45 độ của xứ Scotland nổi tiếng. Công bằng mà nói, để có được những thông tin nhanh, hấp dẫn, ngoài sự nỗ lực của các phóng viên, biên tập viên, công đầu phải kể đến nhà báo Hồng Phúc (hiện đang công tác tại TBKT Sài Gòn) và Kim Trung (hiện đang làm ở VTC), hai người trực tiếp làm nên những bản tin nhanh và hấp dẫn phục vụ bạn đọc quan tâm đến kỳ họp.
Cùng với phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Hội trường, VietNamNet đã trở thành tâm điểm bàn luận của Quốc hội trong giờ giải lao. Việc phát hành VietNamNet như vậy coi như thành công.
So với lịch sử báo chí nước nhà, 10 năm chỉ là một con số lẻ, nó trôi qua như một khoảnh khắc. Với một con người, đó là chặng đường của một đứa trẻ chập chững vào Đội thiếu niên. Nhưng với VietNamNet, nó đã bỏ qua những quy luật thông thường ấy.
Với hơn 2 tỷ lượt truy cập mỗi tuần, bạn đọc của VietNamNet giờ đây đã trải rộng từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vượt qua khỏi sứ mệnh của một nhà cung cấp thông tin, VietNamNet giờ đây là tiếng nói của người Việt, mang bản sắc văn hóa Việt bảo vệ lợi ích của cộng đồng người Việt không chỉ ở Việt Nam mà còn ở bất cứ nơi đâu trên toàn thế giới.
-
Phan Thế Hải, CEO VietNamNet IC
Mời bạn đọc chúc mừng, chia sẻ cảm xúc với VietNamNet: