(VietNamNet) - Trao đổi về vấn đề quản lý blog, có ý kiến đã cho rằng, việc phát triển blog là điều tất yếu, quản lý blog không phải là ngăn chặn, nếu ngăn chặn thì cũng không được. Sử dụng blog như thế nào vẫn phụ thuộc vào yếu tố con người, văn hoá, đạo đức và các quy định chế tài của Nhà nước. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến bạn đọc về vấn đề này.
>> Ngăn chặn nội dung xấu trên Blog, khó hay dễ?
>> "Không nên thấy khó quản lý mà cấm blog phát triển!"
>> Đã đến lúc cần có Luật Quản lý Blog?
>> Trước khi là blogger, tôi là công dân Việt Nam
>> Giải pháp nào để ngăn chặn blog đen, blog bẩn?
Blog của cộng đồng mạng Việt Nam đang phát triển hoàn toàn tự phát.
Đồng tình với ý kiến của ông Doãn
Tôi hoan nghênh ý kiến Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn. Một khi người ta có quan điểm và hành xử công việc quản lý như ông Doãn thì những rắc rối và băn khoăn sẽ được tháo gỡ. Chừng nào người ta không lấy việc cấm đoán thay cho việc tìm khả năng khuyến khích mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của một thực thế nào đó chắc chắn thực thể đó sẽ phát huy được tác dụng tốt trong cuộc sống.
Tôi rất mừng khi chúng ta đang xa dần thời buổi "thà nhầm còn hơn bỏ sót". Cái thời mà vì gián điệp dùng radio để tác nghiệp nên mọi người dùng radio phải đưọc quản lý. Ngược lại, nếu có ai đó muốn quản lý cái gọi là "BLOG" theo cách hiểu của họ thì chúng ta cũng phải tìm cách dàn xếp với tinh thần xây dựng như sau: Đồng ý là phải quản, nhưng muốn quản được thì phải nắm được. Và nếu muốn nắm được thì phải hiểu được. Vậy nếu có ai hoặc những ai có được 3 năng lực này thì sẽ "quản lý" được blog.
Đến đây tôi nghĩ, nếu ai muốn quản lý blog thì hãy vào "Sống cùng các cư dân blog". Vào đó, chúng ta sống cùng nhau, cư xử với nhau rồi cùng nhau tìm ra cách cư xử ổn thoả, cùng nhau xây dựng một bộ quy tác ứng xử hợp lý để cùng tồn tại và phát triển.
Khi đã có bộ quy tắc đó thì những cư dân của thế giới blog có xuất thân từ các cơ quan quản lý có thể đưa bộ quy tắc này biến thành cái gọi là "luật blog" thì mọi cư dân blog tâm phục khẩu phục và chấp hành nghiêm chỉnh. Chúng ta biết: Sự nghiệp là của quần chúng. Do vậy hãy đi sâu vào quần chúng, hiểu quần chúng rồi tiến đến lãnh đạo quần chúng.
Tôi mong rằng các nhà quản lý hãy đến với chúng tôi. Hãy dùng blog như chúng tôi để hiểu chúng tôi, cùng trăn trở với chúng tôi, dàn xếp với chúng tôi để phát huy năng lực của blog và hạn chế rồi triệt tiêu những tác hại hiện còn của nó. Tôi tin rằng việc này các nhà quản lý làm được. Lại Quốc Uy, Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội, email: laiquocuy@...
Tôi đồng ý với câu nói là chỉ có cách sống tốt hơn và sống đàng hoàng hơn thì mới tránh được những chuyện bị phơi bày ra trước công chúng (ý tôi nói là những con người đã, đang và sẽ nổi tiếng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống) vì cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra... Thanh Hiền, email: hoahong84@...
Tôi thống nhất với ý kiến của Thứ trưởng. Việc phát triển blog là điều tất yếu, quản lý blog không phải là ngăn chặn, nếu ngăn chặn thì cũng không được. Sử dụng blog như thế nào vẫn phụ thuộc vào yếu tố con người, văn hoá, đạo đức và các quy định chế tài của Nhà nước. Blog thể hiện hai mặt tốt xấu của xã hội, xã hội như thế nào thì blog như thế đấy. Nếu xã hội dựa trên nền tảng văn minh và dân tộc thì những blog xấu sẽ rất ít xảy ra. Để làm được điều này, tôi nghĩ không chỉ riêng bộ, ngành nào tự làm được mà toàn xã hội đã và đang thực hiện. Phạm Việt Tùng, Quy Nhơn, email: tungsxd@...
Tôi rất đồng tình với quan điểm của nhà quản lý. Hoan nghênh báo đã đưa ra ý kiến của cơ quan chức năng, người đầu tiên dám nhìn thẳng vào vụ việc đang ảnh hưởng sâu sắc đến dư luận. Câu hỏi của phóng viên rất tâm huyết để chia sẻ với những người làm cha làm mẹ. Vì rõ ràng đây là bài học để cảnh tỉnh chúng tôi giáo dục con em mình. Chung Quang, Chùa Bộc, Hà Nội.
Tôi rất thích cách trả lời của Thứ trưởng. Ông chứng tỏ đã nắm khá rõ thông tin của cư dân mạng, theo dõi sát sao những hoạt động của xã hội ảo. Mong rằng các vị lãnh đạo khác cũng chịu khó lắng nghe nhịp sống của cư dân mạng tốt như vậy. Vy Thu Hà, Lạng Sơn.
Theo thiển ý của tôi, một cơ quan giám sát khó có thể để ý đến mọi góc của thế giới mạng. Nhưng từ sự việc cộng đồng các blogger có nhân cách lên tiếng đả phá các blog bẩn cho thấy việc xây dựng lưới cộng tác viên là một trong các biện pháp đấu tranh có hiệu quả. Vì thế nên bổ sung biện pháp huy động chính cộng đồng mạng: 1. Thành lập diễn đàn với lời kêu gọi, ví dụ: "Trong thế giới ảo, chúng ta vẫn phải cùng nhau xây dựng nhân cách thực". 2. Lập địa chỉ để các CTV gửi thông báo về sự xuất hiện của một blog bẩn. Có thể chọn là TT An ninh mạng. 3. Kêu gọi cộng đồng lên tiếng. Mã Lan, Hà Nội, email: maxlanebc@...
Tôi đồng ý với ý kiến của Thứ trưởng, bởi vì blog cũng có mặt xấu và mặt tốt. Nó là nơi cộng đồng online chia sẻ tình cảm suy tư của mình và cũng là nơi trau dồi thông tin sống. Nhưng để ngăn chặn việc blog bẩn thì nên có biện pháp mạnh, tích cực. Nguyễn Ngọc Lê, Hà Nội, email: bobe.ieu_1507@...
Blog: Công cụ giao tiếp & tư duy
Blog là công cụ tư duy đồng thời là công cụ giao tiếp của con người. Qua blog, ta hiểu được suy nghĩ và đạo đức của người dùng blog. Con người có thể kiềm chế bản năng tự nhiên trong blog bằng các quy tắc ứng xử văn hoá liên quan đến: Ngôn ngữ, nghệ thuật, giáo dục, khoa học, hôn nhân, văn chương, báo chí... Các quy tắc này phải trở thành qui định, trước hết là qui định về đạo đức của cộng đồng giao tiếp blog. Con người tìm đến hình thức giao tiếp blog từ nhiều lý do, trong đó có lý do là sự giao tiếp truyền thống có thể là rào cản cuộc đấu tranh của họ vì công lý và đạo đức. Không giao tiếp được theo truyền thống, con người phải tìm đến sự giao tiếp tự nhiên: Blog. Như vậy sẽ được nhiều người biết hơn, bình đẳng hơn, hiệu quả hơn trong việc đánh giá một vụ việc. Đỗ Bá Lộc, Hà Nội, email: sonoproloco@...
Không nên quản lý blog theo kiểu đăng ký vì nó là bộ não thứ hai của người dùng blog. Chỉ nên quản lý blog bằng các quy định về đạo đức blog, về hành vi blog. Cần phát triển loại blog chống hành vi bao che, hành vi bảo kê và các loại hành vi không phù hợp với đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức quản lý. Văn Đế, Cầu Giấy, email: vanden@...
Sự phát triển về CNTT trên toàn thế giới đã tác động không nhỏ đến cư dân mạng Việt Nam, chúng ta rất mừng và tự hào về sự tiếp thu và hội nhập đó, và mỗi người mong muốn đóng góp ít nhiều khả năng, trí tuệ để làm đẹp mình hơn, quảng bá nhiều khía cạnh của cuộc sống riêng cũng như khẳng định đuợc vị thế của một cư dân đang hoà nhập với thế giới. Tôi không nghĩ blog là thế giới ảo vì nó phản ảnh và tác động trực tiếp đến thực tế con người, và mong rằng không ai nỡ làm vẩn đục cộng đồng cư dân mình. Có chăng chỉ một lúc nào đó, vì ngẫu hứng cá nhân để sự lôi cuốn sự hiếu kỳ của nhiều người mà quên đi trách nhiệm xây dựng cho cả cộng đồng. Trong trường hợp này, thiết nghĩ, cộng đồng nên xây dựng cho nhau, những chuyện giải quyết được trong “tình làng nghĩa xóm” thì nên khuyến khích chứ không nên gây nên gây ầm ĩ. Phan Xuân Bách, Bà Rịa - Vũng Tàu, email: bachnam777@...
Cư dân mạng chia sẻ nỗi đau Cần Thơ (Nguồn: 360oblog)
Vẫn còn rất nhiều blogger có tâm
. Bất kỳ thế giới thực hay ảo nào cũng đều có những điều cần hoàn thiện. Còn rất nhiều blogger có tâm và có tài chia sẻ kiến thức và hiểu biết cũng như kinh nghiệm sống cho cộng đồng. Hoặc có blogger có khả năng thuyết phục, truyền tải để gợi mở, khơi nguồn, kêu gọi những giá trị nhân văn, những truyền thống tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong nguy khó. Có những blogger mang lại những áng văn thơ làm thi vị thêm cuộc sống vốn đã vất vả... Cái không tốt vẫn tồn tại song hành nhưng chỉ là thiểu số. Giá trị do blog mang lại cần được xem xét toàn diện và có biện pháp quản trị hợp tình hợp lý... Tin rằng thông qua blogging, blogger tự điều chỉnh các qui tắc ứng xử để có thể tồn tại và hội nhập thôi. TKO, TP.HCM, email: tkonhatrang@...
Mình thấy để quản lí được blog bây giờ quả là vấn đề nan giải! Blog là nơi người ta có thể tự do bộc bạch, chia sẻ tất cả mọi thứ, giãi bày tâm tư mà không phải quan tâm đến dư luận, nên có thể có mặt tích cực và mặt tiêu cực của nó! Email: khatvongsinhvien2007@...
Mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về thông tin trên blog của mình
Không nên quản lý và không thể quản lý blog vì đó là thông tin cá nhân . Mỗi cá nhân sẽ tự chịu trách nhiệm cho nội dung của mình, và đó là quan hệ dân sự như trường hợp của ca sĩ Phương Thanh kiện blogger Cogaidolong. Nhân, HN.
Các blog phát triển, tự nhiên sẽ nảy sinh các quy tắc ứng xử phát triển theo. Như trường hợp ca sĩ Phương Thanh kiện Cogaidolong. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, nếu blog nào ảnh hưởng cá nhân thì từng cá nhân có cách xử lý. Về phía quản lý nhà nước các nước khác cũng giống Việt Nam, nên tham khảo cách họ làm.
Blog thật sự nên có sự quản lí gắt gao. Tôi biết ở nhiều nơi, người ta vẫn quản lý blog nhưng nếu bắt blogger chúng tôi phải đóng thuế blog, phải khai báo thông tin của mình vào blog thì là việc không tưởng.
Tôi biết có blogger lợi dụng blog làm điều xấu nhưng không hẳn là tất cả. Chúng tôi coi blog là 1 phương tiện để kết bạn và giải trí, 1 thế giới ảo, đừng bắt chúng tôi phải coi nó như 1 thế giới thật.
Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm với blog của mình nhưng nếu nói để xây dựng bộ luật nào dành cho nó, chắc còn khó lắm. Nếu có bộ luật dành cho blog, tôi nghĩ có thể lượng blog sẽ giảm rõ rệt, blogger VN sẽ không đóng góp gì cho cộng đồng online VN nữa. Email: cobemomong_91@...
Ý kiến của bạn?