(VietNamNet) - Việc Việt Nam làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) Khoá 2008-2009 đã thành sự thực. Mối quan tâm bây giờ là Việt Nam sẽ hành xử như thế nào cho đúng vai trò của mình. Các học giả thế giới, nguời Việt trong và ngoài nước đều đóng góp nhiều ý kiến xây dựng. Bản thân tôi cũng có một số suy nghĩ, xin mạnh dạn chia sẻ. Phạm Ngạc ( nguyên Vụ trưởng Vụ Các tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao)
>> 183/190 nước đã bầu VN làm Uỷ viên không thường trực HĐBA
>> Bạn đọc: Tự hào về vị thế mới Việt Nam
>> Trúng cử HĐBA Liên hợp quốc, Việt Nam đã ra biển lớn
Các đoàn đến chúc mừng đoàn Việt Nam sau khi có kết quả bỏ phiếu: 183/190 nước bầu VN làm ủy viên không thường trực HĐBA.
Vị thế của Việt Nam
62 năm qua, ngoài 5 nước Uỷ viên thường trực HĐBA có vai trò và quyền hạn đặc biệt, nhiều nước cũng đã tham gia Uỷ viên không thường trực nhiều lần và có những đóng góp của riêng mình. Việt Nam bây giờ mới tham gia nhưng lại được đặc biệt chú ý. Việt Nam sẽ thể hiện như thế nào. Đó cũng là thách thức đối với chính sách đối ngoại của Việt nam.
Việt Nam hiện có thuận lợi là vị thế cao chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế của mình: Quan hệ tốt với cả 5 nước Thường trực HĐBA, là thành viên tích cực của phong trào không liên kết và các tổ chức khu vực ASEAN, ASEM, APEC, quan hệ gắn bó với các nước châu Phi và Mỹ Latinh. Việt Nam đang hội nhập để thực hiện mục tiêu của mình: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Điều đó cũng phù hợp với mục tiêu của cộng đồng quốc tế và LHQ phấn đấu cho hoà bình và phát triển trên toàn thế giới.
Thách thức
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có khó khăn là lần đầu tham gia một cơ quan đầy quyền lực (HĐBA LHQ) đang bị các nước Uỷ viên thường trực thao túng, thậm chí họ có thế dùng quyền phủ quyết để chống lại tất cả các nước khác. Trong hoàn cảnh đó, lá phiếu của Việt Nam dù thuận, chống hay trắng cũng không thể cơ bản thay đổi được tình hình. Lập trường của Việt Nam sẽ chủ yếu thể hiện trên phát biểu tại diễn đàn này đồng thuận với lợi ích và dư luận rộng rãi trên thế giới. Đây cũng là thử thách đối với “bản lĩnh” Việt Nam, nhất là khi đến lượt luân phiên làm chủ tịch điều khiển hoạt động của HĐBA.
Trong tình hình thế giới đầy biến động trên mọi lĩnh vực, chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng như vai trò ở HĐBA đòi hỏi sự sáng suốt khôn khéo tranh thủ sự đồng thuận về lợi ích lâu dài để đạt tới mục tiêu chung. Đây là cơ hội tốt để triển khai tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, phát huy đường lối đối ngoại của Việt Nam, phục vụ lợi ích dân tộc và đóng góp cho cộng đồng quốc tế.
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh
Cùng với những đóng góp to lớn cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng được nền móng cho ngoại giao Việt Nam. Tôi tâm đắc và thấy 2 phương châm xử thế có thể áp dụng trong quan hệ quốc tế và tại HĐBA hiện nay:
- Dĩ bất biến, ứng vạn biến: Kiên định lợi ích cơ bản và lâu dài của Việt Nam và thế giới.
- Biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự: Tranh thủ sự đồng thuận về lợi ích chung và lâu dài để tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng.
Thời cơ
Trong lịch sử cách mạng hiện đại, Việt Nam đã tận dụng thời cơ và tạo ra những kỳ tích dù trong hoàn cảnh đất nước và quốc tế không thuận lợi: Năm 1945, giành độc lập và hợp tác với các nuớc đồng minh nhưng không được quốc tế công nhận hoặc vào LHQ. Năm 1954, giải phóng một nửa đất nước và góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa Pháp nhưng vẫn bị các cường quốc phương Tây tiếp tục chống đối. Năm 1975, thống nhất đất nước nhưng vẫn bị ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh, tranh chấp của các nước lớn và bị bao vây cấm vận. Năm 1986, đất nước đổi mới, thách thức lớn nhất là hội nhập quốc tế và chống tham nhũng. Hiện nay, vào HĐBA cũng là một thách thức nhưng không thể so sánh với những thách thức trước đây và cũng không vì thế mà coi nhẹ.
Việt Nam có đủ ba yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hoà để hoạt động tại HĐBA. Phát huy vị thế của mình, cán bộ ngoại giao Việt Nam có thể tích cực vận động hậu trường tạo ra sự đồng thuận đóng góp cho việc giải quyết các cuộc khủng hoảng. Trên cơ sở đó có đủ thông tin cần thiết để kiến nghị phương án tối ưu để Lãnh đạo đất nước có quyết định cuối cùng với lợi thế chênh lệch thời gian 12 giờ giữa Hà Nội và New York. Nếu chuẩn bị không tốt, vẫn còn ẩn số thì trong nước cũng khó khăn để quyết định trong 12 giờ. Hy vọng cán bộ ngoại giao tại chỗ sẽ tận dụng tốt thời cơ này, gây ấn tượng tốt với cộng đồng quốc tế và tạo điều kiện cho những nhiệm kỳ tái cử sau này. “Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng với truyền thống “vừa học vừa làm”, Bác Hồ đã nêu gương sáng, ngành ngoại giao đã noi theo và đào tạo được đội ngũ ngày càng chuyên nghiệp thì sẽ hoàn thành được nhiệm vụ, đáp ứng sự trông đợi của đất nước và cộng đồng quốc tế.
-
Phạm Ngạc
Cảm nghĩ của bạn về việc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của HĐBA Liên hợp quốc