(VietNamNet) – Trúng cử ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc, Việt Nam đã thực sự bước ra biển lớn, tham dự đội ngũ hoa tiêu lái con tàu thế giới đi đến những bến bờ mới. Đây là đỉnh cao của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện vị thế chính trị và ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế.
>> 183/190 nước đã bầu VN làm ủy viên không thường trực HĐBA
>> Thủ tướng: VN sẽ làm tốt trọng trách thành viên HĐBA
>> Toàn cảnh quan hệ VN-LHQ và chuyến thăm LHQ của Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon tại trụ sở LHQ. Ảnh: AP |
Ngày 16/10/2007, tại khoá họp thường niên lần thứ 62 Đại hội đồng Liên hợp quốc, với 183/190 phiếu tán thành, Việt Nam đã chính thức được bầu làm thành viên không thường trực của HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009.
Sau đúng 30 năm gia nhập Liên hợp quốc, Việt Nam đã trở thành một trong số 15 nước uỷ viên HĐBA - cơ quan quyết định các vấn đề của thế giới nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
Việt Nam đã thực sự bước ra biển lớn, tham dự đội ngũ hoa tiêu lái con tàu thế giới đi đến những bến bờ mới. Đây là đỉnh cao của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện vị thế chính trị và ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sự kiện này sẽ thúc đẩy quá trình công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, tăng cường thu hút đầu tư vào Việt Nam, hoàn tất quá trình đổi mới và hội nhập mà Đảng và Nhà nước đã phát động từ 20 năm qua với thành tựu gia nhập WTO và tổ chức thành công Hội nghị APEC 2006.
Việt Nam và Liên hợp quốc có mối quan hệ gắn bó, tôn trọng lẫn nhau và phấn đấu vì sự phát triển chung. Trong 30 năm qua, Liên hợp quốc đã ủng hộ Việt Nam trong cải cách thể chế, đóng góp trong soạn thảo luật, đào tạo cán bộ, trợ giúp tài chính.
Những thành công của Việt Nam trong đổi mới, duy trì tốc độ phát triển kinh tế, tăng GDP gấp đôi trong vòng 10 năm đã góp phần khẳng định các chính sách, nỗ lực của Liên hợp quốc trong các vấn đề nhân đạo, nâng cao chỉ số phát triển con người, thu nhập bình quân, xoá đói giảm nghèo.
Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã lần lượt được tin tưởng giao cho những trọng trách trong tổ chức Liên hợp quốc: thành viên Ban Điều hành UFNPA/UNDP, thành viên Hội đồng kinh tế - xã hội ECOSOC, Phó Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc…
Ngày 27/10/2006, khối quốc gia châu Á đã nhất trí cao trong việc giới thiệu Việt Nam là đại diện châu Á duy nhất cho vị trí uỷ viên không thường trực HĐBA của Liên hợp quốc.
Việc trở thành uỷ viên không thường trực của HĐBA đã mang lại những cơ hội to lớn và cả những thách thức cho Việt Nam. Đây là một vinh dự lớn mà không phải quốc gia nào cũng có được. Các quốc gia nhiều lần là thành viên không thường trực của HĐBA thường là các cường quốc và nước lớn có ảnh hưởng đến quốc tế như Nhật Bản, Đức, Achentina, Braxin…
Vào HĐBA, Việt Nam có quyền được bàn luận, tham gia giải quyết những vấn đề lớn của thế giới, được quyền bỏ phiếu thông qua những quyết định quan trọng, đóng vai trò dung hoà giữa các quan điểm khác nhau khi các uỷ viên thường trực bất đồng về một vấn đề và đại diện tiếng nói của các nước đang phát triển đối với những vấn đề mà họ quan tâm.
Vai trò của Việt Nam còn được nhân lên với việc các thành viên Liên hợp quốc có thể phải tranh thủ lá phiếu của Việt Nam về một vấn đề cụ thể. Vai trò này càng quan trọng trong tháng Việt Nam giữ chức Chủ tịch HĐBA.
Với những quyết định đúng, bỏ phiếu hay không bỏ phiếu, hoặc bỏ phiếu trắng trên các hồ sơ nhạy cảm quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể tranh thủ nhiệm kỳ 2 năm uỷ viên không thường trực để nâng cao uy tín chính trị và ngoại giao của mình, đấu tranh nâng cao vai trò của Liên hợp quốc, của các nước đang phát triển, hậu thuẫn cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, duy trì hoà bình và ổn định trên thế giới.
-
TS. Nguyễn Hồng Thao, Bộ Ngoại giao
Cảm nghĩ của bạn về việc VN trở thành thành viên không thường trực của HĐBA Liên hợp quốc?