(VietNamNet) - Là một người làm trong ngành đường sắt và rất tâm huyết với sự phát triển của ngành, bạn Đặng Tiến Mạnh đã có bài viết về việc phát triển tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Bạn rất tin tưởng vào sự thành công của dự án này và cho rằng nó sẽ đem lại hiệu quả lớn lao về mọi mặt. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được đăng tải bài viết này.
"Đầu tư cho đường sắt những năm qua rất hạn chế"
Đường sắt Việt Nam có lịch sử trên một trăm năm, đã có những thời kỳ vận tải đường sắt đóng vai trụ cột của giao thông nước nhà. Tuy nhiên, hiện nay, ngành đường sắt do ít được đầu tư về cơ sở hạ tầng và phương tiện vận tải nên thị phần vận tải chỉ chiếm gần 8% về hành khách km và 4% về tấn km hàng hóa trong toàn ngành vận tải.
Tôi là một người trong ngành và có những trăn trở với sự phát triển của đường sắt khi thấy các ngành vận tải khác được đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng với nhiều dự án và thực sự đã tạo ra những đổi thay rất lớn qua từng năm. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của ngành đường sắt trong những năm qua mới chỉ được đầu tư rất hạn chế để từng bước rút ngắn thời gian chạy tàu, đáng kể nhất là rút ngắn hành trình chạy tàu khách Bắc - Nam từ 72 giờ xuống 29 giờ 30.
Hiện nay, tuyến đường sắt Bắc - Nam là tuyến đường sắt đường đơn khổ 1.000mm có mức kỹ thuật rất thấp, năng lực vận tải hành khách và hàng hóa đã khai thác gần hết. Vào các thời điểm ngày lễ, ngày tết thì gặp nhiều khó khăn và không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuyến đường sắt Bắc - Nam nối hai miền Nam - Bắc theo dọc chiều dài đất nước qua nhiều tỉnh, thành phố phục vụ cho quốc kế dân sinh, dịch vụ du lịch với các khu du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế như Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh các thành phố Vinh, Huế, Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phan Thiết với các địa danh về bãi biển, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên như: Bãi biển Cửa Lò, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng, quê Bác, động Phong Nha Kẻ Bàng, cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn…
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không chỉ là kỳ vọng của ngành đường sắt
Tôi được biết về hướng phát triển đường sắt cao tốc với bài viết của tác giả Nguyễn Hữu Bằng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Theo nội dung bài báo thì đầu tiên sẽ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam phục vụ vận tải hành khách với dự kiến từ năm 2010 đến 2015 xây dựng đoạn từ Hà Nội đến Vinh, từ Nha Trang đến thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Hà Nội - Hải Phòng; giai đoạn 2015 đến 2020 xây dựng đoạn đường sắt từ Vinh đến Nha Trang sau đó tiếp tục xây dựng một số tuyến khác như tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn. Hướng phát triển đường sắt cao tốc mà báo đã đăng tưởng như còn là sự đề xuất và kỳ vọng của ngành đường sắt.
Kể từ tháng 10/2006, khi các thông tin về chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có tin Chính phủ Việt Nam đề nghị Chính phủ Nhật Bản giúp đỡ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo tiêu chuẩn của đường sắt cao tốc Shikansen của Nhật Bản. Là người trong ngành đường sắt, tôi cảm thấy một sự thay đổi kỳ diệu đã đến gần với ngành đường sắt và đất nước ta.
Tiếp tục theo dõi các thông tin về dự án này, tôi thấy trong thời gian qua, việc quan tâm thúc đẩy dự án đã diễn ra rất khẩn trương với quyết tâm cao của Chính phủ. Gần đây nhất trong chuyến thăm Nhật Bản của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thì dự án này đã tiếp tục được đề cập và thúc đẩy. Kể từ ngày có các thông tin về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tôi như được khích lệ tình yêu và sự gắn bó với ngành đường sắt bởi những người bạn, người quen tôi gặp, rất nhiều người đã chia sẻ và bàn luận với tôi về dự án này. Tôi có cảm tưởng ngoài việc họ mừng cho ngành đường sắt của chúng tôi có cơ hội phát triển mới thì đó cũng là mong muốn của họ cho đất nước ta ngày một hiện đại, người dân đi lại giữa hai miền Nam - Bắc đỡ vất vả hơn.
Nếu vận tải đường biển giữ vai trò chủ lực về vận tải hàng hóa thì vận tải đường sắt phải giữ vai trò chủ lực về vận tải hành khách,
Theo dõi trên các báo điện tử, tôi thấy mỗi khi có các tin, bài về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam thì nhiều lần tin này đã là một trong mười tin có số người truy cập nhiều nhất. Như vậy, chứng tỏ có rất nhiều người dân đã quan tâm và kỳ vọng vào dự án này. Vì vậy, tôi đã tự hỏi tại sao Chính phủ và nhiều người dân lại quan tâm về dự án này như vậy trong khi đó để thực hiện dự án này thì chắc chắn Chính phủ và ngành đường sắt phải đi huy động nguồn vốn rất lớn mà chủ yếu là đi vay nước ngoài. Với suy nghĩ của mình tôi đã tự trả lời như sau:
Đối với nước ta, do địa hình trải theo chiều dọc, vì vậy, sự phân công cũng như hiệu quả nhất trong vận tải hàng hoá và hành khách Bắc - Nam thì vận tải đường biển giữ vai trò chủ lực về vận tải hàng hóa vì giá thành vận tải hàng hóa của đường biển là thấp nhất, hiệu quả sử dụng nhiên liệu là cao nhất, ít gây tác hại về môi trường nhất.
Vận tải đường sắt thì giữ vai trò chủ lực về vận tải hành khách, đặc biệt là bằng đường sắt cao tốc thì vừa giải quyết được thời gian đi lại nhanh chóng, nó chỉ sau máy bay ở cự ly trên 700km còn ở cự ly dưới 700 thì là nhanh chóng nhất. Hành khách đi lại bằng phương tiện đường sắt cao tốc là thuận tiện, thoải mái, an toàn nhất.
Về mặt sử dụng năng lượng, hiệu quả sử dụng năng lượng của đường sắt là cao nhất, ít gây tác hại về môi trường nhất. Phương tiện đường sắt còn ít chịu tác động của thời tiết, khí hậu nhất. Ngoài ra, do năng lực vận tải của đường sắt cao tốc là rất lớn vì vậy chắc chắn tình trạng vất vả của người dân vào những dịp lễ, tết để mua vé đi tàu hoặc phải chen chúc trên các xe ô tô sẽ được giải quyết về cơ bản, tình trạng xe tù, bán khách của ô tô tư nhân chắc chắn sẽ giảm đi nhiều, tai nạn giao thông đường bộ vì vậy cũng sẽ được giảm thiểu.
Việc đầu tư cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với số vốn rất lớn, khi đi vào triển khai xây dựng thì đây là đại công trình, vì vậy, chắc chắn sẽ thúc đẩy và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho các địa phương, các doanh nghiệp. Đường cao tốc với những tiến bộ của khoa học, công nghệ được áp dụng tại Việt Nam, vì vậy sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước được thúc đẩy mạnh mẽ cũng như đạt được thành tựu rất to lớn.
Việt Nam xây dựng được đường sắt cao tốc với cự li khá lớn thì đó là sự thể hiện sống động nhất về chủ trương đi trước đón đầu của nước ta. Qua đó, trình độ về khoa học công nghệ và quản lí của nước ta cũng như các ngành liên quan sẽ được nâng lên một bước đáng kể. Ngay như nước Pháp, một nước có đường sắt cao tốc từ hơn mười năm nay nhưng vừa qua sự kiện tàu cao tốc TGV thế hệ mới đạt tốc độ 574km/h (nhanh nhất thế giới) đã là sự kiện về khoa học, công nghệ có tầm cỡ thế giới. Người Pháp đã đưa đoàn tàu này lên tàu thủy để diễu hành trên sông Ranh, Thủ đô nước Pháp đã được sự quan tâm cổ vũ của rất đông đảo người dân.
Có đường sắt cao tốc Bắc - Nam là cơ hội để phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ du lịch. Sự đi lại bằng tàu cao tốc tiện nghi và nhanh chóng cùng với sự kiện Việt Nam có đường sắt cao tốc hiện đại vào loại hàng đầu ở châu Á có tác dụng thu hút khách du lịch trong nước cũng như quốc tế đến với các địa danh du lịch dọc theo chiều dài đất nước.
Sự quyết tâm cao của Chính phủ với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam hoàn toàn là có cơ sở bởi vì thực tiễn cho thấy, Chính phủ và một số ngành của nước ta trong những năm qua đã thành công trong việc mạnh dạn đầu tư theo hướng đi trước đón đầu như: Công trình đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam, sự phát triển mạnh mẽ của ngành bưu chính viễn thông, ngành hàng không, ngành công nghiệp đóng tàu, ngành xây dựng cầu, hầm... Chính vì vậy, nó đã mang lại những hiệu quả rất cao về nhiều mặt, cũng như đó là những thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng.
Với một gia đình, khi quyết định làm một việc lớn như mua xe máy, mua đất, làm nhà... phần lớn là đều phải đi vay mượn, thậm chí phần vay mượn là khá lớn so với khả năng hiện có của mình, tuy vậy cuối cùng những quyết định ấy phần lớn là đúng đắn và thành công. Có lẽ một quốc gia cũng cần phải có những quyết đoán như vậy.
Với những suy nghĩ của mình, tôi rất tin tưởng vào sự thành công của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, một công trình mang tầm cỡ châu lục của Việt Nam trong thế kỷ XXI.
-
KS. Đặng Tiến Mạnh, Hải Phòng
Ý kiến của bạn?