(VietNamNet) - Đồng cảm với nỗi đau thương mất mát của gia đình những nạn nhân trong vụ sập cầu ở Cần Thơ, PGS.TS Nguyễn Trường Tiến qua VietNamNet đã gửi thư tới những đồng nghiệp của mình để trao đổi về một số nguyên nhân có thể gây nên sự việc đau lòng vừa qua.
>> Toàn cảnh vụ sập cầu tại Cần Thơ
>> Nghe điếu văn của Bộ Trưởng GTVT tại đây
>> Nghe phát biểu của nhà thầu chính tại đây
>> Nghe phát biểu của đại diện gia đình nạn nhân tại đây
>> Người Việt ở nước ngoài chia sẻ đau thương cùng Cần Thơ
>> Cả nước nín thở cùng Cần Thơ
Các bạn đồng nghiệp thân mến,
Từ mấy hôm nay, ngày nào hình ảnh cây cầu Cần Thơ bị sập đổ cũng hiện lên trong đầu. Đọc các thông tin trên mạng, nghe ý kiến đánh giá, trả lời của các cơ quan trách nhiệm, ý kiến của các kỹ sư, công nhân, người chứng kiến và những mô tả trên báo chí, có thể hiểu rằng, vụ sập cầu Cần Thơ sẽ là bài học hết sức sâu sắc cho người kỹ sư, nhà quản lý, nhà xây dựng.
Chắc chắn các điều tra, nghiên cứu, quan trắc, khảo sát sẽ được thực hiện để tìm ra các nguyên nhân một cách chuyên nghiệp nhất, tường minh nhất, với đạo đức nghề nghiệp của người kỹ sư. Những ý kiến ban đầu về việc sập hai nhịp cầu dẫn có thể là:
Sự phá hỏng của nền đất yếu, độ lún quá mức dưới các trụ chống đỡ giàn giáo của hai nhịp cầu chắc là nguyên nhân chủ yếu. Không nên đổ cho lý do trời mưa, đây là yếu tố rất phụ. Để chống đỡ các giàn giáo thép, hệ thống cốp-pha, hệ thống thiết bị, hàng ngàn khối bê tông cốt thép ở độ cao 30-40m đòi hỏi phải có hệ thống nền móng rất ổn định, bền vững. Không được lún quá mức cho phép. Đặc biệt là phải kiểm tra khả năng chịu tải trọng đứng và tải trọng ngang của hệ thống nền móng.
Trụ 14 bị nghiêng tới 80cm đã chỉ rõ toàn hệ bị lực xô ngang lớn hơn thiết kế. Do việc lún cục bộ ở một số trụ tạm đã gây ra các chuyển dịch ngang. Cũng do lún, ứng suất sẽ bị tập trung ở những bộ phận kết cấu còn lại. Tăng tải trọng, tăng ứng suất do các chuyển dịch dọc và chuyển dịch ngang đã gây nên phá hoại kết cấu chịu lực. Có ý kiến cho rằng, móng trụ 14 được thi công bằng cọc khoan nhồi ngắn hơn các móng cọc nhồi các trụ 13 và 15 khoảng hơn 11.0m do gặp đá chẻ. Đây cũng là một chi tiết có thể kiểm tra từ các số liệu thi công, thử tải, quan trắc... Khả năng chịu lực kém, độ cứng của trụ 14 thấp đã gây nên các dịch chuyển ngang lớn, gây sập đổ cầu dẫn một cách liên hoàn.
PGSTS. Nguyễn Trường Tiến hiện là Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa Kỹ thuật Việt Nam; Phó chủ tịch Hội đồng Đăng bạ Kỹ sư (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam); Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty XD Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng KHCN Công ty CP Tư Vấn AA. |
Sự cố sập cầu, sập đổ công trình trong một thời gian ngắn như cầu dẫn Cần Thơ thường do nguyên nhân nền móng công trình. Theo thống kê, có tới hơn 70% các công trình bị phá hỏng có nguyên nhân là nền móng công trình. Chi phí cho phần nền móng có thể chiếm tới 30 -40% giá thành xây lắp. Đất Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có sức chịu tải rất thấp, độ nén lún cao. Có những vùng do lún có thể chiếm tới 70% chiều cao lớp đất đắp. Đắp đường 6.0m có thể lún tới 4.0m. Khi lún, các nhà thiết kế lại cho đắp đất cao tiếp và công trình lại lún với tải trọng mới. Cầu Văn Thánh là một thí dụ điển hình.
Sự cố các công trình bị phá hoại nhanh hoặc lún từ từ thường do sai sót của người kỹ sư thiết kế. Thiết kế công trình hoặc thiết kế biện pháp thi công, họ đã bỏ qua tải trọng, tác động, biến dạng, thay đổi môi trường, thời tiết. Trong quá trình thi công lại thiếu giám sát, kiểm tra, quan trắc để có thể kiểm soát được tình hình. Nếu các vết nứt trên cầu, sự phá hỏng giàn giáo, bung mối hàn ở một số vị trí trên cầu dẫn Cần Thơ được quan tâm đúng mức, chắc có thể báo động được sự cố. Nếu những kỹ sư quản lý công trình, giám sát công trình có hệ thống quan trắc cả chuyển dịch ngang, độ lún, vết nứt một cách hệ thống, chắc chắn tai họa tiềm ẩn sẽ được phát hiện trước đêm rằm Trung thu 2007.
Cách đây 100 năm, năm 1907, Canada bị sập một cầu thép trong giai đoạn thi công và làm tử vong 75 người. Đây là tai nạn khủng khiếp trong lịch sử xây dựng cầu của thế giới. Và cả thế giới học được bài học về sự chuyên nghiệp của người kỹ sư. Ở các nước phát triển đều có Hội Kỹ sư. Nước Anh có từ 250 năm nay, nước Mỹ có từ hơn 150 năm. Sau vụ tai nạn cầu ở Canada, người ta thấy vai trò và trách nhiệm của người kỹ sư, kiến trúc sư được đề cao. Họ phải cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp vì sự an toàn của cả cộng đồng. Hiện nay, Mỹ, Thái Lan đang phải tiến hành kiểm tra lại sự an toàn của tất cả các cây cầu. Cầu là điểm giao hoà của con đường do thiên tạo (dòng sông) và nhân tạo (đường bộ) nên cần sự cẩn trọng về mọi mặt, đặc biệt là điều kiện đất nền, địa hình, địa lý, phong thuỷ, môi trường và hoà hợp âm dương, ngũ hành trên một dòng sông, một con đường.
Việc sập cầu dẫn Cần Thơ sẽ là một tiếng chuông cảnh tỉnh về sự an toàn cho con người, , cho toàn xã hội và cộng đồng. Phải có con người có tính chuyên nghiệp mới có các sản phẩm có tính chuyên nghiệp, có chất lượng, có giá trị cao.
GIÁ TRỊ = CHẤT LƯỢNG / GIÁ THÀNH. Công thức này lúc nào cũng đúng.
Nâng cao giá trị là phải nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Đây là vai trò của Giáo dục, Đào tạo, Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Đầu tư và Thương mại. Nguyên nhân gây sập cầu dẫn Cần Thơ còn nhiều lắm. 50 người bị tử vong, hàng trăm người tàn tật, thiệt hại về tiền của trên 40 tỷ đồng. Cái giá này phải là bài học kinh nghiệm cho các nhà quản lý, các kỹ sư, các nhà xây dựng.
Xin được thắp một nén hương, cầu mong linh hồn của các anh tham gia xây dựng cầu Cần Thơ đã mất được về cõi vĩnh hằng, miền cực lạc. Cầu mong sự an lành cho gia đình các nạn nhân.
Xin rung lên một tiếng chuông của lương tâm con người, tình thương yêu con người, đạo đức nghề nghiệp.
Xin các nhà nhà quản lý, các nhà tổ chức, các kỹ sư quan tâm đến việc đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp, và nâng cao chất lượng con người để có thể tránh những tai họa như ở cầu Cần Thơ.
Rất mong các bạn cùng các đồng nghiệp cung cấp thêm thông tin, ý kiến để chúng ta cùng học được nhiều hơn từ bài học của cầu Cần Thơ.
-
Nguyễn Trường Tiến
Ý kiến của bạn?