(VietNamNet) - Chỉ thị cho HS-SV vay vốn nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân trong tuần qua, xung quanh vấn đề này, bạn đọc vẫn còn nhiều băn khoăn về đối tượng và thủ tục cho vay. Nhiều ý kiến bạn đọc trong tuần cũng gửi về để bày tỏ quan điểm về những vấn đề sai phạm ở Vườn thú Thủ Lệ, đề án 112, nhiều ý kiến trao đổi, góp ý về việc trả lương qua tài khoản, học phí, đội mủ bảo hiểm... đáng chú ý là tệ nạn phong bì trong bệnh viện.
Cần nguồn vốn lớn để phục vụ việc cho sinh viên khó khăn vay. (Ảnh: NHSCXH) |
Chỉ thị về cho sinh viên nghèo vay vốn để học tập nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Hiện vấn đề này đang nhận được rất nhiều ý kiến quan tâm, trong đó có cả những người không trong diện chính sách được vay. Bạn Lê Thị Diệu, USA, email: Dieutlee@netzero.net cho rằng đây là chủ trương sáng suốt: "Tôi ở nước ngoài, thường hay theo dõi tin tức trong nước. Tôi biết Nhà nước có chính sách cho sinh viên mượn tiền học đại học, tôi rất mừng. Đây là chủ trương rất sáng suốt, rất đáng khen ngợi. Đây chính là đầu tư lâu dài cho đất nước. Tôi rất cảm động và rất cảm ơn chủ trương này".
"Tôi nghĩ rằng, việc cho sinh viên vay vốn không những tạo điều kiện cho các sinh viên đảm bảo được chi phí học tập và sinh hoạt mà nó còn thúc đẩy ý thức học tập của họ, tạo động lực cho các bạn tìm việc làm và hoạch định cho tương lai của mình", ý kiến của bạn Nguyễn Tiến Giáp, ĐH Lao động - Xã hội.
Cũng liên quan tới vấn đề hỗ trợ HS-SV trong công tác học tập, nhân dịp năn học mới, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ những học sinh giỏi và những học sinh, sinh viên, các cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt, Trung tâm Đào tạo Tin học & Ngoại ngữ Long Thành quyết định trao tặng 150 suất học bổng miễn phí toàn phần trị giá khoảng 200 triệu đồng cho các đối tượng thuộc diện sau:
- Học sinh cấp 2, 3 có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học lực TB-Khá trở lên. - Sinh viên các trường ĐH, CĐ, THCN có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện theo học các chương trình tin học, ngoại ngữ ở các trung tâm - Các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn cần có nghề để ổn định cuộc sống
Để biết thêm chi tiết, xin liên hệ: Trung tâm Đào tạo Tin học & Ngoại ngữ Long Thành, ĐT: |
Bạn đọc ở địa chỉ email: phinga3010@yahoo.com.vn lại bày tỏ lo lắng: "Tôi rất hoan nghênh chỉ thị của Thủ tướng về việc cho sinh viên vay vốn học tập. Nhưng hiện nay, tôi vẫn còn rất băn khoăn, chủ trương, chỉ thị đã có nhưng chưa cụ thể để mỗi sinh viên biết được mình cần làm gì để có thể vay được tiền. Tôi nghe nói, chỉ sinh viên diện nghèo mới có thể vay tiền đóng tiền học, vậy như thế nào là nghèo? Phải chạy vạy xin cho được giấy xác nhận của uỷ ban phường xã xác nhận cho là nghèo coi chừng lại sinh ra thủ tục quan liêu nữa. Có vay là có trả, và phải quản lý cho được tiền vay sử dụng đúng mục đích, đó mới là vấn đề chứ không phải xét duyệt gì về hoàn cảnh gia đình, thủ tục nhiêu khê... Tất cả sinh viên có nhu cầu vay tiền để được học là được vay và không cần là diện nghèo hay giàu. Giàu, nghèo còn do quan niệm của người có quyền ký tên trên giấy xác nhận. Rất mong các cơ quan thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng".
Trao đổi ý kiến với bạn Đức Khánh về vấn đề này, bạn Nguyễn Quốc Toản, Ngân hàng CSXH Hà Nội, email: toanmht@gmail.com đồng tình: "Tôi thấy quả thực nếu chúng ta áp dụng được các kinh nghiệm như của CHLB Đức vào việc vay vốn của HS-SV thì sẽ mang lại hiệu quả rất cao trong công tác đào tạo, nó sẽ mang lại ý nghĩa xã hội to lớn, làm cho SV rất phấn khởi, học tập tốt hơn vì họ thấy được sự quan tâm của toàn xã hội tới việc học tập đào tạo nguồn nhân lực tương lai cho đất nước. Tuy nhiên, khi áp dụng thì cần phải nghiên cứu kỹ càng hơn nữa tình hình thực tế để có hướng điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nếu tôi không trong diện chính sách nhưng muốn tự lập, không phụ thuộc gia đình cần vay vốn để tự học thì có được không và nếu được thì điều kiện có gì khác".
Mặc dù 15/9 mới chỉ đánh dấu thời điểm CBCC Thủ đô đội mũ bảo hiểm (MBH) theo chỉ thị khuyến khích của Thành uỷ Hà Nội, nhưng rất nhiều người tham gia giao thông không làm việc trong các cơ quan Nhà nước vẫn ra đường với chiếc MBH trên đầu. Xung quanh chuyện mũ bảo hiểm có rất nhiều vấn đề cần bàn. Nhiều bạn đọc gửi thư hoan nghênh và ủng hộ chính sách này, nhưng cũng có không ít ý kiến phản ánh về những phiền phức trong việc bảo quản mũ bảo hiểm . .
MBH được trông với giá 2.000 đ/chiếc tại nhà xe Bệnh viện K. (Ảnh: H.L)
Bạn Hồ Khắc Pháp, Huế, email: hokhacphap@gmail.com nêu lên 7 vấn đề cần làm đối với mũ bảo hiểm: "Tôi thấy, để MBH thực sự đi vào lòng người dân, chúng ta cần phải giải quyết triệt để một số vần đề sau: 1. Hiện nay, MBH giả tràn làn, chất lượng kém. Tôi vừa mới mua xong 1 MBH là 50.000đ, đang gài dây lại khi đội lên đầu thì lập tức 2 dây đứt ra, thế là phải bỏ dây đi. 2. Bố trí chỗ trông giữ MBH cho người dân khi giữ xe, tại các cơ quan tiếp dân phải bố trí người trông giữ MBH. 3. Phạt thật nặng những người "cầm nhầm" MBH. 4. Niêm yết giá thống nhất trên toàn quốc của MBH và trông giữ MBH. 5. Khởi tố những công ty sản xuất MBH kém chất lượng. 6. Áp dụng việc đội MBH đối với xe đạp điện, xe máy điện. 7. Tất cả cán bộ, công chức đi xe máy phải đội nghiêm chỉnh để làm guơng cho người dân. 8. Cách chức, kỷ luật ngay những cán bộ giao thông để lọt người người không đội MBH trên đường. 9. Cơ quan bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm thật nhanh và đúng cho người bị tai nạn có đội MBH.
Hiện nay, trong cộng đồng đang có 2 cách mua mũ. Nhóm thứ nhất, mua mũ để "bảo hiểm". Những người cẩn thận sẽ dùng loại mũ xịn đấy, nhưng đối với những người này, xác suất xảy ra tai nạn thấp. Nhóm thứ hai, chủ yếu là đối phó, nên chất lượng mũ không quan tâm nhiều. Đây là nhóm chiếm đa số, và như thế liệu mục đích đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường có thực hiện được không? vây cần phải làm sao cho chỉ thị đi vào thực chất. (Phan Công Phương, Đà Nẵng, email: phuongx3@gmail.com.)
"Tôi thấy có còn nhiều người viện đủ lý do để không muốn đội mũ bảo hiểm, theo tôi, Chính phủ đã ra nghị quyết thì không có việc gì phải bàn cãi. Hiện nay, ý thức của nhiều người dân quá kém, chỉ lo đối phó, chưa thấy hết tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm, chỉ có những ai đã từng bị tai nạn mới thấy mũ bảo hiểm có tác dụng như thế nào. Những ai không thích đội mũ bảo hiểm thì cứ việc không đội có sao đâu, nhưng chỉ có điều đừng đi xe gắn máy nữa mà hãy sử dụng phương tiện khác như ô tô, xe đạp, hoặc đi bộ. Chính phủ có bắt buộc mọi người phải sử dụng xe máy để làm phương tiện đi lại đâu?", ý kiến của bạn Hứa Văn Đình, Lào Cai, email: dinhlc@gmail.com.
Đề án 112 thất bại, số tiền chi cho đề án này tới nay vẫn chưa thống kê hết được. "Sự việc đề án 112 của Chính phủ thất bại là việc được dự đoán từ lâu nhưng đến bây giờ mới được giải quyết. Đã có quá nhiều bất cập trong khi triển khai như: lập kế hoạch, quản lý, tổng kết... Ý nghĩa của đề án rất lớn, nếu nó thành công thì sẽ là động lực to lớn để phát triển đất nước. Tôi rất hoan nghênh việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định dừng đề án lại. Tôi mong rằng, thời gian không xa, chúng ta sẽ có kế hoạch tốt để tiếp tục triển khai đề án. Ý kiến của bạn Vũ Quang Minh, Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội, email: minhvq2000@yahoo.com.
Đã từng học CNTT ở nước ngoài, bạn Nguyễn Ngọc Thành, Tp.HCM, email: thanhng@ifi.uio.no góp ý: "Trong thời gian học Master ngành hệ thống thông tin ở Nauy, tôi có học về lý thuyết các hệ thống hạ tầng thông tin tương tự như các phần mềm dùng chung trong dự án 112. Lý thuyết nêu rằng, các hệ thống này không đơn thuần là các hệ thống thông tin mà nên được coi như là các hệ thống hạ tầng thông tin do tính chất phức tạp của chúng. Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất các gợi ý khi thiết kế hệ thống này: Xây dựng theo hướng "gieo trồng" hệ thống (cultivation) hơn là thiết kế tất cả từ ban đầu. Xây dựng các cầu nối (gateways) giữa các hệ thống hiện có hơn là bỏ hết và làm lại từ đầu. Xây dựng các tiêu chuẩn linh hoạt (flexible standards) hơn là các tiêu chuẩn cứng. Xây dựng hệ thống nên hướng về 1 nhóm người dùng cụ thể trước hơn là thiết kế tổng quát. Một số ví dụ về thành công và thất bại của các hệ thống hạ tầng thông tin điển hình cũng được phân tích cụ thể. Ví dụ như: hệ thống Internet, mô hình TCP/IP và OSI, hệ thống ERP ở Norsk Hydro. Rất mong các nhà hoạch định chính sách về CNTT có được sự tư vấn đầy đủ của những chuyên gia trong ngành CNTT. Tham khảo http://heim.ifi.uio.no/~oleha/Publications/ib_ISR_3rd_resubm2.html".
Những sai phạm tại Vườn thú Thủ Lệ đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Bạn Lý Kiệt, email: panda2006nguyen@yahoo.com cho rằng cần xử lý nghiêm những sai phạm ở đây: "Qua báo chí và thực tế đang diễn ra tại công viên Thủ Lệ, chúng ta cần phải lên án Ban lãnh đạo vườn thú đang chia cắt đất công viên cho thuê không đúng pháp luật. Còn chờ gì nữa, các cơ quan chắc năng cần làm rõ và chấm dứt ngay các hợp đồng thuê mặt bằng tại vườn thú Thủ Lệ. Theo tôi, cách giải quyết của chính quyền Hà Nội còn chậm. Cần phải đưa những người vi phạm dù có người đã chuyển công tác, hay về hưu ra pháp luật xử lý, thu hồi tài sản đất đai cho Nhà nước. Có như vậy mới lấy lại công bằng và đúng nghĩa công viên, vườn thú, mục đích sử dụng là để cho nhân dân lao động nghỉ ngơi, giải trí".
Quán cafe này đã nhiều năm hoạt động trên đất của vườn thú.
Bạn Phạm Anh Dũng, Đồng Hới, Quảng Bình, email: ketnoi360@yahoo.com.vn bày tỏ sự thất vọng khi tới thăm Thủ Lệ: "Tôi thật sự thất vọng về Thủ Lệ khi hôm 02/9 vừa rồi đưa vợ con ra thăm Thủ đô. Nó khác xa so với năm 1997 khi tôi đến đây lúc còn học ở Hà Nội. Người đông như kiến cỏ, trời thì nắng, mồ hôi nhễ nhại mà tuyệt nhiên không tìm thấy một chiếc ghế đá hay một gốc cây nào im mát để nghỉ chân, vì tất cả đã biến thành lều quán và đầy rác bẩn. Khổ thân trẻ con, đi chơi công viên, đi thăm vườn thú mà cứ như đi tranh đi cướp, cứ vội vội vàng vàng đi xem cho xong để còn thoát ra khỏi cái "trại" này kẻo vừa nóng vừa hôi. Tôi thật xấu hổ với vợ và con gái khi trên đường tới đây cứ thao thao bất tuyệt về Thủ Lệ của tôi vào cái thời 10 năm trước".
Mỗi lần vào Vườn thú Hà Nội, tôi lại chạnh lòng, xót xa cho quang cảnh của vườn thú. Toàn bộ từ cổng vào (cả 3 cổng) nào nước mía, cafe, nhà hàng chen nhau không có qui hoạch trật tự, tha hồ tự đặt giá. Vé gửi xe đã được qui định thu 1.000 đ in trên vé nhưng khách phải trả gấp 3-4 lần mới đem được xe ra", phản ánh của bạn Trần Hiếu Minh, Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội, email: napmevn@yahoo.com.
Sau gần 2 năm kể từ ngày nhận được quyết định tịch thu ôtô đến nay, Công ty Đầu tư và Phát triển Tây Hồ mới nhận được phản hồi từ UBND thành phố Hải Phòng. Nhiều bạn đọc đã có ý kiến trước kiểu làm việc tắc trách này. Bạn Nguyễn Đức Trình, Gia Lâm, Hà Nội, email: nguyentrinh2006@vnn.vn viết: "Những năm gần đây, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách hành chính trong hệ thống UBND các cấp. Nhận thức của công dân trong cả nước nói chung và đối với công chức nói riêng nếu không cải tiến về lề lối làm việc thì đất nước sẽ tụt hậu, nền kinh tế nước ta sẽ chậm phát triển không theo kịp với nền kinh tế khu vực. Vậy mà UBND Thành phố Hải phòng khi ban hành một quyết định xử lý có liên quan đến lợi ích kinh tế của doanh nghiệp (Công ty ĐT&PT Tây Hồ) lại không cân nhắc kỹ lưỡng. Đã vậy lại thiếu sự tôn trọng trước thắc mắc kiến nghị của họ (Để khiếu nại kéo dài mà không hồi âm)? Theo tôi,dù là tập thể hay cá nhân người ký quyết định sai dù ở cương vị nào cũng phải đưa ra cơ quan pháp luật phán xét và sử lý nghiêm theo đúng pháp luật, có như vậy mới thể hiện sự công bằng xã hội và gây dựng được lòng tin đối với doanh nghiệp nói chung".
"Thật là vô lý khi những cơ quan có trách nhiệm đã cho doanh nghiệp mua xe, xe đó đã được nhập cảnh hải quan công khai, nhưng về đến công ty thì bị UBND thành phố tịch thu. Tại sao hệ thống làm việc lại mâu thuẫn nhau, một bên thì cho nhập, một bên thì tịch thu, chỉ tội nghiệp cho doanh nghiệp", ý kiến của bạn Hồ Anh Dũng, Hoàng Hoa Thám, email: hoanhdung@yahoo.com.vn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề xã hội, đời sống khác:
Hiểm họa từ những cây xăng: Mai Hoa, Dã Tượng, email: tong_akivan@yahoo.com: "Ở Hà Nội, hiện giờ có rất nhiều cây xăng được đặt ngay tại khu dân cư, mà đường xá ở Hà Nội thì từ thời xưa đến nay vẫn không thay đổi, ví dụ như cây xăng trên phố Khâm Thiên (gần Ô Chợ dừa) đã từng bị cháy cách đây mấy năm, tôi không hiểu vì sao những cây xăng nguy hiểm như vậy vẫn còn tồi tại. Mong các cơ quan có thẩm quyền lưu ý hơn nũa và có trách nhiệm chuyển những cây xăng "nguy hiểm" như vậy ra khỏi khu vực đông dân cư".
Sự bất hợp lý của việc tăng giá nước sinh hoạt: Lý Thái, Hà Nội, email: xahoihoagiaoduc1@yahoo.com.vn: "Tôi là một người dân sống tại Hà Nội. Tôi rất bất bình vì nghe có ý định tăng giá nước sạch. Thứ nhất, chất lượng nước sạch liệu có đủ tiêu chuẩn "sạch" không? Giá nước hiện nay dân dùng không phải là thấp mà là tương đối cao. Thứ hai, Nhà nước đang kiềm chế lạm phát mà giá tiêu dùng từ điện đến nước lúc nào cũng cao. Hiện nay giá nước chẳng rẻ chút nào chắc chẳng có ai dùng nước cho sinh hoạt dám xả nước để nộp tiền nước nhiều cả mà ai cũng phải tiết kiệm. Thứ ba, Cơ quan quản lý nước không quản lý nổi sự thất thoát nước sạch mà mang sự thất thoát nước đánh vào người tiêu dùng, thật sự liệu có hợp lý lý không?".
Còn nhiều điều cần bàn về rác thải y tế: BS. Nguyễn Duy Thanh, Trung tâm y tế HN, email: drthanh@yahoo.com.vn: "Rác thải bệnh viện là một vấn đề cần có nhiều điều phải bàn luận, cho đến nay vẫn chỉ có những hướng dẫn hết sức chung chung và rất nhiều bệnh viện không chấp hành nghiêm do nhiều lý do khác nhau. Khi cảnh sát môi trường phát hiện việc tuồn rác thải y tế ra ngoài thì mới trở thành vấn đề thời sự. Nếu theo đúng yêu cầu thì chúng ta phải tiêu huỷ 100% rác thải y tế. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu một bệnh viện 500 giường mỗi ngày thải ra 500-700 kg rác thải y tế thì chi phí tiêu huỷ 4-6 triệu đồng/ngày (giá tiêu huỷ 8.000đ/kg của công ty Môi trường đô thị) tức là 120-150 triệu một tháng và 1,5 tỷ/năm. Trong khi kinh phí nhà nước cấp cho các bệnh viện hiện nay rất hạn chế. Nếu gánh hết thì chi phí cho việc tiêu huỷ rác trên là không nhỏ. Tháng 8 vừa qua, đã có lớp học về quản lý chất thải y tế tại Bệnh viện Bạch Mai và hướng dẫn của Tổ chức y tế Thế giới là giảm thiểu, tái sử dụng và tái sinh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vấn đề hiện nay là các nhà khoa học và Bộ Y tế nên khẩn trương ban hành qui chế quản lý, phân loại, xử lý chất thải, cho tái chế hay tiêu huỷ loại rác thải y tế cần phải rất cụ thể để hướng dẫn cho ngành y tế. Việc phân loại là cực kỳ quan trọng và giúp chúng ta quản lý tốt hơn. Như vậy, chúng ta vừa quản lý tốt, chống việc bán rác thải y tế ra ngoài, giảm thiểu chi phí cho bệnh viện".
ADSL Vietel hay rớt mạng: Ngô Khắc Khoan, Hạ Long, Quảng Ninh, email: anhhaoquang18@yahoo.com: "Em dùng mạng Vietel, dù là mạng gia đình nhưng em đã đăng kí đường mạng dành cho ngoài tiệm internet nhưng mạng của em chỉ ổn định vào tầm 12h đêm còn ban ngày thì rất hay rớt mạng. Tuy không có báo hiệu mất mạng nhưng đường truyền lúc có lúc không. Em vào start>run>, gõ đường truyền thì thấy thông báo request timed out thỉnh thoảng lại hiện lên làm mạng bị đứt".
Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!