(VietNamNet) - Nhiều sự kiện nóng trong tuần qua đã được nguời dân quan tâm, theo dõi như Chỉ thị thực hiện chế độ cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên; thị trường mũ bảo hiểm; quản lý thuê bao trả trước. Ngoài ra, các vấn đề khác như đánh thuế thu nhập chứng khoán, trả luơng qua tài khoản, chứng thực - công chứng... cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của bạn đọc.
Những chiếc mũ to, cồng kềnh không được ưa thích. Ảnh: Lưu Đức
Tâm điểm chú ý quan tâm của người dân trong thời gian này chính là mũ bảo hiểm. Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 15/9, người đi môtô, xe gắn máy trên các quốc lộ bắt buộc phải đội MBH. Từ ngày 15/12, người đi môtô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội MBH. Hiện nay, trên thị trường đã có hiện tượng khan hiếm và tăng giá sản phẩm mũ bảo hiểm. Bạn Chu Quỳnh, Hoà Bình, email: QuynhCSDT@yahoo.com.vn có ý kiến góp ý: "Qua thông tin đại chúng và theo dõi tình hình biến động trên thị trường mũ bảo hiểm (MBH) trong thời gian qua, tôi thấy, Chính phủ đã vào cuộc một cách quyết liệt và thực hiện một cách triệt để, nhân dân đồng tình, đồng thuận. Nhưng vấn đề chất lượng mũ và sự gia tăng về giá thì các cơ quan có thẩm quyền không kiểm soát được. Theo tôi, Nhà nước trong thời gian này nên coi mũ bảo hiểm là mặt hàng thiết yếu, có chính sách trợ giá và chỉ định cho một ngành chịu trách nhiệm cung ứng mặt hàng này đến tay người tiêu dùng. Điều này đảm bảo người tiêu dùng mua được mũ bảo hiểm có chất lượng tốt, chi phí hợp lý, tránh được nạn buôn lậu, sản xuất hàng giả, kém chất lượng".
Bạn Nguyễn Thị Thu Hà, Hà Nội, email: demendongco@gmail.com bày tỏ sự cảm ơn đối với quy định này: "Có lẽ tôi là người phải cảm ơn cái quy định này nhất, vì ngày nào đi làm tôi cũng bị tra tấn bởi hàng tỉ câu hỏi: Nhà em ở tận đâu mà phải đội mũ bảo hiểm đi làm thế? Em đi làm ở đâu mà phải đội mũ bảo hiểm? Này, có khi em phải được đăng lên báo quảng cáo về an toàn giao thông thì mới đúng đấy, vì lúc nào cũng lụp xụp với cái nồi cơm điện... Đi đường thì vô khối kẻ nhòm ngó, giống như nhìn một sinh vật lạ vậy. Chuyện đội mũ bảo hiểm với tôi cũng là cả một vấn đề không đơn giản. Bắt đầu từ việc chị tôi đi về quê, bị tai nạn xe máy, vỡ cả mũ bảo hiểm nhưng đầu lại không bị gì, cả nhà hoảng hồn, nếu hôm chị ngã, không có mũ bảo hiểm thì cái bị vỡ sẽ là cái gì nếu không là cái đầu chị?
Thế là bố, mẹ, rồi chồng, bắt tôi phải đội mũ bảo hiểm bất cứ khi nào đi ra đường, ban đầu tôi không nghe, toàn chống đối, cứ khi nào chồng đi công tác thì trốn, lại đem theo cái mũ vải thời trang mình ưa thích, sao mà nhẹ, sao mà duyên dáng, mỗi lần biết, chồng lại mắng, bảo không chịu giữ cái đầu, đi giữ cái tóc. Rồi bắt đội, rồi kêu ca với mẹ, tôi phải đội, ban đầu cũng rất khó chịu, nặng và cồng kềnh, lại nhiều người chọc ghẹo quá, nhưng nghĩ lại lần chị bị tai nạn, mấy lần chứng kiến những vụ tai nạn khi đi đường, thấy ghê ghê, thấy thương hơn cái đầu của mình, và như chồng tôi vẫn nói: "My đi từ tự phát đến tự giác" tức là dần dần tôi biết sợ, và tự nguyện đội, và rồi quen, thấy không thể thiếu được mỗi khi ra đường, thấy yên tâm và tự tin hơn nhiều, mặc dù ở công ty mọi người nói suốt, chọc suốt, ai cũng thấy ái ngại, nhưng tôi nghĩ, họ mới đáng là người cho tôi ái ngại. Đến khi có quy định đội mũ bảo hiểm, đến khi mọi người đua nhau đi mua mũ, lại hỏi tôi: Em mua mũ ở đâu mà đẹp thế, bao nhiêu tiền vậy... tôi thấy mình thật hãnh diện vì mình "đi trước" họ đến 3 năm rồi. Chồng tôi bảo: "Đó, My thấy chưa, anh nói có bao giờ sai cái gì đâu". Đúng, anh ấy nói đúng, phải biết giữ cái đầu của mình chứ, mà nó có khó khăn lắm đâu, bây giờ tôi không thể thiếu và không bao giờ quên vật bất ly thân của tôi mỗi khi ra đường, ôi cái nồi cơm điện thân yêu của tôi, nó gắn bó với tôi hàng ngày".
"Hoan hô quyết định của Chính phủ về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường. Vì những lợi ích an toàn cho từng con người, các tổ chức và cơ quan thông tin nên tạo điều kiện để có một chương trình biểu diễn thời trang, kiểu dáng và tìm ý tưởng cách làm những cái móc, khóa những cái mũ bảo hiễm vào xe máy", ý kiến của bạn Bầu Lê, New York, USA, email: le_nguyen_41@yahoo.com.vn.
Bạn Hoàng Minh Tâm, Bắc Linh Đàm, Hà Nội, email: hmtamhuyhieu@yahoo.com lại có suy nghĩ khác trước việc người dân hải đội mũ bảo hiểm: "Lệnh của Chính phủ, đương nhiên người dân phải tuân thủ, nếu không muốn bị phạt tiền. Nhưng là một người dân, tôi mong muốn toàn xã hội tuân thủ pháp luật. Có vậy, xã hội mới tiến lên được. Tuy nhiên, muốn bàn ở đây: Tại sao phải vội vàng như thế, khi còn hàng trăm ngàn bức xúc khác đáng được quan tâm? Ví dụ: Dẹp quang hè phố. Sẽ có rất nhiều người sẵn sàng đi bộ, thay vì nhảy lên xe máy chỉ để đi một đoạn đường vài trăm mét. Nhưng khốn nỗi, hè đâu phải của riêng ai? Và chính vì không phải của riêng ai, nên bị coi là thuộc "quản lý của chủ nhà" kề ngay vỉa hè đó. Hai mong muốn rất rõ ràng: Phải giảm tai nạn giao thông và trả lại sự sạch sẽ cùng đường thông hè thoáng. Phạt người dân đi trên xe máy quá dễ. Không đội MBH thì phạt tiền hoặc giữ xe. Phạt chủ nhà bày bừa hàng ra hè phố lại quá khó vì những người chịu trách nhiệm không muốn làm. Giá như Chính phủ cũng ra lệnh cho CA phường "Nếu để vỉa hè bị chiếm giữ bày hàng, CA phường sẽ bị phạt" như ra lệnh cho người dân đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy một Hà Nội sạch đẹp, văn minh. Không biết niềm mơ ước này bao giờ trở thành hiện thực?".
4/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 21/2007/CT-TTg về thực hiện chế độ cho vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng và dạy nghề. Chỉ thị này đã nhận được nhiều sự đồng tình từ phía người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. "Rất cảm ơn vị đứng đầu của nhà nước ta về chỉ thị này! Nó thật kịp thời thật đúng lúc trong ngày khai trường, nó thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN do dân, vì dân. Là một phụ huynh có con sắp vào đại học năm học này tôi rất đồng tình với quan điểm này: Không để một sinh viên nào đã trúng tuyển vào đại học mà không được đi học vì thiếu tiền để đóng học phí và trang trải những nhu cầu tối thiểu. Vài năm sau, khi những sinh viên này ra trường, được đi làm, có lương..., và vài chục năm sau nữa, trong lòng những sinh viên này nói riêng và cả nhân dân nói chung sẽ rất biết ơn những chỉ thị như thế này của các vị lãnh đạo. Chúng ta mong rằng sẽ có những chỉ thị sáng suốt, những quyết định kịp thời, cấp bách thoả nỗi mong chờ của đông đảo quần chúng nhân dân như thế này nữa. Tất cả vì tương lai con em của chúng ta!!", ý kiến của bạn Hồ Văn Bình, Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định, email: binhhovan@yahoo.com.
Là một người công tác trong ngành giáo dục, bạn Hoàng Văn Bình, Bắc Giang, email: binhhv@bacgiang.edu.vn đã thực sự cảm động trước thông tin về chỉ thị này: "Tôi cũng là một người đang công tác trong ngành giáo dục, khi đọc bản tin này, tôi thực sự cảm động và biết ơn Thủ tướng. Khi nhìn giấy báo gọi nhập học kèm theo là các khoản đóng góp, nhiều người cha, người mẹ ở quê tôi đang vui mừng, bỗng trùng xuống, có người đã phải xót xa để con thất học (Ví dụ: ĐH Ngoại thương Hà Nội học phí 700.000đ/tháng và bao khoản chi phí khác là quá sức với thu nhập của người dân nói chung khi cho con theo học). Là người thầy, tôi rất hiểu học sinh của mình, là người cha, tôi lại càng hiểu nỗi lòng phụ huynh. Còn gì đau xót hơn khi niềm tin, hy vọng, sự cố gắng rèn luyện vươn lên của con người bị mất đi chỉ vì "lực bất tòng tâm". Xã hội tươi đẹp của chúng ta không thể để người dân chịu thiệt thòi như vậy. Cám ơn Thủ tướng. Kính chúc Thủ tướng luôn mạnh khoẻ và có nhiều quyết sách hợp lòng dân, ích nước hơn nữa".
Trước quyết định quản lý thuê bao trả trước của Bộ Thông tin - Truyền thông, nhiều bạn đọc đã cho ý kiến. Bạn Đinh Văn Tuyên, Mỹ Đức, Hà Tây, email: tuyenuct181@yahoo.com ủng hộ: "Quyết định quản lý thuê bao trả trước là một quyết định, theo tôi, rất đúng đắn. Tôi rất ủng hộ quyết định này. Nhờ vậy thì những cá nhân mới giảm tình trạng quấy nhiễu xã hội thông qua di động, nhắn tin (đặc biệt trêu chọc cơ quan cảnh sát 113), nháy máy... gây phiền hà cho mọi người. Nhưng hình như nhắn tin để khai báo các thông tin về người dùng có thể, mà chắc chắn sẽ có vô số người khai báo sai, giả mạo gây cho người bị giả mạo nhiều phiền toái... Vậy các doanh nghiệp sẽ giải quyết hiện tượng đó như thế nào?".
"Chúng tôi rất mừng về việc Bộ Thông tin - Truyền thông đã đưa ra qui định về phải quản lý được nhân thân của các thuê bao điện thoại trả trước. Vì nếu thực hiện được như vậy thì hàng vạn hộ gia đình tránh được các cú điện thoại "không mời mà đến" mất lịch sự vô cùng. Mong bộ sớm triển khai quyết định trên. Hàng vạn gia đình lương thiện đang mong mỏi bộ thực hiện điều đó", bạn Ngô Hoàng Kỳ, Thanh Hoá, email: kynh@thanhhoa.gov.vn.
Bạn Nguyễn Xuân Hà, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, email: Memorykbs_vn@yahoo.com cho rằng đây là việc làm cần thiết: "Theo tôi, việc quản lý TBTT là việc làm cần thiết, vì trong thực tế hiện nay, văn hoá điện thoại, đặc biệt là điện thoại DĐ rất phức tạp, thậm chí bằng di động, người ta có thể lừa nhau rất nhiều. Vì vậy, có được hệ thống quản lý tốt sẽ làm giảm thiểu những phiền phức do điện thoại DĐ gây ra".
Không còn cảnh chen chúc nhưng người dân vẫn phải chịu nhiều phiền toái khi đi công chứng. (Ảnh minh họa)
Công tác chứng thực, công chứng từ lâu đã khiến nhiều người dân bức xúc, phiền lòng. Rất nhiều ý kiến đã gửi về VietNamNet để phản ánh về vấn đề này. Bạn Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hà Nội, email: thanhhuyen11112003 nêu: "Là một sinh viên mới tốt nghiệp trường HVHCQG Hà Nội, tôi luôn cảm thấy tâm đắc trước những cải cách và đổi mới của Chính phủ trong thời gian gần đây. Đến khi ra trường và đi làm, va chạm với thực tiễn tôi mới nhận thấy rằng, nỗ lực cải cách của Nhà nước ta sẽ chẳng là gì nếu như những con người thực hiện nó không có một cái tâm của nghề nghiệp, hay nói chính xác là không có đạo đức khi thi hành công vụ".
Bạn Trần Quang, Cà Mau, email: tuantdkt@yahoo.com nêu ra những lý do khiến việc công chứng, chứng thực gây khó khăn cho người dân: "Thứ nhất, khi cải cách hành chính là tập trung vào "một cửa" nhưng việc công chứng hiện nay lại phân chia nhiều cấp, gây phiền hà cho nguời dân. Ví dụ: Khi họ cầm tấm bằng đại học, giấy chứng minh, hợp đồng kinh tế…, người dân không biết thuộc thẩm quyền của cấp nào đề mà chứng thực, trước kia chỉ cần đến phòng công chứng là có thể giải quyết được. Thứ hai, việc công chứng khi giao cho cấp xã, phường sẽ xảy ra tình trạng nhũng nhiễu dân, làm phiền, gây mất thì giờ cho dân. Thứ ba, chi phí công chứng sẽ cao do liên quan đến vấn đề kinh tế. Ví dụ: Bắt buộc phải copy tại nơi công chứng… Thứ tư, với trình độ của cán bộ xã, phường hiện nay có đảm bảo việc phân biệt được các loại giấy tờ, văn bằng… thật, giả hay không vì hiện nay việc làm giả hết sức tinh vi".
Nhìn lại quá trình xây dựng Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thì vấn đề đánh thuế thu nhập chứng khoán luôn có tranh cãi lớn nhưng chưa có nhiều thay đổi và dường như Bộ Tài chính đã thể hiện quan điểm sẽ đánh thuế vào chứng khoán như đề xuất. Bạn Nha Trang, email: trangia1001@yahoo.com nêu: "Tôi thấy hiện nay, nếu nhà nước thu thuế thu nhập của chứng khoán là một việc làm cần xem xét vì thị trường chứng khoán tại Việt Nam là một thị trường rất mới mẻ và chưa có sự ổn định vững chắc, rủi ro trong đầu tư chứng khoán là rất lớn. Nếu Nhà nước cứ cố thu thuế thu nhập trong lĩnh vực chứng khoán thì sẽ không khuyến khích được các nhà đầu tư và như vậy, hậu quả là sự phát triển của nền kinh tế bị tụt hậu". Bạn Đỗ Quang Trung, Thanh Hoá, eemail: trungdt265@gmail.com đòi hỏi trách nhiệm: "Nếu đã đánh thuế thu nhập chứng khoán thì đề nghị nên có trách nhiệm khi nhà đầu tư chứng khoán bị thua lỗ".
"Các doanh nghiệp đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp rất cao, phần thu thuế từ thu nhập chứng khoán là thuế chồng thuế. Đánh thuế lần thứ hai là vi phạm quyền kinh doanh của người dân. Thị trường chứng khoán phát triển thì thúc đẩy kinh tế, từ đó tạo ra các khoản thu cho các sắc thuế. Đánh thuế thu nhập chứng khoán giống như là gặt lúa non", ý kiến của bạn Bùi Duy Thắng, Hải Phòng.
Trong tuần qua, ban bạn đọc VietNamNet cũng đã nhận được sự quyên góp, ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm sau: Ủng hộ đồng bào miền Trung: CLB Chứng khoán Hà Nội (HNSC) www.yeuchungkhoan.com: 3.000.000 đồng. Giúp đỡ 3 cháu nhỏ cần ghép tạng ở bệnh viện Nhi TƯ: Chung Thành (Mỹ): 100 USD
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề xã hội, đời sống khác:
Công nghiệp ô tô Việt Nam: Chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn: Nguyễn Đức Dũng, Kiên Lương, Kiên Giang, email: nddholcim@yahoo.com: "Để phát triển ngành CN ô tô VN, chúng ta cần phải nhìn lại xem, nó là cái gì!? Hiện tại, Nhà nước đang xem ô tô như là loại hàng xa xỉ thì làm sao mà phát triển nó được. Điển hình là thuế tiêu thụ đặc biệt = 50%, thuế nhập khẩu = 70%. Như chúng ta đã biết, ô tô chỉ là phương tiện, giúp cho người dân đi lại thuận tiện hơn, chứ không phải là rượu, thuốc lá... mà Nhà nước xem nó như loại hàng xa xỉ phẩm. Đã đến lúc, chúng ta nên định nghĩa lại: Ô tô có phải là loại hàng xa xỉ hay không và cắt giảm bảo hộ cho ô tô trong nước, nên để cho thị trường quyết định về mọi thứ...! Rồi sau đó, chúng ta mới nghĩ đến chuyện phát triển ngành công nghiệp này. Nếu như chúng ta xem ô tô đúng như giá trị nó mang lại, thì tôi nghĩ một ngày gần đây, nó sẽ phát triển như ngành xe máy vậy".
Cuộc đua thành lập ngân hàng TMCP: Nguyễn Văn Dũng, HN, email: dungnqstar@gmail.com: "Theo tôi, NHNN lên cân nhắc kỹ và xem xét kỹ về khả năng và năng lực thực sự của một số đơn vị xin thành lập NHTM CP, đặc biệt là về kỹ năng và trình độ của những người kinh doanh tiền tệ trong các NHTM CP xin thành lập mới. Vì đây là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm và có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của một nước. Và trong danh sách các NHTM CP xin thành lập mới có khá nhiều tập đoàn, tổng công ty đã có những công ty kinh doanh trong lĩnh vực này như các công ty tài chính, các quỹ... Vì vậy, có nhất thiết phải thành lập thêm NH để kinh doanh trong lĩnh vực này không? Và nếu cho phép thành lập nhiều như vậy thì việc quản lý sẽ ra sao? Trong khi hiện nay, chúng ta nhiều khi đã gặp phải không ít những khó khăn. Trong thời gian tới, khi các NH nước ngoài được phép hoạt động như các NH trong nước thì những NH mới thành lập chưa có kinh nghiệm và nguồn nhân lực đủ mạnh để cạnh tranh thì sẽ ra sao?".
Cần xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, đổ trộm phế thải: Trần Đức Minh, Đống Đa, Hà Nội, email: tranducminh.tqm@gmail.com: "Thực trạng lấn chiếm lòng lề đường phục vụ kinh doanh, buôn bán đã diễn ra trên hầu khắp các con phố của Hà Nội. Trước đây, các nghị định 36/CP và 81/CP của Chính phủ được ra đời nhằm giải quyết các vấn đề này nhưng thực chất việc thực hiện chỉ mang tính hình thức, theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa" rồi thì đâu lại đóng đấy. Ngoài ra, hiện nay, ở HN đang có tình trạng đổ trộm rác, phế thải xây dựng tràn lan nhưng cũng chẳng thấy TP có biện pháp quyết liệt để xử lý. Thiết nghĩ, đã đến lúc, chúng ta phải ra những chế tài xử phạt thật nghiêm minh, làm triệt để quyết liệt để lập lại trật tự, văn minh đô thị. Điều này không chỉ giúp cho TP sạch đẹp, văn minh hơn mà còn góp phần tích cực giảm thiểu ùn tắc giao thông, một vấn đề được coi là quốc nạn hiện nay. Tôi thấy thật đáng buồn cho tình trạng giao thông đô thị của chúng ta hiện nay, đặc biệt là kể từ đầu năm học mới (5/9) đến nay. Hầu khắp các con phố của Hà Nội, dù có rộng đến mấy (đường Láng Hạ, Nguyễn Trãi...) vẫn xảy ra ùn tắc thường xuyên. Rất mong các cơ quan chức năng lưu tâm đến ý kiến của chúng tôi".
Lấn chiếm lòng đường làm nơi buôn bán. Ảnh: mt.gov.vn
Người dân khó khăn khi đi lại trên đường Khương Đình: Nguyễn Long Bình, Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội, email: nguyenlongbinh311@gmail.com: "Đường Khương Đình, Kim Giang chạy dọc sông Tô Lịch gây khốn khổ cho nguời dân qua lại vì đường hẹp, xấu, nhiều ổ gà, đất yếu (gần bờ sông). Tuy nhiên, con đường này lại bao dung hết tất cả các loại xe, tải, xe khách, xe chở hàng... Đặc biệt, đoạn từ cầu Dậu (Linh Đàm) đến đường 70 còn cáng thêm cả những "anh" container hàng chục tấn, mỗi khi đi qua khiến cho nhà dân bên đường rung chuyển như có động đất".
Chất lượng dịch vụ các ISP: Trương Huy Thông, Nguyễn Thị Thập, P. Bình Thuận, Q.7, TP.HCM, email: thanhphongboy25@hotmail.com: "Theo tôi thấy, các nhà cung cấp ISP đều có chung một chủ trương: Quảng cáo tăng số lượng thuê bao, giảm chất lượng dịch vụ. Điển hình có nhiều khách hàng thuê bao ADSL của FPT khiếu nại rằng dịch vụ ADSL FPT kém chất lượng, thường xuyên bị disconnect không truy cập được các tài nguyên mạng. Thiết nghĩ, đây là vấn đề cho các ISP trong nước. Cần đặt ra thêm tiêu chí nhất định: Quy định tốc độ download/upload tối thiểu, kết thúc tình trạng disconnect, thông báo cước phí thuê bao cho khách hàng theo yêu cầu".
Cần có sự kiểm duyệt đối với phim hoạt hình: Nguyễn Đức Trung, Âu Cơ, Tứ Liên, HN, email: duc_trung1311: ’Tôi thấy rằng, thị trường băng đĩa hiện nay đang bị bỏ ngỏ, mạnh ai nấy làm mặc sức. Hệ quả tất yếu của nó là sẽ đầu độc trẻ em của chúng ta, sẽ không quá khó hiểu khi trẻ học và làm theo những gì xảy ra trên phim, điển hình là vụ giết người ở Mỹ của một thiếu niên 15 tuổi do xem phim và chơi quá nhiều game bạo lực. Nhân nói về game, tôi thấy đây cũng là một vấn đề đáng quan tâm, hiện nay có rất nhiều băng đĩa game được bày bán công khai rộng rãi mà không được kiểm duyệt, ai có thể biết được nội dung của những đĩa game này và nó tác động như thế nào tới con em chúng ta, đã đến lúc cần có sự tham gia của cơ quan chức năng về vấn đề này, nhưng theo tôi được biết thì việc xử lí băng đĩa chưa được phân công cụ thể, không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Thiết nghĩ, có lẽ chúng ta cần lập một ban chuyên trách về vấn đề này để dễ quản lý. Hãy cho trẻ một tuổi thơ trong sáng".
Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!