(VietNamNet) – Công bố tước quân tịch đối với Thiếu uý Đỗ Hoài Phương Minh của Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã nhận được sự hoan nghênh của đông đảo người dân cả nước. Tuy nhiên, không ít người đã đặt câu hỏi: Đây mới chỉ là hình thức kỷ luật của ngành công an, còn về pháp luật, Đỗ Hoài Phương Minh sẽ bị xử lý thế nào? Sự bao che, dung túng của Công an quận Hải Châu có bị xử lý? Ngoài bị tước quân tịch, Đỗ Hoài Phương Minh cần phải bị xử lý theo pháp luật.
Lê Trần, Huế
Tôi rất đồng tình những phản ứng mạnh mẽ của dư luận và báo giới những ngày qua trước hành vi gây rối, bất hợp tác, chống người thi hành công vụ của Thiếu úy Đỗ Hoài Phương Minh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Xử lý vụ việc này thế nào, dư luận xã hội rất quan tâm. Tôi tin vào tính nghiêm minh của luật pháp và sự công bằng xã hội của Nhà nước ta. Qua VietNamNet, được biết Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã đưa ra quyết định tước quân tịch và đuổi khỏi ngành công an đối với Đỗ Hoài Phương Minh. Cảm ơn quyết định đúng đắn, hợp lòng dân của BGĐ Công an tỉnh Bình Dương.
Không thể chấp nhận hình ảnh một chiến sỹ công an nhân dân “múa kiếm” gây rối, thái độ bất hợp tác, chống người thi hành công vụ tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Nhân đây, tôi đề nghị các ngành chức năng TP. Đà Nẵng điều tra, xem xét lại toàn bộ sự vụ, nếu đúng như báo, đài phản ánh: Thiếu úy Đỗ Hoài Phương Minh dùng kiếm có ý định tấn công hoặc đã tấn công lực lượng an ninh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, bị lực lượng an ninh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng khống chế kịp thời thì phải được xem xét dưới góc độ hình sự. Tội đến đâu xử lý nghiêm minh đến đó, không để lọt người, lọt tội, đồng thời cũng không xử oan, xử ép ai với bất cứ lý do nào.
Minh Thanh, Biên Hoà, Đồng Nai
Gần 2 tuần qua, tôi quan tâm theo dõi vụ Thiếu úy cảnh sát Đỗ Hoài Phương Minh gây rối ở sân bay Đà Nẵng. Cuối cùng, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm bởi anh ta và những người có ý bao che giảm tội cho anh ta đã không thể “một tay che cả bầu trời”. Sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận cả nước đã khiến Thiếu úy công an Đỗ Hoài Phương Minh không chỉ bị phạt hành chính 5 triệu đồng như cách xử lý của công an quận Hải Châu, Đà Nẵng mà còn bị “tước quân tịch”, đuổi ra khỏi ngành. Dư luận đồng tình và cho rằng đó là việc làm cần thiết để góp phần làm trong sạch đội ngũ công an nhân dân, những người có sứ mệnh bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Có một điều mà tôi và có lẽ nhiều người dân còn băn khoăn: Tại sao một vụ việc xảy ra giữa “thanh thiên bạch nhật”, chứng cứ và nội dung rành rành như vậy mà ông Võ Tương và các vị lãnh đạo công an quận Hải Châu lại có thể “đổi trắng thay đen”: Kiếm không phải là kiếm”, “gây rối mà không phải gây rối”, “chống đối người thi hành công vụ mà không phải chống đối”… như vậy? Làm sao người dân TP Đà Nẵng và cả nước lại có thể tin tưởng ở những cán bộ như ông Tương và những cán bộ công an quận Hải Châu khi mà người dân cần đến những sự phân xử, bảo vệ của họ?
Theo tôi, cùng với việc xử lý nghiêm khắc đối hành vi càn quấy của Đỗ Hoài Phương Minh, cần phải xem xét xử lý trách nhiệm những cán bộ có liên quan ở công an quận Hải Châu và công khai trước công luận để khôi phục niềm tin trong nhân dân.
Trần Diệu Hương, Hà Nội
Trước hết, tôi hoan nghênh BGĐ Công an tỉnh Bình Dương đã đưa ra hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với Đỗ Hoài Phương Minh. Đây là quyết định hợp lòng dân, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, tôi cho rằng, BGĐ Công an tỉnh Bình Dương và Bộ Công an cần xem xét những biểu hiện bao che hoặc yếu kém nghiệp vụ của Võ Tương – Phó trưởng Công an quận Hải Châu, Đà Nẵng.
Quả thực, tôi rất thất vọng về một vị Thượng tá - Phó Công an quận có những hành động và quyết định gây bức xúc trong xã hội về những phát biểu của ông đối với hai biên bản được lập cũng như quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với Đỗ Hoài Phương Minh. Điều này có thể được hiểu dưới hai khía cạnh: hoặc là có sự bao che hoặc trình độ nghiệp vụ quá yếu kém. Nếu trình độ của một vị Thượng tá là Phó Công an quận mà như vậy thì có biết bao người dân chịu oan ức? Do đó, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền cần xem xét hành vi hoặc trình độ nghiệp vụ của vị Thượng tá này để tránh có những quyết định gây mất lòng dân đối với ngành. Kính gửi các cấp có thẩm quyền nghiên cứu xem xét để mọi người dân đều được bình đẳng trước pháp luật.
Lê Song Xuân, Buôn Ma Thuột
Trong lòng tôi (và có lẽ cũng nhiều người), người công an nhân dân vẫn là hình ảnh rất đẹp vì sự bình yên của Tổ quốc, của nhân dân. Kỷ luật nghiêm minh chính là sự đảm bảo cho niềm tin ấy được giữ gìn và phát triển. Việc tước quân tịch công an nhân dân đối với Thiếu uý Đỗ Hoài Phương Minh là đúng. Không thể vì một vài cá nhân mà làm suy giảm uy tín của công an nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung.
Qua vụ việc này, tôi rất mong ngành công an làm kiên quyết hơn nữa đối với những cá nhân khác đã sai phạm trong ngành, loại bỏ những người không còn xứng đáng ra khỏi đội ngũ.
Cả xã hội đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi mong ngành công an sẽ làm tốt nội dung này để xứng đáng với sắc phục mà Bác Hồ đã chọn, đó là màu của nắng, của ánh sáng, cuộc sống và niềm tin.
Phạm Sơn, Thanh Xuân, Hà Nội
Theo ý kiến của cá nhân tôi thì việc tuớc quân tịch, loại ra khỏi lực lượng đối với Đỗ Hoài Phương Minh mới chỉ là hình thức kỷ luật của lực lượng công an. Còn về phía pháp luật Nhà nước thì sao?
Pháp luật vốn rất nghiêm minh, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và hơn nữa là càng phải nghiêm minh hơn với những người vốn được coi là lực lượng bảo vệ và thi hành luật pháp của đất nước.
Đỗ Hoài Phương Minh vẫn phải bị khởi tố về tội: Cố ý chống người thi hành công vụ, lăng mạ danh dự người khác và hơn nữa lại là người thi hành công vụ tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ mà pháp luật cấm.
Bên cạnh đó cũng cần điều tra xem có hay không việc bảo vệ lẫn nhau, bao che cho nhau của công an quận Hải Châu. Và phải trả lời vì sao VKSND Hải Châu tỏ ra lúng ta lúng túng về việc giải quyết vụ này?
Đặng Huy Thức, Cầu Giấy, Hà Nội
Tôi hoan nghênh quyết định đúng đắn của Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương. Nhưng tôi nghĩ, với tư cách một công dân, anh Minh cũng cần bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Tôi cũng đề nghị hồi tố về vụ bắn súng ở quán karaoke trước đây. Nếu không xử lý đến nơi đến chốn vụ này và có biện pháp giáo dục hữu hiệu của gia đình và xã hội thì với bản chất hung hăng, ngang ngược như vậy, liệu sau khi trở lại là một công dân bình thường, Đỗ Hoài Phương Minh sẽ không còn nguy cơ tái phạm?
Ngọc Hoàng, Bắc Giang
Công an tỉnh Bình Dương đã đưa ra hình thức xử lý thích đáng đối với Minh, nhưng đó chỉ là về đơn vị công tác của Minh. Tôi cũng như bao người dân khác muốn biết pháp luật sẽ xử Minh theo tội nào. Nếu vẫn theo báo cáo của công an Đà Nẵng đưa ra thì tôi nghĩ không chỉ người công an nhân dân mất đi lòng tin mà pháp luật của Nhà nước cũng mất đi lòng tin trong nhân dân. Tôi hy vọng Viện KSND Đà Nẵng có những quyết định hợp lý để đưa Đỗ Hoài Phương Minh ra xử lý theo đúng pháp luật.
Phạm Văn Mão, Đà Nẵng
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định tước quân tịch, loại Đỗ Hoài Phương Minh ra khỏi ngành công an. Đây là một quyết định đúng đắn, hợp với sự mong đợi của nhân dân. Quyết định trên là bài học quan trọng cho những kẻ “coi trời bằng vung”, là vết bẩn làm lu mờ hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân. Thế nhưng đó mới là việc đầu tiên . Đề nghị ngành công an và Thành phố Đà Nẵng phải xem xét những người liên quan đang làm cho dư luận hết sức bức xúc, quan tâm.
Ý kiến của bạn?