(VietNamNet) - Những tiêu cực, giả dối xung quanh việc học nghề của học sinh bậc THPT bắt nguồn từ quyết định của Bộ GD-ĐT: Học sinh THPT có chứng chỉ nghề sẽ được cộng điểm khuyến khích vào tổng số điểm các môn thi tốt nghiệp (loại TB cộng 1 điểm, loại khá cộng 1,5 điểm, loại giỏi cộng 2 điểm).
Vì sao HS đăng kí học nghề?
Hầu như mọi phụ huynh đều muốn con em mình có tấm bằng cử nhân và có một việc làm nhàn hạ, thu nhập cao chứ không ai muốn con trở thành công nhân suốt ngày vất vả cực nhọc mà thu nhập thấp. Nếu không thì họ cũng muốn con em có tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi “sau đó sẽ tính”.
Chương trình học đã quá tải, mấy HS thiết tha với học nghề?
Chuyện học nghề trong các trường THCS và THPT để rồi sau khi ra trường có thể hành nghề ngay là một điều có tính chất không tưởng (chúng tôi nhấn mạnh), rất nhiều người đã được đào tạo khá bài bản từ các trung tâm dạy nghề mà khi ra trường tác nghiệp đang còn lúng túng nữa là. Vì vậy, hầu hết (nếu không nói là tất cả) HS trong các trường phổ thông đăng kí học nghề là để lấy điểm khuyến khích làm phao cứu hộ trong tình hình kỉ cương thi cử ngày một nghiêm ngặt mà chương trình học thì quá tải và tình trạng học lệch rất phổ biến.
Số lượng HS đăng kí học để lấy chứng chỉ nghề rất đông (trừ một số học sinh giỏi toàn diện, học sinh đã có điểm ưu tiên như con thương, bệnh binh…) mặc dù các em không thích, không có nhu cầu thực tế. Điều đó đã được chứng minh khi vừa qua Quốc hội đã biểu quyết bỏ kì thi tốt nghiệp THCS, việc dạy nghề ở các trường THCS cũng trở nên èo uột. Có giáo viên bậc THCS than phiền rằng bây giờ vận động HS đi học nghề hết sức khó khăn. Với chương trình học các môn văn hoá của các lớp cuối cấp đã quá tải, HS còn tâm sức đâu với chuyện học nghề? Mà nếu các em thực sự muốn học nghề, chắc gì đã có kết quả?
Thực tế công tác dạy nghề, thi nghề trong trường phổ thông
Một số trường học chưa đủ phòng học một ca, thiếu thốn đủ thứ từ giáo viên cho đến trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề. Nếu các trường có điều kiện vật chất cũng không tập trung đầu tư cho việc dạy nghề. Vì vậy, tình trạng dạy nghề khá phổ biến là “tay không bắt giặc”, chủ yếu là học lí thuyết. Nhiều khi người lên lớp dạy nghề là giáo viên kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn về nghề yếu, kém khả năng thực hành. Nhiều HS trong suốt quá trình học không biết máy móc thiết bị “đầu cua tai nheo” ra sao.
Các buổi học nghề luôn diễn ra trong tình trạng nhốn nháo, vô kỉ luật, thậm chí thành một trò đùa HS thường xuyên vắng học, có buổi học, sĩ số chỉ còn đếm trên đầu ngón tay trong khi số đăng kí học nghề xấp xỉ 100%, thậm chí có khi thầy giáo đã đến nhưng lớp không hề có một học sinh nào, đành phải ra về!
Trước tình trạng đó, ban giám hiệu một số trường có qui định HS nào vắng học 5 buổi trở lên sẽ bị xoá tên nhưng xem ra không mấy hiệu quả và cuối cùng cũng chẳng xoá tên một HS nào. Các HS đến lớp cho có, hầu như không ghi chép gì, tự do đi ra đi vào và quậy phá tưng bừng. Nhiều giáo viên có tâm lí ức chế, cảm thấy bị xúc phạm nhưng vì trách nhiệm nên đành chịu đựng cho qua. Ở trường chúng tôi có một số giáo viên muốn xin nghỉ dạy nghề vì cảm thấy quá sức chịu đựng.
Học thì như vậy, nhưng việc thi lấy chứng chỉ nghề thì diễn ra rất bài bản: Thành lập hội đồng coi thi, tổ chức quán triệt qui chế, tổ chức các phòng thi như thi tốt nghiệp, rồi lễ khai mạc, công bố đề thi còn niêm phong, tổ chức các đoàn thanh tra chéo… Tuy nhiên, nhiều nơi chính giám thị lại trông cho HS… chép bài.
Phần thực hành của môn điện dân dụng (năm học 2005-2006) yêu cầu HS chuẩn bị một bảng điện gồm: bóng đèn, cầu chì, công tắc... Năm 2006-2007, đề thi chỉ yêu cầu học sinh làm một chiếc hộp giấy trông như một cái bao diêm gọi là chuẩn bị để quấn cuộn dây điện, qui định làm trong 90 phút, nhưng thực ra học sinh chỉ cần làm trong vòng chưa đầy 30 phút. HS hí hoáy một lúc rồi nộp cho giám thị. Ai không làm được thì nhờ bạn làm giúp. Cách chấm bài cũng rất kì quái: một số giám thị không chấm trực tiếp qua sản phẩm của học sinh mà chấm trên danh sách, đơn giản chỉ là điều chỉnh sao cho có một tỉ lệ điểm “có vẻ thật”!
Kết quả thi nghề rất khả quan, tỉ lệ khá, giỏi rất cao, đến mức có trung tâm dạy nghề phải khống chế tỉ lệ cho có vẻ khách quan. Rất nhiều HS có chứng chỉ nghề điện dân dụng loại giỏi, với dấu đỏ chót và chữ kí trang trọng của ông giám đốc trung tâm dạy nghề nhưng không thể lắp thành thạo một mạch điện đơn giản, nói gì đến việc sửa chữa máy móc, dụng cụ… Cuối năm học, các trường, các phòng, Sở GD-ĐT đều có thành tích học nghề rất “hoành tráng” trong các bản báo cáo.
Công tác dạy nghề chỉ nên giao cho các trung tâm dạy nghề, nơi có cơ sở vật chất hoàn chỉnh.
Đã đến lúc gióng lên một hồi chuông cảnh báo về bệnh thành tích, thực chất là dối trá trong nhà trường, đòi hỏi Bộ GD-ĐT luôn phải có sự điều chỉnh các chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
Bộ GD-ĐT vừa có quyết định bỏ việc cộng điểm khuyến khích vào kết quả thi tuyển sinh ĐH-CĐ cho những HS THPT tốt nghiệp loại giỏi để tránh những tiêu cực xảy ra trong đánh giá, xếp loại, thi cử; bỏ chính sách tuyển thẳng vào đại học đối với những học sinh đạt giải quốc gia, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ chính sách cộng điểm khuyến khích đối với việc học sinh có chứng chỉ nghề của HS bậc THPT, chấm dứt tình trạng học để mua điểm như hiện nay.
Chúng tôi cho rằng chủ trương giao nhiệm vụ dạy nghề cho các nhà trường THCS và THPT là không hợp lí mà nên giao cho các trung tâm dạy nghề, sự thất bại của mô hình trường vừa học vừa làm trước đây là một ví dụ. Các trường phổ thông chỉ nên làm tốt công tác hướng nghiệp và việc tổ chức tốt việc dạy học các môn tin học, kĩ thuật công, nông nghiệp (công nghệ),... và đừng xem số lượng HS đăng kí học nghề như một “chỉ tiêu phấn đấu”.
Những điều chúng tôi vừa trình bày có thể “gây sốc” cho ngành, song đó là sự thật đang diễn ra phổ biến trên phạm vi cả nước. Các vị hiệu trưởng, trưởng phòng, giám đốc sở GD-ĐT đều biết như thế, nhưng trong mọi cuộc họp, diễn đàn, họ đều im lặng. Bởi tổ chức học nghề, thi nghề như trên, họ vừa được tiếng là mẫn cán, vừa “có miếng” (học phí thu trung bình mỗi em 100.000 đồng, ngoài ra còn các khoản phụ phí khác), nói ra thì sợ mang tiếng “chống đối chủ trương của cấp trên”!
Giáo viên chúng tôi vô cùng bức xúc, trăn trở nhưng kêu không thấu, chỉ học sinh và nhân dân là chịu trận. Kính mong Bộ GD-ĐT quan tâm và có quyết sách để chấm dứt hiện tượng này, góp phần cho nền giáo dục của chúng ta ngày càng trở nên tốt đẹp, chân thật, văn minh, nhân đạo và hiệu quả hơn.
-
Trần Trọng Nghĩa, Hà Tĩnh
Ý kiến của bạn về vấn đề nêu trên?