(VietNamNet) – Cùng với nhiều ý kiến dư luận về việc cải tạo công viên Thống Nhất, bạn đọc Nguyễn Thị Hiền điểm qua ngắn gọn hiện trạng chất lượng sống của người Hà Nội liên quan tới không gian công cộng, nhu cầu của họ và một số kiến nghị trong việc quy hoạch, cải tạo và quản lý công viên này.
Quá trình phát triển thiếu sự quản lý đúng mực đã làm nội thành Hà Nội mất đi hầu hết các không gian gian xanh, mặt nước và các không gian công cộng khác. Người Hà Nội hiện đang phải đối mặt với chất lượng cuộc sống ngày một thấp đi vì nhiều yếu tố liên quan tới việc mất đi các không gian xanh, hồ nước và không gian công cộng này.
HN ít còn khoảng xanh nào như CV Thống Nhất.
Giá nhà đất đắt đỏ khiến nhiều người phải sống trong điều kiện nhà ở chật chội, chen chúc. Nhiều gia đình phải sống ở những nơi thiếu ánh sáng và thông gió tự nhiên, tầm mắt bị bó hẹp trong bốn bức tường. Ra đến ngoài đường cũng không khá hơn. Ngõ hẹp cũng bị thương mại hoá với đủ loại hàng quán. Đường phố quá ồn ào đông đúc, quá nhiều bụi, thính giác mệt mỏi vì tiếng ồn từ người, các phương tiện giao thông, loa đài, còn thị giác mệt vì các hình khối lổn nhổn của kiến trúc nhà ống, màu sắc sặc sỡ của các áp phích, đèn màu, quảng cáo, hàng hóa la liệt.
Các khoảng trống trong các khu ở cũng rất hiếm hoi. Trẻ em không có chỗ vui chơi. Các câu lạc bộ, nhà họp hoặc thiếu hoặc quá chật hẹp và thiếu tiện nghi, nhiều khi chỉ được sử dụng cho các nghi lễ chính thức, khiến người dân thiếu chỗ giao tiếp, hội họp.
Bên cạnh việc bị cách ly với thiên nhiên, người Hà Nội đang mất đi các mối quan hệ thân thiện với cộng đồng. Cuộc sống của nhiều người trở nên bó hẹp, cô độc, một số người cảm thấy trầm uất. Sự căng thẳng của cuộc sống hiện đại đang gây áp lực với người Hà Nội từ mọi phía.
Do vậy, nhu cầu được hưởng không khí trong lành, không gian rộng mở, nơi tầm mắt được trải rộng, hưởng màu xanh dịu mát của thiên nhiên, được nghỉ ngơi, vận động thân thể một cách nhẹ nhàng, được giao tiếp, mở rộng quan hệ, tìm kiếm sự cảm thông, chia sẻ sở thích chung với người khác, và đôi khi, nhu cầu được ngồi một mình để thư giãn hoặc tư duy, đã trở nên ngày một cấp thiết với người Hà Nội.
Công viên Thống Nhất có khoảng cây xanh và mặt nước đáng kể hiếm hoi còn lại trong trung tâm thành phố, nơi có thể đáp ứng nhu cầu nói trên của người Hà Nội. Nó không chỉ, một cách không chính thức, trở thành di sản văn hoá của một thế hệ người Hà Nội một thời lao động tình nguyện dựng lên nó, mà còn đã và đang được người dân người dân sử dụng một cách tích cực.
Quan sát hàng ngày có thể thấy rằng tất cả các hoạt động của người dân đến với công viên Thống Nhất đều mang tính chất tự phát, tự nguyện, nơi các hoạt động thương mại hay định hướng khiên cưỡng, ngay cả các trò chơi mạnh và ồn ào, hầu như không có chỗ đứng.
Vì những lý do trên, để quy hoạch cải tạo và quản lý công viên Thống Nhất, trước hết, cần thống nhất nguyên tắc chủ đạo là công viên Thống Nhất phải là công viên tĩnh, là nơi nghỉ ngơi, hưởng sự bình yên nhằm phục hồi sức khoẻ thể lực và tinh thần của mọi tầng lớp người dân chứ không phải công viên giải trí mang tính chất thương mại.
Trong khuôn viên công viên, không nên xây dựng bất cứ công trình nào, ngoại trừ một số chỗ tránh mưa nhỏ có cột đỡ mái che mà không có tường và cửa. Chiều cao của những chỗ này phải thấp hơn tán lá cây đã trưởng thành. Ngoài ra, cần cung cấp thêm đường đi bộ, một số nhà vệ sinh công cộng, ghế ngồi, đèn chiếu sáng, vòi nước uống sạch (nếu có thể) phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Cần giữ gìn số cây xanh hiện có và trồng thêm thay vì chặt đi vì bất cứ lý do gì.
Không nên tổ chức các trò chơi như thuỷ cung, nhạc nước... trên mặt hồ Bảy Mẫu vì nó gây tiếng ồn, phá vỡ quang cảnh thanh bình, hoặc ngăn cản người dân tiếp cận sát Bờ Hồ. Chèo thuyền đôi vẫn là cảnh lãng mạn và thanh bình truyền thống được người dân ưa thích ở công viên này. Việc tổ chức thi hội hoa cây cảnh cũng phải đảm bảo sau đó các không gian đó lại được người dân tiếp cận sử dụng để nghỉ ngơi chứ không phải để kinh doanh bán hàng, dù đó là hàng cây cảnh.
Nên phá bỏ cổng soát vé, bỏ hàng rào để người dân, dù giàu hay nghèo, có thể tự do ra vào công viên vào bất cứ thời gian nào, từ bất cứ hướng nào mà không phải trả tiền. Chỉ 2.000 đồng tiền vào cửa đã làm cho người nghèo, người nhập cư cảm thấy công viên không phải là nơi dành cho họ và con cái của họ. Công viên mở cho mọi người là cách mà các nước trên thế giới đều làm.
Để tránh việc các phương tiện giao thông ra vào lãnh thổ công viên có thể làm các hàng rào thấp không quá đầu gối. Việc này có thể học tập ngay TP.HCM, nơi công viên Tao Đàn, công viên Lê Văn Tám, công viên Bạch Đằng gần đây đã tháo bỏ hàng rào nhưng tất cả xe máy đều tự nguyện đỗ ở bên ngoài. Tháo bỏ hàng rào công viên, tăng thêm đèn chiếu sáng cũng giảm bớt cơ hội nơi này trở thành thiên đường cho những kẻ nghiện hút tụ tập vào buổi đêm.
CV Thống Nhất phải tĩnh, là nơi nghỉ ngơi, hưởng sự bình yên nhằm phục hồi sức khoẻ thể lực và tinh thần của người dân.
Công viên cần được nhìn thấy và tiếp cận từ bốn phía. Hiện nay, nó đã bị che khuất gần như toàn bộ phía đông bởi khu Vân Hồ và nhà dọc theo phố Nguyễn Đình Chiểu, và phía tây bắc bởi nhà dân gần ngã 3 Lê Duẩn cắt Trần Nhân Tông, rạp xiếc và khu đất dành cho khách sạn SAS.
Theo tôi, dù tốn kém, nhưng vì lợi ích lâu dài, thành phố cũng nên giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực phố Nguyễn Đình Chiểu, và khu vực phía tây bắc; còn tại khu vực Vân Hồ thì nên giải phóng các nhà xây dọc theo hàng rào hiện nay của công viên, làm đường để đảm bảo công viên có thể được tiếp cận từ mọi phía.
Tuyệt đối không xây các công trình xây dựng ở mặt Trần Nhân Tông, nhất là việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm, vì nó sẽ thu hút các phương tiện giao thông đổ về đó cản trở lối vào công viên, và chắn tầm nhìn từ hướng đẹp nhất vào công viên. Hãy để đường Trần Nhân Tông khu vực gần công viên trở thành đường đi bộ vào những ngày lễ, Tết hay nơi phát động các phong trào quần chúng. Hãy để không gian Công viên Thống Nhất được mở rộng, hoà vào với cả khu vực hồ Thiền Quang. Địa điểm xây bãi đỗ xe ngầm khi đó có thể chuyển sang khu tập thể Nguyễn Công Trứ hiện nay khi khu này được quy hoạch lại. Khi đó, khách hàng sử dụng bãi đỗ xe, mà tôi tin rằng phần lớn sẽ đến từ các khu cao tầng mới được xây dựng này, có thể đến được bãi đỗ một cách gần nhất.
Về quản lý, có thể thấy rõ sự độc quyền của công ty công viên đã dẫn tới tình trạng xuống cấp và mất trật tự như hiện nay trong công viên Thống Nhất. Tôi cho rằng công tác quản lý Nhà nước nên giao về các ban ngành chức năng, còn việc quản lý từng công viên cụ thể nên giao cho các nhà thầu tư nhân, trên cơ sở đấu thầu công khai; và hợp đồng quản lý cần được xem xét lại mỗi năm một lần, dựa trên chất lượng được phản ánh bởi người sử dụng. Với cơ chế cạnh tranh mới, chắc chắn công viên Thống Nhất sẽ được quản lý tốt hơn.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp của cá nhân tôi, với tư cách là một người dân Hà Nội, cho việc quy hoạch và quản lý công viên Thống Nhất đang là vấn đề bức xúc trong dư luận. Rất mong có được ý kiến phản hồi của các bạn đọc khác nhằm giúp cho lãnh đạo thành phố có được chủ trương đúng đắn trong việc cải tạo công viên Thống Nhất.
-
Nguyễn Thị Hiền, Hà Nội
Ý kiến của bạn?