Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội có lẽ ít nhiều đều có kỷ niệm về một địa danh là Công viên Thống Nhất. Cũng như Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Công viên Thủ Lệ, Bách Thảo, Lăng Bác, Nhà hát Lớn... Công viên Thống Nhất đã trở thành một địa danh, không đơn thuần chỉ là địa điểm vui chơi giải trí, hóng mát mà đã trở nên một nơi mang tính chất văn hóa, lịch sử của người Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung.
Ai cũng biết cái tên Công viên được đặt là Thống Nhất là vì sao. Có lẽ đã có rất nhiều những kỷ niệm của những người yêu nhau, bạn bè và người thân trước giờ chia tay để vào chiến trường B chiến đấu đã để lại ở nơi này - nơi họ trao nhau những chiếc khăn tay làm kỷ vật, nói những lời yêu thương hò hẹn trước lúc lên đường ra trận, nơi họ đã chụp chung những bức hình để làm kỷ niệm.
Nhiều lắm những kỷ niệm về công viên Thống Nhất. Rất nhiều, rất nhiều những gia đình Việt Nam, không chỉ riêng những người ở Hà Nội đều có ít nhiều một vài bức hình chụp làm kỷ niệm ở đây.
Nếu công viên Thống Nhất biến thành trung tâm giải trí, Hà Nội sẽ còn không gian xanh nào cho người dân? |
Tôi được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội khi đất nước đã thống nhất. Thuở nhỏ, được cha mẹ cho đi chơi công viên Thống Nhất luôn luôn là một điều vô cùng thích thú - như là một phần thưởng. Tôi không bao giờ quên được những cái đu quay, bập bênh… và nhất là cái vòng quay ngựa gỗ ở nơi đây khi mới chập chững biết đi cha mẹ đã từng đưa tôi đến.
Lớn lên, lập gia đình và có con nhỏ, tôi và vợ thi thoảng vẫn đưa cháu đến công viên để cho cháu vui chơi, chạy nhảy… còn mình thì đi dạo và cố nhớ lại những nơi trong công viên mà cha mẹ ngày xưa đã từng đưa mình đến. Những nơi như Cây đa Bác Hồ, đài phun nước, vườn bốn mùa, đảo Hòa Bình... cả những lối nhỏ, những chiếc ghế đá, những bức tượng, những cái cây bình thường, tuy rằng thời gian qua đi đã lâu, mọi thứ cũng ít nhiều thay đổi nhưng luôn phảng phất trong tôi những gì quen thuộc thân thương. Có lẽ rất nhiều người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cũng có chia sẻ như vậy.
Dù đã đến một số công viên mang dáng dấp hiện đại ở một số quốc gia tiên tiến như Singapore, Úc, Tân Tây Lan... và ít nhiều cũng có thể hình dung được một công viên hiện đại sẽ mang dáng dấp như thế nào nhưng quả thực, tôi không hề muốn nhìn thấy công viên Thống Nhất bị làm khác đi một chút nào! Chỉ muốn nó được giữ gìn và làm vệ sinh sạch sẽ hơn, cây xanh được chăm sóc tưới tắm thường xuyên hơn. Là nơi an toàn cho người già đi dạo và trẻ em vui đùa chạy nhảy chứ không phải chỗ cho những tệ nạn xã hội.
Giờ đây, từ phương xa nghe tin công viên Thống Nhất sắp có khả năng được " nâng cấp" bởi một dự án đồ sộ, hiện đại ở nơi này, tôi không khỏi bồn chồn lo lắng với dự cảm tiếc nuối sẽ mất đi một cái gì đó thân thiết. Thật là khó tả!
Thiết nghĩ, với thời kỳ này và mai sau khi đất nước đang trên đà phát triển, chúng ta chẳng khó khăn gì để có thể xây dựng được những tòa nhà chọc trời, sân bay tiện nghi hay những công viên hiện đại hoàn toàn mới nhưng để giữ gìn và bảo tồn được những giá trị mang tính chất văn hóa, những địa danh đã dần mang tính chất lịch sử, những nơi mà nhiều thế hệ con người gắn bó tâm hồn và tình cảm thì không dễ dàng gì.
Ngoài những khía cạnh lợi hại về vấn đề môi trường (công viên, hồ nước là thảm cây xanh, là lá phổi cho thành phố), giao thông đô thị (khi một địa điểm thuần tuy mang tính chất vui chơi giải trí sẽ thu hút một lượng giao thông qua lại lớn), kiến trúc cảnh quan cần phải được cân nhắc. Ở đây, tôi chỉ muốn nói một điều là chúng ta không thể vội vàng làm mất đi những gì đã từng tồn tại một thời, những gì đã gắn bó và trở nên là kỷ niệm thân thương của chúng ta.
Càng đi xa càng nhớ về Hà Nội, nhớ công viên Thống Nhất đã gắn bó suốt tuổi thơ tôi.
-
Nguyễn Hùng, Newmarket, Auckland, New Zealand
Ý kiến của bạn?