(VietNamNet) - Nhiều bạn đọc VietNamNet lên tiếng đồng tình với bài “Kiến trúc sư trưởng! Ông ở đâu?” của bạn An Thanh Lương. Tôi cũng là một người trong số đó. Tôi đã từng được leo tháp Eiffel để phóng tầm mắt nhìn những tuyến đường hướng tâm từ ngoại ô Paris đổ vào chân tháp. Tôi cũng đã từng được lên tháp truyền hình Bắc Kinh để xem các vành đai đại lộ 2, 3, 4, 5… chạy quanh Bắc Kinh. Thế mà, cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa khai thông nổi một tuyến đường cho đúng nghĩa. Tôi cũng day dứt lắm! Tất cả những gì mà các bạn nêu lên là hiện trạng thực tế. Nhưng có điều, có phải tất cả chỉ cần tài nghệ của một kiến trúc sư trưởng là giải quyết được không thì chúng ta nên trao đổi thêm.
Đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa mới hoàn thành phô bày bộ mặt nhếch nhác. (Ảnh TPO)
Hà Nội, từ 1954 đến nay, độc lập, hòa bình đã quá một nửa thế kỷ, nhưng thực sự đi vào dựng xây ồ ạt thì có lẽ cũng chỉ trên 15 năm. Nếu nhìn vào Hà Nội 5 cửa ô, Hà Nội sau B52, Hà Nội 4 quận, 4 huyện thì với nhiệm vụ hàng đầu tạo ra cơ sở hạ tầng và cảnh quan kiến trúc, có thể nói là cải tạo mới đúng.
Cải tạo ở đâu là gặp dân ở đấy. Mà dân thì mỗi người một ý, mỗi người một hoàn cảnh. Cho nên nếu “bắt” phải có một mặt phố sang trọng ngay thì đợi đến bao giờ? Hiện trạng mặt phố chúng ta hiện nay là “nhà ống”, hầu hết các nhà chỉ có bề ngang 3, 4m. Đó là mặt phố của thời buôn bán nhỏ. Nhưng đã là kinh tế thị trường thì muốn hay không,qua quá trình "tập tích" rồi cũng tạo nên những mặt nhà “hoành tráng”. Trên các mặt phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Hàng Bột… đã chẳng ít nhiều diễn ra như vậy sao? Tất nhiên quá trình này để đến ngày có phố ra phố thì không phải là một sớm một chiều. Cho nên, vùng cải tạo mà quy trách nhiệm cho một mình kiến trúc sư trưởng thì cũng có phần áy náy.
Điều đáng trách là những mặt đường mới mở như Kim Liên – Ô Chợ Dừa, Trần Khát Chân, đường vành đai tốn hàng ngàn tỷ mà làm xong vẫn phô bày mặt phố nhếch nhác. Câu hỏi đặt ra là đã có người đề xuất giải pháp giải phóng sâu vào mỗi bên một hành lang đủ rộng để xây nhà tái định cư cao tầng và mở các công sở, cơ sở kinh doanh dịch vụ hiện đại, tại sao cơ quan chức năng không làm? Làm được như thế thì hiệu quả biết bao! Người dân cần là cần một bàn tay kiến trúc sư trưởng như thế. Nhưng vì sao không làm được?
Trả lời câu hỏi này, nhiều người cho rằng cái chính là lãnh đạo chúng ta thường chỉ theo nhiệm kỳ, mà nhiệm kỳ chỉ có 4-5 năm, nên cách giải quyết cũng theo tầm làm sao cho xong trong một thời gian ngắn, còn việc sau này để người sau lo tiếp?! Nếu nhìn xa hơn bằng những bản quy hoạch cụ thể, thì chắc chắn chúng ta đỡ phải giải phóng lần này, rồi lại giải phóng cái… đã giải phóng.
Trong nội thành, nếu ai đi sâu vào các khu Phương Liên, Trung Phụng, Giảng Võ, An Trạch… đều thấy rất nhiều làng trong phố. Để chuyển “làng” thành “phố”, bài toán quy hoạch đặt ra như thế nào? Nếu không mở đường vào làm sao cứu hỏa? Làm sao thông thương? Nhưng mở đường mà không tính trước để dân xây nhà, trút cả cơ nghiệp suốt đời vào đấy rồi mới giải tỏa thì sao không trở thành điểm nóng?
Lẽ ra, xây dựng trên địa bàn ngoại thành thì sẽ “ngon” hơn nhiều. Địa bàn vùng đồng bằng thẳng cánh cò bay tha hồ phân lô, kẻ tuyến. Nhưng lại vấp giải tỏa, thậm chí còn khó hơn thời giải tỏa các cánh đồng, ruộng rau làng Kim Liên, Trung Tự mấy chục năm trước.
Nói cho công bằng thì nếu không có các chủ đầu tư lớn tạo nên các khu nhà như Ciputra, The Manor, Trung Hòa Nhân Chính, Linh Đàm ...thì chắc Hà Nội chưa thể có những khu đô thị khá mới mẻ, hiên đại hôm nay. Có thể cái cổng vào chưa phù hợp, hệ thống điện nước còn kém, nhưng dẫu sao những ngôi nhà cao tầng ở đây đã giúp ta không phải ngỡ ngàng khi bước vào các khu chung cư ở Bắc Kinh, Thương Hải..
Cách đây hơn 20 năm, tôi sang Cộng hòa Dân chủ Đức, nhìn địa chỉ một người bạn thấy ghi rõ tên phố, có số nhà hẳn hoi, ấy vậy mà khi đến thực địa thì đó đang còn là một cánh đồng hoang xa tít mù tắp. Còn ở ta, làng thành phố mấy chục năm qua mà ngõ khúc quanh co, quanh co đường đi lối lại vẫn là con đường làng thưở trước, thậm chí còn hẹp đi rất nhiều bởi hai bên cùng lấn. Còn quản lý vẫn theo tổ cụm dân cư làng xã, trong lúc người dân ngụ cư tứ chiếng chẳng biết đâu mà tìm? Cần bàn tay kiến trúc sư trưởng cho những lối thoát này. Trách quy hoạch là trách như vậy! Mong quy hoạch là mong như vậy!
Xây nhà lô cốt là do ý thích mỗi người dân.
Bạn Thanh Lương kêu biệt thự của một khu nhà mới xây ven sông Hồng đang biến thành cái lô cốt thì quả thực là trách oan cho những người quản lý trên tầm vĩ mô. Tôi cũng như các bạn hàng ngày đi qua các dãy nhà “trăm hoa đua nở”, các ông chủ, bà chủ khoe tiền, khoe của mang cả mái dốc Bắc Âu trộn với vòm cong Trung Á. Tây, Tàu pha trộn, đông, tây lẫn lộn cũng khó chịu lắm, nhưng khi mỗi người mỗi trình độ, mỗi túi tiền, mỗi ý thích, với tư duy “nhà ta, ta cứ xây” thì kiến trúc sư trưởng cấp phường cũng không quản lý nổi chứ nói gì đến quận, thành phố.
Tôi sống ở Hà Nội sắp đến năm thứ 60, thế mà nhiều lần lạc vào các ngõ, ngách và cả “ngóc”, những nhánh xương cá len lỏi ở trong các cụm dân cư không thể tìm nổi lối ra. Tôi mong những khu vực này có một chút gì đó tác động của bàn tay quy hoạch. Nhưng hình như còn khó. Vậy mà những vùng Tứ Liên, Phú Thượng, Nhật Tân… dù được quy hoach, thiết kế nhưng không khéo lại sắp chật kín những khối nhà liền kề. Có vùng rao bán biệt thự rõ to, nhưng nhìn kỹ vẫn là những khu nhà liền kề kín cổng sát tường. Nếu như vậy thì còn đâu cái đẹp? Quỹ đất được giao trong tay,phải chăng vì muốn thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận cao mà các chủ đầu tư cứ xây càng nhiều nhà càng tốt.
Phải chăng từ nhà quản lý đến chủ đầu tư và cả mỗi một ông chủ, bà chủ chúng ta đều cũng đã góp phần làm méo mó diện mạo kiến trúc hôm nay?
-
Phan Lương Ánh
Ý kiến của bạn?