221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
967496
Biến công viên Thống nhất thành Disneyland: Nhà khoa học lên tiếng
1
Article
null
Biến công viên Thống nhất thành Disneyland: Nhà khoa học lên tiếng
,

(VietNamNet) - Trong nhưng ngày qua, dư luân xôn xao về Dự án Công viên Walt Disney và Dịch vụ Thương mại tại Công viên Thống Nhất, PGS.TS Hà Đình Đức qua VietNamNet đã gửi thư tới Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết để bày tỏ suy nghĩ của mình về dự án với mong muốn giữ được lá phổi xanh cho Thủ đô.


Kính gửi: Chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết,

Kính thưa Chủ tịch, tôi tên là Hà Đình Đức, PGS.TS Sinh học, là công dân của Thủ đô Hà Nội, Hội viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Hội viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Thủ đô.

s

Không chỉ vị trí trung tâm, 4 mặt tiền phố lớn, hồ đẹp, đất rộng mà Công viên Thống Nhất còn có những dải vỉa hè thoáng rộng như mơ... (Ảnh: T.A.N)

Vừa qua, thông tin trên các cơ quan công luận tôi được biết UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận về chủ trương để Công ty Vincom chuẩn bị dự án đầu tư vào Công viên Thống Nhất với số vốn khoảng 1.500 tỷ đồng. Công viên sẽ là hình ảnh thu nhỏ của Disney Land. Bên cạnh những hạng mục vui chơi, Vincom dự tính sẽ đầu tư bài bản một tổ hợp giải trí đẳng cấp quốc tế, ví như sàn nhảy, studio, phòng chiếu phim công nghệ 3D, 4D hàng đầu thế giới (Tienphongonline thứ sáu 02/02/2007). Tôi hết sức lo ngại nếu dự án này thực hiện Công viên Thống Nhất chắc chắn sẽ không còn là công viên cây xanh nữa và mất đi một di sản văn hóa!

Kính thưa Chủ tịch,

Nơi đây xưa kia vốn là vùng đầm hồ và bãi rác của 3 làng Vân Hồ, Thể Giao và Thiền Quang, phía đông là đất các làng cổ Vân Hồ, Thể Giao và Thiền Quang. Phía bắc là làng Thiền Quang, Pháp Hoa, Quang Hoa, Liên Thủy. Phía tây là làng Liên Thủy, Kim Liên (hồ Bảy Mẫu là của làng Kim Liên). Phía nam là làng Phúc Lâm Tiểu và Vân Hồ.

 

Từ cuối năm 1958, khu vực này được cải tạo, thế hệ sinh viên chúng tôi ngày ấy cùng với nhân dân Hà Nội đã đóng góp hàng vạn ngày công lao động đào đắp thành công viên với hồ nước lớn và hai hòn đảo nhỏ. Công trình khánh thành ngày 30/5/1961 mang tên Công viên Thống Nhất với niềm hy vọng để sớm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30/4/1975, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

 

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh của Lê-nin, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân thế giới, Công viên Thống Nhất được đổi tên thành Công viên Lê-nin (ngày 19/4/1980). Đến tháng 5/2003, Công viên Chi Lăng nơi có tượng Lê-nin đổi thành Công viên Lê-nin, Công viên Thống Nhất lại được trả lại tên cũ.

Công viên Thống Nhất có diện tích 27,8ha mặt đất và 21ha mặt nước. Trên mặt hồ có hai đảo nhỏ, diện tích 1,2ha. Đảo nằm giữa hồ với cây cối xum xuê, các đàn cò trắng thường về đây trú ngụ, gọi là đảo Hoà Bình, đảo bên hồ giáp với đường Lê Duẩn gọi là đảo Thống Nhất có cây cầu uốn cong bắc từ bờ đi vào đảo là nơi thu hút nhiều du khách đến công viên. Trên diện tích mặt đất công viên được trồng nhiều loại cây xanh và các bồn hoa trở nên xanh tốt tạo nên một trong những lá phổi của Thủ đô.

Mùa xuân năm 1960, Bác Hồ kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây từ ngày mồng 6 tháng giêng đến mồng 6 tháng hai, chào mừng 30 năm ngày thành lập Đảng. Trong tháng ấy, Bác yêu cầu mỗi người trồng ít nhất một cây sống. Ngày 11 tháng giêng năm ấy, Bác đã tự tay trồng cây đa trong Công viên Thống Nhất. Gần 50 năm qua, cây đa Bác trồng với hàng chục rễ lớn có đường kính hàng chục centimet cắm sâu trong lòng đất, tán cây toả bóng xum xuê trên một diện tích rộng lớn trở thành cây cổ thụ đẹp nhất công viên.

Công viên Thống Nhất và hai thảm cây xanh được coi là lớn nhất có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường Hà Nội là khu cây xanh trong Phủ Chủ tịch và vườn Bách thảo. Thảm cây xanh trong Phủ Chủ tịch hầu như không bị tác động còn giữ nguyên bóng dáng vốn có xưa kia. Thảm cây xanh vườn Bách thảo cũng còn tương đối nguyên vẹn.

Trong quá trình đô thị hoá đã có biết bao nhiêu công viên, vườn hoa đã bị xóa sổ như vườn hoa Cửa Nam phá đi để mở rộng nút giao thông. Công viên Thủ Lệ phải nhường chỗ cho các chuồng chim thú và các khu vui chơi, khách sạn DaeWoo, các nhà hàng. Hàng cây xanh trên các đường phố Phan Bội Châu, Khâm Thiên, hàng cây giữa dải phân cách đường giữa khu Kim Liên và Trung Tự… cũng phải đốn hạ để mở rộng đường giao thông cho thành phố. Rồi lại nhiều cây cổ thụ bị đốn hạ vì án ngữ mặt tiền các toà nhà cao tầng mới xây như nhà Tung Sinh phố Hàng Vôi, nhà Kim Đan 100 Lò Đúc, 10 cây xà cừ cổ thụ đốn hạ cho thoáng mặt tiền Vincom…

Nay lại đến lượt Công viên Thống Nhất sẽ biến thành “Công viên Walt Disney”. Không biết “Công viên Walt Disney” và tổ hợp giải trí đẳng cấp quốc tế, ví như sàn nhảy, studio, phòng chiếu phim công nghệ 3D, 4D hàng đầu thế giới sẽ chiếm bao nhiêu diện tích mặt bằng (?). Ngoài ra, chỉ riêng gara đỗ xe 5 tầng ngầm, trong đó 3 tầng với diện tích 90.000m2 sàn dành đỗ xe, hai tầng khác với diện tích 60.000m2 sử dụng kinh doanh thương mại. Vậy diện tích cây xanh còn lại bao nhiêu?

Nếu dự án này thực hiện, khu vực này sẽ bị đào xới tung lên và Công viên Thống Nhất sẽ thành đại công trường. Liệu khu công viên cây xanh này có còn là lá phổi của Thủ đô Hà Nội nữa không? Đó là chưa kể vốn dĩ giao thông khu vực này hiện đang là vấn đề bức xúc, nếu kéo theo những dịch vụ vui chơi “hấp dẫn” và dịch vụ thương mại, người xe ra vào nhiều sẽ tăng thêm cảnh ùn tắc.

Kính thưa Chủ tịch,

Theo Vụ Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng đề nghị, tỷ lệ đất cây xanh từ 8 - 10 m2/người đối với đô thị lớn và 4 - 7 m2/người đối với đô thị vừa và nhỏ. Hiện nay, chỉ số này tính trung bình trong các quận nội thành Hà Nội là khoảng gần 2 m2/người. Vì vậy, các công viên cây xanh trong nội đô nói chung là hết sức quý giá cho môi trường khi không còn quỹ đất dành cho cây xanh. Trong khi các toà cao ốc trong nội đô ngày càng nhiều, số người tập trung vào ngày càng đông. Đó là chưa kể những cây xanh già cỗi, sâu bệnh buộc phải đốn hạ, những cành tán cây hàng năm phải cưa chặt bớt để chống bão… Những cây mới được trồng thay thế phải vài chục năm sau khi phân cành, toả tán thì mới có ý nghĩa cho môi trường.

Công viên Thống Nhất hiện đang là vật báu của Thủ đô, không chỉ là thảm cây xanh, lá phổi của Hà Nội mà còn là một di sản văn hóa dân tộc, dấu ấn của thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đặc biệt cây đa Bác Hồ là tài sản Bác để lại cho các thế hệ con cháu nhớ đến Tết trồng cây - nay phong trào đã trở thành truyền thống văn hóa Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về.

Kính mong Chủ tịch xem xét và sớm có ý kiến chính thức trước khi dự án này trở thành hiện thực.

Kính chúc Chủ tịch mạnh khỏe lãnh đạo đất nước ta phát triển bền vững trên con đường đổi mới.

Kính thư

  • PGS.TS Hà Đình Đức

 

Ý kiến của bạn?


 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,