(VietNamNet) – Ngay sau khi đăng tải bài viết của bạn đọc An Thanh Lương Kiến trúc sư trưởng! Ông ở đâu?, VietNamNet đã nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc đồng tình, chia sẻ những bức xúc về sự phát triển tự phát, thiếu tầm nhìn quy hoạch dẫn đến bộ mặt đô thị Hà Nội luộm thuộm như hiện nay.
Ngã Tư Sở: Nhà cao nhà thấp với đủ các loại màu sắc khác nhau.
Nguyễn Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Bài báo "Kiến trúc sư trưởng! Ông ở đâu?" đã nói lên hộ những day dứt từ lâu của chúng tôi. Quả thật, quản lý kiến trúc và xây dựng ở Hà Nội quá kém! Những ví dụ mà bài báo nêu cũng chính là những bức xúc mà từ lâu chúng tôi phải chịu đựng nhưng chưa có dịp nói.
Ngay từ khi tòa nhà Trung tâm Phụ nữ và sự phát triển chưa hoàn thiện, tôi đã thấy đây như một cái gai đâm vào mắt mình mỗi khi đi qua, đến mức độ tôi nghi ngờ về khả năng thiết kế cũng như phê duyệt ở Hà Nội.
Tôi không học về kiến trúc nhưng tin rằng nếu được đào tạo cơ bản thì không ai để một khu đô thị như Ciputra ở ngay cửa ngõ Thủ đô với các dãy nhà như trại lính, cổng chào đầy ngựa và những hoa văn xa lạ…
Tất cả làm tôi liên tưởng đến dãy nhà tập thể ở Bắc Thanh Xuân trông ra đường Nguyễn Trãi với ban công được đắp thêm các lỗ châu mai xây vào thập kỷ 80 thế kỷ trước, hồi đó tôi đã đặt câu hỏi là tại sao một kiến trúc sư lại có thể làm như thế này. Và còn cả người phê duyệt nữa!
Chúng ta có thể thấy ngay trình độ kiến trúc khi so sánh các toà nhà do người Việt Nam thiết kế ở Hà Nội như Uỷ ban về người nước ngoài, NXB Kim Đồng… ở đường Bà Triệu với các nhà do người nước ngoài làm cũng ở gần đấy. Trừ một số khu phố cũ do Pháp quy hoạch trước kia tương đối hoàn chỉnh thì văn phòng kiến trúc sư trưởng thành phố đã làm gì mấy chục năm qua với các khu đô thị mới lộn xộn như Thanh Nhàn, Nghĩa Tân, Hào Nam…?
Chúng ta có thể thuê người nước ngoài làm huấn luyện viên bóng đá, điền kinh, vật… vậy thì tại sao không thuê kiến trúc sư trưởng là một người nước ngoài có trình độ? Thành tích của một vận động viên hay đội bóng theo tôi không ảnh hưởng lâu dài tới Thủ đô bằng những toà nhà hay khu đô thị xấu.
Nguyen Dung, Hà Nội
Rất hoan nghênh bạn An Thanh Lương đã viết bài báo và nêu ra vấn đề bức xúc của đô thị Hà Nội, đó là tình trạng phát triển tự phát và thiếu thẩm mỹ. Tôi cũng thấy rất thích thú với tiêu đề bài báo “Kiến trúc sư trưởng! Ông ở đâu?”. Những năm qua, Hà Nội đã có mấy thế hệ làm kiến trúc sư trưởng rồi có hẳn Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhưng dường như những người có trách nhiệm “ngủ quên” trong công việc của mình, vì thế Hà Nội mới nổi danh cả nước về nhà siêu mỏng, chuyện “cắt ngọn” công trình…
Tôi cũng đã từng vào Trung tâm Hội nghị quốc gia. Đúng như tác giả Thanh Lương nhận xét, ở đó cây trồng không theo quy hoạch nào cả. Và công bằng mà nói, nhìn bề ngoài không thấy đường nét kiến trúc nào của trung tâm đẹp cả. Cả khu vực trông tựa một công trình quân sự với hàng loạt tấm pin mặt trời đen sì chặn ở mặt tiền trông ra đường Phạm Hùng. Mặt tiền công trình có không gian rộng đủ để các nhà kiến trúc sư sáng tạo còn bị như vậy thì các công trình khác thế nào? Việc kêu lên “Kiến trúc sư trưởng! Ông ở đâu?” là rất cần. Một lần nữa hoan nghênh tác giả bài viết và Báo VietNamNet.
Một bạn đọc, Hà Nội
Tôi rất tán thành với tác giả Thanh Lương về sự thiếu vắng của một kiến trúc sư trưởng có tầm nhìn chiến lược và quyết sách của chính quyền về quản lý quy hoạch kiến trúc.
Tôi cũng là một kiến trúc sư, tuy có thể không so sánh với các bậc tiền bối, nhưng tôi có cái tâm làm đẹp bởi những cái đẹp hoàn mỹ mới tồn tại và trường tồn theo thời gian.
Một so sánh rất dễ nhìn ra là quy hoạch các đô thị trên thế giới đã xây dựng trước ta cả 2 thế kỷ nhưng đến giờ vẫn đẹp và tồn tại nhưng ở Việt Nam thì lộn xộn và kệch kỡm. Các nhà quy hoạch Việt Nam chưa đưa ra được một chiến lược có tính ổn định và bền vững mà chỉ 5 năm lại điều chỉnh quy hoạch. Tôi không hiểu kinh tế đã chi phối lý trí của các nhà quản lý hay là trình độ của các kiến trúc sư trưởng có hạn?
Võ Tuấn Anh, ĐH KTQD
Đô thị Hà Nội đang thiếu tầm nhìn quy hoạch.
Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn Thanh Lương. Việc quy hoạch đô thị ở Hà Nội hiện nay đang bộc lộ rất nhiều yếu kém. Tôi cảm nhận rằng các cơ quan chức năng chưa có tầm nhìn dài hạn cho vấn đề quy hoạch đô thị.
Hãy thử nhìn vào khu nhà gần cầu vượt ở Ngã Tư Sở mới được hoàn thành xem, nhà cao nhà thấp với đủ các loại màu sắc khác nhau theo khiếu thẩm mỹ của từng chủ nhà. Rồi chính quyền thành phố còn định lấy đất ở các công viên để xây dựng các công trình trong khi cây xanh ở thành phố chúng ta là rất ít.
Tôi không thể hình dung được bộ mặt của thành phố sẽ như thế nào nữa trong tương lai. Tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có cái nhìn tổng quát về vấn đề quy hoạch đô thị để Hà Nội không những giàu hơn mà còn sạch, đẹp và văn minh hơn.
Hoai Linh, Hà Nội
Hà Nội hôm nay với kiến trúc lộn xộn, thiếu cây xanh, nhà cơi nới, lấn chiếm… cho thấy lãnh đạo thiếu cái tâm với Hà Nội. Chúng ta không yêu Hà Nội thì Hà Nội không thể đẹp được.
Tôi xin đóng góp một câu hỏi là tại sao Hà Nội định xây trường đua ngựa mà không quy hoạch đất để xây bệnh viện? Bệnh viện ở Hà Nội hiện nay đang quá tải, xây thêm bệnh viện có thể phục vụ hàng triệu người, trong khi đó trường đua ngựa chỉ phục vụ vài ngàn người mà thôi. Hơn nữa, chúng ta đã có trường đua ngựa cách 20km ở tỉnh bạn rồi. Phải chăng chỉ thích sinh lời?
Ở các nước trên thế giới, bệnh viện thường nằm rìa thành phố hoặc những nơi mật độ dân cư thưa thớt chứ không như ở ta, tại sao chính quyền thành phố không quan tâm đến vấn đề này? Chúng ta chuyển các bệnh viện trung tâm ra khu mới (thay vì xây trường đua ngựa), lấy đất hiện tại xây dựng cao ốc, văn phòng cho thuê vừa có nguồn thu cho thành phố, vừa bảo đảm môi trường, vừa giảm ách tắc giao thông. Các nhà báo hãy chuyển ý kiến của người dân yêu Hà Nội đến lãnh đạo thành phố.
Trần Quyên, tranquyen@mail.ru
Tôi tán thành với bài viết này. Thành phố Hà Nội xét về kiến trúc tổng thể thì quá xấu nếu so với thành phố của các nước khác. Do xây dựng không có quy hoạch nên nhà quá dày đặc, chiếm hết diện tích dành cho cây xanh, sân chơi, chỗ để xe và đường giao thông. Trong khi đó, nhà do dân tự xây chủ yếu là nhà thấp tầng không theo một lối kiến trúc nào, vừa lãng phí đất vừa mất mỹ quan. Đường phố thì nhỏ hẹp, chưa mưa đã bị ngập cục bộ, thoát nước không kịp, tắc đường triền miên. Tôi không thấy ai phê phán hay nhận trách nhiệm về hậu quả trên, có thái độ tiếp thu và làm cho thành phố văn minh, hiện đại hơn, chỉ thấy báo chí nêu, sau đó đâu lại vào đấy, như cũ.
Đỗ Quang Điệp, Anh
Nói về xây dựng thì Việt Nam còn nhiều điểm yếu lắm. Một thí dụ điển hình là đường cao tốc. Ở các nước tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ… hai bên đường cao tốc không bao giờ được xây nhà ở, vì làm như vậy rất nguy hiểm cho con người, hạn chế tốc độ xe... Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Đó là một sai lầm vô cùng lớn. Mong Bộ Giao thông vận tải cùng chính quyền thành phố xem xét lại càng sớm, càng tốt.
Phạm Chánh, H2 Thành Công Hà Nội
Tôi là một người Hà Nội, gia đình tôi đã sống ở đây đến đời thứ 5. Tôi rất bức xúc về việc xây dựng vô tổ chức, thiếu văn hoá và tầm nhìn của Thủ đô, làm cho Hà Nội "mỗi ngày lại xấu thêm". Buồn mà không biết nói cùng ai. Nay được đọc bài này, tôi vô cùng cảm ơn tác giả, một người rất am hiểu về kiến trúc đô thị nói chung và xây dựng Thủ đô. Tôi mong ông sẽ viết tiếp những bài như thế, đến được tai các nhà quản lý để họ dành chút thời gian suy nghĩ lại.
Nguyễn Diệp, Núi Thành, Quảng Nam
Tôi rất tâm đắc với bài báo của tác giả An Thanh Lương về chức danh kiến trúc sư trưởng. Đúng là các thành phố lớn của chúng ta có chức danh này nhưng chức trách của nó thì lại là của các vị chức sắc chính quyền. Vì vậy mới có sự phát triển hỗn độn, bất cập như đã chứng kiến tại các thành phố của chúng ta: Nhà cửa xây dựng nhìn vào chẳng biết ở xứ sở nào, đường sá nhằng nhịt, luôn bị đào bới lung tung, hệ thống thoát nước thì mưa một tí đã ngập...
Theo tôi, chúng ta phải qui định rõ bằng luật về chức năng và quyền hạn của kiến trúc sư trưởng để có sự phân định rạch ròi trách nhiệm về sự phát triển đô thị nhằm tránh lãng phí tiền của của nhân dân và Nhà nước. Sự phát triển chỉ bền vững khi phát triển trên nền trí tuệ.
Trương Hà Nội
Mình kiến trúc sư trưởng chịu trách nhiệm liệu có công bằng?
Kiến trúc đô thị Hà Nội luộm thuộm, cảnh quan bị phá vỡ, nhà siêu mỏng...những vấn đề này gắn liền với sự yếu kém của Công tác Quy hoạch kiến trúc, quy hoạch đất đai của từng khu vực và của toàn thành phố. Ai cũng biết vậy thậm chí dư luận còn cho rằng quản lý quy hoạch kém nhưng tạo ra cơ hội "xin cho" đối với quan chức, chứ quản lý tốt thì "làm sao đục nước béo cò" được. Kiến trúc sư trưởng có giỏi và tâm huyết đến mấy nhưng không có thẩm quyền đầy đủ, vẫn bị " vỡ quy hoạch" thì có trời mới làm cho Thành phố đẹp được.
Còn ai phải chịu trách nhiệm ở đây nữa chứ? Tại sao các dự án liên quan đến nhà ở, sử dung đất đai của Hà Nội cứ loay hoay , xen kẽ,. hạ tầng không đồng bộ...mà quá ít dự án tầm cỡ để giải quyết căn bản sự bức xúc về nhà ở, văn phòng làm việc cho dân, có người bạn tôi cho rằng "quan nhiệm kỳ" việc gì phải lo lâu dài, làm dự án "nhỏ, ngắn, nhanh" thành tích thấy rõ mà ít đụng.chạm. Quỹ đất Hà Nội đâu có thiếu nhưng " người ta vẫn thích làm thế". Ai cũng hiểu nhưng tình hình vẫn thế!
Phan Lương Trung Tự
Nếu tất cả quy vào kiến trúc sư trưởng tôi e cũng không công bằng. Các chủ đầu tư, đặc biệt là nhà dân thì đúng là : Nhà ta ta cứ xây...kiểu cách lung tung, mái dốc Bắc Âu, vòm tròn Trung Á ...có cả lai tạp tàu ta...chẳng lẽ cấm họ được ư? Nhiều khu tập thể trước đây, người thiết kế cũng dành ra không ít diện tích " công cộng " nhưng úm ba la ...nhà nào nhà nấy chòi ra...biến đất công thành, thành quán ...cứ như vậy thì kiến trúc sư trưởng phường cũng không quản nổi làm sao nói kiến trúc sư trưởng thành phố.
Tôi cho rằng, cùng với quy hoach cần phải coi trọng Luật pháp và có cơ chế giúp cho người dân thực hiện quy hoạch thì tính hữu hiệu của quy hoach mới cao. Thí dụ, đã có người đề xuất khi mở đường cần giải phóng sâu vào lấy đất xây nhà cao tầng tái định cư ...như vậy thì làm sao có nhà bé tẹo mặt phố ?
Ý kiến của bạn?