Trong quá khứ, không ít lần chúng ta đã lạc quan quá sớm. Ở miền Bắc, khi xây xong Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình sẽ phải xuất khẩu điện; ở miền Nam, khi có Thủy điện Trị An sẽ vĩnh viễn chấm dứt tình trạng mất điện. Điều này cho thấy, tầm nhìn của chúng ta nói chung và của ngành điện nói riêng còn hạn chế dẫn đến những qui hoạch manh mún, nhanh bị lỗi thời và gây lãng phí lớn.
Phải nói rằng, từ khi đất nước mở cửa đến nay, ngành điện cũng đã có những dự báo khá sát nhu cầu điện, qua đó, hoạch định những dự án cần phải làm trong tương lai ngắn hạn, trung hạn và dài hạn một cách khá chính xác.
Thiếu điện chỉ biết cắt điện? Ảnh minh họa.
Với tốc độ phát triển kinh tế tăng bình quân từ 7-8%/năm, điện năng phải tăng 15%/năm mới đáp ứng nhu cầu. Căn cứ vào dự đoán đó, hàng loạt dự án điện đã được qui hoạch theo các tổng sơ đồ đến năm 2020, 2030 bao gồm cả thuỷ điện, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, tua bin khí hỗn hợp và cả điện hạt nhân, trong đó, các dự án thủy điện chiếm tỷ trọng khá lớn cả về số lượng dự án, qui mô công suất và vốn đầu tư.
Tại thời điểm hiện nay, hơn 20 dự án thủy điện lớn và vừa đang triển khai đồng loạt suốt chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam. Chính phủ cũng đã thể hiện ưu tiên số một cho các dự án này bằng cơ chế 797/400 với kỳ vọng sẽ rút ngắn tiến độ của các dự án và cho phép chỉ định thầu các tổng công ty trong nước nhằm phát huy nội lực. Thực tế, khi áp dụng cơ chế này đã cho phép khởi công sớm các dự án thủy điện ngay khi chỉ mới hoàn thành thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 (mà thực chất chỉ nhỉnh hơn thiết kế cơ sở trong báo cáo khả thi một chút), còn hàng loạt những khó khăn khi áp dụng cơ chế này chưa được đánh giá đúng mức.
Khởi công dự án sớm không phải là tất cả, những đứa trẻ sinh non sẽ phải kéo dài thời gian và tăng chi phí cho nuôi dưỡng, chăm sóc và trưởng thành. Cho đến nay, hầu hết các dự án thủy điện trên cả nước, kể cả các dự án theo cơ chế 797/400 này đều chậm tiến độ, nguyên nhân chung thì đều cho là do khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng thực chất theo tôi còn có nguyên nhân chủ quan của các đối tác tham gia xây dựng dự án, đó là:
Về phía chủ đầu tư, khi các dự án mở ra khắp nơi, một ban quản lý dự án phải đảm đương nhiều dự án cùng lúc, có khi đến 4-5 dự án thì vấn đề nhân lực là một bài toán khó, nhất là khi không có tư vấn nước ngoài phụ giúp việc giám sát thi công thì khó khăn lại càng chồng chất. Trong khi đó, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế chưa được tháo gỡ như định mức, đơn giá, chế độ chính sách...
Quản lý dự án là một nghề nhưng nghề này chưa có trong danh mục đào tạo ở Việt Nam mà chủ yếu chỉ là tập huấn ngắn ngày. Hầu hết cán bộ của các ban quản lý đều phải làm việc theo kinh nghiệm là chính, do vậy, việc tuyển dụng nhân viên mới ra trường làm giám sát, làm quản lý dự án là việc cực chẳng đã. Xây dựng dự án thuỷ điện là công việc ẩn chứa rất nhiều rủi ro cả về tự nhiên (địa chất, thủy văn…) và xã hội (chế độ, chính sách…); việc xử lý các vướng mắc tại hiện trường vốn rất phức tạp này không thể nhanh chóng nếu không có kinh nghiệm.
Về phía tư vấn thiết kế, phải nói rằng lực lượng tư vấn thiết kế thuỷ điện trong nước ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, thế nhưng vẫn chưa thể theo kịp tốc độ tăng trưởng các dự án thủy điện. Nhiều hạng mục tư vấn trong nước không thể đảm đương nên phải thuê tư vấn nước ngoài chẳng hạn như các thiết bị cơ - điện. Tình trạng “tắc thiết kế” ở các dự án thuỷ điện xảy ra thường xuyên khi thiết kế không theo kịp thi công; cán bộ thiết kế giám sát tác giả không giải quyết kịp thời các phát sinh, thay đổi tại hiện trường; chất lượng các đồ án thiết kế không phải lúc nào cũng cao nên khi thi công mới thấy bất cập, v.v.. và v.v.., đây cũng đã và đang là nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công.
Về phía các nhà thầu trong nước, năng lực thi công các dự án thuỷ điện của các nhà thầu trong nước thời gian qua đã tăng lên đáng kể sau những công trình thủy điện lớn như Hoà Bình, Yaly, Trị An… Trình độ quản lý và công nghệ cũng đã được nâng lên một bước sau khi làm thầu phụ cho các tập đoàn tư bản lớn tại các dự án đấu thầu quốc tế như Hàm Thuận, Đa Mi, Đại Ninh… thế nhưng, thực tế cũng vẫn chưa thể theo kịp yêu cầu ở các dự án thủy điện đang mở ra trên khắp cả nước hiện nay, chưa đáp ứng ở đây là cả về nhân lực, vật lực (trang thiết bị, máy móc thi công...) và công nghệ, nhất là với công nghệ thi công đập bê tông đầm lăn đang được áp dụng đại trà ở nhiều dự án thuỷ điện hiện nay.
Khi bị chủ đầu tư ép tiến độ ở dự án này, nhân lực, vật lực ở dự án kia sẽ được chuyển đến và do vậy, lợi bất cập hại khi nhìn ở góc độ toàn cục. Gánh nặng thì nhiều nhưng khả năng thì có hạn nên chậm tiến độ là điều dễ nhận thấy.
Ngoài ra, các mối quan hệ trong quản lý điều hành ở các dự án theo cơ chế 797/400 này cũng còn nhiều bất cập. Đối với các hợp đồng quốc tế, hợp đồng ký kết giữa 2 bên là pháp lý và bắt buộc phải tuân theo, nếu không sẽ bị phạt hợp đồng, nhất là phạt chậm tiến độ và phạt kém chất lượng; do vậy, các nhà thầu luôn nỗ lực để hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng yêu cầu. Còn ở các dự án theo cơ chế 797/400 của ta, nhà thầu do Chính phủ chỉ định là các tổng công ty lớn, có khi còn “oai” hơn cả chủ đầu tư. Hợp đồng giữa các nhà thầu với chủ đầu tư đã có những khiếm khuyết ngay từ ban đầu, chẳng hạn như giá hợp đồng (là yếu tố quan trọng nhất của 1 hợp đồng kinh tế) thì phải chờ tổng dự toán được duyệt, có khi phải vài năm sau khi ký hợp đồng. Các ban quản lý dự án rất khó điều hành nhà thầu vì còn có nhiều cấp nặng ký hơn can thiệp, do vậy, quan hệ hợp đồng nhiều khi bị vi phạm nghiêm trọng.
Vậy giải pháp nào cho thực trạng nêu trên? Nên chăng cần xem xét 2 giải pháp chính sau:
Thứ nhất, trong thị trường xây dựng khổng lồ tại Việt Nam hiện nay, thị trường xây dựng thuỷ điện cũng cần có sự tham gia của các tập đoàn tư vấn và nhà thầu nước ngoài khi mà các hãng trong nước đang trở nên quá tải. Cạnh tranh là động lực để phát triển, các nhà thầu trong nước có thể học tập được rất nhiều mà không phải “du học” khi cùng tham gia với các hãng nước ngoài tại Việt Nam, đây sẽ là tiền đề quan trọng để hoàn thành các dự án điện đã qui hoạch trong nước đúng tiến độ cũng như để các nhà thầu Việt Nam có thể vươn ra biển lớn trong tương lai gần.
Thứ hai, trong một xã hội phát triển, không thể thiếu luật pháp và mọi người phải tuân thủ luật pháp. Trong một dự án hiện đại, có nhiều đối tác tham gia không thể thiếu một hợp đồng chặt chẽ và mọi đối tác tham gia phải tuân thủ hợp đồng. Hợp đồng trong 1 dự án giống như luật pháp trong 1 xã hội, không thể có ai đó đứng ngoài pháp luật để can thiệp các bên. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong môi trường hội nhập hiện nay. Các mẫu hợp đồng và các qui định chung đã được các tổ chức quốc tế lập sẵn (như FIDIC, WB, ADB, JBIC…), chúng ta có thể tham khảo và áp dụng riêng cho điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
-
Quốc Thịnh, TP. HCM, email: quocthinh027@yahoo.com
Ý kiến của bạn?