(VietNamNet) - Chúng ta đang phấn đấu phổ cập giáo dục các cấp, khuyến khích học sinh, đặc biệt là học sinh nông thôn. Vậy, nếu tăng học phí, liệu chúng ta có phổ cập được không? Không tăng mà nên tiến tới giảm và miễn học phí. Đây là ý kiến của rất nhiều người dân gửi tới VietNamNet trao đổi về vấn đề tăng học phí.
Tăng nguồn thu, nâng cao chất lượng không nhất thiết phải tăng học phí
Tăng học phí, liệu chất lượng dạy học có tăng? (Ảnh: VietNamNet) |
Các trường học tỏ ra hoan hỉ vì cho rằng, tăng học phí sẽ tạo nguồn thu đáng kể để cải thiện chất lượng giáo dục. Nhưng liệu khi học phí tăng, chất lượng giáo dục có được tăng theo, đó là điều lo lắng của hầu hết các bậc phụ huynh. Bạn Nguyễn Anh Vũ, Lào Cai, email: anhvu_172@yahoo.com.vn, có suy nghĩ rằng chưa chắc tăng học phí sẽ tăng chất lượng giáo dục: "... nếu tăng học phí, dân nghèo không có tiền cho con đi học, sẽ dẫn đến thất học cho tầng lớp dân nghèo, như vậy, con em dân nghèo sẽ lại thất nghiệp - càng ngày sẽ càng phân hoá giàu nghèo trong xã hội. Điều đó có hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước không? Theo tôi, không thể tăng học phí được. Trước đây, đất nước ta còn nghèo mà chúng ta vẫn học hành đầy đủ đó thôi? Còn bây giờ chất lượng giáo dục thế nào? Con nhà giàu, nhiều tiền thì đi học đại học rồi ra nước ngoài học lấy bằng cử nhân, thạc sĩ... . Còn nhà nghèo thì lấy tiền đâu cho con ăn học đây? Với một người dân thu nhập bình thường ở thành phố (hai vợ chồng hơn hai triệu) với đủ thứ chi phí thì nuôi một đứa con đi học đã quá vất vả thì người nông dân một năm thu nhập mấy tạ thóc thì làm sao cho con đi học được đây?".
Để tăng nguồn thu nâng cao chất lượng giáo dục là một chuyện tất nhiên phải làm, nhưng chỉ nghĩ đến tăng học phí thôi thì không phải là giải pháp của một nền giáo dục hiện đại và phù hợp với điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay. Bạn Đặng Văn Tuyên, Hà Đông, Hà Tây, email: tuyen.geoviet@gmail.com có ý kiến: "... đầu tư cho giáo dục nước ta còn ở trạng thái cào bằng, có nghĩa là kể cả người giàu lẫn người nghèo được hưởng mức ưu đãi của Nhà nước cho giáo dục như nhau. Việc tăng học phí sẽ là vấn đề nhỏ đối với những gia đình có thu nhập cao nhưng lại là một khó khăn lớn đối với các gia đình nghèo. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần phải nghiên cứu để thay đổi chính sách cào bằng hơn là tăng học phí đồng loạt".
Học sinh ở nông thôn, miền núi được ưu đãi gì?
Học sinh ở nông thôn, miền núi được ưu đãi gì? (Ảnh: VietNamNet) |
Bạn Vũ Thị Vân, Hải Phòng, email: anhsaomotrongdem@hopthu.com, lo lắng cho các hộ gia đình nghèo ở nông thôn: "Nhiều con em ở nông thôn không có điều kiện theo học tiếp vì họ quá nghèo, như vậy, cũng cần phải có chính sách để giúp đỡ những học sinh nông thôn có thể được học để thực hiện mơ ước của mình và đảm bảo được nguồn nhân lực trí thức ở nông thôn".
Tăng học phí là điều khó cho người nghèo là suy nghĩ của bạn Phan Thị Kiều Diễm, Biên Hòa, Đồng Nai, email: emditimanh_17: "Tại sao phải tăng học phí như thế? Điều này cần phải xem xét kĩ so với thực tế. Đất nước ta vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn chưa giải quyết hết. Đối với người giàu thì sao và đối với người nghèo thì sao? Người giàu thì mức sống của họ cao nên vấn đề này không phải lo ngại gì. Có người làm quần quật mãi mà không đủ ăn, lấy gì cho con cái mình ăn học? Nên cần phải xem xét kĩ trước khi đưa ra quyết định cụ thể".
"Tôi chắc chắn một điều là sau khi mức học phí được ban hành thì sẽ có rất nhiều trẻ em ngoại thành sẽ phải nghỉ học. Và tôi thấy thật đáng suy nghĩ khi trên một tờ báo nọ có nêu lên ý kiến của các vị hiệu trưởng của các trường trong thành phố về việc tăng học phí. Hầu như tất cả đều có vẻ như rất mừng rỡ và tán thành chuyện tăng học phí này một cách nhiệt liệt, thậm chí có một vị hiệu trưởng của một trường trong TP.HCM nói rằng: "Cứ áp dụng mức học phí đó, nhưng nhà trường, hiệu trưởng, thầy cô và các bạn học sinh trong lớp sẽ rà soát kỹ, quyết không để sót em học sinh nào. Có nghĩa là sau khi được tất cả những người đó rà soát, nếu em nào thật sự quá nghèo thì sẽ được nhà trường miễn giảm học phí, còn em nào hơi nghèo một chút thì sao nhỉ? Thử tưởng tượng xem nếu như lời nói của vị hiệu trưởng đó được tiếp nhận thì điều gì sẽ xảy ra? Từng học sinh trong nhà trường sẽ phải chịu đựng sự xoi mói của thầy cô và bạn bè xem nhà mình thuộc loại tầng lớp gì, giàu hay nghèo. Và trong toàn trường sẽ có sự bàn tán rất sôi nổi giữa các em HS, lúc đó em nào có gia đình giàu có thì vô cùng tự hào trước các bạn và thầy cô, còn em nào thuộc gia đình quá nghèo hoặc hơi bị nghèo thì... !? Ai cũng biết, những em đó cảm thấy như thế nào!", ý kiến của bạn Minh Quân, Q.2, email: anglel2025_15@yahoo.com.
Tôi phải nghỉ học sớm vì điều kiện kinh tế
Xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp và bản thân phải nghỉ học sớm do điều kiện kinh tế, bạn Nguyễn Thị Khuyên, Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang than: "Thời gian gần đây, tôi có được nghe rất nhiều ý kiến về việc Bộ Giáo dục muốn tăng học phí. Thực sự, tôi thấy rất buồn, cho dù việc gì cũng có hai mặt lợi và hại nhưng ta nên xem xét lại trường hợp này. Tình hình đất nước hiện nay còn nghèo khó, chúng ta nên mở rộng cánh cửa học đường để các em nhỏ bước vào tương lai. Bản thân tôi phải nghỉ học sớm vì nhiều lý do nhưng điều lớn nhất là do kinh tế. Gia đình tôi làm nông nghiệp nên kinh tế còn khó khăn. Đa số các gia đình ở nông thôn cho con cái nghỉ học từ rất sớm để kiếm tiền. Tôi còn nhớ ngày mình đang học, trong danh sách thu học phí ở lớp, lúc nào tôi cũng đứng cuối danh sách vì tiền đóng quá muộn. Hiện, tôi có hai đứa em còn đi học, bố mẹ già phải lo nhiều khoản, không biết giờ đây sẽ thế nào khi mỗi tháng lại phải lo thêm một khoản tiền nữa. Đây không phải là nỗi lòng riêng của tôi mà là của rất nhiều người dân lao động khác. Rất mong Bộ Giáo dục xem xét lại quyết định này".
"Tôi đã ra trường và bây giờ đã làm việc tại 1 cơ quan nhà nước, có lẽ đây là 1 lựa chọn đúng của một người con nhà nông như tôi. Tôi còn nhớ rất rõ, khi mẹ tôi là người đầu tiên nhận được tin báo tôi đã đỗ đại học, niềm vui, chút niềm hạnh phúc và những dòng nước mắt của mẹ tôi và tôi tuôn trào. Vui là tôi đã đạt được ước mơ của tôi và niềm tin của cả gia đình, nước mắt là những niềm đau của một người khắc khổ như cha mẹ tôi, cả đời tần tảo nuôi anh em chúng tôi, mong sao cho nên người. Mẹ ôm tôi vào lòng và 2 mẹ con cùng òa khóc, không biết những chuỗi ngày về sau sẽ như thế nào? Con đi học? Tiền đâu để theo học? Nghỉ học? Thương con không nỡ đành!...", bạn đọc ở địa chỉ email: masternotasys@yahoo.com tâm sự.
Có phải cải cách ngược!!!
Bạn Phạm Tùng, Hà Nội, email: phambaotung@yahoo.com bày tỏ sự ngạc nhiên đối với những hoạch định về phát triển giáo dục: "Vấn đề học phí đáng nhẽ định hướng tăng phải từ cấp học cao xuống cấp học thấp, tức là bắt đầu tăng từ cấp sau đại học, đại học, phổ thông, rồi mới đến mầm non và phải tăng từng bước, từng giai đoạn chứ không thể cùng một lúc tăng ngay tất cả các cấp học và càng không thể đi ngược tăng từ cấp học mầm non, tiểu học, như thế làm sao hoàn thành được các chương trình phổ cập giáo dục.
Trong khi đó, cải thiện chất lượng đào tạo thì tôi lại thấy chỉ hô hào ở cấp đại học, phê phán cách dạy, cách học và kiến thức ở bậc học này. Làm sao các trường dạy theo phương pháp mới, kiến thức hiện đại khi mà cách học ở bậc phổ thông chưa phát triển, học sinh vẫn thụ động và không sáng tạo, thực hành chỉ mang tính hình thức. Nếu chúng ta thay đổi dần, từ các cấp học thấp đến cấp học cao thì sẽ tạo động lực để các cấp học cao tự phải thay đổi, thầy cô phải tự bổ sung để theo kịp với học sinh".
Một số giải pháp
Từ trước đến nay, ai cũng đều biết giáo dục luôn luôn đi kèm với sự phát triển của một quốc gia. Tức là có đầu tư cho giáo dục thì đất nước mới phát triển. Bạn Đặng Văn Tuyên, Hà Đông, Hà Tây, email: tuyen.geoviet@gmail.com đã nêu ra một giải pháp để khắc phục tình trạng cào bằng trong giáo dục như: "Cho phép mở các trường dân lập chất lượng cao (kể cả trường quốc tế), thu học phí cao, lấy những khoản thu đó bù lại cho các trường công lập. Các gia đình có thu nhập cao sẵn sàng cho con em mình học ở trường chất lượng cao trong khi không cần phải nâng cao học phí đối với con em các gia đình nghèo. Làm như vậy, vừa tạo ra sự công bằng trong giáo dục (có nhiều tiền phải được học trường chất lượng) vừa tạo ra sự đa dạng, tính cạnh tranh giữa các trường, vừa khắc phục được tình trạng đầu tư cào bằng cho giáo dục, người giàu sẽ được đầu tư ít hơn, người nghèo được đầu tư nhiều hơn, sẽ tạo điều kiện cho các gia đình nghèo vẫn có thể cho con em mình đi học. Cái khó chỉ là năng lực quản lý của ngành giáo dục mà thôi. Nhưng thiết nghĩ nếu Bộ Giáo dục quyết tâm thì hoàn toàn vẫn có thể làm được".
Nếu tăng học phí hoặc không có biện pháp gì để tạo điều kiện cho những em học sinh nghèo vượt khó thì đã lãng phí không ít lượng chất xám cho đất nước. "Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những biện pháp để cải thiện tình hình này, hoặc có mức thu phí khác nhau theo từng đối tượng; hoặc tăng mức học bổng; hoặc liên kết với các doanh nghiệp, ngân hàng có chính sách cho vay ưu đãi; hoặc có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ như giới thiệu sinh viên đi làm ngoài giờ tại các đơn vị, doanh nghiệp theo chuyên môn của sinh viên, ngoài việc kiếm thêm thu nhập mà còn được tiếp xúc với chuyên môn, kỹ năng công việc, khắc phục được chi phí phải đào tạo, đào tạo lại như hiện nay", gợi ý của bạn M.T.L, HCM.
Miễn học phí: Kinh nghiệm từ nước bạn
Sinh viên Thái Lan vui chơi tại vườn Quốc gia Khai Yai. (Ảnh: citc-hou.edu.vn) |
"Qua báo chí, tôi được biết Cuba là một nước XHCN nhưng nghèo hơn VN, người dân không phải đóng học phí và được chữa bệnh miễn phí. Còn Thái Lan thì từ trước đến nay, người dân được miễn đóng học phí từ mầm non đến hết cấp 3, nay họ đang tính đến lộ trình miễn phí luôn ở 4 năm đại học. Tôi nghĩ rằng, có lẽ, hiện nay, có hàng triệu gia đình có con đang đi học mong ước được như ở Cuba hoặc Thái Lan ", bạn Minh Quân, Q.2, email: anglel2025_15@yahoo.com trao đổi.
"Cuba và CHDCND Triều Tiên khó khăn hơn chúng tá nhiều mà họ còn lo cho con cháu được học hành mà không phải đóng học phí. Vậy sao chúng ta cứ phải tăng học phí liên tục như vậy?", bạn Nguyễn Nghiêm Nghị, Long Biên, Hà Nội, email: jNNN6047@yahoo.com thắc mắc.
.
"Ở Thái Lan, trẻ em đi học đâu có tốn tiền! Hiến pháp Thái Lan năm 1997 Điều 48 ghi rõ: Chính phủ Thái đảm bảo cung cấp cho mọi công dân của mình một chương trình học tập miễn phí 12 năm. Hệ thống trường phổ thông công lập cũng như trường dạy nghề bậc phổ thông trên toàn quốc là miễn phí hoàn toàn. Ở vài thành phố lớn, trường tư và trường quốc tế cũng khá mạnh, nhưng chủ yếu dành cho con em các gia đình có thu nhập cao như tướng lĩnh quân đội, quan chức nhà nước, giới doanh nhân... với mức học phí từ vài trăm đến vài nghìn USD/năm. Chính phủ không can thiệp vào chuyện thu học phí của các trường này, nhưng trường tư có mức thu khá mềm, còn trường quốc tế thì giá cao hơn, tùy vào chất lượng và tiếng tăm của nó.
Mới đây, nhiều thành viên trong Hội đồng soạn thảo hiến pháp (CDA) của chính quyền quân sự tạm thời đã đề nghị thay đổi Điều 48, nâng thời gian miễn phí lên không ít hơn 15 năm, nghĩa là miễn phí cả bậc đại học. Tuy đề nghị này chỉ nhận được 32 phiếu thuận, còn 40 phiếu khác ủng hộ việc duy trì hệ thống miễn phí 12 năm, nhưng cũng cho thấy Thái Lan đang nỗ lực hướng tới miễn phí luôn bậc học này.
Mặc dù vậy, học phí ở các đại học công lập là khá rẻ; đồng thời, mức chênh lệch giữa chi phí cho toàn bộ việc học so với học phí là khá lớn. Chẳng hạn, ở đại học danh giá Chulalongkorn (xếp thứ 121 trên 200 đại học hàng đầu thế giới năm 2005), tổng chi phí cho một năm học của một sinh viên từ 2.500-3.000 USD, trong đó học phí chỉ khoảng 400 USD. Đại học dạy nghề, hay đại học mở chỉ ghi danh học mà không qua thi tuyển, thì tổng chi phí cũng như học phí rất thấp.
Còn ở Việt Nam, học phí đại học vẫn còn rất cao so với tổng chi phí học tập, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của người Thái", điều tra của bạn Thục Minh, Bangkok, email: thucminh@yahoo.com.
Ý kiến của bạn?