(VietNamNet) - Tại sao chúng ta không nghĩ đến BHYT bắt buộc cho toàn dân? Ai cũng có lúc mắc bệnh, hãy quy định một mức phí BHYT tối thiểu mà tất cả người dân đều phải đóng, giống như ai cũng phải có CMND hoặc trẻ em phải có giấy khai sinh vậy.
Đọc các quy định về BHYT tự nguyện, tôi thấy thật rối rắm mà nếu đem ra thực hiện thì trở nên rất nhiêu khê và khó khả thi. Tôi nghĩ người đề xuất ra những quy định trên có lẽ chưa hình dung ra công sức phải kiểm tra, tính toán trong phường này hiện nay đã đạt 10% số hộ đã đóng BHYT chưa, ngôi trường nọ có bao nhiêu % học sinh đóng BHYT.
Như vậy, việc tôi được đóng BHYT không những phải được toàn bộ gia đình tôi đồng ý cùng đóng, mà còn phải phụ thuộc xem gia đình khác trong phường tôi ở có đóng hay không nữa.
Ví dụ, trong phường kia có 10 hộ, 9 hộ đồng ý đóng 100%, riêng trong hộ thứ 10 có 1 người nhất định không đóng, thế là quyền lợi của tất cả những người trong 10 hộ này đều bị mất. Đó là chưa kể tháng này có nhiều người đóng, nhưng tháng sau lại có một nhóm người không chịu đóng nữa thì sao? Rồi biết bao nhiêu trường hợp nhiều người có tên trong sổ hộ khẩu nhưng lại đi làm ăn ở nơi khác.
Bản thân BHYT của nước ta cũng có những bất cập vô cùng khó chịu cho người bệnh là trên thẻ BHYT sẽ ghi tên 1 đơn vị y tế mà người đó phải đến khám chữa bệnh. Tại sao lại như thế? Đáng lẽ ra, khi đã đóng BHYT rồi thì người bệnh được quyền đến bất cứ bệnh viện nào. Thêm nữa, quỹ phúc lợi của Nhà nước đã dư thừa đâu mà miễn phí khám chữa bệnh cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi?
Theo tôi, các quy định phải càng đơn giản càng tốt. Và người đưa ra các quy định cần phải tính toán sao cho các quy định, luật lệ này phải có tuổi thọ ít nhất cũng 10 năm. Nay quy định thế này, mai thấy không ổn lại sửa lại, rồi lại không ổn lại sửa tiếp thì chỉ khổ cho dân thôi.
Tại sao chúng ta không nghĩ đến BHYT bắt buộc cho toàn dân? Ai cũng có lúc mắc bệnh, vậy hãy quy định một mức phí BHYT tối thiểu mà tất cả người dân đều phải đóng, giống như ai cũng phải có CMND hoặc trẻ em phải có giấy khai sinh vậy. Địa phương sẽ đi kiểm tra, người nào không đóng sẽ bị phạt.
Những người đi làm công ăn lương thì phải trừ ngay 5% tiền lương tháng cho BHYT như hiện nay. Khi số người đóng là rất lớn thì chỉ cần mỗi người đóng số tiền ít thôi nhưng quỹ BHYT đã thu được con số khổng lồ rồi. Ví dụ: Toàn dân đóng 1.000đ/tháng thì trong 1 tháng, quỹ BHYT đã có 80 tỷ.
Mức phí đóng tối thiểu thì dịch vụ cũng tối thiểu, ví dụ dưới 100.000đ thì miễn còn phần nào vượt sẽ phải đồng chi trả 50%. Tiếp đó, ngành y tế sẽ đặt ra nhiều mức phí khác nhau, mức đóng càng cao thì dịch vụ miễn phí được hưởng sẽ càng nhiều.
Cần phải tạo điều kiện để những người có thu nhập cao có thể đóng nhiều. Phần kết dư của quỹ BHYT sẽ được dùng chi trả cho những người quá nghèo, không đủ tiền mua BH hoặc mua ở mức thấp nhưng bệnh quá nặng phải điều trị ở mức tốn kém cao.
Cái hay, cái nhân đạo của BHYT là ở chỗ người khỏe giúp cho người bệnh, người giàu giúp cho người nghèo. Thế nhưng cách làm của chúng ta hiện nay chưa hợp lý.
Ví dụ: Một anh nông dân nghèo lên thành phố chạy xe ôm, giả sử anh ta muốn mua BHYT tự nguyện thì phải chạy về quê nơi đăng ký hộ khẩu vận động cả nhà và 10% bà con lối xóm mua BHYT. Quá nhiêu khê, hơn nữa, người nghèo thường rất tiếc tiền nên không ốm thì không muốn nghĩ đến chuyện chi tiền mua BHYT. Chẳng may anh ta bị ốm phải vào nằm trong bệnh viện tại thành phố. Bảo hiểm không có, gia đình phải tự bỏ tiền ra. Khi không đủ tiền, muốn xin miễn giảm cũng không đơn giản.
Sống ở thành phố nhưng không có hộ khẩu thành phố, thế là nơi cư trú không chịu xác nhận là hộ nghèo, phải chạy về quê xin xác nhận, vừa tốn kém vừa rắc rối. Trong khi một gia đình rất giàu, thừa sức đóng BHYT cho đứa con dưới 6 tuổi 100.000đ/tháng, thế nhưng họ lại không phải đóng vì con họ đã được quy định khám chữa bệnh miễn phí.
Rất mong những người quản lý về BHYT xem xét lại để xây dựng một chế độ BHYT toàn dân thật hợp lý, tận thu đối với người giàu, quan tâm đến người nghèo nhưng vẫn không gây gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước.
-
Nguyễn Thu Trang, TP.HCM
Ý kiến của bạn?