221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
938272
Góp ý dự thảo nghị định "trách nhiệm người đứng đầu"
1
Article
null
Góp ý dự thảo nghị định 'trách nhiệm người đứng đầu'
,

(VietNamNet) - Chính phủ đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chế độ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Đây là một trong những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm theo dõi. Nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Nghị định để trình Chính phủ thông qua và thể hiện rõ việc Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết theo Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới cũng như các văn bản khác có liên quan, mời bạn đọc tiếp tục tham gia góp ý về Dự thảo Nghị định này.

>>Dự thảo NĐ về trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu

>>Lấy ý kiến dân về quy định trách nhiệm người đứng đầu

>>Mời góp ý dự thảo quy định trách nhiệm người đứng đầu

 

Giao trách nhiệm
Giao trách nhiệm

Người đứng đầu một cơ quan phải có trách nhiệm toàn bộ mọi hoạt động của cơ quan. 

Nguyễn Ngọc Trung, 38 khu Hưu Trí, Lê Quý Đôn, TP. Hà Đông, hadongnht@yhoo.com.vn
Thời gian trước đây, người dân rất bức xúc và không thể chấp nhận được về một số sai phạm lớn trong công tác của một số cán bộ cấp phó của một số cơ quan Nhà nước đã bị xử lý theo pháp luật nhưng người đứng đầu những cơ quan đó lại bình yên vô sự coi như họ không có trách nhiệm, khuyết điểm gì trước những sai phạm đó của cấp phó thuộc quyền mình phụ trách và họ cứ được thăng chức lên cấp cao hơn. Rõ ràng, đây là một điều tai hại trong công tác cán bộ của Nhà nước ta, nó dẫn đến nhiều tai họa khác cho dân, cho đất nước khi người cán bộ đó lại được Nhà nước giao cho trọng trách một nhiệm vụ khác.

 

Khi thành lập một cơ quan đã có quy định rõ ràng là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cá nhân quản lý chung trước pháp lý, còn cấp phó là người giúp việc cho cấp trưởng theo sự phân công nhiệm vụ được giao. Ấy vậy, trong thực tế, cán bộ cấp phó của một cơ quan có sai phạm lớn trong công tác mà dư luận xã hội mọi người đều biết nhưng trong lúc đó người đứng đầu (cấp trưởng) của cơ quan đó lại không hay biết, đến lúc khuyết điểm của cấp phó được đưa ra ánh sáng thì cấp trưởng mới biết. Thế thì thử hỏi trách nhiệm quản lý, điều hành, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan đó hàng ngày họ làm cái gì? Và khuyết điểm đó đâu chỉ có cấp phó phải bị xử lý theo pháp luật còn người đứng đầu cơ quan đó thì như người trên trời rơi xuống, không biết tý gì, không có khuyết điểm hay sao?

 

Bộ máy tổ chức của một cơ quan cũng giống như một cơ thể sống, nghĩa là bộ não phải chỉ huy tứ chi, chứ tứ chi không thể chỉ huy bộ não. Vì vậy, người đứng đầu một cơ quan phải có trách nhiệm toàn bộ mọi hoạt động của cơ quan đó.

 

Hoà Minh Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội, hoaminhtan05@yahoo.com
Để có thể phát huy tốt nhất vai trò của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước và đồng thời có thể quy trách nhiệm cá nhân với họ, theo tôi, trước hết, Nhà nước cần mạnh dạn trao quyền lực thực sự cho họ mà biểu hiện cốt lõi của vấn đề là trao cho họ quyền bổ nhiệm và cách chức các vị trí cấp dưới. Theo cơ chế hiện nay, những vị trí như cấp phó, kế toán trưởng thường do cấp trên bổ nhiệm, điều đó gây nhiều khó khăn trong quản lý và điều hành công việc.

 

Thứ đến là qui định cụ thể chặt chẽ quy chế làm việc, báo cáo công tác sao cho tránh tối đa tình trạng báo cáo vượt cấp, thì thụp với cấp trên vượt cấp (chẳng hạn ông Trưởng phòng nếu muốn báo cáo trình bày điều gì thì đầu tiên phải báo cáo người phụ trách trực tiếp, nếu không được ủng hộ mới được báo cáo lên cấp trên nữa để bảo lưu ý kiến, cấp trên sẽ làm việc với 2 người để lắng nghe ý kiến bảo lưu của họ để quyết định cuối cùng).

 

Tôi thấy việc này được các cơ quan của nước ngoài làm rất nghiêm túc, tạo nên kỷ cương và sự thống nhất điều hành trong đơn vị (nhân viên thường không được trực tiếp báo cáo giám đốc nếu anh chưa thông qua trưởng phòng). Sau khi trao quyền rồi thì tất nhiên người đứng đầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm cá nhân trước mọi hoạt động của cơ quan. Nếu để xảy ra sai phạm thì tuỳ mức độ anh phải chịu trách nhiệm cá nhân.

 

Tôi tin rằng, nhiều người sẽ ủng hộ Nghị định này 

 

Trần Mạnh Cường, Đống Đa, Hà Nội, mbo_tqm@yahoo.de
Cá nhân tôi cho rằng, đây là một Nghị định tốt. Tiến trình hướng tới nền kinh tế thị trường hiện nay ở Việt Nam trước tiên và quan trọng nhất là tiến trình hướng đến một xã hội sở hữu (ownership society), trong đó, sở hữu cá nhân được thừa nhận và phát triển, mối quan hệ sở hữu được rõ ràng. Đó là một tiến trình tất yếu, bởi lẽ sẽ không có nền kinh tế thị trường nếu không có sự phát triển mạnh mẽ của sở hữu tư nhân.

 

Quyền lực công, xét ở góc độ kinh tế - chính trị là một nguồn lực xã hội vô cùng lớn. Nó phải được sử dụng một cách hiệu quả và tương thích với xu hướng xây dựng một nền kinh tế thị trường ở Việt Nam: Quyền lực và trách nhiệm phải minh bạch, rõ ràng. Những vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Nhà nước không phải là một đặc quyền, đó là một vị trí đầy thách thức dành cho những cá nhân có hoài bão, có khát vọng và có nhân cách mạnh mẽ: Dám hành động, dám chịu trách nhiệm và luôn ý thức rõ ràng rằng, họ có đối tượng phục vụ là nhân dân. Lợi ích của công chức gắn với chất lượng dịch vụ công mà họ cung ứng cho xã hội. Đó là điểm cốt lõi của một xã hội dân chủ.

 

Tôi tin rằng, nhiều người sẽ ủng hộ Nghị định này, nhưng cuộc chiến chống lại những biểu hiện của đặc quyền đặc lợi trong bộ máy công quyền, chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ công, chống lại tệ quan liêu, tham nhũng là một cuộc chiến lâu dài, hy vọng Nghị định này sẽ đóng góp một vai trò tích cực.

 

Cần phân định rõ trách nhiệm cá nhân trước tập thể  

 

Hồ Minh Long, longhominh@gmail.com
Theo quy định tại Điều 10, người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm cá nhân trong trường hợp không có ý kiến khác với ý kiến đa số thành viên lãnh đạo trong trường hợp ý kiến đa số là sai chủ trương, chính sách và pháp luật. Trước tiên, cần phải thống nhất chung quan điểm rằng: “không có ý kiến khác” tức là “đồng ý với ý kiến đa số”.

 

Theo lý thuyết trò chơi trong kinh tế học, đây quả là một tình thế lưỡng nan: Đồng ý cũng không được mà phản đối cũng không xong. Đứng trước hai phương án: (1) đồng ý hoặc (2) phản đối, người đứng đầu sẽ lựa chọn phương án mang lại lợi ích cao hơn hoặc phí tổn thấp hơn.

 

Phương án (1) đồng ý: Người đứng đầu sẽ được sự ủng hộ của tập thể lãnh đạo, dễ bề thăng tiến trong chốn quan trường, có thể có nhiều bổng lộc trực tiếp hoặc gián tiếp từ sự đồng tình. Tuy nhiên, người đứng đầu cũng sẽ bị xử lý trách nhiệm cá nhân nếu như sự việc bị phanh phui.

 

Phương án (2) phản đối: Người đứng đầu sẽ không bị xử lý trách nhiệm cá nhân nếu sự việc bị phanh phui. Mặt khác, người đứng đầu sẽ không được sự ủng hộ của tập thể lãnh đạo, chốn quan trường khó bề thăng tiến, bổng lộc đâu còn.

 

So sánh lợi ích và chi phí của hai phương án, người đứng đầu sẽ quyết định chọn phương án (1) đồng ý. Lựa chọn này còn được củng cố bởi thực tế là: Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, kể cả cơ quan bảo vệ pháp luật hiện nay đều thực hiện theo cơ chế điều hành tập thể, các lãnh đạo đều phải đối mặt với tình thế lưỡng nan này nên xác suất sự việc bị phanh phui là rất thấp. Trong trường hợp sự việc lỡ bị phát hiện (thường thông qua báo chí hoặc phản ảnh của nhân dân), lãnh đạo luôn ủng hộ nhau, ai nỡ trừng phạt nhau quá đáng.

 

Tóm lại, dưới góc nhìn của lý thuyết trò chơi trong kinh tế học, quy định tại Điều 10 trong dự thảo Nghị định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu là khó có tác dụng. Vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu chỉ có thể giải quyết triệt để khi nêu rõ trách nhiệm cá nhân trước tập thể lãnh đạo, tính độc lập của cơ quan bảo vệ pháp luật tăng lên, cơ chế bổ nhiệm, lương bổng của người đứng đầu được cải thiện..

.

Khoản 4, Điều 6 về “trách nhiệm vật chất” đề nghị  nêu rõ phải  bồi thường

 

Nguyễn Trung Kiên, 8BE/269, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, trungkien1979vp@yahoo.com
Tôi đã đọc kỹ bản dự thảo Nghị định của Chính phủ về trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu cơ quan nhà nước. Xin có một số ý kiến đóng góp như sau: Trước hết, tôi cũng như đông đảo người dân khác rất vui mừng vì Chính phủ ban hành Nghị định này. Thực hiện Nghị định này sẽ hạn chế được tình trạng “quả bóng” trách nhiệm cứ bị người ta “đá” cho nhau mỗi khi trong đơn vị xảy ra vụ việc tiêu cực. Sẽ tránh được tình trạng “công thì của tôi” còn “trách nhiệm thuộc về chúng ta” như đang diễn ra. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm về tình hình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan mình phụ trách, từ đó trách nhiệm của người đứng đầu sẽ được nâng cao, hạn chế được các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong đơn vị…

 

Tuy nhiên, để Nghị định rõ ràng hơn, phát huy tác dụng tốt hơn, theo tôi, Khoản 4, Điều 6 về “trách nhiệm vật chất” “Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước nếu có hành vi… làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm vật chất theo quy định của pháp luật” nên sửa thành “Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước nếu có hành vi… làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Sửa đổi từ “chịu trách nhiệm vật chất” thành “bồi thường” để khẳng định một cách rõ ràng rằng người vi phạm phải bỏ tiền túi để bồi thường những thiệt hại vật chất cho cơ quan, đơn vị do mình gây ra.

 

Nguyễn Văn Hùng, nguyenvanhungdhy@yahoo.com.vn
Tôi xin có 3 ý kiến về trách nhiệm người đứng đầu:

 

Cần nhấn mạnh và làm rõ Chương 2, Điều 10: Hiện nay, có rất nhiều trường hợp, khi sự cố xảy ra thì trách nhiệm là chung, do Hội đồng, Uỷ ban... chịu trách nhiệm. Cần phải quy định rõ hơn, nếu người đứng đầu không có ý kiến phản đối bằng văn bản, thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm chính về các sai phạm, dù nó do ai quyết định (vì họ là người đứng đầu).

 

Đề nghị bổ sung một ý khái quát như sau: Người đứng đầu phải đủ năng lực để giải quyết tất cả các vấn đề chính thuộc thẩm quyền của mình. Nếu sau một thời gian đảm nhiệm chức vụ mà nhận thấy không đủ năng lực thì cần kịp thời xin từ nhiệm. Không được nêu các lý do "bận họp", "nhiều việc quá" để trì hoãn, gây khó khăn cho người dân (có thể nêu rõ, nếu người đứng đầu cho rằng do "bận họp" hoặc "quá nhiều việc" thì có nghĩa là họ không đủ năng lực để đảm nhận nhiệm vụ hiện hành và nên thay thế người khác).

 

Có thêm một điều khoản ràng buộc, đảm bảo tất cả các công việc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu mà không được giải quyết thoả đáng thì có cơ chế kiểm tra (nhất là cơ chế phản hồi từ người dân, cán bộ khác) và sa thải những cán bộ này ra khỏi bộ máy để tránh gây trì trệ xã hội.

 

Nguyễn Văn Quảng, Văn phòng HĐ ND và UB ND huyện Đông Triều, Quảng Ninh, Muongadetrung@yahoo.com
Theo tôi, nhìn chung, Dự thảo Nghị định đã đưa ra những kiến nghị giải quyết những bức xúc của nền hành chính Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể trở thành một công cụ điều tiết hữu hiệu nền hành chính quốc gia thì Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần có một cơ chế, chính sách tổng thể để theo đó, người đứng đầu thực sự được trao quyền thì mới có thể ràng buộc trách nhiệm cho họ.

 

Hiện nay, theo tôi thấy, người đứng đầu (cấp phó của người đứng đầu) vẫn không được quyền quyết định tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức dưới quyền trong cơ quan (chưa nói đến việc người đứng đầu cần được quyền tuyển dụng, sử dụng ít nhất 50% cán bộ, công chức dưới quyền) mà chủ yếu là do cấp trên trực tiếp chỉ định (có những nguyên nhân mà có lẽ phải nhiều năm nữa chúng ta mới có thể giải quyết được). Hơn nữa, chính sách tài chính công của ta còn khiến cho người người đứng đầu (cấp phó của người đứng đầu) nói riêng, cán bộ, công chức nói chung "vẫn phải tham nhũng" ở mức độ thấp hay cao nên thực sự họ chưa thể chịu trách nhiệm lớn được.

 

Cơ chế thu hút người tài vào làm tại cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn nhiều vướng mắc, chủ yếu nằm ở vấn đề lương, cơ chế sử dụng, "cơ chế tuyển dụng". Nếu như Đảng ta có chính sách sát thực hơn, Nhà nước ta có cơ chế phù hợp hơn (tuy rằng, tôi biết đó là vấn đề còn phải thực hiện lâu dài trong quá trình quá độ), nhưng chúng ta vẫn phải mạnh dạn có chính sách thí điểm cho những vùng có điều kiện thực hiện trước để cho các vùng khác học tập và rút kinh nghiệm.

 

Theo tôi, cần thành lập một uỷ ban nghiên cứu đổi mới đất nước với vai trò trưởng ban là đồng chí Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo có chiều sâu công cuộc đổi mới toàn diện để chúng ta phải "luôn luôn đổi mới".

 

Là một cán bộ trẻ (24 tuổi), tôi mới làm việc được gần hai năm trong cơ quan hành chính nhà nước (hiện tôi đang làm cán bộ tổng hợp tại Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện Đông Triều). Nhờ được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan một cách minh bạch, công bằng nên tôi hy vọng rằng 5 năm sau, chúng ta sẽ có một nền hành chính mạnh để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn và vững bước hội nhập kinh tế quốc tế. 

 

Lãnh đạo ngành gặp mặt các thủ trưởng đơn vị
Lãnh đạo ngành gặp mặt các thủ trưởng đơn vị

 

Phải cho người đứng đầu được lựa chọn cấp dưới

 

Võ Thanh Bình, 256/20/52 Cách Mạng Tháng Tám, F.5, Q.Tân Bình, Tp.HCM, Binhvothanh@Yahoo.com
Muốn quy trách nhiệm của người đứng đầu thì phải cho người đứng đầu quyền lựa chọn những người dưới quyền (lựa chọn bộ máy hoạt động do mình đứng đầu). Không thể bắt người đứng đầu chịu trách nhiệm khi nhân viên của người đó lại do người khác lựa chọn. Người đứng đầu không thể chịu trách nhiệm khi nhân viên dưới quyền do ai đó lựa chọn làm sai, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi người đứng đầu được quyền lựa chọn bộ máy hoạt động của mình. Như vậy, muốn người đứng đầu chịu trách nhiệm thì một trong những điều kiện là phải cho người đứng đầu lựa chọn bộ máy nhân sự (các cấp dưới và nhân viên) của mình.

 

Nguyễn Lan Hương, nlh105@yahoo.com
Theo tôi, cần phải có quy định trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu để họ không thể đổ trách nhiệm cho người khác khi có vi phạm xảy ra. Nếu có vi phạm, tùy theo mức độ, điều đầu tiên cần làm là buộc từ chức... Các mức phạt khác cũng phải thật nghiêm, có thể cả phạt tiền, đền bù thiệt hại... Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước hết, chọn người có đủ năng lực, sẵn sàng chịu trách nhiệm. Sau đó là mở rộng quyền hạn của người đứng đầu. Anh ta phải có nhiều quyền hạn, kể cả quyền cho thôi việc nhân viên, quyền tăng lương, cắt thưởng... Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể dễ dàng phát huy năng lực cũng như quy trách nhiệm của người đứng đầu được.

 

Người đứng đầu sai, người bổ nhiệm phải có trách nhiệm 

Phan Thị Thuý Truyền, An Giang, attip@vnn.vn
Vấn đề trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của các cơ quan nhà nước còn có yếu tố quyết định là trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý công việc của cơ quan mà người đứng đầu được giao quyền hành. Đề nghị: Trong điều 8, cần nêu rõ hơn việc quy trách nhiệm của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, trong trường hợp bổ nhiệm người đứng đầu không đúng, không đủ trình độ chuyên môn... để chống nạn chạy chức.

 

Đỗ Đại Minh, Việt Trì - Phú Thọ, daiminh191072@yahoo.com.vn
Đứng đầu một cơ quan cũng như một người điều khiển xe tham gia giao thông. "Cái xe" không hề vi phạm luật giao thông mà là người điều khiển nó. Vì vậy, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hoạt động của đơn vị mình. Để xảy ra tiêu cực thì người đứng đầu phải là người đầu tiên bị kỷ luật, không thể đổ lỗi cho ai khác, vì nếu làm đúng trách nhiệm của mình thì không thể có tiêu cực, còn nếu không đủ năng lực để xảy ra thì tại sao trước đó anh nhận nhiệm vụ này?

 

Nguyễn Thế Du, Tô Trang, An Mỹ, Quỳnh Phụ, Thái Bình
Khi cơ quan, đơn vị có thành tích thì người đứng đầu được khen thưởng, vậy tại sao khi cơ quan đơn vị có sai phạm thì người đứng đầu lại chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng như vẫn thường xảy ra thậm chí còn được điều chuyển đi nơi khác với cương vị cao hơn? Nếu trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu không gắn liền với tập thể thì cái tệ "Tội thì dân chịu, thưởng thì của quan" còn hoành hành.

 

Tuấn Hưng, Hà Tĩnh
Theo tôi, người đứng đầu là người có trách nhiệm rất lớn trong các tổ chức. Khi xảy ra các vụ việc liên quan đến cấp dưới thì không chỉ có cấp dưới bị lỗi mà người đứng đầu phải là người chịu đầu tiên. Không phải là họ không biết việc làm sai trái mà chắc chắn người đứng đầu cũng có tham gia vào. Ngoài những việc trên có những việc người đứng đầu thấy cấp dưới làm sai trái nhưng vẫn cứ làm ngơ vì cũng có "phần" trong đó. Mặt khác, người đứng đầu là một người có trình độ để có thể giải quyết được mọi công việc chứ không phải người đứng đầu chỉ là người chỉ tay năm ngón như một số trường hợp hiện nay.

 

Thang, tbnihem@yahoo.com
Tôi thấy, việc xác định trách nhiệm người đứng đầu là hết sức cần thiết, chỉ có như thế mới đáp ứng được hàng loạt các vấn đề hiện nay. Nhưng phải có cơ chế để người đứng đầu bắt buộc phải chịu trách nhiệm và người đứng đầu phải có đủ thẩm quyền trước các vấn đề mà họ phải chịu trách nhiệm. Hai vấn đề trách nhiệm và quyền hạn không được tách rời. Như hiện nay, cùng một sự việc nếu cần phải xử lý thì gắn trách nhiệm, nếu bao che thì lại bảo không có đủ thẩm quyền hay đã thông qua tập thể.

 

Trần Hồng Hải, Bình Định, mrhai_businessman@yaoo.com
Trong bất kỳ tổ chức nào (kể cả kinh tế lẫn chính trị), mỗi người lãnh đạo đều có những ảnh hưởng rất sâu sắc đến thái độ và tinh thần làm việc của toàn thể CB - CNV trong tổ chức, đó chính là văn hóa của tổ chức. Một người lãnh đạo giỏi, tài ba sẽ là người tạo ra một tổ chức có môi trường làm việc tích cực, năng động, chuyên nghiệp và hiệu quả. Tất cả sẽ vì mục tiêu chung. Do đó, hầu hết các tổ chức kinh tế đều rất quan trọng trong việc tuyển chọn và đào tạo cho mình những người quản lý ưu tú và "hợp gu", nên họ luôn có sự thay đổi các cấp quản lý khi cần thiết để bộ máy không bị đình trệ chỉ vì một cá nhân nào đó không phù hợp.

 

Như vậy, theo tôi các cơ quan công quyền cũng vậy, cũng nên có sự thay đổi các cấp quản lý khi họ làm sai hoặc quản lý kém. Hiện nay, theo tôi, lãnh đạo các cơ quan công quyền hầu như không hoặc chưa bao giờ thấu hiểu hết những cái hay, những cái tốt đẹp mà theo tôi đó là văn hóa trong lãnh đạo . Với những ý kiến nhỏ nhoi của riêng mình, tôi mong đất nước Việt Nam xinh đẹp và giàu tiềm năng của chúng ta sớm thoát khỏi những quốc nạn và ngày càng văn minh, giàu đẹp.

 

Trung Đoàn, Hà Nội, lytruong1@yahoo.com
Nghị định này của Chính phủ ra đời hết sức cần thiết và là một khâu đột phá trong quá trình cải cách hành chính và chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, quy định gì thì quy định nhưng khâu thực hiện các quy định của các cơ quan nhà nước mới là quan trọng. Cần phải có chế tài nghiêm khắc đối với những người đứng đầu vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và pháp lệnh của Nhà nước tránh tình trạng ban hành quy định chỉ là "khẩu hiệu" mà thôi.

 

Phạm Thi Dung My, số 7 ngõ 56, Phố Pháo Đài Láng, Hà Nội, lehienduc2005@yahoo.com
Khẩu hiệu dân chủ tập trung, cá nhân phụ trách đã có từ lâu nay, vì vậy, người đứng đầu cơ quan phải có trách nhiệm là điều chính xác. Tôi rất hoan nghênh "Dự thảo Nghị định quy định chế độ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước" của Thủ tướng Chính phủ.

Mời quý vị tiếp tục góp ý cho Dự thảo Nghị định về trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu. Tất cả ý kiến của quý vị sẽ được Tòa soạn VietNamNet gửi lên văn phòng Chính phủ. Thời gian góp ý từ 25/5 - 25/7/2007.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,