(VietNamNet) - “Việc xây tường hay giăng dây thép ở Hà Tây chỉ là hình thức bề ngoài. Điều cốt yếu quyết định chất lượng thật của kì thi nằm ở việc những giám thị, thanh tra, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng coi thi và những người có liên quan trong hội đồng thi đó có thực sự thực hiện nghiêm túc việc làm của mình không”. Nhiều bạn đọc VietNamNet gửi gắm hi vọng về một kì thi nghiêm túc, công bằng trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2007.
Những bức tường rào dây thép gai như thế này không thể ngăn chặn hết tiêu cực trong thi cử.
Vũ Thành Long,
Quận 1, TP.HCM
Hà Tây đã có cố gắng chống lại tiêu cực thi cử, tuy nhiên, tôi thấy rằng, việc giải quyết tiêu cực không phải cứ tường cao, dây thép gai, mảnh sành mà quan trọng là ý thức của mỗi người, đặc biệt là giám thị và hội đồng thi. Bài thi ném từ ngoài vào có ích lợi gì khi giám thị và hội đồng thi nghiêm túc, thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình trong phòng thi, xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm; đội ngũ bảo vệ, các thành phần khác thực hiện nghiêm túc kỳ thi. Nếu vấn đề ý thức mỗi cá nhân không giải quyết được thì những bức tường kia cũng chỉ là hình thức, thậm chí nó còn có tác dụng che giấu đi cái bên trong của vấn đề.
Hoà Minh Tân, Hà Nội
Nhìn những bức ảnh về việc quây "nhà trường" của một số trường THPT ở Hà Tây, tôi không thấy vui mà thấy buồn. Có vẻ như để chứng minh quyết tâm lập lại sự minh bạch, nghiêm túc trong thi cử ở kì thi tốt nghiệp năm 2007, xoá ấn tượng tồi tệ năm 2006, chính quyền tỉnh đã nghĩ ra sáng kiến và mạnh dạn chi những 5 tỷ đồng để "quây trường".
Rõ ràng trong khi tỉnh Hà Tây nói riêng và nước ta nói chung còn nghèo, tiền cần đầu tư cho giáo dục như muối bỏ biển thế thì cách làm này vừa lãng phí vừa phi giáo dục.
Nhà trường không phải là trại giam mà xây tường bao những 3,5m lại còn chăng dây thép gai nữa. Cách thức này như minh chứng cho sự bất lực về niềm tin vào lòng người, về sự bế tắc trong giáo dục cho cán bộ, giáo viên và những nhà quản lý giáo dục. Hà Tây có thể chi bao nhiêu tiền nữa để "quây trường" kiểu này trên hết các địa bàn?
Tôi nghĩ, trong kiến trúc, xây dựng trường học làm sao phải tạo ra sự liên tục và hài hoà với môi trường thiên nhiên, cảnh quan và xã hội xung quanh chứ không thể và không nên biến trường học thành ốc đảo và nhìn nó thâm nghiêm, u tịch như vậy.
Giá như với số tiền ấy, tỉnh Hà Tây dùng để tập huấn, tuyên truyền giáo dục cho học sinh, cho giáo viên, cho cộng đồng, rồi tăng cường sự trợ giúp của chính quyền các cấp để cải thiện tư duy, đạo đức thầy trò thì có lẽ đấy mới thực sự là bức tường lâu dài và vững chắc, mang tính nhân văn, đúng với vai trò mà xã hội đã trao cho ngành giáo dục.
Lê Xuân Hưng, Đống Đa, Hà Nội
Tất cả những ai từng trải qua thi cử đều biết, chống ném bài chỉ là một phần, quan trọng là việc kiểm soát thí sinh trong phòng thi. Thực tế cho thấy hầu hết các thí sinh đều có xu hướng muốn giở lài liệu bởi vì không phải ai cũng có học lực tốt. Bất cứ đợt thi nào cũng vậy, nếu giám thị trông thi chặt thì việc quay cóp gần như là không thể. Tôi thấy việc tăng giám thị trong phòng thi là khá khả quan, mỗi phòng có 3 giám thị thì việc kiểm soát sẽ dễ dàng và chặt chẽ hơn.
Tcuong
Xây tường rào là một cách giải quyết tạm ổn nhưng thể hiện một tầm nhìn và tư duy không mấy phù hợp. Thay vì làm như vậy, việc dễ làm hơn và lâu dài hơn là nâng cao nhận thức cho phụ huynh, nhận thức của người coi thi. Tại sao 5 tỷ không dùng cho việc nâng cấp chương trình dạy học sao cho khoa học hơn, học sinh đam mê học hành hơn, nâng cao kiến thức của GV hơn mà lại chỉ đi làm bức tường? Cả nước hơn 3000 trường, số tiền xây tường sẽ lớn đến thế nào. Chắc là Bộ GD-ĐT không cần chờ báo chí hay người dân phản ánh mới bắt đầu chứ? Hay năm sau lại là bức tường 10 tỷ?
Vũ Thảo Nguyên tp.HCM
Làm sao lấp được lỗ hổng kiến thức bằng những bức tường ?
Học là sự tiếp nhận những kiến thức và sản phẩm của nó là sự phát triển trong tư duy, hay nói cách khác, nó là sự sáng tạo . Hình như chúng ta đang đào tạo theo kiểu photocopy, vì cái sự thi cử ở ta như là 1 sự photocopy những kiến thức đã học . Sao không có 1 giải pháp nào kiểm tra “sản phẩm” việc học của học sinh , vừa nhẹ nhàng về khối lượng viết lách, vừa chống được ở mức cao nhất chuyện gian lận trong thi cử. Vì có mấy ai “ăn cắp” được “tư duy” của nhau khi nó còn đang nằm trong đầu cả .Đó là thực tài của mỗi cá nhân.
Nếu không nhìn thấy tận mắt những hình ảnh được Vietnamnet chụp rất đẹp, về những địa điểm thi cử ở các “điểm nóng” (Mà gọi là nóng vì nó được cả nước biết chứ thiếu gì những nơi còn nóng không kém) thì không bao giờ tôi dám nghĩ những bức tường “ không phù hợp với nhà trường ” ấy lại được hình thành trong môi trường giáo dục của chúng ta.
Liệu nếu có thể hỗ trợ được sự không kiên quyết của những người có trách nhiệm bảo vệ cuộc thi, thì ai ngăn được những lỗ hổng về kiến thức và đạo đức học trò mà không ít người sau này sẽ là những người thầy, bằng những bức tường 100 triệu này? Thế mới biết, cái sự thi cử ở xứ ta nó thật nặng nề . Việc thay đổi về nhận thức bằng cấp không chỉ cần làm ở những bậc làm cha làm mẹ. Một tấm bằng ĐH hình như là tấm bùa vào đời cho mỗi con người, bất chấp kiến thức có được bởi những cuộc thi photocopy.
Nhìn những bức hình nặng tính “trại lính”, tôi thực sự thấy cảm phục sự dũng cảm của ông thầy Khoa, qua việc phanh phui sự thật tồi tệ trong việc thi cử ở trường ông năm 2005, dù tôi rất không đồng tình cái cách ông nhân danh “chống tiêu cực” để có những hành vi chưa đúng đắn trên mạng thời gian gần đây. Những việc ngành giáo dục làm vừa qua hình như chỉ như là liều thuốc giảm đau cho cơn bạo bệnh. Cần phải có liều đặc trị cho nguyên nhân phát sinh cơn đau. Nên thay đổi hình thức và nội dung của những kỳ thi cử trong ngành giáo dục, theo hướng đơn giản nhưng thực chất hơn , nếu chúng ta muốn có được những chứng chỉ được thế giới công nhận nơi những con người thực sự có kiến thức.
Đức Dũng Email: ducdung6487@yahoo.com.vn
Nhà trường hãy là nhà trường
Kỳ thi tốt nghiệp trước đây có tính quan trọng hơn nhiều bây giờ bởi nó tham gia cộng điểm cho kỳ thi đại học và là cứu cánh cho những ai thiếu 1.2 điểm.Tại sao không làm mạnh từ những thời điểm ấy,mà phải đến giờ mới xây tường, rào gai khi việc cộng điểm bãi bỏ, liệu việc làm mang tính đối phó vậy liệu có cần chứ chưa nói đến hiệu quả. Ý kiến của tôi hoàn toàn phản đối cách xây dựng trên. Cái quan trọng nhất là ý thức học sinh. Hãy rèn luyện cho học sinh thói quen nghiêm túc ngay từ khi bước vào trường để không phải cuối cấp mới chống chế thể hiện sự bất lực như thế này. Người ta nói "Đầu xuôi đuôi lọt".Mong sẽ có nhiều sự thay đổi trong giáo dục
Sang Nguyen Email: sangnvus@yahoo.com
Mới nghe người ta có thể cho đây là một hành động kiên quyết
Đọc báo thấy Hà Tây chi nhiều tiền để xây tường chông tiêu cực. Mới nghe người ta có thể cho đây là một hành động kiên quyết. Nhưng nghĩ cho cùng đây chỉ là một hành động đối phó. Mà thực sự mang lại ít hiệu quả nếu như các cô giáo, thầy giáo vẫn cứ tiêu tực. Vấn đề cốt lõi chính là ở những người lãnh đạo của ngành giáo dục, từ cấp sở đến, phòng, rồi đễn cấp trường. Nếu đội ngũ này không trong sạch thì dù có xây tường 10m thì cũng thế thôi. Tôi mong rằng cấp lãnh đạo các địa phương tự xem xét lại bản thân mình trước.
Tuấn Hải Email: seabear_hn@yhoo.com
:
Nói thực ra , tôi thấy đây là một sự bất lực của ngành giáo dục . Nghiêm khắc trong thi cử thì đầu tiên phải là ở yếu tố con người , nếu vẫn không chống được tiêu cực thi cho dù có xây trường học kiên cố đến đâu, nhưng giám thị buông lỏng thì vẫn sẽ xảy ra tiêu cực. Việc chính cần chấn chỉnh ở đây là công tác coi thi của giám thị . Tại sao không đẩy mạnh thanh tra , sẵn sàng kỷ luật các giám thị và cá nhân trông thi khi để xảy ra tiêu cực. Nước ta còn nghèo , 5 tỷ đồng đó nên dùng cho việc xây dựng cơ sở vật chất và bồi dưỡng giáo viên ở vùng sâu vùng xa để cho nền giáo dục miền núi đi lên thì có lẽ hợp lý hơn
Za hoanganh_za
Tường xây làm gì?
Tại sao lại phải tốn nhiều tiền để làm những công việc như vậy , thay vào đó làm tốt công tác phòng thi , thanh tra có phải tốt hơn không , xây tường cao không ném tài liệu vào nhưng có chắc là trong khu vực thi làm đúng nguyên tắc không, hay là thay vì ném tài liệu vào thì học sinh mang tài liệu vào trong phòng thi quay luôn?
Nguyễn Thị Hoài Lý, Hà Tây
Tôi cũng là một giáo viên, tôi thấy việc xây tường hay giăng dây thép ở Hà Tây chỉ là hình thức bề ngoài. Điều cốt yếu quyết định chất lượng thật của kì thi nằm ở những giám thị, thanh tra, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng coi thi và những người có liên quan trong hội đồng thi đó có thực sự thực hiện nghiêm túc việc làm của mình không. Chúng ta nên nhớ rằng, nếu chúng ta chỉ ngăn chặn bên ngoài mà lơi lỏng việc coi trong phòng thì cũng đủ kẽ hở để thí sinh xem tài liệu và coi bài của nhau.
Ý kiến của bạn?