221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
931522
Đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường: ý kiến nhiều chiều
1
Article
null
Đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường: ý kiến nhiều chiều
,

(VietNamNet) - Đề xuất bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người ngồi trên xe gắn máy và người điều khiển xe môtô trên mọi tuyến đường đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường có giúp đảm bảo an toàn giao thông? Với những tuyến đường nội thành chật hẹp, đông đúc như hiện nay, đội mũ bảo hiểm có phù hợp?... Ý kiến của bạn đọc VietNamNet sau bài viết “Có nên bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường?” của TS Đồng Xuân Thành.

Đội mũ bảo hiểm là cần thiết và dứt khoát phải được thực hiện

a.jpg

Đội mũ bảo hiểm có hạn chế tầm nhìn khi đi trong thành phố?

Đặng Việt Hùng, NCS ĐH Sydney

TS Thành phản biện khá mạnh bạo quan điểm bắt buộc đội mũ bảo hiểm toàn bộ, và nêu ý kiến chỉ cần dùng mũ bảo hiểm khi đi tốc độ trên 40 km/h. Với tư cách là chuyên môn, tôi có mấy ý kiến trao đổi như sau:

Thứ nhất, về liên quan tác dụng của mũ và tốc độ. Nghiên cứu nổi tiếng của châu Âu (COST 327) cho thấy xương sọ có thể bị vỡ ở tốc độ va đập 30 km/h và não có thể bị tổn thương ở tốc độ chỉ 11 km/h. Đó là cơ sở khoa học tại sao các nước còn quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp.

Nghiên cứu khác của Nhật cho thấy hiệu quả tác dụng của mũ bị giảm đi khi tốc độ xe cao, nhất là nếu chạy trên 50 km/h. Tại Việt Nam, đa số xe máy lưu hành có phân khối nhỏ (dưới 125cc), tốc độ lưu hành trong đô thị thường 30-40 km/h, với tốc độ này, nếu bị tai nạn, xương sọ có thể bị vỡ, lún và não thì tất nhiên xác suất bị tổn thương là cực cao.

Thứ hai, về các khía cạnh khác liên quan đến tốc độ, khía cạnh tiện dụng đương nhiên cần giải quyết để chủ động phòng ngừa tai nạn. 30% vụ tai nạn ở Việt Nam là do lỗi tốc độ.

Về khía cạnh phòng ngừa tội phạm, TS Thành phân tích chưa đúng. Dù chưa bắt buộc đội mũ trong đô thị, nhưng tội phạm vẫn có thể đội nếu muốn tránh nhận diện (vì luật không cấm đội).

Theo tôi, việc tiến tới bắt buộc đội mũ bảo hiểm là cần thiết và dứt khoát phải làm ở quốc gia là Việt Nam với 95% phương tiện là xe máy và mỗi ngày 35 người chết, trong đó 70% vụ tại nạn là do xe máy gây ra. Lộ trình hợp lý là việc mà Nhà nước cần có. Không dừng lại ở xe máy, ngay cả việc đội mũ bảo hiểm đi xe đạp cũng cần bắt đầu giáo dục cho trẻ em.

 

Nguyễn Phương Nam, 81A Trần Quốc Toản, Hà Nội

Tai nạn giao thông gây tử vong có thể do rất nhiều nguyên nhân chấn thương chứ không chỉ có thấn thương sọ não mới dẫn đến tử vong. Thực tế cũng cho thấy trong các ca tử vong do chấn thương có cả các nguyên nhân khác cùng với nguyên nhân là chấn thương sọ não. Nhưng thực tế cũng cho ta thấy rằng, chấn thương sọ não chiếm phần lớn nguyên nhân gây tử vong và mức độ nặng của tai nạn về sức khỏe nạn nhân.

 

Về mức độ nặng của tai nạn, tôi cũng đồng ý với TS Thành rằng tốc độ là một yếu tố đóng góp. Nhưng chúng ta không thể định ra một tốc độ cụ thể nào đó để quy định phải đội mũ bảo hiểm. Nạn nhân có thể bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong mặc dù đi rất chậm và đi bất cứ loại phương tiện cá nhân nào như xe đạp, xe máy phân khối lớn hay phân khối nhỏ. Tốc độ cao sẽ làm tăng nguy cơ tử vong và chấn thương sọ não nặng.

 

Một thực tế khá rõ ràng là hiện nay chúng ta quy định tốc độ tối đa trong thành thị không vượt quá 50 km/h, và hiếm khi chúng ta có thể đi tới tốc độ này trong thành phố nhưng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có người chết vì tai nạn giao thông cao nhất trên cả nước. Cả hai thành phố này đều không bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường, và đây chắc chắn là một phần trong những lý do sau tỉ lệ chết cao do tai nạn giao thông.

 

Vấn đề an toàn giao thông là vấn đề của toàn xã hội, ngoài những yếu tố kỹ thuật về đường sá, thực thi pháp luật, chất lượng chăm sóc nạn nhân, còn có các yếu tố về giáo dục, ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông.

 

Chúng ta không nên quan ngại việc đội mũ bảo hiểm trong thành phố sẽ gây mất mỹ quan đô thị, hay ai đó trở nên bực mình vì phải đội mũ bảo hiểm. Thành phố Hà Nội và nhiều thành phố khác trong cả nước còn phải làm nhiều việc nữa để thực sự chúng ta có những thành phố đẹp, trật tự và an toàn. Thành phố không có người bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông cũng là một hình ảnh đẹp.

 

Hiện nay, Nhà nước tập trung vào đối tượng đi xe máy bị tai nạn giao thông là do đối tượng này chiếm tỉ lệ tai nạn cao nhất. Ý thức chấp hành luật lệ giao thông còn kém. Thái độ ứng xử của nhiều người khi tham gia giao thông còn chưa được văn minh lắm. Thay đổi được những mặt yếu kém này cũng tạo ra một bộ mặt đẹp cho thành phố. Một bộ mặt đẹp của đô thị cần rất nhiều yếu tố, nhưng không thể nói việc đội mũ bảo hiểm trong đô thị làm mất đi vẻ đẹp của nó.

 

Nhiều người trong chúng ta còn e ngại không đội mũ bảo hiểm do bị cho là đội “nồi cơm điện”, tôi xin trích câu nói vui của TS Trương Văn Việt – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: “… thà đội “nồi cơm điện” để còn được dùng cơm với người thân còn hơn không bao giờ được ăn cơm vì không đội “nồi cơm điện”.

 

Chúng ta phải biết vượt qua những áp lực của số đông cho đội mũ bảo hiểm là “nhà quê”, “người ngoài hành tinh”, hay “sợ chết”. Đội mũ bảo hiểm là văn minh, nhưng quan trọng hơn là nó góp phần bảo vệ cho cuộc sống của chính chúng ta. Các nước phát triển giáo dục cho nhân dân của họ từ khi còn bé là đi xe đạp cũng phải đội mũ bảo hiểm. Đội mũ bảo hiểm là bắt buộc mỗi khi lên xe máy. Họ cũng đã trải qua những giai đoạn khó khăn như chúng ta khi đưa ra luật đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường, nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo và đồng lòng của toàn xã hội, họ đã thành công.

 

Đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường (kể cả trong nội đô) là hết sức cần thiết, vấn đề là Nhà nước cần nghiên cứu một thời điểm thích hợp, đồng thời các điều kiện như việc có sẵn mũ bảo hiểm chất lượng tốt, giá rẻ, các điều kiện để thực thi pháp luật phải chín muồi. Người dân cần được tuyên truyền giáo dục về việc đội mũ bảo hiểm trong một thời gian đủ dài để đảm bảo tính chấp hành cao.

Đoàn Hữu Sỹ, Nam Định

Không thể nói việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường là sai, là ý kiến phiến diện của một số người. Tôi đồng ý là khi đội mũ bảo hiểm sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, nhưng tôi thiết nghĩ, là do người dân chưa có thói quen đội mũ bảo hiểm.

Trên các bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc, chúng ta luôn thấy người dân bất cứ khi nào đi xe máy đều đội mũ bảo hiểm, không có gì là xấu cả, chỉ có điều, chúng ta chọn loại mũ bảo hiểm như thế nào thôi.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại mũ bảo hiểm đẹp, thời trang mà vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn. Theo tôi, điều quan trọng là khi người dân đã quen với việc đội mũ bảo hiểm thì không có gì đáng ngại cả.

Trần Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Tôi không đồng ý với ý kiến đánh giá và phân tích ở trên. Nếu ta để ý nhìn các đô thị lớn của các nước quanh ta như Bangkok... thì cứ đi xe máy là phải đội mũ bảo hiểm, mặc dù khí hậu ở đó nóng hơn xứ ta nhiều. Lượng xe máy của họ cũng không ít. Tôi cho rằng nước ta phải bỏ ngay tư duy tùy tiện và tự do trong suy nghĩ mà phải học dần tư duy của một xã hội có trật tự và tuân theo những quy định nghiêm ngặt. Có vậy đất nước mới phát triển có quy củ và trật tự được. Tôi ủng hộ quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy tham gia giao thông cho dù ở bất cứ loại đường nào.

Quan trọng vẫn là ý thức của người tham gia giao thông

 

b.gif

Các em nhỏ cũng cần được giáo dục ý thức tham gia giao thông an toàn.

Thanh Hien, ĐH Quảng Bình

Tôi có những quan điểm giống với TS Đồng Xuân Thành. Việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông mục đích chính là để tránh chấn thương sọ não khi bị tai nạn giao thông, chứ không phải là để bảo đảm an toàn giao thông, hay tránh tai nạn giao thông. Bởi lẽ, khi tham gia giao thông, nếu tai nạn xảy ra thì con người còn bị thương nguy hiểm ở nhiều bộ phận khác, và nguy cơ dẫn đến tử vong cũng rất cao, chứ không chỉ riêng chấn thương sọ não.

Nói như TS Đồng Xuân Thành, nếu sống mà tàn phế thì cũng đem lại gánh nặng cho nhiều người. Đã thế, cùng trên đường tham gia giao thông, chỗ này có biển: "Đoạn đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm", còn nhiều chỗ khác không có biển qui định, vậy ở những đoạn đường đó không có tai nạn xảy ra hay sao?

Theo tôi, vấn đề cần triển khai sâu rộng nhất là ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông, là những hình thức xử phạt với những ai vi phạm tốc độ, “đánh võng”, vượt đèn đỏ... Nên chăng trên các đoạn đường có mật độ tham gia giao thông cao phải gắn camera?

Theo tôi biết, hiện nay, đoạn đường nào có CSGT kiểm soát thì mọi phương tiện đều đi đúng qui định, còn những nơi không có CSGT thì đa số người tham gia giao thông đều vi phạm: chở quá qui định, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng... Mong rằng các đơn vị chủ quản suy xét thêm để góp phần ổn định trật tự giao thông.

Nguyễn Mạnh Hùng, Hà Nội

Tôi không hiểu tại sao lại đưa ra quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường bởi hai vấn đề sau:

1. Trước hết, đó là quyền của người tham gia giao thông. Họ không đội mũ bảo hiểm thì thiệt cho bản thân họ. Không nên đưa vào luật để điều chỉnh. Việc họ không đội mũ bảo hiểm không ảnh hưởng đến người khác, không gây mất an toàn cho người khác. Tại sao ta không cấm uống rượu, việc đó cũng có hại cho sức khoẻ người dân?

2. Tôi thường xuyên phải đi ngoại thành. Trong các chuyến đi đó, tôi thấy đội mũ bảo hiểm rất thoải mái và tôi hoàn toàn tự nguyện thực hiện, bởi một điều đơn giản: đi ngoại thành, tôi đi tốc độ cao, đường vắng vẻ, ít phải quan sát trái, phải hơn. Nếu tôi đi trong thành phố thì vấn đề khác hẳn, tôi phải quan sát trái, phải trước, sau. Đôi khi phải cảm nhận cả xe đang vượt bên phải mình hoặc bên trái mình. Nều bắt đội mũ có khác gì chỉ cho tôi nhìn phía trước.

Nguyễn Thanh Minh, thanhminh78@yahoo.com

Lật lại vấn đề gương chiếu hậu cho xe gắn máy. Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng kể từ khi gắn kính chiếu hậu cho xe gắn máy, tỷ lệ tai nạn giao thông không giảm đi tí nào? Số người thực sự dùng gương chiếu hậu là bao nhiêu hay chỉ là giải pháp tình thế để tránh bị CSGT thổi phạt? Vậy, hãy xét về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với tất cả người lưu thông bằng xe gắn máy. Liệu những người đưa ra các luật trên có đảm bảo rằng một khi chúng ta tuân thủ các quy định trên thì số vụ tai nạn giao thông có giảm không? Cái chính là ý thức của người tham gia giao thông. Đừng nên ép buộc người dân phải làm theo những quy định không hợp lý. Điều đó chỉ dẫn đến sự ép buộc và lãng phí mà người dân phải gánh.

hoannvh@gmail.com

Việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường là một suy nghĩ chủ quan và thiếu tính thực tế. Đúng là trên những tuyến đường dài, những tuyến đường cho phép môtô chạy với tốc độ cao thì việc sử dụng mũ bảo hiểm là cần thiết. Bởi vì nếu không có quy định bắt buộc thì người dân cũng không có ý thức tự bảo vệ mình.

Tuy nhiên, những tuyến đường ngắn, đường trong đô thị, khi tốc độ của môtô không cao thì việc đội mũ bảo hiểm gây ra nhiều rắc rối hơn là lợi ích có thể mang lại. (Những rắc rối mà ai cũng có thể nhìn thấy là: Thiếu thẩm mỹ, gây bất tiện và làm giảm khả năng phản ứng - Điều này đặc biệt quan trọng với những đô thị của Việt Nam bởi vì trong những đô thị này, các tuyến đường không đáp ứng được nhu cầu giao thông của người dân).

Việc đề xuất ý kiến và ra quyết định phải căn cứ vào những nghiên cứu khoa học và tình hình thực tế. Những suy nghĩ theo cảm tính chỉ mang lại những giáo điều vô ích và có thể làm hại cho sự phát triển xã hội.

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,