(VietNamNet) - Đề nghị ngừng triển khai Đề án 112 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc VietNamNet. Sau hơn 5 năm thực hiện, Đề án 112 đã không thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước. Vậy đâu là nguyên nhân của sự thất bại này? Nhiều công chức từng theo học khoá đào tạo của Đề án 112 “mổ xẻ”.
PKiet, Tuy Hoà, Phú Yên
Một lớp học của Đề án 112.
Tôi cũng đã được đi học lớp do Ban điều hành Đề án 112 Phú Yên tổ chức. Lớp tôi có 42 người, 1/3 cán bộ trẻ đã biết hết các phần học này nên đến ngày kiểm tra mới đến. 1/3 cán bộ mù tịt chẳng biết gì về tin học vì công việc không liên quan tin học nên đến như “vịt nghe sấm”. 1/3 người còn lại là học cũng được mà không học cũng được, cơ quan đưa đi thì đi “kiếm cái chứng chỉ chơi”, không quan tâm nhiều đến nội dung. Số người này công việc đã ổn định, tiền nhiều nên đến chủ yếu hô hào nhậu, yêu cầu lớp nộp quĩ để tổ chức mời các thầy đi nhậu. So với đồng tiền Nhà nước bỏ ra thì thật lãng phí nên Thủ tướng cho dừng lại là một quyết định thực tế và sáng suốt.
Đỗ Thị Ái Thương, VP HĐND, UBND Kim Thành, Hải Dương
Tôi là nhân viên văn phòng UBND cấp huyện, cũng được tham gia khoá đào tạo theo Đề án 112/CP. Tôi thấy mục tiêu của đề án là đúng đắn, nhưng khi về cơ quan thực hiện thấy không khả quan. Lý do thật đơn giản vì đào tạo không đồng bộ, nhân viên muốn thực hiện trên máy nhưng lãnh đạo lại không đi học, không thực hiện giao việc trên máy, đành phải làm theo cách truyền thống. Vậy đến khi nào mới cải cách được? Thủ tướng cho dừng Đề án này là đúng vì quá lãng phí ngân sách Nhà nước mà vẫn không hiệu quả, nên xem xét từ khâu chất lượng cán bộ công chức, nhất là cán bộ làm công tác quản lý về lĩnh vực tin học.
Nhat Minh, Đồng Tháp
Là một công chức được tham gia học tập về đề án, tôi cảm thấy sự lãng phí và kém hiệu quả của Đề án 112. Lãng phí ở chỗ trang cấp thiết bị đại trà, không đồng bộ, việc mua sắm máy tính để làm cảnh theo phong trào chứ không thực sự phục vụ cho công việc. Ngoài ra, đề án còn lãng phí cả thời gian của cán bộ theo học vì sau khi hoàn thành 8 modules với điểm kiểm tra toàn 10 thì có người chỉ dừng lại ở việc đọc báo trên mạng!?
Đề án kém hiệu quả ở chỗ cán bộ giảng dạy "vay mượn" không chuyên nên việc truyền đạt khó hiểu và không chuyên sâu, đồng thời, thời gian giảng dạy liên tục, rút ngắn cho kịp quyết toán kinh phí nên có trường hợp học xong chương trình rồi mà kiến thức về tin học vẫn như cũ. Ngừng thực hiện đề án là đúng, thà muộn vẫn hơn, chúng ta cần có những kế hoạch triển khai thật cụ thể.
Công Lý, Huế
Tôi rất hoan nghênh quyết định sáng suốt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tôi đã từng được tham gia lớp học này, lớp học “cá mè một lứa”, không phân loại đối tượng theo trình độ để dạy. Chính vì lý do đó mà kỳ thi từng mođun là những trò hề, hơn 60% thí sinh làm bài không đạt (do họ chỉ có thể đánh máy chữ) và được cán bộ giảng dạy hoặc những thí sinh khác chỉ vẽ hộ. Thế là kinh phí của đề án cho các đối tượng này bỏ sông, bỏ biển. Thử hỏi với quy mô cả nước thì sự lãng phí đó lên đến cỡ nào? Sự lãng phí dù ở cấp độ nào cũng đáng để Chính phủ xem lại vì đây là tiền thuế của dân.
Tran Van Hoa, TP. Hồ Chí Minh
Tôi là một trong những người tham gia viết phần mềm quản lý hành chính trong Đề án 112. Về khía cạnh người làm phần mềm, tôi xin có một số ý kiến sau:
1. Sai lầm không phải ở bản thân đề án, Đề án 112 là một bước đi tốt, nhưng bản thân cách thức và trình tự thực hiện không đúng. Vấn đề này phải qui trách nhiệm cho ban triển khai Đề án 112.
2. Phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng con người trong đề án này. Nhiều nhân viên quản trị mạng ở địa phương mà tôi gặp còn rất mơ hồ về Internet, mạng máy tính, thậm chí khi muốn duyệt window explorer, mở một trình duyệt web cũng tỏ ra bối rối. Những vấn đề này (tôi gặp phải ở một tỉnh phía Nam) là hệ quả tất yếu của tính quan liêu, xa rời thực tế của những người có trách nhiệm.
3. Đội ngũ phát triển phần mềm chúng tôi luôn muốn góp sức vì một nền hành chính thông suốt (vì tôi cũng đã bị... hành nhiều rồi) nhưng bản thân cỗ máy con người con chưa thông suốt thì làm sao phần mềm do con người vận hành "chạy" tốt được?
4. Một thực tế là những vị trí quản trị mạng ở địa phương phần đông là "con ông cháu cha" được đưa vào cho đủ biên chế... Suy ra, cốt lõi của sự thất bại của Đề án 112 vẫn là căn bệnh hành chính lâu nay.
Nguyễn Khắc Thái, TT Tin học và Thông tin KHCN Quảng Bình
Là giám đốc đơn vị tham gia đào tạo công chức, viên chức theo Đề án 112, tôi thấy Ban điều hành đã tổ chức triển khai quá luộm thuộm, thậm chí thiếu trách nhiệm và phản khoa học. Gọi là tin học hoá nhưng các thủ tục hết sức rườm rà, tốn công, tốn giấy. Tôi đã có nhiều công văn yêu cầu Ban điều hành trao đổi công việc với Ban nhưng cũng không hề phản hồi.
Hiện tại, Ban điều hành là một bên (bên A) trong hợp đồng ký kết đào tạo theo chương trình 112, chúng tôi (bên B) đã hoàn thành trách nhiệm hợp đồng, nhưng bên A không chịu thanh toán, vi phạm hợp đồng. Chúng tôi đang nợ vốn vay 200 triệu để thực thi hợp đồng đào tạo 112.
Hung Yen
Tôi hoàn toàn tán thành quyết định của Thủ tướng về ngừng Đề án 112.
Đề án tin học 112 đã được triển khai vài năm nay. Cơ quan tôi cũng được hưởng thụ vài ba chiếc máy tính (nhưng chất lượng không cao). Nhiều người trong cơ quan được cử đi học lớp tin học của đề án, tuy nhiên nội dung học chỉ là tin học văn phòng mà mọi người hầu hết đã biết sử dụng. Trong khi học, nhiều người bỏ học nhiều ngày, tuy nhiên ban quản lý lớp vẫn lấy chữ ký của những người này để lấy số lượng học sinh và thanh toán kinh phí giảng dạy?!
Điều muốn nói ở đây chính là chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công văn. Chương trình thì rất khoa học nhưng chưa thể áp dụng vào điều kiện và hoàn cảnh quản lý của nước ta vì trong thực tế các công văn giấy tờ cơ quan cấp dưới trình lên cơ quan cấp trên phải trực tiếp đến gặp gỡ và “xin” mới được, còn nếu thực hiện qua đường truyền mạng máy tính thì có lẽ không biết bao giờ mới được duyệt.
Nguyễn Văn Long, TX Hà Tĩnh
Các phần mềm thuộc chương trình Đề án 112 cần đơn giản hơn về giao diện, ít thao tác hơn nhằm mục đích dễ sử dụng và phù hợp với mặt bằng trình độ sử dụng và ứng dụng CNTT của cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức hiện nay. Trên thực tế, các hoạt động về ứng dụng CNTT của các đơn vị hành chính còn mới mẻ, việc trao đổi thông tin qua mạng còn nhiều hạn chế nên công tác làm quen với môi trường sử dụng phần mềm và thực hiện một cách đồng bộ tại nhiều đơn vị là quan trọng.
Hơn nữa, để thực hiện có hiệu quả được chương trình Đề án 112, trước hết, người lãnh đạo trong mỗi cơ quan, đơn vị đều phải sử dụng thành thạo máy vi tính và có nhiều thời gian ở tại cơ quan thay vì phải đi họp.
Tôi thấy Đề án 112 chưa tập huấn cho cán bộ lãnh đạo sử dụng thành thạo các phần mềm dùng chung và thấy rõ sự cần thiết của phần mềm trong việc cải cách hành chính và ứng dụng vào công việc hàng ngày.
Nguyen Gia Son, giasontk2003@yahoo.com
Tôi là một kỹ thuật viên máy tính. Theo tôi, ý tưởng Đề án 112 là tốt nhưng sở dĩ không hiệu quả là có một phần lỗi của những người thực hiện đề án như mua sắm thiết bị không đồng bộ, chương trình đào tạo dàn trải, sơ sài, cực kỳ tốn kém, thậm chí đào tạo những nội dung mà người sử dụng máy tính đã quá am hiểu. Mặt khác, tôi không đánh giá thấp các đơn vị CNTT trong nước nhưng khi thực hiện đề án, cố vấn cho đề án đã làm việc không hết sức để đề án không có hiệu quả. Dừng triển khai đề án là hợp lý nhưng mong sao các dự án sau không lặp lại như thế này.
Ý kiến của bạn về Đề án 112?