221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
921500
Bạn đọc nói gì về đề án "Gộp hai kỳ thi"?
1
Article
null
Bạn đọc nói gì về đề án 'Gộp hai kỳ thi'?
,

(VietNamNet) - “Có cần thiết không khi phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quá tốn kém để rồi kết quả là loại ra chẳng đáng là bao học sinh? Nên chăng thay vì ghép 2 kỳ thi làm một, Bộ Giáo dục dũng cảm bỏ kỳ thi tốt nghiệp và thay thế bằng cách xét tuyển cho các em. Còn kỳ thi ĐH sẽ tổ chức thật nghiêm túc để lựa chọn được những em học sinh ưu tú vừa giúp được nhiều cho đất nước, vừa đỡ lãng phí công đào tạo”. Rất nhiều bạn đọc VietNamNet đề nghị bỏ kì thi tốt nghiệp THPT, giữ lại kì thi ĐH khi góp ý cho đề án “Gộp 2 kì thi làm 1” của Bộ GD-ĐT.

(Diễn đàn “Gộp 2 kì thi để nâng cao chất lượng?”)

b.jpg
Kì thi ĐH vẫn phải duy trì.
Nguyen Minh Hoang, minhhoang@yahoo.com

Trước hết, chúng ta cần phân tích: Giữa hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ, cái nào cần thiết hơn và ý nghĩa của hai đợt thi này như thế nào?

Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích chứng nhận thí sinh đã học xong chương trình trung học phổ thông. Tính chất cuộc thi này là kiểm tra kiến thức thí sinh ở mức độ trung bình, đề thi ra ở mức độ để cho thí sinh học lực trung bình là có thể tốt nghiệp.

Nếu xét về mọi khía cạnh thì chính kỳ thi này hiện nay là thừa, không cần thiết. Trong năm học lớp 12, các em đều đã phải thi kiểm tra tất cả các môn học rất chặt chẽ theo quy định của Bộ Giáo dục. Cuối mỗi kỳ và cuối năm lại đánh giá tổng kết từng môn học để phân loại học sinh theo thang điểm rất chuẩn để xếp loại học lực của học sinh.

Như vậy, có thể khẳng định rằng việc công nhận học sinh tốt nghiệp THPT qua kết quả học tập của các em là cơ bản chính xác, không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay.

Thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ có mục đích tuyển chọn những thí sinh trong toàn xã hội có khả năng trong từng lĩnh vực tương ứng với từng ngành nghề để đào tạo ở các mức độ khác nhau (ĐH, CĐ, TC).

Kỳ thi này mang ý nghĩa rộng lớn hơn (với toàn xã hội) và mục tiêu là đầu vào cho đào tạo nghề ở các trình độ khác nhau (ĐH, CĐ, TC) của các trường đào tạo. Đào tạo hệ ĐH và CĐ mang ý nghĩa đào tạo hệ trí thức tương lai cho đất nước nên chất lượng đầu vào rất quan trọng. 

Thực tế cho thấy tất cả các thí sinh đã tốt nghiệp THPT đều mơ ước được bước vào ngưỡng cửa này nhưng nhu cầu của xã hội thì có hạn không thể đào tạo ĐH tràn lan. Việc tuyển sinh vào ĐH phải theo mô hình chóp nón mới đúng. Nghĩa là không phải tất cả các thí sinh đã tốt nghiệp THPT có nguyện vọng đều có thể vào học ĐH. Bậc ĐH chỉ dành cho một số ít thí sinh có khả năng thực sự thông qua việc sàng lọc chất lượng đầu vào rất kỹ lưỡng là kỳ thi tuyển sinh ĐH và CĐ.

Chính vì vậy, đề thi tuyển sinh vào ĐH đòi hỏi khó hơn và ở một mức độ cao hơn rất nhiều thi tốt nghiệp THPT thì mới sàng lọc được những thí sinh đủ khả năng đào tạo tiếp bậc ĐH. Ngoài ra, nhiều trường ĐH đào tạo nhiều nghề đòi hỏi thí sinh phải có năng khiếu ứng với nghề đào tạo mới có đủ khả năng tiếp thu kiến thức.

Qua những phân tích trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng công việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ là vô cùng quan trọng. Chúng ta phải đặt nó lên trên kỳ thi tốt nghiệp THPT và không thể bỏ đi được do tính chất quan trọng của nó đối với xã hội và tương lai của đất nước trong xu thế thế giới hiện nay đang phát triển theo hướng kinh tế trí thức.

Ngược lại, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT lại là việc làm rất thừa và hoàn toàn không cần thiết, không chính xác bằng việc xét tốt nghiệp thông qua kết quả học tập cả năm học lớp 12.

Lan Trần, Bộ Xây dựng

Đã bao giờ Bộ Giáo dục làm một thống kê xem rốt cuộc tỷ lệ học sinh trượt trong các kỳ thi tốt nghiệp PTTH cả nước là bao nhiêu chưa?

Theo đánh giá của cá nhân tôi thì tỷ lệ này rất thấp. Lý do có thể do tiêu cực, có thể do mục đích phổ cập giáo dục của Nhà nước. Vậy có cần thiết không khi phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quá tốn kém để rồi kết quả là loại ra chẳng đáng là bao? Nên chăng thay vì ghép 2 kỳ thi làm một, Bộ Giáo dục dũng cảm bỏ kỳ thi tốt nghiệp và thay thế bằng cách xét tuyển cho các em.

Còn kỳ thi ĐH sẽ tổ chức thật nghiêm túc để lựa chọn được những em học sinh ưu tú vừa giúp được nhiều cho đất nước, vừa đỡ lãng phí công đào tạo.

Muốn chất lượng thi cử tốt, Bộ có thể giao thêm quyền tự chủ cho các trường đại học, bởi họ sẽ phải lo thi tuyển tốt để bảo vệ thương hiệu của mình.

Phạm Tuyết Nga, 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội

Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH như đề án của Bộ GD-ĐT đưa ra tại thời điểm này là chưa phù hợp. Theo tôi, có thể xét tốt nghiệp THPT để các cháu có học lực trung bình, khó có khả năng theo học ở trình độ cao hơn, có thể rẽ ngang đi học nghề.

Trên thực tế, ở nước ta hiện nay, số lao động có đào tạo nghề và công nhân lành nghề là vô cùng thiếu trong khi có những trường ĐH tuyển đầu vào lại quá thấp, sau khi ra trường lại không tìm được việc làm. Muốn có lao động ở trình độ cao thì phải chọn lựa kỹ càng.

Với nạn tiêu cực đang diễn ra ở mọi nơi, mọi ngành nghề như hiện nay thì không thể đảm bảo rằng tiêu cực trong thi tốt nghiệp THPT, việc chạy mua điểm học bạ, tốt nghiệp là không xảy ra, và như vậy là không công bằng.

Theo tôi, có thể xét tốt nghiệp THPT dựa trên cơ sở là kết quả học tập, tu dưỡng của 3 năm THPT. Còn học sinh muốn học ĐH thì phải qua thi tuyển chặt chẽ, công bằng, công khai. Nếu học sinh nào thật sự có năng lực thì kỳ thi tuyển này cũng chỉ là một kỳ kiểm tra kiến thức ở mức cao hơn mà thôi. Như vậy sẽ đỡ lãng phí cho XH và không gây áp lực cho học sinh.

a.jpg

Có nên tiếp tục kì thi tốt nghiệp THPT tốn kém, nhiều tiêu cực?

Hà Thị Giang, Thái Bình

Bệnh thành tích trong giáo dục và đào tạo những năm gần đây đã làm cho phụ huynh và học sinh hết sức bất bình. Kỳ thi tốt nghiệp THPT không đem lại kết quả trung thực mà còn gây lãng phí tiền của cho toàn xã hội. Tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT muốn tiết kiệm tiền của cho dân thì nên bỏ thi tốt nghiệp (chỉ cấp chứng chỉ học hết THPT cho học sinh).

Để đảm bảo công bằng cho xã hội và tuyển được học sinh thực sự giỏi vào các trường ĐH và CĐ, Bộ GD-ĐT chỉ nên tổ chức kỳ thi ĐH, CĐ. Thực tế cho thấy, kết quả thi tốt nghiệp toàn điểm giỏi nhưng thi vào đại học lại có rất nhiều điểm 0. Duy trì kỳ thi tốt nghiệp để xét vào đại học sẽ dẫn tới kết quả thật khó lường khi bệnh tiêu cực đang lan tràn trên cả nước.

Hà Yến, Thanh Xuân, Hà Nội

Trước đây, chính sách bằng giỏi, giải quốc gia được vào thẳng đại học đã làm nảy sinh quá nhiều tiêu cực, gây bất bình trong dư luận phụ huynh, học sinh cả nước (đặc biệt ở Thái Bình). Có học sinh thi không đậu vào cấp 3, bằng mọi cách lại vào cấp 3 và được tham dự thi HSG quốc gia và vào thẳng đại học. Kỳ thi chọn HSG quốc gia năm qua, Thái Bình đã phải huỷ 7 giải HSG quốc gia. Vậy, tại sao không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT cho đỡ tốn kém mà lại bỏ kỳ thi đại học? Chỉ có duy trì kỳ thi ĐH mới đảm bảo công bằng xã hội và chống tiêu cực tốt nhất.

Lê Thanh Thảo, Quảng Ninh

 

Chúng cháu là học sinh đang học lớp 11. Sau khi nghe thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị thực hiện đề án ghép hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ, chúng cháu rất hoang mang về đề án này bởi có thể chúng cháu là những người đầu tiên phải chịu đề án này.

Hiện nay, áp lực học tập các môn ở nhà trường của chúng cháu đã quá nặng. Không còn mấy năm nữa sẽ bước vào kỳ thi ĐH. Chúng cháu và gia đình mong mỏi suốt mười mấy năm nay với hy vọng khi tốt nghiệp THPT, chúng cháu sẽ bước chân được vào ngưỡng cửa ĐH. Dù phải qua một kỳ thi tuyển chọn rất chặt chẽ nhưng chúng cháu sẵn sàng chấp nhận thử thách của kỳ thi tuyển này vì nó có sự công bằng nhất định, nếu lỡ may thi không được thì chúng cháu cũng hiểu là do kiến thức chưa đủ.

Nếu các bác ở Bộ GD-ĐT có thương chúng cháu thì các bác hãy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT để chúng cháu có nhiều thời gian tập trung ôn thi vào ĐH vì thi vào ĐH mới là mong đợi của chúng cháu.

Chúng cháu không đồng ý phương án ghép 2 kì thi vì cháu thấy không thể đảm bảo công bằng trong thi cử và chấm điểm trên cả nước khi tiêu cực hiện nay đang tràn lan ở khắp nơi, các bác cũng còn chưa ngăn chặn được.

Chúng cháu cần sự công bằng chứ không phải chúng cháu sợ thi cử. Chúng cháu tin vào các trường ĐH chấm điểm thi hơn là các địa phương tự chấm điểm thi ĐH cho học sinh.

Chúng cháu rất mong các bác ở Bộ Giáo dục thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của chúng cháu mà bỏ đề án “nhập hai kỳ thi làm một” để chúng cháu được yên tâm học tập.

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,