(VietNamNet) - “Điều bất hợp lí lớn nhất của quy trình thụ lí hồ sơ hiện nằm ở khâu cơ quan có thẩm quyền đã không bố trí một quy trình làm việc khép kín ngay tại một vị trí. Đây là việc hoàn toàn nằm trong tầm tay của những người có thẩm quyền”. Bạn đọc Nguyễn Văn Luận đề xuất giảm thời gian tính thuế trước bạ từ thực tế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình, Hà Nội.
Trước khi viết bài này, tôi xin được gửi lời cảm ơn đến ông Trần Huy Chính, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Ba Đình và bà Lê Hoàng Thủy, người phụ trách trực tiếp bộ phận tính thuế trước bạ nhà, đất quận Ba Đình - những người đã giúp tôi được biết tường tận hơn về quy trình, công việc tính thuế trước bạ nhà đất hôm nay.
Người dân đi nộp thuế trước bạ. (Ảnh: SGGP)
Là người đã dành khá nhiều thời gian suy ngẫm về sự trì trệ của công cuộc CCHC, tôi từng đưa ra ba nhận định dưới đây:
Thứ nhất, thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính là tổng thời gian giải quyết các công đoạn của quy trình công việc cộng với tổng các khoảng thời gian hồ sơ được luân chuyển giữa các công đoạn đó.
Thứ hai, tôi từng phản bác lại lời giải thích cho rằng, ở rất nhiều bộ phận hành chính, do người ít, việc nhiều nên hồ sơ thường hay bị ùn tắc, thời gian giải quyết hồ sơ bị chậm lại là không tránh khỏi.
Thứ ba, tôi luôn cho rằng thời gian hồ sơ của doanh nghiệp, người dân đang lưu tại các cơ quan hành chính chủ yếu là được lưu trong các tủ hồ sơ để chờ đợi. Trên thực tế, thời gian cần thiết để các nhân viên hành chính trực tiếp xử lí các bộ hồ sơ này không có nhiều đến vậy.
Khảo sát thực tế của tôi tại bộ phận tính thuế trước bạ nhà đất quận Ba Đình cho thấy:
Bộ phận tính thuế trước bạ nhà, đất thuộc Chi cục Thuế quận Ba Đình hiện có 5 nhân viên làm việc. Mỗi ngày bộ phận này có thể xử lí hoàn tất từ 100 đến 150 bộ hồ sơ được chuyển tới từ Phòng Nhà đất và Tài nguyên Môi trường quận và từ văn phòng đăng kí nhà đất của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội.
Tính bình quân, trên thực tế, với mỗi bộ hồ sơ tại đây, các nhân viên thuế vụ chỉ cần khoảng 20 phút là xử lí xong nhưng thời hạn giải quyết hồ sơ hiện tại đang là 3 ngày. Vậy, đâu là nguyên nhân của hiện trạng trên và chúng ta có thể rút ngắn thời hạn tính thuế trước bạ nhà đất được hay không?
Xin hãy cùng phân tích
Theo quy trình hiện tại, hồ sơ nhà đất sau khi đã được xác định rõ mức tính thuế như giá đất, vị trí đất... được chuyển tới Chi cục Thuế Ba Đình tại 20 Cao Bá Quát từ văn phòng đăng kí nhà đất của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội tại số 10 Đặng Dung.
Sau khi hồ sơ tính thuế được hoàn tất, hồ sơ lại được chuyển ngược lại từ 20 Cao Bá Quát đến số 10 Đặng Dung.
Do mỗi ngày văn phòng đăng kí nhà đất không thể đi lại nhiều lần để giao và nhận hồ sơ nên hồ sơ của người dân nộp và hồ sơ đã được tính hoàn thiện tại Chi cục Thuế luôn phải nằm trong tình trạng chờ đợi.
Chỉ riêng việc sắp xếp nơi làm việc chưa hợp lí này đã khiến hồ sơ của dân bị lưu lại một cách vô nghĩa tại các cơ quan của Nhà nước không dưới 1, 2 ngày.
Việc sắp xếp quy trình làm việc ngay tại bộ phận tính thuế trước bạ của Chi cục Thuế quận Ba Đình cũng không thể được như mong muốn do chỗ làm việc chật hẹp.
Tại đây, công việc tính thuế trước bạ gồm các công đoạn cụ thể sau: Nhân viên thụ lí hồ sơ tính toán (dựa vào phần mềm trên vi tính) in ra bảng thông báo thuế; cán bộ phụ trách kí nháy để xác nhận kết quả; kết quả thông báo thuế được trình lãnh đạo Chi cục kí duyệt; hồ sơ được đóng dấu, chuyển trả văn phòng đăng kí nhà đất và một bộ được lưu lại tại Chi cục.
Với một quy trình và một “núi” công việc như vậy, thiết nghĩ, những nhân viên tính thuế trước bạ tại đây cũng không thể nào làm tốt hơn và trên thực tế, họ đang làm như sau: Giải quyết dứt điểm từng công đoạn cho tất cả các bộ hồ sơ, sau đó mới lại giải quyết đồng loạt ở công đoạn 2 cho tất cả các hồ sơ và cứ thế kế tiếp.
Cũng cần phải nói thêm rằng, với hoàn cảnh hiện tại về cung cách phối hợp giữa 2 đơn vị văn phòng đăng kí nhà đất và bộ phận tính thuế trước bạ, điều kiện chỗ làm, bố trí nhân lực như hiện nay, việc giải quyết hồ sơ như các nhân viên tính thuế trước bạ quận Ba Đình đang làm là hoàn toàn hợp lí và khó có thể làm tốt hơn được nữa.
Điều bất hợp lí lớn nhất của quy trình thụ lí hồ sơ hiện nằm ở khâu cơ quan có thẩm quyền đã không bố trí một quy trình làm việc khép kín ngay tại một vị trí. Đây là việc hoàn toàn nằm trong tầm tay của những người có thẩm quyền.
Hãy thử hình dung, bộ phận tính thuế trước bạ nhà đất không nằm tại 20 Cao Bá Quát mà nằm ngay tại số 10 Đặng Dung. Máy in được đặt tại phòng người thẩm định và kí quyết định thông báo thuế. Sau khi nhân viên thụ lí hồ sơ đã có kết quả tính toán, kết quả in ra đã được đặt ngay trước mặt người có thẩm quyền phê duyệt.
Điều này có nghĩa là chúng ta không giải quyết dứt điểm từng công đoạn cho tất cả các bộ hồ sơ, mà là giải quyết dứt điểm hoàn tất từng bộ hồ sơ hoặc từng nhóm bộ hồ sơ.
Ngoài ra, việc bố trí liên hoàn như đề xuất sẽ còn tiếp tục giảm bớt khâu tính toán thuế. Bởi theo quy trình hiện tại thì việc xác định khung giá đất đã do văn phòng đăng kí nhà đất xác định. Thay vì văn phòng đăng kí nhà đất in ra chi tiết về giá đất, sao chúng ta không cài đặt trên vi tính này một phần mềm đơn giản để tính thuế (như phần mềm đang có tại Chi cục Thuế Ba Đình) để in ra luôn kết quả?
Nếu đã có sẵn phần mềm tính thuế trước bạ nhà đất như trình bày trên, việc tồn tại bộ phận tính thuế trước bạ nhà đất thậm chí không còn cần thiết nữa mà bộ phận văn phòng đăng kí nhà đất đề nghị áp đặt mức thuế dựa theo cách thức áp đặt khung giá đất hiện văn phòng đang đưa ra, cơ quan thuế vụ chỉ còn có nhiệm vụ kiểm tra và quyết định mức thuế mà thôi.
Khi được hỏi, rằng nếu chúng ta giải quyết hồ sơ bằng một quy trình khép kín như đã trình bày thì thời hạn giải quyết hồ sơ sẽ là khoảng bao lâu, người đang trực tiếp thụ lí hồ sơ Lê Hoàng Thủy cho biết là khoảng 20 hay 30 phút.
Tôi thật sự chưa dám tin vào một tương lai tươi sáng như chị Thủy nói, nhưng tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ từ 3 ngày như hiện tại xuống còn 1 giờ, đó là chuyện không mấy khó khăn.
Qua những gì đang diễn ra trong việc tính thuế trước bạ nhà, đất, tôi nghĩ, đã đến lúc chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng, đặc biệt là những người đang có trách nhiệm chăm lo cho công cuộc CCHC của nước nhà cần quyết liệt hơn, sâu sát hơn với thực tế công việc. Cần xây dựng được mô hình thí điểm để nhân rộng ra cả nước nếu thực sự chúng ta đang mong mỏi mau chóng có bước đột phá trong công cuộc CCHC nước nhà. Nếu không làm vậy, “rùa” CCHC chỉ giậm chân tại chỗ hoặc nhích dần lên phía trước mà thôi.
-
Nguyễn Văn Luận, Hà Nội
Ý kiến của bạn về đề xuất nêu trên: