(VietNamNet) - Lộn xộn, thụt ra thụt vào và chơi vơi trên độ cao 10 đến 20 mét... là thực trạng của nhiều gian nhà cơi nới tại các khu chung cư cũ ở Hà Nội hiện nay. Trước sự lộn xộn và đầy hiểm nguy này, nhiều bạn đọc đã gọi điện, gửi thư... phản ánh đến tòa soạn. Theo yêu cầu của bạn đọc, phóng viên VietNamNet đã có mặt tại các khu chung cư nói trên.
"Già nua" nhưng vẫn phải đèo bòng
Không khó khăn gì để nhận ra những khu nhà "đặc biệt" này, do được thiết kế xây dựng từ những năm 50 - 70 của thế kỷ trước và do sự phát triển của đô thị, đa phần những khu chung cư này hiện đã bị “đẩy” sâu vào các ngõ ngách chật hẹp. Ngoài việc đi lại khó khăn, kết cấu, kiến trúc, không gian của các khu chung cư giờ cũng đã trở nên "lỗi thời". Và để "đối phó" với "cơn lốc" đô thị cùng sự gia tăng dân số nhanh, nhiều gia đình đã tìm "lối thoát" cho mình bằng cách xây ô, quây thửa, cơi nới ra các phía hành lang bên ngoài.
Nhiều khu nhà ở TT Thanh Xuân "già nua" nhưng vẫn phải "đèo bòng". (Ảnh: TVH). |
Tình trạng này không những làm biến dạng nhiều khu tập thể mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của người dân sống, đi lại bên dưới. Hiện các khu tập thể: Giảng Võ, Nam Thành Công (Q. Ba Đình); Tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam (Q.Thanh Xuân); Tập thể Thái Thịnh, Trung Tự, Kim Liên, Xã Đàn (Q.Đống Đa); Tập thể Nguyễn Công Trứ (Q. Hai Bà Trưng); Tập thể Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy)... đang là những khu mà tình trạng cơi nới “nở rộ” nhất.
Với mục đích "rộng được chút nào hay chút ấy...", nhiều hộ dân đã "đua" nhau cơi nới, mỗi gia đình chỉ cần sắm cho mình một vài thanh sắt, vài tấm bìa cát-tông cứng… rồi thuê thợ hàn xì về gia công là mỗi nhà lại có thêm một khoảng không gian từ 5 - 10m2. Thực tế như vậy nên nhiều gia đình đã không “dại gì” mà không cơi nới.
Nói về thực trạng này, Anh Nguyễn Tuấn Hùng, một người dân sống tại Khu nhà A, Tập thể Thanh Xuân Bắc, Quận Thanh Xuân, phân bua: “Do chật chội quá nên nhà tôi cơi nới thêm chút cho dễ xoay xở. Tất cả các hộ xung quanh đều như vậy cả đấy thôi, vì nếu nhà này không làm thì nhà kia họ cũng lấn sang...". Đây cũng là hầu hết ý kiến mà chúng tôi ghi nhận được khi tiếp xúc với các hộ dân sống tại các khu chung cư cũ ở Hà Nội hiện nay.
Hiện các dãy nhà A, B, C, D, E (Tập thể Thanh Xuân Bắc); G, H (Tập thể Thanh Xuân Nam); E, G, C, Đ (Tập thể Thái Thịnh); H, B, C (Tập thể Nguyễn Công Trứ); C, D (Tập thể Trung Tự); B, C, D... (Tập thể Kim Liên); A, C, D, K... (Tập thể Nghĩa Tân)... hầu hết hành lang ở hai bên trái và phải của các dãy nhà này "cơ bản" bị xóa sổ, nhiều dãy nhà đều bị bịt kín bởi những "gian nhà" cơi nới, nằm chơi vơi trên độ cao 15 đến 20m so với mặt đất.
Do cơi nới, xây dựng vội vã không theo một quy định nào nên ngoài bịt kín hệ thống chiếu sáng, thông gió, nhiều gian nhà cơi nới còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian, cảnh quan đô thị, tuổi thọ của từng khu nhà, cũng như sự an toàn của người dân sống, đi lại bên dưới.
Mất an toàn và nguy cơ "sập" cao
Một trong những gian nhà cơi nới tại Khu A, Tập thể Thanh Xuân Bắc. (Ảnh: TVH). |
Nhiều tháng nay, người dân ở các tuyến phố Lương Thế Vinh, Nguyễn Quý Đức, Vũ Hữu ở Phường Thanh Xuân Bắc (Q.Thanh Xuân) luôn phải “ôm đầu" khi ngang qua các khu vực có các dãy nhà A1, A11, B1, B7, E7... liền kề. Vì ngoài “nạn” cơi nới tràn lan, nhiều gia đình còn dùng phần diện tích cơi nới để làm bếp núc, chuồng nuôi gia súc, thậm chí cả "công trình phụ" ở trên cao. Mỗi khi sinh hoạt hay nấu nướng... do “sơ ý” nhiều hộ dân đã để cho vật dụng, phế phẩm “vô tư” rơi thẳng xuống đường.
Anh Hoàng Anh, một người dân thường xuyên đi lại trên phố Nguyễn Quý Đức, bức xúc: "Do cơ quan đóng trong khu vực này, nên hàng ngày tôi phải đi, về qua đây từ hai đến ba lần, mặc dù đã để ý, cảnh giác từ trước nhưng nhiều khi vẫn bị những gáo nước và bê tông vữa rơi thẳng vào người, rất may là chưa có hôm nào có dao, kéo, dụng cụ nấu nướng...”.
Bên cạnh đó, tình trạng cơi nới còn dẫn đến sự quá tải cho các khu chung cư. Hiểm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu những khu nhà này không may gặp phải chấn động mạnh hay thiên tai bất chợt. Mọi việc đang diễn ra như "hội" tại các khu chung cư nhưng chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng hầu như vẫn rất bình thản trước tình trạng này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Duy Tân, tổ trưởng tổ dân phố 55 Xã Đàn, Phường Nam Đồng, Quận Đống Đa cho biết: "Do bà con sống ở đây chủ yếu là những cán bộ, công nhân viên chức đã nghỉ hưu, điều kiện khó khăn, nên nhiều hộ không có điều kiện tách gia đình khi con cái lớn nên bất đắc dĩ phải cơi nới như vậy...".
Cùng ý kiến này, bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Phó Chủ tịch Phường Thanh Xuân Bắc phân trần: "Trước thực trạng này, chúng tôi cũng rất bức xúc, nhưng chỉ biết thống kê, lập báo cáo rồi gửi lên Quận, Ban quản lý nhà Hà Nội, còn quyền quản lý hay xử lý chúng tôi không có thẩm quyền..." (?)
Như vậy, do điều kiện bà con còn "khó khăn" và không thuộc "thẩm quyền" giải quyết… nên hầu hết các chính quyền sở tại đã để cho "nạn" cơi nới, đục đẽo tại các khu chung cư cứ “vô tư” diễn ra. Không biết đến khi các cơ quan, chính quyền cơ sở mới tìm được lối thóat trước thực trạng này? Số phận của những khu chung cư sẽ như thế nào?
-
Trịnh Vinh Hà
Ý kiến của bạn?