Là độc giả của nhiều tờ báo, tôi thường suy tư trước những ý tưởng do bạn đọc đưa ra. Trong những ý tưởng đó, có những ý tưởng, theo tôi, nếu được đưa vào vận dụng sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nước nhà. Xin nêu hai ví dụ :
* Chỉ cần với chi phí chưa đầy 5 tỷ VNĐ là ngành thuế đã có thể chấm dứt được cơ bản tình trạng gian lận thuế giá trị gia tăng đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay
* Khi cần giải toả đền bù, Nhà nước nên lấy sâu vào hơn hiện tại khoảng 20m và xây nhà tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi ngay trên vị trí đất mới được giải toả thêm này.
Từ cổ chí kim, chiêu hiền đãi sĩ luôn là sách lược để thu hút người tài. Từ xa xưa, các bậc minh vương nước nhà từng đã có những sách lược cụ thể để thu hút người tài dùng vào việc an dân trị quốc. Xưa là vậy và nay cũng vậy, nhân tài luôn là nguyên khí của quốc gia, chỉ hiềm một nỗi “nhân tài như lá mùa thu”.
Ít vậy đó, khan hiếm vậy đó, nhưng lá mùa thu thực ra cũng đâu có ít. Nếu biết trân trọng, nếu biết chắt lọc thì lá mùa thu cũng chẳng ít chút nào.
Xin khoan bàn về cách sử dụng người tài, mà hãy bàn về người tài.với những gì đang thấy.
Vừa qua, ở các tỉnh phía Nam, trong khi các vị giáo sư, tiến sĩ đang còn rối trí họp bàn để tìm ra cách trị bệnh rầy nâu, thì một người nông dân ở đó đã nhanh chóng tìm ra giải pháp đơn giản có thể triệt phá nhanh hiểm họa này. Ông ấy có thể được coi là người có tài. Ai đó nói thế nào tôi không biết, còn với tôi, ông ấy cũng là một người tài đáng trân trọng.
Đưa ra lập luận trên, tôi tuyệt nhiên không có ý định tiến cử người nông dân nọ vào các cấp chính quyền với kì vọng rằng ông có thể được ngồi ở một vị trí nào đó cao hơn vị trí nông dân hiện tại của ông. Như thế chưa hẳn đã là việc nên làm. Hãy cứ để ông làm công việc hàng ngày của ông và biết sử dụng, trân trọng chút tài năng hiếm hoi chợt lóe sáng trong ông như thế là đủ lắm rồi.
Tôi thường hay trăn trở với một suy nghĩ, nếu có thể tiên liệu được kết quả làm việc của những người có học hàm, học vị cao thì trong thực tế với một đời cống hiến, các vị đó đã làm cho xã hội được những gì? Và nếu có thể quy được thành tiền thì cụ thể là bao nhiêu? Liệu tính bình quân, mỗi người trong số những vị đó có mang lại lợi ích cho nước nhà được 14 tỷ VNĐ như một ông giám đốc nọ đã phải thế chấp gia sản của mình, thế chấp cả chức giám đốc hay không? Tính bình quân thì chắc không được đến thế bởi nếu được như vậy thì nước
Nói là vậy, nhưng tuyệt nhiên tôi không phải là kẻ đố kị với người tài, cũng không phải là người dị ứng với những người có học hàm, học vị cao. Tôi cho rằng việc Nhà nước trân trọng người tài là việc rất nên làm. Tuy nhiên, cũng cần tính đến một điều là người có tài, có đức thường khát khao được mang cái tài của mình ra để đóng góp cho xã hội.
Việc ở một tỉnh nọ để một ông giám đốc phải thế chấp chức vụ, tài sản của mình để có thể làm lợi cho địa phương 14 tỷ VNĐ là một minh chứng rằng địa phương đó chưa biết sử dụng người tài.
Còn nếu chúng ta quá chú trọng đến tiêu chí học hàm, học vị, tôi e rằng sẽ là lợi bất cập hại. Đã có rất nhiều minh chứng nhãn tiền đó thôi.
Báo chí từng đã chỉ ra, để có được học hàm, học vị làm bùa, chúng ta đã có không ít các cử nhân và thậm chí là người có học vị cao hơn nhưng chưa hề tốt nghiệp phổ thông.
Vậy ai mới là người có tài mà Nhà nước nên trọng dụng?
Theo thiển ý của tôi, nếu bỏ qua yếu tố bằng cấp thì người có tài và người ít tài chỉ khác nhau ở khả năng cống hiến của họ cho xã hội.
Người có tài có thể đưa ra một ngày, một năm nhiều ý tưởng hữu ích, trong khi đó người ít tài có thể cả đời chỉ có tới vài ba phát kiến là cùng. Lập luận đã nêu có thể ai cũng biết, nhưng đáng tiếc là chưa mấy ai biết tận dụng hữu hiệu thực tế này.
Là độc giả của nhiều tờ báo, tôi thường suy tư trước những ý tưởng do bạn đọc đưa ra. Trong những ý tưởng đó có những ý tưởng theo thiển ý của tôi, nếu được đưa vào vận dụng, chúng sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nước nhà.
Nhân đây, tôi cũng xin được chỉ ra hai trong số rất nhiều ý tưởng đó.
Ý tưởng thứ nhất nói về ngăn chặn tình hình gian lận trong sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng.
Tác giả đã chứng minh bằng thực nghiệm và chỉ ra rằng chỉ cần với chi phí chưa đầy 5 tỷ VNĐ là ngành thuế đã có thể chấm dứt được cơ bản tình hình gian lận thuế giá trị gia tăng đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay. Điều này cũng có nghĩa là ý tưởng có khả năng giúp cho nước nhà mỗi năm ngăn chặn hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ VNĐ tiền gian lận thuế.
Ý tưởng thứ hai nói về giải toả đền bù.
Giải phóng mặt bằng tại Ngã Tư Sở. |
Theo tác giả, khi cần giải toả đền bù, Nhà nước nên lấy sâu vào hơn như hiện tại khoảng 20m và xây nhà tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi ngay trên vị trí đất mới được giải toả thêm này.
Cũng theo tác giả, bằng cách làm này, mặt phố sẽ bớt lem nhem hơn, người dân có đất bị thu hồi đồng thuận hơn do giá đền bù sát với thực tế và cuối cùng là Nhà nước có thể tiết kiệm được tới khoảng 50% kinh phí đền bù.
Vậy là cả hai ý tưởng trên đều có thể mang ngay lại lợi ích kinh tế cho nước nhà từ hàng trăm tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng hiện nay, chúng vẫn phải đứng “trơ gan cùng tuế nguyệt”, chẳng có ai dòm ngó gì đến.
Vẫn biết mình là kẻ “chân không tới đất, cật chẳng tới trời”, các đánh giá của tôi về những ý tưởng này chưa đáng để tin cậy, vậy các nhà chuyên môn ở đâu? Các bậc hiền sĩ ở đâu? Mong các vị hãy một lời góp ý để nếu ý tưởng đã nêu là chưa chuẩn mực thì hãy chỉ ra để các ý tưởng gia hoàn thiện, bổ sung lập luận của mình hòng tìm ra giải pháp mang lại lợi ích cho đất nước nhà? Còn một khi các ý tưởng trên thực sự hữu ích, xin hãy triển khai ngay các ứng dụng kịp thời để tránh gây thêm tổn thất không đáng có.
Trót đi sâu vào hai ý tưởng này, tôi mạnh dạn nói thêm suy nghĩ. Tôi cho rằng, để có thể thai nghén và đưa ra một ý tưởng nhất định, dù đã là hoàn hảo hay chưa thì các ý tưởng gia cũng từng đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, cũng đã từng trăn trở khá nhiều. Vậy, nếu chưa thực sự “đào bới” thật kĩ mỗi ý tưởng, xin ai đó đừng vội vàng đưa ra phủ định ngay. Nếu tôi không nhầm thì nhà toán học lỗi lạc Côsi cũng đã từng nhầm lẫn mà xếp bỏ công trình toán học của Galoa vào một bên rồi đó. Còn ta, ta là ai mà có thể không nhầm?
Với tôi, người tài là thế đó. Người tài là người có thể mang lại lợi ích cho đời. Vẫn biết nhân tài như lá mùa thu, nhưng tài năng đột xuất phát sinh của muôn người thì không còn như lá mùa thu nữa.
Người tài nọ có thể như sao chiếu sáng, chút phát sinh tài năng hiếm hoi của một người thường có thể chỉ kịp loé lên như thứ ánh sáng nhỏ nhoi của một con đom đóm mà thôi. Nhưng xin thưa, nếu có thể quy tụ được những phút phát sáng hiếm hoi đó của hơn tám mươi triệu con người thì rất có thể chúng ta sẽ có được một nguồn sáng đủ mạnh để làm rạng rỡ dải đất hình chữ S thân thương mà còn chịu nhiều khốn khó này.
Trước khi quyết chí hội tụ thật nhiều lá mùa thu, mong các nhà chức trách hãy biết tận dụng những gì đã có ngay trong rừng lá mùa hè.
-
Hà Mi, Hà Nội