Khi tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông nội thị đã trở thành nguy cơ thực sự, một loạt những giải pháp được đưa ra nhưng không khả thi và thiếu triệt để. Đã đến lúc cần mở cuộc vận động “toàn dân chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT” sâu, rộng trong các tầng lớp nhân dân là giải pháp đầu tiên cho giao thông Hà Nội
Nguyên nhân chủ quan là chính
Thực ra, hiện tượng tai nạn và ùn tắc giao thông nội thị ở Hà Nội không phải trong một vài năm qua mới có. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, các điểm đen về ùn tắc giao thông đã được đánh dấu trên bản đồ giao thông thành phố như ngã tư Cầu Giấy, ngã tư Sở, ngã tư Vọng,...
Không cần đến một công trình nghiên cứu tốn kém, bất kỳ một người dân nào cũng dễ dàng nhận thấy nguyên nhân của tình trạng trên.
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng về giao thông yếu kém. Hệ thống đường sá được xây dựng từ mấy chục năm trước đã không đáp ứng được tốc độ đô thị hoá đến “chóng mặt” của thành phố. Mặt khác, nhiều tuyến phố mới được xây dựng hoặc nâng cấp một thời gian lại bị các ngành điện lực, bưu điện, truyền hình đào bới, xới lộn nên xuống cấp nhanh chóng.
Thứ hai, ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa tốt. Với người dân, việc lạng lách, lấn đường, đi xe máy trên vỉa hè,… khi lưu thông trên đường là chuyện “thường ngày”. Đặc biệt, những người thực thi pháp luật lại chính là những tấm gương xấu khi thường xuyên vi phạm pháp luật giao thông. Hình ảnh xe cảnh sát giao thông chạy ngược chiều, chạy trong phần đường dành cho xe thô sơ, đỗ bừa bãi, xe biển xanh vượt đèn đỏ,... có thể thấy ở khắp nơi.
Thứ ba, quy hoạch giao thông nội thị chưa được quan tâm đúng mức, chính quyền địa phương lúng túng trong việc phân luồng, phân tuyến. Sự thay đổi chiều hoặc hướng đi liên tục tại các đường Lê Duẩn, khu vực quanh tượng đài Lênin,… làm đảo lộn thói quen giao thông của người dân.
Khi cho phép triển khai các công trình giao thông, cơ quan có thẩm quyền cũng không tính đến hậu quả của việc thay đổi luồng, tuyến giao thông.
Chẳng hạn, lấy trục Nguyễn Trãi - Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng để phân chia hành lang Đông - Tây, có bốn đường ngang gồm Trường Chinh, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Kim Liên, Khâm Thiên và Nguyễn Thái Học. Trong khi nút Ngã Tư Sở chưa hoàn tất, Hà Nội lại cho phép thi công hầm đường bộ tại ngã tư Kim Liên đã làm giảm 50% năng lực lưu thông qua hai ngã tư này. Vì thế, ùn tắc giao thông là điều tất yếu.
Thứ tư, việc phân bố dân cư không đồng đều tạo ra các luồng giao thông ra - vào nội thị không cân đối. Hầu hết các cơ quan hành chính của thành phố, của trung ương, các trường đại học, cao đẳng, các bệnh viện và doanh nghiệp lớn đều nằm trong nội thị trong khi đa số người dân lại ở ngoại ô. Mỗi sáng, người dân từ khu vực ngoại ô đổ vào thành phố làm việc, học tập gây tình trạng tắc nghẽn, trong khi chiều ngược lại số lượng xe lưu thông không đáng kể. Khi tan tầm, luồng giao thông có chiều ngược lại và tình trạng ùn tắc tiếp tục diễn ra.
Thứ năm, các cơ quan quản lý nhà nước chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Một năm đôi lần, các cơ quan hữu quan tổ chức đợt cao điểm, nhưng hết đợt cao điểm, tình trạng lộn xộn lại đâu vào đó. Các lỗi vi phạm như đi xe lấn làn đường, đi xe trên vỉa hè,... là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông cục bộ không bị xử phạt nghiêm khắc.
Thứ sáu, sự gia tăng đột biến số lượng xe máy sau khi xe máy Trung Quốc xâm nhập thị trường Việt
Như vậy, tình trạng khủng hoảng giao thông nội thị hiện nay có những nguyên nhân khách quan nhất định, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Nguyên nhân chủ quan có thể bắt nguồn từ ý thức pháp luật của người dân chưa tốt hoặc từ sự thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương.
Đã có nhiều biện pháp không khả thi
Ý thức được nguy cơ từ tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông, các cấp chính quyền đã cố gắng đưa ra nhiều biện pháp, nhưng đa phần trong số đó lại thiếu tính khả thi
Việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân (chủ yếu là xe máy) không có cơ sở khoa học và thực tiễn.
Theo công bố năm 2004 của Sở GTCC, đến năm 2010, Hà Nội cố gắng đáp ứng 80% nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân. Trong thời điểm hiện nay, khi khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại bằng xe buýt chỉ chiếm dưới 35%, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì?
Chúng ta không thể hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nếu phương tiện giao thông công cộng chưa đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Mặt khác, không có cơ sở nào để khẳng định xe máy Trung Quốc chỉ được sử dụng 3 năm, xe máy Nhật Bản 7 năm khi cả hai đều được cơ quan đăng kiểm Việt Nam cho phép lưu hành không hạn định, còn Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính cho phép khấu hao tài sản đối với phương tiện giao thông vận tải đường bộ từ 6 đến 10 năm.
Việc cấm hoàn toàn xe máy trên các tuyến như Lê Duẩn - Giải Phóng; Kim Mã - Cầu Giấy là không phù hợp với thực tế. Hiện nay, Hà Nội có năm đường chính để vào thành phố, trong đó có hai tuyến đường trên. Các tuyến đường đó gần như là đường độc đạo. Với 3.000 lượt xe buýt/ngày trên mỗi tuyến đường, bản thân các tuyến xe buýt đó trong giờ cao điểm cũng lâm vào tình trạng quá tải. Vậy, nếu cấm xe máy trên hai tuyến đường trên trong khi xe buýt luôn trong tình trạng quá tải thì người dân từ nội thành ra ngoại ô và ngược lại sẽ đi bằng phương tiện gì?
Việc xây cầu cạn cũng tốn kém, mất mỹ quan đô thị và không phù hợp với tập quán sinh sống và kinh doanh của người Việt
Người Việt bám mặt đường để sinh sống, kinh doanh. Bởi vậy, việc qua đường mua bán, giao tiếp là chuyện thường nhật. Băng qua đường là phương án được đa số người dân lựa chọn, vừa mất ít thời gian lại đỡ phải đi xa. Cái tính “xấu xí” này của người Việt không dễ dàng thay đổi. Thế nên, cầu cạn xây xong sẽ chẳng có mấy người đi, trở thành nơi cho chim đậu hay trẻ con chơi giống như một loạt cầu nằm trên Quốc lộ 5 hiện tại.
Việc thu phí đối với phương tiện giao thông cá nhân là bất hợp lý. Cơ sở hạ tầng giao thông nội thị xuống cấp nhanh chóng phần lớn do lỗi của cơ quan quản lý chứ không phải do người dân.
Chẳng hạn, phố Chùa Bộc được hoàn thành cách đây khoảng hơn ba năm, đường phẳng và đẹp. Nhưng sau khi Sở GTCC cho phép đào đường, thì tình trạng lồi lõm trở lại.
Tương tự như vậy, đường Nguyễn Trãi nâng cấp chưa được một năm đã lại bị đào, tuyến đường dành riêng xe cho xe buýt xây dựng phía trên hệ thống hố ga và cống ngầm, xe buýt thường xuyên chở quá tới 200% trong giờ cao điểm,...
Việc quy định không cấp phép kinh doanh hành nghề taxi đối với các hãng có dưới 100 đầu xe đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân được Hiến pháp và pháp luật thừa nhận. Số tiền 30 tỷ là khá lớn đối với đa số doanh nghiệp Việt
Các biện pháp còn lại như thay đổi tần suất xe buýt, xén giải phân cách hay hè phố,... không phải là giải pháp lâu dài. Có những biện pháp, chẳng hạn như giảm 30% tần suất xe buýt tại khu vực Thanh Xuân, Đống Đa hay xén hè phố tại các điểm đỗ xe buýt còn tạo ra nguy cơ tiềm tàng cho việc quá tải xe buýt hoặc tai nạn giao thông.
Giải pháp tổng thể cần xem xét
Để giảm bớt tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông nội thị ở Hà Nội, cần phải có những giải pháp mang tính tổng thể. Các giải pháp đưa ra cần đảm bảo hài hoà giữa hiệu quả trước mắt và lợi ích lâu dài. Các biện pháp đó cần được xây dựng trên quan điểm vì lợi ích của người dân.
Theo chúng tôi, Hà Nội nên tập trung vào các giải pháp sau đây:
1. Mở cuộc vận động “toàn dân chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ” sâu, rộng trong các tầng lớp nhân dân
Cuộc vận động sẽ tập trung vào bốn nội dung lớn: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hậu quả của vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ qua các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với cán bộ, công chức, người lao động, học sinh và người dân đang học tập, làm việc và sinh sống tại thành phố; Tổ chức cuộc thi tìm hiểu “pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ” với trọng tâm là trật tự, an toàn giao thông đô thị; Sử dụng chế tài của quy phạm đạo đức, nghề nghiệp để điều chỉnh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Để chế tài được thực thi trên thực tế, cần có các biện pháp cụ thể: Công khai hoá việc xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Thiết lập website công khai hồ sơ xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có lưu trữ dữ liệu của tất cả vi phạm đã bị xử lý trong thời hạn một năm. Khi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, người vi phạm phải mang biên bản về lấy xác nhận tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và bị ghi vào lý lịch tư pháp. Khi nào có xác nhận đầy đủ của chính quyền địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, cơ quan thụ lý vụ việc mới giải quyết theo thẩm quyền luật định.
2. Tăng cường xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, ATGT đường bộ
Việc xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ có tác dụng quan trọng đối với việc giáo dục ý thức chấp hành của người dân.
Trước hết, các cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng ứng trực và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; không cần tổ chức ra quân hay các đợt xử lý cao điểm mà ngày nào cũng phải kiểm tra và xử lý vi phạm; cần kiểm tra và xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sĩ thực hiện không đúng quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; loại ngũ tất cả những đối tượng nhận tiền hối lộ khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông như đi lấn phần đường, làn đường, đi xe lên vỉa hè, quay đầu xe ở nơi có biển cấm,... Cần xử lý những hành vi pháp luật có quy định nhưng chúng ta chưa hoặc ít xử lý xử lý: Đi bộ không đúng phần đường quy định; Đưa tiền cho người thi hành công vụ…
3. Sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự, ATGT đường bộ
Hiện nay, khung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa phù hợp, không đủ răn đe, phòng ngừa đối với người tham gia giao thông. Chính vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 152/2005/NĐ-CP theo hướng tăng mức phạt đối với các hành vi: Điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe; Đi bộ không đúng phần đường quy định; Chở người vượt quá số lượng người cho phép; Đi lấn làn đường, đi xe lên vỉa hè; Đỗ xe, quay đầu xe ở nơi có biển cấm; Đi vào đường cấm, đường một chiều...
Cần xem xét áp dụng hình phạt tạm giam từ 1 ngày đến 15 ngày theo thủ tục xét xử rút gọn đối với các lỗi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cao như: Sử dụng rượu, bia, thuốc kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách trên phố; chạy quá tốc độ cho phép tới trên 30%; đưa vào lưu thông phương tiện không đảm bảo an toàn; chở quá số lượng người cho phép;... và phạt phạt tiền bổ sung.
Cần bổ sung hành vi “giao phương tiện giao thông đường bộ cho người không có giấy phép lái xe hoặc không đủ điều kiện khác điều khiển” áp dụng đối với phụ huynh cho phép học sinh phổ thông đi xe máy đến trường song song với việc xử phạt các em vi phạm.
4. Tổ chức lại giao thông nội thị
Nghiên cứu việc tổ chức lại giao thông nội thị Hà Nội. Cần xem xét kỹ mật độ giao thông, lưu lượng xe và các đường phụ của từng khu vực để đưa ra phương án phân luồng hợp lý, không tạo ra nút thắt về giao thông. Thực hiện triệt để việc phân làn đường dành cho ôtô và xe máy ở tất cả các tuyến đường trong thành phố. Các tuyến đường có chiều ngang dưới 10m chỉ để tối đa 2 làn xe ô tô lưu thông. Điều chỉnh lại các nút giao thông mở ngang như tại cổng Học viện Ngân hàng, cây xăng
5. Nâng cao năng lực vận tải của các phương tiện giao thông công cộng
Hiện tại, xe buýt mới chỉ đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu đi lại của người dân. Trong những giờ cao điểm, hầu hết các tuyến xe buýt đều chở quá tải đến 200%, chở gấp đôi số lượng người cho phép. Thời gian chờ xe buýt khá lâu nên người dân mất quá nhiều thời gian cho việc đi lại. Nhưng về buổi đêm, tất cả các tuyến xe buýt đều dừng hoạt động.
Muốn người dân tự nguyện từ bỏ phương tiện cá nhân của mình, giao thông công cộng thực sự phải thuận tiện và thoải mái. Thành phố cần có chế độ ưu đãi đầu tư thoả đáng đối với lĩnh vực kinh doanh này để thu hút các nhà đầu tư. Cần phải bố trí số lượng xe buýt hợp lý chạy ban đêm tại một số tuyến phố chính nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng cần thường xuyên tổ chức giáo dục, kiểm tra, sát hạch đội ngũ lái xe để loại bỏ những người không đủ sức khoẻ, ý thức tôn trọng pháp luật để xe buýt không còn là “hung thần” đường phố như báo chí nhiều lần phản ánh.
6. Nâng cao năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông nội thị
Chính quyền các cấp cần chú trọng đến cải tạo hạ tầng giao thông nội thị. Đây là việc làm căn bản để nâng cao năng lực của hệ thống giao thông. Những điểm đen về ùn tắc giao thông cần được tập trung về nhân lực, vật lực để giải quyết triệt để. Việc tổ chức đầu tư phải tuyên truyền rộng rãi trong dân, công khai triệt để và để các cơ quan dân cử và nhân dân cùng giám sát.
Nghiên cứu kỹ về nguồn gốc đất, về lưu lượng xe để ưu tiên mở rộng đường đối với một số tuyến đường quan trọng. Chẳng hạn, đường Lê Duẩn đoạn từ cửa ga Hà Nội đến Khâm Thiên có thể mở rộng bởi đất do ngành đường sắt quản lý, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng thấp.
Nghiêm cấm mọi hành vi đào đường trong thời hạn 5 năm đối với các tuyến đường mới nâng cấp hoặc làm mới. Trong cùng một tuyến đường, khoảng cách giữa lần đào đường trước và sau tối thiểu là 3 năm.
7. Di chuyển các trường học, cơ quan nhà nước, bệnh viện và doanh nghiệp ra khỏi nội thị
Việc di chuyển các trường đại học, cao đẳng, cơ quan nhà nước, bệnh viện và các doanh nghiệp lớn ra khỏi Hà Nội không chỉ phân bố lại dân cư, tạo lại luồng giao thông, giảm lượng phương tiện giao thông nội thị mà còn tạo điều kiện tốt hơn cho người dân trong các lĩnh vực học tập, khám chữa bệnh và tiếp cận cơ quan nhà nước. Đặc biệt, việc di chuyển này tạo điều kiện tốt cho chúng ta quy hoạch lại thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.
Đối với các trường đại học: Cần di chuyển các trường đại học đang nằm trong nội thị như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Văn hoá, Đại học Y,... ra khu vực ngoại ô hoặc xa hơn nữa về phía Hoà Lạc. Với việc xây dựng mới, các trường sẽ có cơ sở vật chất khang trang hơn, môi trường đào tạo phù hợp và gỡ bỏ những khó khăn cho sinh viên trong việc tìm kiếm nhà trọ khi vào năm học.
Đối với các cơ quan nhà nước: Xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia đặt trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương; Xây dựng Trung tâm hành chính Hà Nội nơi đặt trụ sở UBND và các sở, ban, ngành của thủ đô ở khu vực ngoại ô. Việc tập trung các cơ quan hành chính cùng cấp về một khu vực sẽ thuận tiện hơn cho người dân, doanh nghiệp khi tới làm việc, đồng thời việc phối hợp công tác giữa các cơ quan với nhau cũng thuận tiện hơn. Việc di chuyển các cơ quan trên ra ngoài sẽ kéo theo một lượng lớn xe của CBCNV đang làm việc và xe tới liên hệ công tác ra khu vực ngoại vi thành phố.
Tương tự như vậy, việc di chuyển bệnh viện và các doanh nghiệp lớn ra khỏi nội thị cũng có tác dụng nhiều mặt, trong đó có việc giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trong nội thị.
Kinh phí chủ yếu cho việc di chuyển đó được lấy từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất mà trụ sở mà hiện nay trường học, cơ quan, bệnh viện hoặc doanh nghiệp đó đang đóng trụ sở. Nếu có phải bù đắp kinh phí, thì số tiền bù đắp sẽ ít hơn nhiều so với việc đền bù giải phóng mặt bằng khi chúng ta mở một con đường mới.
Cũng cần nhấn mạnh rằng các biện pháp trên chỉ có hiệu quả nếu được áp dụng một cách đồng bộ. Nếu chỉ chú ý đến các hiệu quả trước mắt mà không tính đến lợi ích lâu dài, thì mọi biện pháp, nếu có thực thi cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
-
Bùi Văn Kiên, Hà Nội
-
Bạn có ý kiến đề xuất gì về vấn đề này?
-